CCCD gắn chip có trợ ngại trong việc giao dịch ngân hàng hay không

Tiện lợi, nhanh chóng

Việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng với nhiều tiện ích như nộp, rút tiền tại máy ATM và chuyển tiền một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Sử dụng thẻ CCCD để rút tiền mặt tại máy ATM. Ảnh minh hoạ Vietinbank

Người dân rút tiền bằng CCCD phải đặt mặt sau của thẻ [nơi tích hợp chip bảo mật] lên "mắt đọc" tại cây ATM. Sau đó, thiết bị này thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân rồi đối sánh dữ liệu sinh trắc đã lưu trên chip. Cuối cùng, nếu 2 trường dữ liệu trùng khớp thì người dân thực hiện các thao tác như sử dụng thẻ ATM truyền thống để rút tiền.

BIDV là 1 trong 5 ngân hàng đang triển khai thí điểm chương trình. Ngân hàng này cho biết hiện triển khai chấp nhận CCCD chip trên kênh giao dịch tự động tại 9 điểm trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh. Trong thời gian tới, BIDV sẽ triển khai mở rộng trên toàn hệ thống và trên ứng dụng BIDV SmartBanking để gia tăng trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng CCCD chip trong giao dịch ngân hàng.

Theo Vietinbank, các khách hàng mới chuyển đổi từ chứng minh nhân dân sang CCCD có gắn chip, nhưng chưa cập nhật thông tin với ngân hàng vẫn có thể thực hiện giao dịch rút tiền bình thường.

Ngân hàng TMCP Bản Việt [Viet Capital Bank] cũng cho biết triển khai nộp, rút tiền mặt bằng CCCD tại hệ thống ngân hàng tự động Digimi+. Theo đó, khách hàng của Bản Việt hoàn toàn có thể nộp/rút tiền mặt bằng CCCD hoặc thẻ [ATM/tín dụng] tại hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ của Bản Việt. Đối với rút tiền mặt, hạn mức là 10 triệu đồng/giao dịch và tối đa 100 triệu đồng/ngày.

"Sử dụng CCCD gắn chip để xác thực thông tin trên máy giao dịch tự động BIDV, giao dịch nộp, rút tiền không cần sử dụng thẻ, chuyển khoản chỉ trong thời gian 2 phút. Việc rút tiền bằng CCCD gắn chip không phát sinh chi phí mới so với rút tiền bằng thẻ ATM" - một người dân được trải nghiệm dịch vụ cho biết.

Mở rộng phạm vi, tiện ích

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội [C06 - Bộ Công an] cho biết, những ngày qua, nhiều người dân có tài khoản tại ngân hàng thí điểm đã sử dụng CCCD để rút tiền mặt thay vì dùng thẻ ATM truyền thống.

Dù vậy, trong thời gian đầu mới triển khai, người dùng vẫn còn khá băn khoăn về độ bảo mật khi sử dụng. Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh cho hay, thẻ ATM sử dụng nhiều phương thức bảo mật, trong đó chủ tài khoản phải sử dụng mật khẩu do ngân hàng cấp để giao dịch tiền mặt. Ngoài ra, mức độ bảo mật tăng lên nhiều lần, bởi thẻ khi sử dụng tại ATM là thẻ chip, đồng thời, các thông tin nhân khẩu học, sinh trắc học như dấu vân tay cũng được lưu trữ trên hệ thống bảo mật. Do đó, tội phạm công nghệ cao nếu muốn can thiệp lấy thông tin như các thẻ từ trước đây rất khó, rủi ro hiện rất thấp.

Bên cạnh đó, trong trường hợp người dùng bỏ quên căn cước công dân khi rút tiền tại ATM, thì người khác nhặt được muốn rút tiền cũng không được vì cần bước xác thực, khớp giữa thông tin sinh trắc học của người dùng với thông tin gắn trên chip thẻ.

Một số ý kiến cho rằng, việc rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chíp sẽ chịu sự “giám sát, quản lý, theo dõi” của công an. Về điều này, trung tá Nguyễn Thành Vĩnh cho hay, riêng trong giao dịch ngân hàng, thiết bị đọc chip căn cước công dân không lưu giữ thông tin của công dân. Như vậy, việc rút tiền sẽ đảm bảo tính bảo mật, bảo vệ dữ liệu cá nhân, không bị thất thoát.

“NHNN đang phối hợp chặt với C06 để dữ liệu của công dân được khai thác an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm” - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán [NHNN] cho biết. NHNN mong muốn mở rộng phạm vi cho thiết bị chấp nhận thẻ công dân gắn chip tại quầy giao dịch của hệ thống các ngân hàng để giảm thời gian chờ đợi giao dịch, phòng ngừa giả mạo.

Đánh giá cao việc triển khai ứng dụng CCCD gắn chip trên các giao dịch, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng thẻ CCCD gắn chip tích hợp nhiều công dụng, rất tiện ích, nên tiến tới người dân sẽ không còn phải mang rất nhiều thẻ trong ví. Ngoài việc 5 ngân hàng tham gia thí điểm chương trình tại 2 địa phương triển khai thí điểm trong giai đoạn đầu là Hà Nội và Quảng Ninh, cần nhanh chóng triển khai mở rộng với nhiều ngân hàng và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, cũng phải thêm nhiều tiện ích sử dụng, như được thanh toán tại các máy POS ở các cửa hàng hay siêu thị và được rút tiền ở bất cứ máy ATM nào của bất kỳ ngân hàng nào...

“Hiện nay tại Việt Nam có hơn 90 triệu thẻ ATM đang lưu hành. Mỗi năm lại có thêm khoảng 5 triệu chiếc thẻ mới, với chi phí phát hành khoảng 250 tỷ đồng. Con số này hoàn toàn có thể giảm đáng kể khi nhu cầu mở thẻ giảm xuống vì đã có căn cước công dân gắn chip” - PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá.

Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco thì cho rằng, hiện nay, việc rút tiền mặt qua máy ATM bằng CCCD gắn chip đang dừng ở mức độ thí điểm, chưa có khung pháp lý cụ thể để xử lý trách nhiệm của người có CCCD gắn chip, trách nhiệm của ngân hàng cũng như các đơn vị liên quan. Theo ông, cần hình thành một khung pháp lý khi triển khai đại trà để đảm bảo an toàn giao dịch, đồng thời đảm bảo trách nhiệm của các bên liên quan về sau. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc tiền trong tài khoản ngân hàng bất ngờ bị "bốc hơi", đặt ra vấn đề trách nhiệm xem xét xử lý vấn đề này của các bên liên quan, đặc biệt khi triển khai rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip.

Với nhiều tiện ích, dần dần tiến tới CCCD gắn chip sẽ tích hợp rất nhiều công năng. Thay vì trong ví mỗi công dân có quá nhiều thứ thẻ, giấy... dần dần tiến đến chỉ cần 1 thẻ CCCD [ID Card], nhưng đồng thời có thể thay thế cho bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ ngân hàng, giấy khai sinh, các loại bằng cấp trong nước, thông tin thuế thu nhập…

PGS.TS Ngô Trí Long

 

[Theo Kinh Tế Đô Thị]

Thẻ CCCD gắn chip có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

So với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay, CCCD gắn chip có nhiều ưu điểm như tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn; liên thông với các thông tin khác về thuế, bằng lái xe, bảo hiểm y tế... Vì vậy, người dân chỉ cần mang theo CCCD thay vì nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tuy nhiên, theo Công an Thành phố Hà Nội, trong các giao dịch như sử dụng các dịch vụ online [mua hàng, xin việc, vay tiền...] hoặc việc người dân mất cảnh giác trong việc chia sẻ hình ảnh CCCD có gắn chip điện tử trên các trang mạng xã hội [Facebook, Zalo...] là điều kiện thuận lợi để các đối tượng đánh cắp thông tin cá nhân của người dân để thực hiện các hành vi phạm tội như: trao đổi, mua bán thông tin cá nhân thu được cho đối tượng khác để sử dụng vào mục đích phạm tội [làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua vay vốn các ngân hàng, tổ chức tín dụng chuyển nhận tiền do vi phạm pháp luật mà có...].

Trước tình hình trên, Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần chú ý 5 nội dung sau:

- Tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, cầm cố thẻ CCCD có gắn chip điện tử cho các công ty cho vay hoạt động "tín dụng đen".

- Tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ hình ảnh thẻ CCCD có gắn chip điện tử lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...

- Trường hợp bị mất CCCD có gắn chip, người dân phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc đến các điểm cấp CCCD nơi đăng ký thường trú, tạm trú để được hướng dẫn thủ tục cấp lại thẻ CCCD mới. Đây là cơ sở để xác thực chủ sở hữu CCCD trong thời gian bị mất không có liên quan đến các giao dịch dân sự phát sinh hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

- Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân CCCD có chip điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nghi ngờ, phát hiện số CCCD của cá nhân được mở tài khoản ngân hàng... thì báo ngay cho bên ngân hàng khóa tài khoản vi phạm.

- Trường hợp cá nhân phát hiện việc cho thuê CCCD có chip điện tử thì cung cấp ngay sai phạm cho cơ quan Công an nơi gần nhất. Đồng thời, cung cấp tài liệu có liên quan việc cho thuê, mướn CCCD để xử lý theo quy định. 

Nếu biết đối tượng sử dụng CCCD của người khác để mở tài khoản và sử dụng vào các hoạt động trái pháp luật mà không tố giác thì có thể bị xử lý theo pháp luật tùy vào việc đối tượng vi phạm mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để có cơ sở xử lý.

[Theo Tổ Quốc]

[HNM] - Theo quy định của Luật Căn cước công dân [CCCD], có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, công dân Việt Nam đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD thay cho chứng minh nhân dân [CMND] để bảo đảm tính ổn định các thông tin về nhận dạng của công dân. Việc thay đổi giữa CMND và thẻ CCCD khiến không ít người lo ngại khi thực hiện giao dịch dân sự.
 

Trước đây, việc thay đổi CMND từ 9 số lên 12 số từng gây không ít phức tạp cho người dân, bởi hầu hết các giao dịch đều lấy thông tin từ CMND 9 số, chẳng hạn như sổ hộ khẩu, sổ đỏ, sổ tiết kiệm ngân hàng… Mặc dù, CMND 12 số vẫn có 9 số được chuyển từ CMND cũ sang, thông tin căn cứ vẫn dễ đối chiếu, nhưng hầu hết ngân hàng khi giao dịch đều yêu cầu khách hàng xin chứng nhận của cơ quan công an. Chị Hồng Liên [phố Nguyễn An Ninh, Hà Nội] cho biết, chị có sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng theo CMND 9 số; khi chuyển sang loại 12 số chị phải xin chứng nhận của cơ quan công an để đến ngân hàng thay đổi thông tin cá nhân. "Nay lại tiếp tục đổi sang thẻ CCCD không biết sẽ phức tạp thế nào?" - chị Liên băn khoăn. Cùng quan điểm, ông Quang Huy [Nam Thành Công, Hà Nội] cho biết, ông đứng tên nhiều giấy tờ, trong đó có sổ tiết kiệm đang gửi ngân hàng, với thông tin cá nhân từ CMND, nên thay đổi thẻ CCCD ban đầu sẽ có chút khó dễ. Ông Huy cho rằng, việc có thể song song sử dụng cả CMND và thẻ căn cước sẽ giúp người dân có thời gian sắp xếp, thay đổi những thông tin cần thiết. Giải đáp băn khoăn của người dân, đại diện nhiều ngân hàng thương mại khẳng định, với những người đang gửi tiết kiệm, việc chuyển đổi CMND sẽ không ảnh hưởng nhiều, vì các ngân hàng đã áp dụng biện pháp nhận dạng bằng vân tay. Còn với người đi vay vốn tại ngân hàng, nếu hợp đồng còn hiệu lực sẽ không phải cập nhật thông tin, bởi giao dịch chủ yếu là người vay vốn thanh toán tiền gốc và lãi cho ngân hàng. Đối tượng khách hàng là người nhận kiều hối thường sử dụng mã số của công ty kiều hối cấp nên cũng không bị ảnh hưởng bởi CMND mới hay thẻ căn cước. Song, để tạo thuận tiện cho khách hàng, ngân hàng khuyến cáo, khi giao dịch trực tiếp tại quầy gửi - rút tiết kiệm, mở thẻ… nên đem theo CMND cũ đã cắt góc cùng với CMND mới hoặc thẻ CCCD để cập nhật thông tin giao dịch. Những lần tiếp theo, khách hàng chỉ phải mang theo thẻ căn cước hoặc CMND mới. Trường hợp mất CMND cũ, cần xác nhận của cơ quan công an hoặc mang theo loại giấy tờ khác có thể chứng minh việc thay đổi số CMND. Mặc dù các ngân hàng thương mại đã giải đáp băn khoăn của người dân, nhưng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước [NHNN], việc đổi CMND từ 9 số sang 12 số đã phát sinh vướng mắc, nay lại đổi từ CMND sang thẻ căn cước sẽ không tránh khỏi phiền phức. Để hạn chế xáo trộn hoạt động của các ngành, trong đó có ngân hàng, NHNN đề xuất cơ quan công an khi đổi thẻ CCCD, nên bấm lỗ hay cắt góc CMND cũ và cho người dân giữ lại, để người dân làm cơ sở xác thực mỗi khi có giao dịch với ngân hàng.

Chứng minh nhân dân vẫn có hiệu lực pháp lý
[HNM] - Trước những băn khoăn của người dân về giá trị của CCCD trong các giao dịch dân sự, Bộ Công an cho biết, về cơ bản, CCCD là tên gọi mới của CMND, là bước phát triển theo hướng hiện đại [số hóa] của CMND, dần thay thế CMND. Việc cấp CCCD gắn với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư [là tập hợp các thông tin gốc, cơ bản về công dân, từ đó phát triển thẻ công dân điện tử]. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân; để tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, như: Sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, mã số thuế cá nhân… Để bảo đảm giá trị sử dụng của những CMND được cấp trước ngày luật này có hiệu lực, tránh gây xáo trộn cho công dân trong giao dịch, đi lại, luật quy định: Đối với CMND đã được cấp trước ngày Luật CCCD có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Cơ quan quản lý CCCD [cơ quan Công an] có trách nhiệm xác nhận về CMND được cấp trước ngày luật này có hiệu lực khi có yêu cầu đối với trường hợp công dân được cấp CMND từ trước. Công dân nào đã có CMND 12 số khi chuyển sang thẻ CCCD sẽ được giữ nguyên số cũ. CMND loại 9 số [đã dừng cấp từ 21-4-2014] tiếp tục có hiệu lực cho đến khi hết hạn, phải cấp đổi thành CCCD với 12 số. Khi đó, thông tin về công dân đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia và các giao dịch có thể được xác định nhân thân thông qua hệ thống này, không căn cứ vào số CMND cũ.

Tư Đô

Video liên quan

Chủ Đề