Cho hợp thức hóa nhà ở xây không phép năm 2024

TTO - * Năm 2000, tôi có mua một lô đất tại đường số 1 (đã có hạ tầng cơ sở) ở khu dân cư Bình Hưng, ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh của một nông dân bằng giấy tay (có xác nhận của vợ và con chủ đất). Tôi đã xây một căn nhà cấp 4, đã nộp phạt xây dựng trái phép, tiền thuế đất hằng năm.

Năm 2006, tôi đã kê khai nhà đất theo quy định chung do UBND xã tổ chức. Hiện hộ khẩu gia đình tôi tại Q.Tân Bình, chưa chuyển về Bình Chánh. Tôi muốn biết tôi có thể xin hợp thức hóa căn nhà trên? Thủ tục phải tiến hành như thế nào? Có thể tìm tới dịch vụ để làm hợp thức hóa? Xin cảm ơn.

Thu Ha Dang Vu và nhiều bạn đọc khác

- Trả lời:

1/ Về việc cấp giấy chứng nhận cho nhà ở xây dựng không phép:

Căn cứ điểm h khoản 1, điều 8 nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19-10-2009:

+ Đối với nhà ở đã được xây dựng trước ngày 1-7-2006 thì điều kiện để được xem xét cấp giấy chứng nhận gồm có:

- Có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở được xây dựng trước ngày 1-7-2006;

- Nhà ở không có tranh chấp;

- Được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng;

- Đối với trường hợp xây dựng sau khi quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với quy hoạch;

+ Đối với nhà ở xây dựng sau ngày 1-7-2006 thì ngoài những điều kiện áp dụng cho trường hợp nhà ở xây dựng trước ngày 1-7-2006, còn có các điều kiện sau:

- Có giấy tờ xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã về nội dung căn nhà không thuộc trường hợp phải xin phép xây dựng;

- Không có tranh chấp;

Do không biết rõ thời điểm xây dựng nhà nên luật sư trình bày hai trường hợp nêu trên, ông/bà có thể căn cứ vào quy định nêu trên để biết được căn nhà của ông/bà có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận hay không.

Để biết được căn nhà của ông/bà xây dựng trước thời điểm có quy hoạch hay sau thời điểm có quy hoạch, nếu ông/bà đã có bản vẽ sơ đồ nhà đất thì ông/bà có thể làm đơn, kèm theo bản vẽ yêu cầu phòng tài nguyên - môi trường hay phòng quản lý đô thị tùy theo từng quận huyện để được cung cấp thông tin về quy hoạch, trong đó bao gồm cả số quyết định phê duyệt quy hoạch, ngày tháng năm quy hoạch được công bố và có hiệu lực.

Nếu ông chưa có bản vẽ sơ đồ nhà đất thì khi lập bản vẽ sơ đồ nhà đất để nộp cùng với hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định hay thể hiện các yếu tố về quy hoạch trên bản vẽ.

2/ Về điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã sử dụng trong khoảng thời gian từ 15-10-1993 đến trước 1-7-2004:

Căn cứ khoản 1 điều 15 nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25-5-2007 thì người sử dụng đất là cá nhân mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 50 Luật đất đai gồm có:

  1. Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15-10-1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
  1. Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
  1. Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15-10 -1993 nay được UBND dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15-10-1993;

đ) Giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;

  1. Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

Và không thuộc các trường hợp dưới đây:

  1. Vi phạm quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công khai;
  1. Vi phạm quy hoạch chi tiết mặt bằng xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công khai đối với diện tích đất đã giao cho tổ chức, cộng đồng dân cư quản lý;
  1. Lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được công bố, cắm mốc;
  1. Lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè đã có chỉ giới xây dựng;

đ) Lấn chiếm đất sử dụng cho mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức, đất chưa sử dụng và các trường hợp vi phạm khác đã có văn bản ngăn chặn nhưng người sử dụng đất vẫn cố tình vi phạm.

Thì điều kiện để cấp giấy chứng nhận là:

+ Được UBND cấp xã nhận là đất đai không có tranh chấp.

+ Phù hợp với quy hoạch đã được xét duyệt.

Theo thư trình bày, lô đất của ông/bà nhận chuyển nhượng vào năm 2000 và đã sử dụng từ đó cho đến nay, khi mua bán hai bên chỉ làm giấy tay. Do đó, căn cứ vào các quy định nêu trên, lô đất của ông/bà sẽ được cấp giấy chứng nhận nếu phù hợp với quy hoạch đã được xét duyệt, nếu lô đất nêu trên nằm trong khu vực chưa có quy hoạch được xét duyệt thì không cần phải hội đủ điều kiện về tính phù hợp với quy hoạch đã được xét duyệt của lô đất.

3/ Về thủ tục cấp giấy chứng nhận:

+ Bước 1:

- Ông/bà có thể liên hệ với một công ty có chức năng đo đạc, có thể tại địa phương, để tiến hành đo đạc nhà đất và lập bản vẽ sơ đồ nhà đất theo quy định và nộp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra nội nghiệp.

+ Bước 2:

- Sau khi có bản vẽ nêu trên, ông/bà nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hay ủy ban nhân dân xã nơi có đất. Hồ sơ nộp gồm có:

+ Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận

+ Các giấy tờ liên quan đến việc sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

+ Các giấy tờ liên quan đến nhà như giấy phép xây dựng (nếu có) hay quyết định xử phạt xây dựng nhà không phép…

+ Sơ đồ nhà ở.

Thời gian cấp giấy chứng nhận không quá 50 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận lần đầu.

(Căn cứ khoản 2 điều 11, khoản 1 điều 12 và điều 16 NĐ 88/2009/NĐ-CP ngày 19-10-2009 của Chính phủ).

4/ Về dịch vụ hợp thức hóa nhà đất?

Căn cứ điều 30 Luật luật sư thì thực hiện công việc liên quan đến “hợp thức hóa nhà đất” là công việc liên quan đến thủ tục hành chính, do đó được xem là hoạt động dịch vụ pháp lý của luật sư.

Căn cứ điều 2 Luật luật sư thì chỉ có luật sư mới đủ điều kiện để thực hiện một dịch vụ pháp lý. Do đó ông/bà có thể liên hệ với bất kỳ một luật sư hay một tổ chức hành nghề luật sư nào mà ông bà tin tưởng để nhờ nơi đây thực hiện thủ tục nêu trên và theo nguyên tắc luật sư trong khi thực hiện công việc của mình có nghĩa vụ phải tuân theo pháp luật và nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Trân trọng

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề nhà đất, thủ tục giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng... hoặc bài vở cộng tác, bạn đọc gửi về mục "Tư vấn nhà đất" hoặc "Địa ốc" tại địa chỉ: [email protected].

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.