Chính sách tiền tệ năm 2023

Trong tuần vừa qua, sự kiện thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm %, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Bình luận về quyết định nâng lãi suất lần này của Fed, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho biết mức tăng này đã được thị trường dự báo từ trước và không có gì bất ngờ.

"Mọi người đều biết Fed sẽ tăng lãi suất. Mức tăng bao nhiêu không đáng lo ngại, quan trọng là việc này sẽ kéo dài bao lâu và nếu không dập được lạm phát, Fed có nâng mục tiêu tăng lãi suất hay không", ông nói.

Chính sách tiền tệ năm 2023
Ảnh minh họa

Tháng 9 vừa qua, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) – thước đo giá cả ưa thích của Fed – tăng 5,1% so với cùng kỳ 2021, cao gấp nhiều lần so với mục tiêu 2% của các quan chức Fed. Mức đỉnh 40 năm hiện nay là 5,3% được thiết lập vào tháng 2/2022.

Giám đốc Phân tích của Yuanta Việt Nam nhìn nhận việc đưa lạm phát xuống ngưỡng 2% là bài toán khó và mất nhiều thời gian. Trong khi đó, Fed đồng thời cũng phải đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp thấp, vừa thắt chặt tiền tệ, vừa tránh nguy cơ suy thoái kinh tế.

Điểm tích cực là thông báo của Fed hôm qua ám chỉ thay đổi chính sách. "Khi xác định nhịp độ nâng lãi suất mục tiêu trong tương lai, Ủy ban FOMC sẽ xem xét tới toàn bộ quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, cũng như độ trễ mà chính sách tiền tệ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, lạm phát, và những sự phát triển về kinh tế và tài chính”.

Do vậy, ông dự báo khả năng cao Fed tăng lãi suất quỹ liên bang (FFR) trong năm 2023 trên 5%, đồng nghĩa những đợt tăng lãi suất trong năm tới sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với hiện tại, có thể tăng 0,5 điểm phần trăm sau đó hạ xuống 0,25 điểm phần trăm.

Theo vị chuyên gia, Fed tăng lãi suất tất nhiên cũng có tác động đến Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ buộc phải nâng lãi suất theo bởi tỷ giá sẽ tăng nếu không tăng lãi suất trong bối cảnh dự trữ ngoại hối giảm.

"Nếu không bán USD, NHNN buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế áp lực tỷ giá. Fed tăng lãi suất, Việt Nam vẫn phải theo xu hướng chung là thắt chặt tiền tệ, nếu không tiền đồng sẽ bị mất giá rất lớn. Lãi suất vẫn sẽ tăng", ông nói.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng trong năm 2023, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ đỡ áp lực hơn do dự báo Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Trong năm tới, Việt Nam sẽ nhẹ tay hơn trong việc nâng lãi suất.

"Việt Nam vẫn sẽ linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất vẫn sẽ tăng trong năm 2023 theo các động thái của Fed, tuy nhiên Việt Nam sẽ cân đối hài hòa, không để mức lãi suất quá thấp và không tăng lãi suất quá nhanh. Ngoài ra, việc tăng lãi suất còn phụ thuộc vào nội tại của nền kinh tế", ông nói.

Ông cũng cho biết biến số cần tiếp tục theo dõi là tỷ giá, ông kỳ vọng tỷ giá ổn định để áp lực tăng trần lãi suất kỳ hạn không cao.

Trong khi đó, các chuyên gia của VNDirect cho rằng Fed sẽ chuyển từ "thắt chặt chính sách tiền tệ" sang "bình thường hóa" vào năm 2023 và dự báo Fed giảm nhẹ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm tới. Hai yếu tố này kết hợp với bộ đệm bộ đệm từ thặng dư thương mại và thặng dư cán cân thanh toán tốt hơn sẽ giúp giảm đáng kể áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Tin Kinh tế- xã hội  > Sự kiện nổi bật

Chính sách tiền tệ tháng 10 và 10 tháng năm 2022 và yếu tố ảnh hưởng tới thị trường tài chính tiền tệ trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023

Cập nhật lúc: 09/11/2022 04:08:58 PM

Về thị trường tiền tệ toàn cầu

Trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022, để đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng, NHTW các nước tiếp tục xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng mạnh lãi suất. Tại Mỹ, Fed đã quyết định tăng lãi suất liên bang lần thứ 5 trong 9 tháng năm 2022[1]. Dữ liệu lạm phát tháng 8/2022 tiếp tục xấu đi đã thúc đẩy Fed tăng mạnh cơ bản trong cuộc họp ngày 21/9/2022, mức tăng 0,75 điểm %, nâng lãi suất cơ bản lên 3-3,25% - mức cao nhất kể từ tháng 01/2008. Động thái thắt chặt tiền tệ mạnh tay của Fed trong 9 tháng năm 2022, cùng với việc lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia đã thúc đẩy các NHTW, đặc biệt là các quốc gia mới nổi gia tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát, đồng thời bảo vệ giá trị đồng nội tệ. Ngày 22/9/2022, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % lên 2,25%. Cùng ngày, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cũng tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, nâng lãi suất lên 0,5% từ mức âm 0,25% hồi tháng 6/2022. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong vòng 15 năm qua. SNB không loại trừ khả năng tiếp tục tăng thêm lãi suất trong bối cảnh các NHTW đang thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế giá cả leo thang. Tại châu Á, cũng trong ngày 22/9/2022, các NHTW Philippines và Indonesia đều tăng lãi suất tiêu chuẩn. Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, lên 3,5%, mức cao nhất trong vòng 14 năm qua. Các nước vùng Vịnh như Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Oman đều tăng lãi suất[2]. Động thái tăng lãi suất ồ ạt của các NHTW đã khiến các tổ chức quốc tế đồng loạt đưa ra cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu hơn.

Mặc dù hiện tại Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang “đứng ngoài” xu hướng tăng lãi suất, nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng trước nguy cơ suy thoái kinh tế, nhưng không ngoại lệ khả năng NHTW các nước này buộc phải tăng lãi suất để bảo vệ giá trị đồng nội tệ. NHTW Nhật Bản (BOJ) ngày 22/9 thông báo vẫn duy trì mức lãi suất cực thấp, bất chấp các nước trên thế giới đang chạy đua nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. BOJ đã cam kết giữ nguyên mức cũ là âm 0,1% đối với lãi suất ngắn hạn và 0% đối với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đồng Yen Nhật đang mất giá rất mạnh.

Ngày 18/10, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo sẽ thực hiện các biện pháp “thích hợp” để đối phó với biến động trên thị trường ngoại hối. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 32 năm so với USD. Nhật Bản đã phải can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối. Trong ngày 22/9 vừa qua, BoJ đã phải can thiệp vào thị trường tiền tệ với việc chi 2.800 tỷ Yen (18,81 tỷ USD) để mua vào đồng Yen khi tỷ giá rơi xuống mức 145,9 Yen đổi 1 USD. Đây là động thái can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 1998. Sáng 18/10, đồng Yen tiếp tục suy yếu so với đồng USD của Mỹ bất chấp những tuyên bố của Bộ Tài chính Nhật Bản về việc can thiệp để bình ổn thị trường tiền tệ. Theo đó, tại thị trường Tokyo, tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD được niêm yết ở mức 1 USD đổi được 148,96-99 yen. Như vậy, đồng Yen hiện đã mất giá khoảng hơn 20% so với đồng USD kể từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, các dự báo đều cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy đà giảm giá của đồng Yen sẽ chưa dừng lại, và tỷ giá của đồng tiền này so với đồng USD có thể sẽ sớm vượt mốc 150 yen/USD bất chấp các nỗ lực can thiệp vào thị trường tiền tệ của Chính phủ Nhật Bản. Theo đó, BOJ có thể buộc phải thực hiện việc nâng lãi suất trong tương lai gần.

Dự báo, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong 2 tháng tới. Khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm % trong lần họp này gần như đã chắc chắn. Điều này dự kiến sẽ tiếp tục buộc NHTW các nước tiếp tục chạy đua thắt chặt chính sách tiền tệ. Các dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế cũng như dự kiến của Fed, lãi suất chính sách của Mỹ sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm 2022, trước khi đạt đỉnh 4,6% vào năm 2023 để chống lạm phát. Việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra ba lần vào năm 2024 và thêm bốn đợt nữa vào năm 2025, để đưa tỷ lệ lãi suất dài hạn xuống mức triển vọng trung bình là 2,9%. Việc tăng lãi suất mạnh tay với hy vọng lạm phát chính sẽ giảm xuống 5,4% trong năm nay và giảm trở lại mục tiêu 2% vào năm 2025.

Về tình hình lãi suất, tỷ giá và tín dụng trong nước tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022

Lãi suất đồng VNĐ chịu áp lực gia tăng. Việc Fed tăng mạnh lãi suất đã tác động lên mặt bằng lãi suất của Việt Nam. Lãi suất đồng USD tăng cao (lên mức 3-3,25%từ ngày 21/9/2022) dẫn đến chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và đồng USD thu hẹp mạnh, thậm chí có nguy cơ chuyển trạng thái chênh lệch âm. Điều này gây bất lợi đối với đồng VND, và nguy cơ dòng vốn nước ngoài rời khỏi Việt Nam. Do đó, để đảm bảo duy trì trạng thái chênh lệch hợp lý giữa lãi suất đồng VND và lãi suất đồng USD, NHNN đã phải liên tục sử dụng các biện pháp “bơm, hút” tiền đan xen nhằm điều tiết cung tiền để vừa đảm bảo duy trì lãi suất đồng VND ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng, vừa giữ chân dòng vốn quốc tế. Thực tế, lãi suất liên ngân hàng đã tăng khá cao, có thời điểm, lãi suất qua đêm lên đến 7,5%/năm (tuần giữa tháng 9) – mức kỷ lục kể từ năm 2012. Ngay sau động thái tăng mạnh lãi suất lần thứ 5 của Fed (ngày 21/9/2022), ngày 22/9/2022, NHNN đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành: lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 6%/năm. Ngày 24/10/2022, NHNN tiếp tục tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1%: lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.

Áp lực lên tỷ giá USD/VND rất lớn. Sau quyết định tăng mạnh lãi suất vào 21/9/2022, Chỉ số đo giá trị đồng USD so với những đồng tiền chính trên thị trường - USD index - tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ là 111,65. Đên nay, USD index đã tăng gần 20% so với cuối năm ngoái. Đồng euro, thành phần lớn nhất trong chỉ số USD, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm, chạm mức 1 euro đổi 0,9810 USD. Tỷ giá đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 so với USD sau quyết định của FED. Dự báo, với việc lãi suất của Mỹ sẽ tăng thêm nữa trong thời gian dài sẽ tiêp tục hỗ trợ đồng USD tăng giá trong một thời gian nữa. Điều này đặt áp lực lên tỷ giá đồng VNĐ. Trong 10 tháng năm 2022, tỷ giá USD/VND tiếp diễn theo xu hướng ngày càng gia tăng. Theo đó, NHNN đã phải thực hiện “bơm – hút” tiền liên tục thông qua mua bán ngoại tệ và phát hành tín phiếu quy mô lớn. NHNN đang cố gắng tìm điểm cân bằng mới để tiếp tục đối phó với các diễn biến mới từ thị trường tiền tệ Mỹ.  Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt CSTT, tăng lãi suất của Fed và các NHTW trên thế giới, ngày 17/10/2022, NHNN ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các TCTD được phép. Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ (USD) được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%. Đây là lần đầu tiên NHNN tăng biên độ tỷ giá sau 7 năm[3]. Việc nới biên độ tỷ giá giúp chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, giảm bớt áp lực cho điều hành. Cũng trong sáng ngày 17/10/2022, NHNN cũng tiếp tục tăng mạnh tỷ giá trung tâm thêm 45 đồng so với cuối tuần trước lên 23.586 đồng/USD - tăng 1,9% so với mức 23.145 đồng/USD ở thời điểm ngày 03/1/2022). Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 22.406 đồng/USD và 24.765 đồng/USD. Ngay lập tức, giá bán USD trên thị trường tự do chạm mốc 24.500 đồng/USD, tăng 7% so với đầu năm. Trong khi tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN được điều chỉnh tăng 225 đồng, từ mức 23.700 đồng lên mức 23.925 đồng (vào ngày 30/9/2022) - tương đương mức tăng 3,9% so với thời điểm đầu năm 2022.

Về dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, số liệu từ NHNN cũng cho thấy, tính đến Đến ngày 25/10/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước tăng 11,48% so với cuối năm 2021 trước nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và các hoạt động sản xuất – kinh doanh. Từ đầu năm 2022, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, trên cơ sở thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4%. Đến hết quý III/2022, tăng trưởng kinh tế đã đạt mức tăng 8,83%, dự kiến năm 2022, tăng trưởng GDP sẽ vượt xa mục tiêu 6-6,5%, theo đó nhu cầu vốn đầu tư, đặc biệt là nhu cầu vốn tín dụng sẽ rất lớn. Việc giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022, tức là chỉ còn hạn mức tăng trưởng tín dụng khoảng 2,52% trong 2 tháng cuối năm 2022, sẽ có ảnh hưởng nhất định đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, đặc biệt ở thời điểm nhu cầu vốn tăng mạnh cho chu kì sản xuất cuối năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phẩn kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu bảo vệ giá trị đồng nội tệ, đảm bảo ổn định tỷ giá.

Yếu tố ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023

Năm 2022-2023, dự kiến chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thực hiện cân bằng giữa mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc hơn. Áp lực lạm phát đang rất lớn và có xu thế gia tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là năm 2023 khi giá cả nguyên vật liệu chuyển hóa dần vào sản xuất, trong khi áp lực gia tăng tỷ giá ngày càng tăng khi lộ trình tăng lãi suất của Fed vẫn tiếp tục, nên khả năng tăng lãi suất là hoàn toàn có thể trong trường hợp cần thiết.

Tổng hợp các yếu tố tác động, với việc Fed tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022 và 4,6% vào năm 2023, dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022 và thêm 50 điểm cơ bản vào năm 2023. Quyết định tăng lãi suất điều hành của NHNN trước hết sẽ đẩy trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn của các NHTMCP tư nhân, nhóm NHTMCP nhà nước sẽ dần nâng lãi suất từ cuối tháng 9 - đầu tháng 10/2022. Dự báo, lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM sẽ tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022. Sang năm 2023, đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN có thể sẽ tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, các NHTM tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Khi đó, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023. Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể vì chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp.

Lộ trình tăng lãi suất sẽ trực tiếp gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam đến cuối năm 2022 và 2023. Trong trường hợp NHTW các nước khác không kiên quyết đối phó với vấn đề lạm phát tăng cao như Fed, đồng USD sẽ có thể trở lại mức đỉnh cũ đã thiết lập vào đầu năm 2022 - USD index ở mức 120,3. Điều này đồng nghĩa với sức ép lên tỷ giá trong nước càng lớn hơn. Việc phá giá đồng VND phụ thuộc vào nhiều yếu tố: mức độ mạnh lên của đồng USD, biên độ tăng lãi suất của Fed, khả năng gia tăng nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam. Trong trường hợp Việt Nam tiếp tục gia tăng được nguồn lực ngoại tệ nhờ xuất khẩu tăng trưởng tốt và giải ngân FDI vẫn ở mức cao, trong khi mức độ tăng giá của đồng USD chậm lại do các lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ và phản ứng chính sách kịp thời của các đồng tiền mạnh khác những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, còn chính sách tiền tệ trong nước vẫn kiên trì mục tiêu bảo vệ tỷ giá, chấp nhận mức tăng lãi suất có thể cao hơn dự kiến. Khi đó, dự báo đồng VND có thể mất giá khoảng 4-4,3% so với đồng USD trong năm 2022 (tính theo tỷ giá bán tại Sở Giao dịch NHNN) và quanh mức 3-4% trong năm 2023./.


[1] Với mức tăng 0,25% nâng lãi suất tham chiếu lên 0,25-0,5%/năm vào ngày 16/3/2022; 0,5 điểm % lên mức 0,75 - 1% vào ngày 4/5 và thêm 0,75 điểm % vào ngày 15/6/2022, lên mức 1,5-1,75%/năm; 0,75 điểm % vào ngày 27/7/2022.

[2] Trước đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng đã quyết định nâng lãi suất tiền gửi 50 điểm cơ bản lên 0%, vượt mức dự kiến trước đó là 25 điểm cơ bản nhằm kiểm soát lạm phát trước tác động của xung đột tại Ukraine trong tháng 8/2022. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm. Kết thúc áp dụng lãi suất âm, ECB cũng tăng lãi suất tái cấp vốn lên 0,5%, mặc dù trước đó vẫn chủ trương trì hoãn quá trình tăng lãi suất. Một số nền kinh tế chủ chốt khác cũng bắt đầu đẩy nhanh chiến lược thắt chặt tiền tệ. Ngày 4/5, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) tăng lãi suất thêm 0,4%, lên mức 4,4% (lần tăng lãi suất gần nhất của Ấn Độ là tháng 8-2018). Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm % lên 1,5% (ngày 14/4/2022) nhằm kiềm chế áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh giá dầu và các mặt hàng chính tăng cao. Ngân hàng Dự trữ Autralia (RBA) cũng nâng lãi suất cao hơn dự kiến, với mức nâng 0,25% (ngày 3/5/2022), đưa tỉ lệ lãi suất cơ bản ở nước này lên mức 0,35%. Đây là đợt tăng lãi suất đầu tiên của Úc trong hơn 10 năm qua. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất lần thứ tư liên tiếp, từ 0,75% lên 1% (ngày 5/5). Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã hai lần tăng lãi suất - hiện ở mức 1%, từ mức thấp kỷ lục 0,25%.

[3] Lần gần nhất là tháng 8/2015, NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.  

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Dự báo kinh tế vĩ mô



Bình luận

Họ và tên
Địa chỉ
Nội dung
Mã xác nhận:
Nhập mã xác nhận:
 

Tìm kiếm