Cách xưng tội cho người lớn

Cách xưng tội cho người lớn

Điều kiện thiết yếu cho một lần xưng tội tốt là có ước muốn trở về với Thiên Chúa giống như “người con hoang đàng”, đồng thời, nhận ra tội lỗi của bản thân với lòng ăn năn sám hối trước cha giải tội.

Chuẩn bị tâm hồn

Trước hết, hãy cầu xin Thiên Chúa ban ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần để có thể xét mình một cách tốt đẹp. Trong tâm tình cầu nguyện, hãy xem xét lại tất cả những hành vi của mình dưới ánh sáng của Mười Điều Răn và gương Chúa Kitô. Những câu hỏi dưới đây nhằm gợi ý và trợ giúp thực hiện một việc xét mình cẩn trọng.

Hướng dẫn xưng tội

Hãy xưng thú với linh mục một cách cụ thể những tội mà mình đã phạm, nếu được, tốt nhất nên nói rõ số lần phạm tội kể từ lần xưng tội trước. Tránh xưng tội một cách chung chung, cũng như tránh kể lể dài dòng, nhất là kể về người khác như để bào chữa cho mình.

Tội là lời nói, việc làm hoặc ước muốn trái với luật Chúa dạy, là xúc phạm đến Chúa, làm hại chính mình và người khác. Có hai thứ tội là tội trọng và tội nhẹ. Tội trọng là cố tình phạm những điều quan trọng trong Luật Thiên Chúa khi đã kịp suy. Tội trọng làm ta mất tình nghĩa với Chúa.

Tội nhẹ là phạm những điều luật nhẹ hoặc một điều quan trọng nhưng chưa kịp suy hay chưa hoàn toàn ưng thuận. Tội nhẹ làm ta bớt lòng mến Chúa và nghiêng chiều về đàng xấu.

Buộc phải xưng những tội trọng, vì những tội nhẹ đã được tha nhờ các việc lành phúc đức, những hy sinh, cầu nguyện, và các việc đạo đức khác. Tuy nhiên, sẽ rất hữu ích khi xưng thú cả các tội nhẹ, vì nó sẽ giúp ta xa tránh tội lỗi và thăng tiến trên con đường thánh thiện.

Cách xưng tội cho người lớn

Hãy nói cho linh mục giải tội biết bậc sống của mình: có gia đình hay độc thân, hay tu sĩ,…

Tội lỗi trong cuộc sống của tôi

Xã hội hiện đại đang đánh mất đi cảm thức về tội. Là một Kitô hữu, tôi nỗ lực nhận ra tội lỗi của mình trong những hành động, lời nói và thiếu sót hàng ngày.

Các Tin Mừng cho thấy tầm quan trọng của ơn tha thứ. Cuộc sống của các thánh chứng minh rằng những ai được lớn lên trong sự thánh thiện đều có cảm thức mạnh mẽ về tội, đau khổ vì tội lỗi, và có một nhu cầu cấp thiết đối với Bí tích Hòa Giải.

Những khác biệt trong tội lỗi

Như một hệ quả của Tội Nguyên tổ, bản chất con người là yếu đuối. Bằng sự thông phần vào đời sống ân sủng trong Chúa Kitô, Bí tích Rửa Tội đã tẩy rửa Nguyên Tội, và đưa con người trở về cùng Thiên Chúa. Nhưng những hậu quả của sự yếu đuối và những nghiêng chiều về tội lỗi vẫn tồn tại, nên con người thường phạm tội hoặc sai lỗi.

Tội (thành sự) là tội mà mỗi người phạm phải. Có hai loại tội, tội trọng và tội nhẹ.

Tội trọng là tội cương quyết chống lại Thiên Chúa. Nó phá hủy đời sống ân sủng của linh hồn. Ba điều kiện đồng thời để suy xét tội trọng: 1) hành động rất nghiêm trọng; 2) người đó có hiểu biết đầy đủ về những gì đang được thực hiện; 3) người đó có tự do của ý muốn ưng thuận.

Hãy nhớ

Nếu bạn cần sự giúp đỡ, đặc biệt nếu bạn quên tiến trình xưng tội, bạn có thể nhờ cha giải tội; ngài sẽ giúp bạn “đi lại từng bước” để bạn có thể xưng tội tốt hơn.

Trước khi xưng tội

Hãy thật lòng sám hối vì tội lỗi của bản thân. Hành vi quan trọng của việc ăn năn tội của hối nhân hệ tại ở sự thống hối, quyết tâm từ bỏ dứt khoát những tội đã phạm cùng quyết tâm không tái phạm nữa. Việc quyết tâm không tái phạm là một dấu hiệu khả tín cho việc ăn năn sám hối chân thực. Điều này không có nghĩa là khi đã hứa không tái phạm tội thì bản thân sẽ không bao giờ tái phạm. Nhưng sự quyết tâm ấy nhắc nhớ bản thân tránh những dịp tội và để giục lòng sám hối. Chính ân sủng của Thiên Chúa cùng với ý hướng cải thiện bản thân sẽ cho bạn sức mạnh để chống lại và vượt qua những cám dỗ trong tương lai.

Cách xưng tội cho người lớn

Cách xưng tội và xét mình

Xét Mình

Trước khi xưng tội, hối nhân duyệt xét lại các tội trọng và tội nhẹ từ lần xưng tội trước và bày tỏ lòng ăn năn sám hối vì những tội lỗi ấy, giục lòng chê ghét tội và kiên quyết không tái phạm nữa.

Một cách xét mình hữu ích là dựa vào các Điều Răn của Thiên Chúa và các Giáo huấn của Giáo Hội:

  1. Thiên Chúa và sự thánh thiện của Ngài có phải là cùng đích của đời tôi? Tôi có từ chối đức tin không? Tôi có đặt niềm tin vào những giáo huấn sai lạc hoặc tôn thờ ai/điều gì khác ngoài Thiên Chúa? Tôi đã tỏ ra thất vọng về Lòng thương xót của Thiên Chúa?
  2. Tôi có sử dụng danh Chúa một cách bất xứng? Tôi đã từng phá vỡ lời hứa hoặc lời khấn?
  3. Tôi có tôn kính ngày Chúa Nhật bằng việc nghỉ làm những việc không cần thiết, tham dự Thánh Lễ (cũng như các Ngày Thánh) không? Tôi có xao lãng hoặc đi Lễ muộn, về sớm vì những lý do không cần thiết? Tôi đã bỏ cầu nguyện trong một thời gian dài?
  4. Cùng với việc tôn thờ Thiên Chúa, tôi có kính trọng cha mẹ, tôn trọng vợ/chồng, các thành viên trong gia đình và những người có thẩm quyền hợp pháp không? Tôi có chú trọng giáo dục và huấn luyện con cái không?
  5. Tôi có chăm sóc sức khỏe và sự an toàn của bản thân cũng như của những người khác không? Tôi có lạm dụng ma túy hoặc rượu bia không? Tôi có cộng tác vào việc phá thai, “an tử” hoặc tự tử không?
  6. Tôi có nôn nóng, tức giận, đố kỵ, kiêu căng, ghen tương, hằn thù, và lười biếng không? Tôi có tha thứ cho người khác không?
  7. Tôi có phải là người có trách nhiệm đối với bề trên/ông chủ và bề dưới/nhân viên của tôi không? Tôi có phân biệt đối xử với người khác vì sắc tộc hay những lý do khác không?
  8. Tôi có giữ sự trong sáng trong tư tưởng và lời nói không? Tôi có quan hệ tính dục ngoài mục đích của hôn nhân hợp pháp không? Tôi có tự mình thỏa mãn tính dục không? Tôi có xem những chương trình Tivi, tranh ảnh và sách báo không lành mạnh?
  9. Tôi có lấy cắp của ai, từ người làm công hay từ cấp trên? Nếu có, tôi có sẵn sàng trả lại không? Tôi đã hoàn thành đúng những bản hợp đồng/ những gì tôi cam kết? Tôi có đánh bạc, và phung phá tài sản của gia đình?
  10. Tôi có nói xấu người khác không? Tôi có luôn nói sự thật không? Tôi có giữ bí mật và tôi có phải là người đáng tin cậy?
  11. Tôi có thỏa hiệp với những tư tưởng tính dục với người mà tôi không kết hôn không?
  12. Tôi có ham muốn những gì thuộc quyền sở hữu của người khác không? Tôi có mong những điều tồi tệ cho người khác không?
  13. Tôi có trung tín với sự sống động của các Bí tích không?
  14. Tôi có giúp cộng đoàn/giáo xứ của tôi thêm vững mạnh và thánh thiện hơn không? Tôi có đóng góp, xây dựng và bảo vệ Giáo Hội không?
  15. Tôi có giữ chay những ngày Hội Thánh buộc để tỏ lòng sám hối không? Tôi có giữ chay trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể không?
  16. Tôi có lưu tâm đến những người nghèo không? Tôi có đón nhận Thánh Ý Chúa trong cuộc đời không?

Trong thời gian xưng tội

Sau khi xét mình và giục lòng ăn năn tội trước Thiên Chúa, bạn hãy đến tòa giải tội. Bạn có thể quỳ trước tòa giải tội hoặc ngồi xưng thú trực tiếp với cha giải tội.

Bạn bắt đầu xưng tội bằng việc làm dấu Thánh Giá: “Nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Con đã xưng tội từ …. tuần (tháng, năm).”

Cha giải tội có thể đọc đoạn trích Lời Chúa nào đó.

Bạn phải xưng tất cả những tội trọng đã phạm. Bạn cũng nên xưng các tội nhẹ, đặc biệt những tội thường hay vấp phạm, hoặc những tội ngại xưng nhất. Sau khi thú nhận tội lỗi bạn nhớ từ lần xưng tội trước, bạn có thể nói: “Con xin lỗi vì tất cả những tội con đã phạm trong cuộc sống của con.” Sau đó, bạn lắng nghe những lời khuyên của cha giải tội. Ngài sẽ trao cho bạn việc đền tội nào đó. Việc đền tội như một hình thức đền bù cho những tội đã được tha thứ.

Bạn có thể dâng một lời nguyện để diễn tả sự ăn năn sám hối như:

Một hành động của sự sám hối

Lạy Thiên Chúa của con! Con thực lòng xin lỗi vì đã xúc phạm đến Ngài. Con thực lòng chê ghét mọi tội lỗi của con. Con sợ đánh mất Thiên Đàng, và con sợ rơi vào hỏa ngục. Hơn hết, con sợ xúc phạm đến chính Ngài, lạy Thiên Chúa, Đấng tốt lành, Đấng xứng đáng nhận lấy trọn cả tình yêu của con. Nhờ ân sủng Chúa, con quyết tâm xưng thú những tội lỗi của con; con thực lòng sám hối và quyết tâm sửa đổi cuộc sống của con. Amen!

Cuối cuộc xưng tội

Lắng nghe những lời xá giải của cha giải tội. Kết lời xá giải, bạn cùng làm dấu thánh giá với cha: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen”.

Sau khi xưng tội

Cảm tạ Chúa vì Ngài đã tha tội cho bạn. Nếu bạn nhớ lại, bạn còn một số tội chưa xưng, hãy yên tâm rằng những tội ấy đã được tha cùng với những tội khác. Và nếu được, bàn có thể xưng những tội ấy trong lần xưng tội kế tiếp.

Thực hiện việc đền tội đã được chỉ định

Là người Công giáo, chúng ta may mắn có Bí tích Hòa Giải và quyết tâm năng lãnh nhận Bí tích này. Đây là một phương thế giúp xóa bỏ những tội lỗi. Đồng thời, đây cũng là một Bí tích trợ lực mạnh mẽ giúp loại bỏ những yếu đuối, để mỗi người lớn lên trong ân sủng, và để sống một cuộc sống quân bình và đức hạnh.

“Luôn nhớ mình đớn hèn, tội lỗi, nhưng không phải run sợ mà trái lại càng tội lỗi, càng phải khăng khít với Chúa, càng phải tin tưởng lại gần Chúa hơn, vì chỉ có Người mới chữa được sự bất xứng của con, vì sự khốn cùng của con là ngai cho lòng nhân từ và thương xót của Chúa ngự.” – Chân phước Gioan XXIII

Cách xét mình khi xưng tội

Xét mình theo Mười Điều Răn là một trong những phương thế ích lợi nhất trong việc chuẩn bị xưng tội của người Công Giáo qua nhiều thế kỷ. Trong tâm tình cầu nguyện, các hối nhân được khuyến khích dựa trên những Điều răn này để suy xét các hành vi của mình.

Điều Răn I

“Ta là Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,2-3).

▪ Tôi có thực sự yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự không? Hoặc tôi có đặt những thứ khác – chẳng hạn như: công việc, tiền bạc, ma túy, truyền hình, danh vọng, lạc thú, hay người nào đó – trên Thiên Chúa không?

▪ Tôi có dành thời gian cầu nguyện với Chúa mỗi ngày không?

▪ Tôi có hành động ngược lại với đức tin, không hoàn toàn tin tưởng và Chúa bằng việc tham gia vào những điều huyền bí, ma thuật, cầu cơ, bói toán, đồng cốt, bùa ngải, xem giờ, ngày lành tháng tốt… hoặc qua việc đọc, xem, hay chơi những trò trái ngược với đức tin và luân lý không?

▪ Tôi có hoàn toàn đón nhận và làm theo thánh ý Thiên Chúa, hay tôi chỉ chọn và tuân giữ những phần “dễ chịu” trong giáo huấn của Người? Tôi có cố gắng trau dồi sự hiểu biết về đức tin của tôi, hay là tôi thờ ơ không chịu tìm hiểu các chân lý mà Chúa đã dạy?

▪ Tôi có cố ý nghi ngờ hoặc chối bỏ các chân lý mạc khải, mà trở thành rối đạo, bỏ đạo, hoặc ly khai khỏi Hội Thánh không? Tôi có sẵn sàng xác quyết, bảo vệ, và thực hành đức tin của tôi nơi công cộng chứ không phải chỉ ở nơi riêng tư không?

▪ Tôi có tuyệt vọng hoặc nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa không?

Điều Răn II

“Ngươi không được dùng Danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng” (Xh 20,7).

▪ Tôi có yêu mến và tôn kính Danh Thánh Thiên Chúa không?

▪ Tôi có lấy Danh Chúa để làm chứng cho tội ác như thề gian, bội thề không?

▪ Tôi có báng bổ, nguyền rủa Thiên Chúa, hoặc kêu tên Người một cách bất kính không?

▪ Tôi có cố gắng hết sức thực hiện những lời đã hứa và những lời đã cam kết với Chúa, đặc biệt là những lời hứa khi chịu phép Rửa Tội và Thêm Sức không?

▪ Tôi có xúc phạm, báng bổ hay thiếu tôn trọng Đức Mẹ Maria, các thánh, Giáo Hội, những người đã được thánh hiến, nơi thánh và những đồ vật thánh không?

Điều Răn III

“Ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh” (Xh 20,8).

▪ Tôi có bỏ lễ Chúa Nhật hoặc ngày lễ buộc mà không có lý do chính đáng (bị ốm, trông người ốm, không thể tìm ra nhà thờ..) không?

▪ Tôi có tham dự Thánh Lễ cách tích cực và ý thức, hay chỉ tham dự một cách máy móc cho qua?

▪ Tôi có chú tâm đầy đủ vào Lời Chúa không, hay dễ dàng để cho mình bị chia trí?

▪ Khi đi tham dự Thánh lễ tôi có cố ý đi trễ về sớm mà không có lý do chính đáng không?

▪ Tôi có giữ chay đủ một giờ trước khi chịu lễ không?

▪ Tôi có rước lễ trong tình trạng có tội trọng không?

▪ Tôi ý thức Chúa Nhật là ngày của Chúa để thờ phượng Chúa, dành tình yêu thương cho gia đình và cho người nghèo khó hay chỉ là “ngày nghỉ cuối tuần”?

Điều Răn IV

“Ngươi hãy thảo kính cha mẹ” (Xh 20,12).

▪ Tôi có bỏ bê bổn phận đối với vợ (chồng) con, với cha mẹ, anh chị em ruột không?

▪ Tôi có vô ơn đối với sự hy sinh mà cha mẹ đã dành cho tôi không?

▪ Tôi có vô lễ với cha mẹ, đối xử tồi tệ với các ngài, hoặc phản ứng lại cách kiêu ngạo khi các ngài sửa dạy tôi không?

▪ Tôi có gây ra sự căng thẳng và cãi vã trong gia đình tôi không?

▪ Tôi có chăm sóc cho những người họ hàng đã cao tuổi và yếu đau không?

▪ Tôi có để ý giáo dục con cái theo giáo lý Kitô Giáo, đôn đốc chúng đi nhà thờ, tham dự Thánh Lễ, đi học giáo lý… không? Tôi có nêu gương sáng cho con cái bằng các nhân đức, hay tôi lại gây ra gương mù gương xấu cho chúng bằng những thiếu sót của tôi?

▪ Khi kỷ luật con cái, tôi có làm trong tình yêu thương và sự khôn ngoan không?

▪ Tôi có khuyến khích con cái cầu nguyện để chúng hiểu được tại sao Thiên Chúa đã dựng nên chúng, cũng như để có thể nhận ra xem chúng có ơn gọi làm linh mục hoặc tu sỹ hay không?

▪ Tôi có kính trọng và vâng lời các vị lãnh đạo Giáo hội và các vị bề trên hợp pháp không?

▪ Tôi có xúi bẩy ai chống đối Giáo hội và các vị bề trên không?

Cách xưng tội cho người lớn

Điều Răn V

“Ngươi không được giết người” (Xh 20,13).

▪ Tôi có cố ý giết người hoặc cố tình hại thân thể của ai không?

▪ Tôi có cố tình tự tử hoặc nuôi ý định tự tử, hay cộng tác vào việc ấy không?

▪ Tôi có phá thai, hay khuyên bảo hoặc giúp đỡ người khác phá thai không? Tôi có tham gia vào việc phá thai trực tiếp hoặc gián tiếp (qua sự im lặng, hỗ trợ tài chính cho người phá thai hoặc cho các tổ chức ủng hộ phá thai) không?

▪ Tôi có tham dự vào việc thụ thai nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào tử cung hay thụ thai trong ống nghiệm không? Tôi có tham dự vào việc chuẩn đoán bào thai với ý định phá thai nếu kết quả không được như ý không? Tôi có đặt vòng xoắn hay uống thuốc để giết thai non không? (Chú ý: Những ai cố ý phá thai hay cố ý tham gia trực tiếp vào việc phá thai dù đã biết mình sẽ bị rút phép thông công ra khỏi Hội Thánh bởi tội ác này, thì đều bị vạ tuyệt thông. Trong TGP Hà Nội, thường chỉ các cha xứ mới được Đức Giám Mục ban quyền giải vạ này).

▪ Tôi có tham gia, hoặc ủng hộ làm “chết êm dịu” những bệnh nhân nan y hay ở trong tình trạng cuối đời (an tử, trợ tử) không?

▪ Tôi có lạm dụng con cái hoặc người khác bằng bất cứ hình thức nào không?

▪ Tôi có tự ý cắt bỏ hoặc làm hại tới thân thể mình không? Tôi có triệt sản không?

▪ Tôi sinh lòng thù hận, có ý định trả thù hoặc không tha thứ cho người khác không?

▪ Tôi có điều khiển phương tiện giao thông cách cẩu thả khiến mạng sống của tôi và của người khác ở vào tình trạng nguy hiểm không?

▪ Tôi cố tình làm hại sức khỏe của mình không?

▪ Tôi có gây gương mù gương xấu qua việc lạm dụng ma túy, sử dụng rượu bia, thuốc lá….quá độ, và đánh chửi nhau không?

▪ Tôi có hay quá giận dữ hoặc mất bình tĩnh hay đánh đập người khác không?

▪ Tôi có sản xuất, cộng tác sản xuất hay bán hàng giả, thuốc men giả hay sử dụng chất độc hại vào các thực phẩm hoặc sản phẩm làm hại đến sức khỏe hay mạng sống người khác không?

▪ Tôi có tôn trọng nhân phẩm của người khác không? Tôi có ức hiếp hay đàn áp người khác không? Tôi có giúp đỡ người khác đang lâm cảnh quẫn bách khi tôi có thể không?

Điều Răn VI và IX

“Người không được ngoại tình” (Xh 20,14).

“Ngươi không được ham muốn vợ người ta” (Xh 20,17).

▪ Tôi có nhớ rằng thân thể của tôi là đền thờ Chúa Thánh Thần không?

▪ Tôi có vui thích ấp ủ những tư tưởng và những ước muốn dâm ô không?

▪ Tôi có chủ ý xem phim, ảnh, sách, báo, trang mạng,… khiêu dâm không?

▪ Tôi có nói những lời thô tục hoặc ám chỉ ý xấu và phổ biến phim ảnh, sách báo khiêu dâm không?

▪ Tôi có thực hiện hành vi lỗi đức khiết tịnh với chính mình (thủ dâm) hoặc với những người khác như ngoại tình (quan hệ tình dục với một người đã kết hôn), gian dâm (quan hệ tình dục trước hôn nhân) hoặc quan hệ tình dục đồng giới không?

▪ Tôi có lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên không?

▪ Tôi có chung thủy với vợ/chồng trong tư tưởng và trong hành động không?

▪ Tôi có phạm tội thông qua việc sử dụng các biện pháp ngừa thai trái với chu kỳ tự nhiên, triệt sản hoặc thụ tinh nhân tạo không?

▪ Tôi có đụng chạm hoặc ôm hôn người khác một cách dâm đãng khi chưa lập gia đình với họ không? Tôi có đối xử với những người khác, trong hành động hay suy nghĩ, như những đồ vật không?

▪ Tôi có gây dịp tội cho người khác bằng hành động tục tĩu hoặc ăn mặc hở hang không?

▪ Tôi có kết hôn theo đúng luật của Giáo Hội không?

▪ Tôi có khuyến khích hay tổ chức cho người có đạo kết hôn không theo luật Giáo Hội không?

Điều Răn VII và X

“Ngươi không được trộm cắp” (Xh 20,15).

“Ngươi không được ham muốn của cải của người ta” (Xh 20,17).

▪ Tôi có tham lam hay thèm khát của cải của người khác không?

▪ Tôi có chiếm đoạt tài sản của người khác? Tôi có gắn bó quá đáng với những của cải thế gian không?

▪ Tôi có trộm cắp, lừa đảo, tiếp tay hay khuyến khích người khác trộm cắp hoặc cầm giữ của ăn trộm không? Tôi có đón nhận đồ trộm cắp không? Tôi có hoàn trả lại hay bồi thường những của đã trộm cắp không?

▪ Tôi có làm thiệt hại tài sản của người khác mà không nhận trách nhiệm và không đền bù thiệt hại đó không?

▪ Tôi có quỵt nợ hay gian lận không?

▪ Tôi có lừa đảo người khác không? Tôi có làm việc xứng với tiền lương người ta trả cho tôi không? Tôi có trả lương công bằng cho những người làm việc cho tôi không? Tôi có giữ đúng lời hứa và hợp đồng (giao kèo) đã ký kết không? Tôi có đút lót, hối lộ hay nhận của đút lót, hối lộ không?

▪ Tôi có tôn trọng quyền con người không? Tôi có chăm lo để chu toàn bổn phận của tôi với Thiên Chúa và gia đình không?

▪ Tôi có lấy tiền dành cho cuộc sống của gia đình để bài bạc không? Tôi có đánh bạc với số tiền lớn vì tham lam hoặc để thỏa thích thay vì dùng tiền bạc để giúp đỡ người nghèo không?

▪ Tôi có quảng đại chia sẻ của cải với những người nghèo khó không?

▪ Tôi có quảng đại phục vụ Giáo Hội không? Tôi có đóng góp thời gian, tài năng, và của cải cho công việc tông đồ và bác ái của Giáo Hội và cho hoạt động của giáo xứ tôi không?

▪ Tôi có làm hại đến môi trường vứt rác bừa bãi và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cách vô tội vạ không?

Điều Răn VIII

“Ngươi không được làm chứng gian hại người” (Xh 20,16).

▪ Tôi có nói dối không? Điều tôi nói dối có gây hại đến tinh thần hay của cải của người khác không?

▪ Tôi có bịa chuyện vu khống cáo gian người khác không?

▪ Tôi có làm hại đến danh dự người khác bằng lời chứng dối hay tiết lộ với ác tâm các lỗi lầm hay tội lỗi của họ không?

▪ Tôi có thề gian không? Tôi có từ chối làm chứng cho sự vô tội của người khác chỉ vì sợ hãi hay ích kỷ không?

▪ Tôi có tham gia tán chuyện hay chỉ trích người khác không?

▪ Tôi có làm cho gương mù gương xấu cho người khác không?

▪ Tôi có phạm tội lừa đảo dưới bất kỳ hình thức nào không?

▪ Tôi có sỉ nhục hay trêu chọc người khác với ý định làm hại họ không?

▪ Tôi có nịnh hót, tâng bốc, xu nịnh người khác nhằm thủ lợi bất chính không?

▪ Tôi có xét đoán hồ đồ, nói xấu, và bôi nhọ người khác không?

▪ Tôi có tiết lộ bí mật mà tôi có bổn phận phải giữ không?

Cách xưng tội cho người lớn

Những Tội Khác

▪ Tôi có cố ý che giấu không xưng những tội trọng trong lần xưng tội trước không?

▪ Tôi có chu toàn bổn phận xưng tội và rước lễ ít là một lần trong Mùa Phục Sinh không?

▪ Tôi có giữ chay vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh không?

Xưng tội và đền tội

Hối nhân vào tòa giải tội và linh mục giải tội bắt đầu bằng dấu thánh giá và cùng đọc: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Linh mục giải tội kêu mời hối nhân đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa bằng những lời như sau (hoặc những lời tương tự):

Xin Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn con (OBACE) để con xưng thú tội lỗi với lòng thống hối chân thành.

Hối nhân thưa: Amen.

Sau đó hối nhân bắt đầu nói:

Thưa cha, xin cha giải tội cho con vì con là kẻ có tội. Con đã xưng tội cách đây… (nói rõ số thời gian [mấy tuần hoặc mấy tháng, mấy năm] kể từ lần xưng tội trước đến lần xưng tội này).

Sau đó hối nhân lần lượt kể ra các tội mình đã phạm. Để việc xưng thú có hiệu lực, hối nhân phải kể hết những tội trọng mà mình đã phạm cách ý thức kể từ lần xưng tội trước, hối hận vì những tội ấy, và phải có ý quyết tâm chừa cải, cố gắng không phạm những tội đó nữa.

Sau khi kể tội xong, linh mục giải tội khuyên giải hối nhân và ra việc đền tội. Sau đó ngài kêu mời hối nhân bày tỏ lòng ăn năn sám hối. Hối nhân có thể bày tỏ lòng thống hối bằng cách đọc để linh mục nghe được một trong những mẫu dưới đây (hãy đọc mẫu vắn tắt A khi có nhiều người xưng tội):

A. Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi (Lc 18,13).

B. Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy (Tv 50,3-4).

C. Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

Sau đó hối nhân cúi đầu nghe linh mục đọc lời xá giải như sau (lời tha tội này rất cần thiết để được khỏi tội, nếu hối nhân rời khỏi tòa trước khi linh mục đọc lời tha tội thì hối nhân sẽ không được khỏi tội):

“Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an, VẬY CHA THA TỘI CHO CON NHÂN DANH CHA VÀ CON + VÀ THÁNH THẦN”.

Hối nhân làm dấu thánh giá (khi linh mục giải tội đọc: Nhân danh Cha và Con…) rồi thưa: AMEN.

Linh mục tiếp tục: Hãy cảm tạ Chúa, vì Người nhân từ

Hối nhân: Vì lòng từ bi của Người tồn tại muôn đời.

Linh mục: Chúa đã tha tội cho con, hãy ra về bình an.

Hối nhân: Tạ ơn Chúa. Cám ơn cha.

Hãy nhớ làm việc đền tội ngay hay sớm nhất để sửa lại những thiệt hại đã gây ra bởi tội hay để chữa lành vết thương tội lỗi và tập đi đàng nhân đức.

Cách xưng tội lần đầu cho thiếu nhi

LỜI CHÚA:

Người con thưa với Cha: “Thưa cha, con lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”.

– Sau khi xét mình, em vào toà Giải tội để xưng tội ra cho Linh mục đại diện Chúa nghe và ban phép giải tội cho em.

– Vào toà giải tội, em làm Dấu Thánh giá và nói: Thưa cha, con là kẻ có tội, xin cha ban phép lành cho con. Con xưng tội trong . . . (mấy tuần, mấy tháng)

– Rồi em bắt đầu nói tội ra cách rõ ràng: Con đã . . . (mấy lần) (Con có. . . . (mấy lần)

– Khi đã xưng tội xong, thì em nói: Thưa cha, con đã xưng tội xong. Thiếu nhi vào xưng tội lần đầu

– Sau đó, em lắng nghe cha giải tội khuyên bảo và giao việc đền tội, (như đọc kinh hay làm một việc lành), rồi nghe cha bảo Hãy giục lòng ăn năn tội và cha đọc Lời xá giải:

– Khi cha đọc đến câu : Vậy, cha tha tội cho con, nhân Danh Cha . . . và Con . . . và Thánh Thần.

– Em làm Dấu Thánh giá và đáp: Amen. – Khi cha bảo: Con đi về bình an.

– Em đáp: Con cám ơn cha.

Và em ra ngoài, lo làm việc Đền tội càng sớm càng tốt.

Cách xưng tội cho người lớn

Cách xưng tội phá thai

1. Giáo huấn của Giáo Hội về việc Phá Thai
 
            Sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai, phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, các thụ tạo nhân linh phải được nhìn nhận có các quyền lợi của một nhân vị, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi thụ tạo vô tội (GLHTCG số 2270).
 
            Do đó, Giáo hội ngay từ thế kỷ thứ nhất, đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý.
 
            “Thiên Chúa là Chúa của sự sống, đã giao phó cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn nhiệm vụ đó cách xứng đáng với con người. Vì vậy, sự sống ngay từ lúc tượng thai, phải được bảo vệ hết sức cẩn thận: việc phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (MV 51).
 
            Vì thế, cộng tác chính vào việc phá thai là một trọng tội. Theo giáo luật, Hội thánh phạt vạ tuyệt thông cho tội ác chống lại sự sống con người này. “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết (Latae sententia) (x. GL đ. 1398). Hình phạt tiền kết có nghĩa là “Phạm nhân phải chịu hình phạt tức khắc do chính sự kiện phạm tội” (GL đ. 1314) và theo những điều kiện đã được giáo luật dự liệu (x GL đ. 1323-1324).
 
2. Việc tha Vạ và tội Phá Thai
 
            Thông thường, hình phạt tiền kết do luật thiết định nhưng chưa được tuyên bố, và nếu hình phạt ấy đã không dành riêng cho Tông Toà, thì có thể được Đấng Bản Quyền tha cho những người thuộc quyền mình và những người đang ở trong địa hạt mình hay những người đã phạm tội tại đó, mọi Giám Mục nào cũng có quyền tha hình phạt ấy, nhưng chỉ trong khi ban bí tích Giải tội (x. GL đ. 1356).
 
            Kế đến các Kinh sỹ nhà thờ chánh toà (GL đ. 508) và các cha giải tội trong trường hợp nguy tử ( GL đ, 976) cũng có năng quyền để tha ở toà bí tích các vạ tiền kết chưa được tuyên bố. Ngoài ra Giáo luật cũng cho phép mọi cha giải tội có thể tha ở toà trong, lúc ban bí tích vạ tuyệt thông tiền kết hay vạ cấm chế tiền kết chưa được tuyên bố, nếu thấy hối nhân cảm thấy khổ sở khi phải sống trong tình trạng tội trong suốt thời gian cần thiết để bề trên có thẩm quyền định liệu. Và khi tha vạ, cha giải tội buộc hối nhân trong vòng một tháng phải thượng cầu lên bề trên có thẩm quyền hay lên tư tế có năng quyền và tuân theo quyết định của ngài. Nếu bất tuân thì mắc vạ lại. Trong khi chờ đợi quyết định, cha giải tội phải ra một việc đền tội cân xứng và phải buộc đương sự sửa chữa gương xấu cũng như đền bù thiệt hại trong mức độ cần thiết. Đương sự cũng có thể nhờ cha giải tội thực hiện việc thượng cầu này (GL đ. 1357).
 
            Trường hợp ngoại lệ trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Phanxico vào ngày 24 tháng 11 năm 2015 đã ban cho mọi linh mục trong khi cử hành bí tích Giải tội năng quyền tha vạ tuyệt thông của tội phá thai (Prot. N 15208/2015).
 
3. Việc Xưng thú tội lỗi

Theo chỉ dẫn của sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, muốn lãnh nhận bí tích Thống hối (giải tội) cách hữu hiệu, người tín hữu được khuyên nên làm các việc sau với ý ngay lành:
 
  1. Xét mình.
  2. Ăn năn và dốc lòng chừa tội.
  3. Xưng tội.
  4. Đền tội.
Cách xưng tội cho người lớn
 

Việc xét mình giúp chúng ta khiêm nhường nhớ lại các tội lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân (GLHTCG 1454). Việc ăn năn và dốc lòng chừa tội là thật lòng chê ghét các tội đã phạm và quyết tâm từ nay không phạm tội nữa (GLHTCG 1451-1454). Việc xưng tội là thành tâm thú nhận với linh mục, đại diện Chúa Kitô, các tội mình đã phạm (GLHTCG 1455-1456). Việc đền tội là làm những việc cha giải tội chỉ định, để tạ lỗi với Chúa và đền bù thiệt hại do tội lỗi gây ra (GLHTCG 1459-1460).

Trong các việc trên, Xưng tội với vị linh mục được xem như là phần cốt yếu. Do dó, nó đòi buộc hối nhân phải kể tất cả các tội trọng mà họ đã ý thức được sau khi xét mình kỹ lưỡng. Và nếu họ đã chân thành xưng thú tất các tội ấy, Thiên Chúa nhân từ sẽ tha thứ cho họ kể cả những tội họ quên xót. Tuy nhiên, nếu ai cố tình giấu giếm một tội trọng, thì họ không những không được tha các tội đã xưng. 
 
Giáo huấn Công Đồng trindentinô dạy về điều này như sau:
 
“Mỗi khi các Kitô hữu cố gắng xưng thú tất cả các tội lỗi mà họ nhớ được, chắc chắn là họ đã trình bày tất cả cho lòng thương xót Chúa để được tha thứ. Còn những ai trình bày điều gì khác đi và cố tình giấu mốt số tội, thì họ chẳng trình bày điều gì cho lòng nhân hậu Chúa để được ơn tha thứ qua vị tư tế. Vì nếu bệnh nhân xấu hổ không cho thầy thuốc coi vết thương, thì thuốc không chữa được điều mà nó không biết” (GLHTCG 1456). 
 
Do đó, nếu chúng ta đã thành tâm xưng thú các tội lội với lòng ăn năn chân thành thì Thiên Chúa tha mọi tội cho chúng ta. Còn với những tội mà chúng ta quên xót thì Chúa cũng tha, nhưng nếu trong lần xưng tội kế tiếp mà ta nhớ lại tội ấy, ta cũng có thể xưng lại với Cha giải rội.