Có bao nhiêu hồi ức ngày xưa khi thơ ấu mà mình ngỡ có lẽ đã lãng quên từ lâu

Table of Contents

Tuổi thơ - hai tiếng thiêng liêng đã in sâu vào tâm trí ta những kí ức, hoài niệm khó quên. Và Nguyễn Nhật Ánh- một hiện tượng văn học mới, đã tái hiện lại những hồi ức đẹp đẽ, hồn nhiên mà vụng dại ấy qua tác phẩm “Tuổi thơ tôi”.

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh 1955 tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn nổi tiếng, viết nhiều tác phẩm cho tuổi thơ, tuổi mới lớn. Nhà văn được xem như một hiện tượng văn học hiện đại mới, nhận được nhiều sự yêu mến của các độc giả thiếu nhi, thiếu niên.

2. Văn bản

Tuổi thơ tôi là truyện ngắn, sử dụng ngôi kể thứ nhất, in trong “Sương khói quê nhà” năm 2012.

Tuổi Thơ Tôi - Nguyễn Nhật Ánh

II. Trải nghiệm, suy ngẫm và phản hồi

1. Miền tuổi thơ trong hồi ức của “tôi”

Câu chuyện bắt đầu bằng âm thanh “tiếng dế” vẳng lên từ những bụi cây quanh quán Đo Đo- quê hương của nhân vật “tôi”. “Tiếng dế” đã trở thành âm thanh kì diệu đưa “tôi” trở về miền kí ức tuổi thơ gắn liền với trò “đá dế” của lũ trẻ lớn lên nơi thôn quê. Đồng thời, “tiếng dế gáy vang lên” cũng là âm thanh kết thúc truyện. Có thể nói, âm thanh này là yếu tố đã tạo nên kết cấu chặt chẽ cho cốt truyện ở đây.

Thật vậy, theo mạch suy tưởng được gợi lên từ âm thanh “tiếng dế”, những kỉ niệm tuổi thơ chợt ùa về trong tâm tưởng “tôi”- tuổi thơ lem luốc của những đứa trẻ thôn quê. Lũ trẻ lớn lên cùng những trò chơi nghịch ngợm từ chuyện bẻ trộm mía, hái ổi, hái mận của hàng xóm đến tìm tổ chim, đặc biệt là trò “đá dế”. Trong số lũ bạn tuổi thơ cùng “tôi” nghịch dại, phá phách, có lẽ Lợi là người bạn để lại ấn tượng khó phai nhòa nhất. Lợi là cậu bé keo kiệt, bủn xỉn, hám lợi, có phần ích kỉ với bạn bè. Thể nhưng cậu bé lại là người yêu thương loài vật. Cậu bé khóc rung rức khi con dế cưng của mình bị lũ bạn bày kế mà bị thầy giáo tịch thu rồi vô tình làm chết. Câu chuyện về cậu bé Lợi và con dế của cậu luôn làm lòng“tôi” chùng xuống mỗi lần nhớ đến.

Vì vậy, hôm nay, khi nghe tiếng dế văng vẳng bên tai, nhân vật “tôi” không thể tránh việc nhớ lại những hồi ức xưa, để rồi thổn thức, bồi hồi trước những thay đổi vô chừng của thời gian. Giờ đây, cậu bé Lợi đã đi lập nghiệp nơi xa, thầy giáo cũng đã qua đời và “tôi” cũng thỉnh thoảng mới về thăm quê. Cuộc sống quay cuồng với guồng xoáy cơm áo gạo tiền ngỡ sẽ làm người ta quên mất những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, vụng dại nhưng không ngờ chúng vẫn tồn tại, có lẽ là ẩn sâu nơi ngóc ngách trong tâm hồn, vẫn âm thầm làm điểm tựa để những yêu thương trong sáng, thuần khiết ấy nâng đỡ ta giữa cuộc đời.

Tóm lại, câu chuyện đã được tác giả xây dựng theo kết cấu “truyện lồng trong truyện”. Câu chuyện về tuổi thơ của “tôi”lại in hằn câu chuyện về người bạn nhỏ và con dế lửa của cậu bé ấy. Và “tiếng dế” chính là sợi dây thần kì nối kết hai mạch truyện chặt chẽ với nhau. 

2. Những người bạn nhỏ thời thơ ấu

a. Nhân vật cậu bé Lợi

Lợi là cậu bé nổi tiếng “trùm sò” trong lớp của “tôi”. Lợi lúc nào cũng nghĩ đến chuyện tích cóp thật nhiều viên bi [một món đồ chơi của trẻ con]. Cậu bé ra giá cho từng việc làm mà bạn bè nhờ vả. Vì thế, hầu hết lũ trẻ đều không thích Lợi. Đã vậy, tình cờ bắt được con dế lửa- cao thủ trong trò đá dế- Lợi còn tự kiêu, lúc nào cũng nghênh mặt trước lũ bạn. Sở thích “thu vén” hòn bi cũng không hấp dẫn Lợi bằng con dế lửa này.

Có lẽ, với Lợi, con dế lửa không còn đơn thuần chỉ là một con vật vô tri, là vũ khí giúp cậu chiến thắng trong những trận đấu dế, vì thế khi con dế vô tình bị đè chết, cậu bé khóc, “cặp mắt đỏ hoe, nước mắt nước mũi chảy thành dòng”. Lợi tổ chức tang lễ cho con dế, chôn cất, cắm lên mộ của chú dế “những nhánh cỏ tươi rồi như không kềm được”, cậu bé “bật khóc nức nở”.

Lúc này, trong mắt, trong lòng của mọi người xung quanh, một thằng bé Lợi hay ham lợi, ích kỉ, tự kiêu đã biến mất không còn dấu vết nào nữa, chỉ còn hiển hiện trước mắt là một cậu bé nhân hậu, giàu tình cảm, trọng tình trọng nghĩa đang đau đớn vì mất đi người bạn dế lửa nhỏ bé của mình. 

Khác với cậu bé Sơn hiền lành, nhân hậu trong “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam, nhân vật Lợi trong truyện ngắn này của Nguyễn Nhật Ánh góc cạnh và đa chiều hơn, vì thế, hình tượng nhân vật cũng gần gũi và chân thật hơn. Cậu bé Lợi cũng có tính xấu, cái tính xấu này ta vẫn có thể bắt gặp ở trẻ em trong đời thường, Lợi ích kỉ, hay tính toán chi li, vụ lợi, nhỏ nhen, kiêu ngạo. Trong ánh nhìn của “tôi”, Lợi là người bạn đáng ghét.

Tuy nhiên, khi chứng kiến những hành động, nét mặt, cử chỉ của Lợi lúc con dế lửa chết, lúc con dế được chôn cất, người đọc cũng như lũ trẻ trong truyện đã nhìn thấy một mặt tính cách khác trong Lợi: lòng yêu thương. Chỉ có một trái tim nhân hậu mới có thể chỉ vì một “người bạn nhỏ” đã chết mà cất lên tiếng khóc nức nở, bỏ qua cả người và vật ở ngoại giới. Và cũng chính vì thế mà từ thầy giáo đến lũ trẻ đều quan tâm và sẻ chia với nỗi đau của Lợi. Họ cũng áy náy, nói lời xin lỗi với cậu bé. Tình thương đã chữa lành, xóa nhòa mọi ranh giới cá nhân ích kỉ, ghen tị, trở thành mối keo gắn kết tình thầy trò, tình bạn giữa họ.

Như vậy, ở đây, nhà văn đã thông qua các chi tiết tiêu biểu về nét mặt, cử chỉ và hành động của nhân vật để khắc họa hình ảnh một cậu bé tuy có tính xấu nhưng cũng giàu yêu thương một cách rõ nét, sinh động và đa chiều. 

b. Các nhân vật khác

Bên cạnh nhân vật chính Lợi, “tôi” và các bạn cũng là những nhân vật đáng chú ý trong truyện. Các cậu bé chính là tác nhân thúc đẩy, tạo nên tình huống éo le trong truyện. Nhờ vậy, sự đa chiều trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Lợi mới có thể được bộc lộ một cách tự nhiên và hợp lí trước mắt độc giả: Lợi tuy có nhiều tính xấu nhưng vẫn là một cậu bé có tấm lòng trong sáng, nhân hậu. “Tôi” và các cậu bé khác ghét Lợi không chỉ vì cậu bé này hay tính toán vụ lợi mà còn bởi cậu bé không đồng ý đổi con dế lửa của mình với lũ bạn.

Kể cả chúng bạn dùng viên bi hay tiền để đề nghị trao đổi cậu bé Lợi vẫn không đồng ý. Thế là “tôi” và các bạn vì ghen ghét, đố kị, không cam lòng nên bày kế “trả thù” Lợi. Có thể thấy thật ra, tất cả các cậu bé này đều không phải là những đứa trẻ nhu mì, hiền lành, ngược lại, chúng tinh ranh, nghịch ngợm, chẳng ai kém cạnh ai.

Tuy nhiên, khi nhìn thấy Lợi khóc, lũ trẻ vô cùng áy náy, cảm thấy tội lỗi. Chúng “thấy lòng chùng xuống, chẳng đứa nào sung sướng vì trả thù được thằng Lợi nữa”. Chi tiết “khi nhìn thấy nó khóc như mưa bấc, bọn tôi cũng tan nát cõi lòng, chẳng còn tâm trạng nào mà ghét nó nữa”đã nêu bật tâm trạng ấy của “tôi” và các bạn.

Vì vậy, chúng nó đã cùng tới dự đám tang mà Lợi tổ chức cho người bạn dế lửa của mình, “tôi” đã cùng Lợi đào đất chôn cất chú dế “thật sâu và vuông vức”. Qua tất cả những chi tiết miêu tả hành động, ý nghĩ của “tôi” và các bạn nhỏ khác, chúng ta có thể cảm nhận rõ ràng lũ trẻ tuy có sự xốc nổi, ích kỉ, đố kị nhưng vẫn là những đứa trẻ hồn nhiên, nhân hậu.

Và trong câu chuyện của những đứa trẻ tinh nghịch ấy, ta thấy thấp thoáng bóng dáng của người thầy giáo nghiêm khắc mà chính trực và nhân hậu. Thầy Phu trở thành đối tượng để lũ bạn lợi dụng “trả thù” cậu bé Lợi. Song trò đùa ấy lại ra đường rẽ bất ngờ không thể cứu chữa. Thầy Phu tịch thu con dế lửa của Lợi vì người nhạc sĩ này gáy ầm ĩ, làm ồn trong giờ học. Đến lúc hết giờ, thầy Phu muốn trả lại con dế cho Lợi thì lại phát hiện con dế đã bị cái cặp to đùng đầy sách của mình đè bẹp.

Thấy Lợi khóc nức nở, “nét mặt thầy trông áy náy ghê lắm”, thầy nói xin lỗi với đứa học trò tội nghiệp. Thầy đến dự đám tang của chú dế, “chắp hai tay sau lưng, lặng lẽ đứng nhìn” và bùi ngùi đặt một vòng hoa tự kết bằng những bông hoa tim tím.

Thầy nói với Lợi bằng giọng buồn buồn: “Đừng giận thầy nghe con.”. Ở đây, có nhiều lí do để ta tin tưởng tác giả đã bỏ rất nhiều tâm tư khi viết về người thầy này. Trong truyện, thầy xuất hiện không nhiều nhưng mỗi một chi tiết nói về thầy đều vô cùng sâu sắc, đều trong vô thức cho ta cảm nhận được tấm lòng nhân hậu, hết mực yêu thương và lo lắng cho học trò của ông giáo chốn làng quê.

Qua những dòng hồi ức của nhân vật “tôi”, rõ ràng các học trò của thầy Phu cũng chẳng ngoan hiền gì. Chúng nó đi học mà đem dế theo để chơi trò đá dế, chúng nó có cả giá cho việc chép bài giùm. Thầy có lẽ đã rất vất vả để gò những đứa trẻ thôn quê hiếu động, tinh nghịch vào khuôn phép, để chúng nó chịu học hành nghiêm túc, đàng hoàng.

Hành động tịch thu con dế của Lợi trong giờ học cũng là điều dễ hiểu, xuất phát từ lòng mong mỏi học trò sẽ tập trung học bài, nghe giảng. Vô tình gây ra cái chết cho con dế, thầy day dứt nói xin lỗi với Lợi. Thầy còn tự tay kết một vòng hoa đặt lên mộ của chú dế xấu số. Từng lời nói, từng hành động của thầy đều khắc sâu vào lòng độc giả một nhân cách chính trực, chân thành nhận lỗi khi trót gây ra lỗi lầm, làm tổn thương cậu học trò nhỏ; một trái tim nhân hậu, đầy yêu thương và bao dung đối với học trò của mình. Thầy Phu chính là tấm gương mẫu mực để học trò noi theo. 

Đặc biệt, trong truyện, con dế lửa xuất hiện với một vai trò vô cùng đặc biệt. Nó chính là vật dẫn để lũ trẻ nhận ra được lỗi lầm của mình. Ban đầu, vì tài năng của mình, dế lửa đã làm bùng lên ngọn lửa đố kị, chán ghét, bất mãn vốn đã âm ỉ từ lâu của lũ trẻ đối với Lợi. Cho nên lũ trẻ mới quyết định cho “trùm sò” Lợi một bài học.

Những góc tối, góc khuất ích kỉ của con người qua hình ảnh những đứa trẻ đã bị tác giả phơi bày ra dưới ánh sáng của sự thật mà con dế chính là sứ giả trung gian. Nhưng cũng đồng thời, nhờ cái chết của con dế mà tất cả lũ trẻ đã nhận ra mặt tốt của Lợi. Chúng nhận ra mình biết ân hận vì đã thực hiện một kế hoạch, một trò đùa ác ý. Chúng nhận ra bản thân đã làm tổn thương Lợi nghiêm trọng. Chúng đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau của bạn mình khi mất đi người bạn dế yêu quý.

Và cuối cùng, tất cả chúng, kể cả Lợi, đã tổ chức tang lễ và chôn cất cho chú dế một cách trang nghiêm. Nếu lòng ích kỉ, sự đố kị, tham lam, …đã gây nên hiềm khích, chia rẽ giữa lũ trẻ thì tình thương, lòng nhân hậu, sự đồng cảm sẽ kéo chúng trở về đúng bản chất ban đầu của mình- những thiên thần nhỏ thuần khiết, trong sáng, hồn nhiên và nhân hậu.

3. Đề tài và chủ đề

Lấy đề tài về cuộc sống của những đứa trẻ thôn quê, Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ nên một bức tranh làng quê thật đẹp với những gam màu ấm áp, tươi sáng. Câu chuyện giàu tính chân thật như chính cuộc sống vẫn thế. Ở đó, con người giằng co giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái ích kỉ, nhỏ nhen và lòng nhân hậu, vị tha. Thế nhưng, sau tất cả, tình thương sẽ chiến thắng. Yêu thương, quan tâm, sẻ chia sẽ xóa nhòa những ranh giới mà sự đố kị, tham lam tạo nên. Thông điệp yêu thương, cũng là chủ đề của câu chuyện, mà Nguyễn Nhật Ánh muốn gửi gắm đến độc giả tuy khác nhau về hình thái bên ngoài nhưng vẫn cùng bản chất với Thạch Lam, với Tô Hoài và các tác giả khác viết cùng chủ đề.

III. Tổng kết

Nguyễn Nhật Ánh đã từng tự bộc bạch: “Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi là tuổi thơ. Tôi sống xa quê hương, xa đất đai quê xứ, xa tuổi thơ rất sớm nên tâm hồn tôi luôn neo vào bến tuổi thơ.”. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh vì thế đã phản ánh chân thật, sinh động thế giới tâm hồn của trẻ thơ. Câu chuyện của ông thu hút từ trẻ em đến người lớn. Những đứa trẻ lớn lên cùng wifi, youtube sẽ tìm thấy, sẽ hiểu được tuổi thơ đúng nghĩa là như thế nào. Còn người lớn thì sống lại với những kí ức tuổi thơ, hồi sinh lại một mảnh tâm hồn đang trở nên ngày càng khô khan, cằn cỗi và vô cảm vì nỗi lo cơm áo, vì những lọc lừa mình đã nếm trải. Ở nơi đó, cái đẹp, lòng nhân ái mãi mãi vĩnh hằng, bất biến, mãi mãi là điểm tựa tinh thần cho con người, dù đôi lúc chỉ trong âm thầm, vô thức.

IV. Luyện tập, củng cố, mở rộng

Tưởng tượng em là nhân vật tôi trong truyện, hãy viết một lá thư gửi đến Lợi để xin lỗi, bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được trở thành bạn tốt với Lợi.

Bài làm tham khảo

Đo Đo, ngày….tháng…..năm……

Lợi thân mến!

Lợi ơi, từ lúc tôi cùng bạn chôn cất cho Dế Lửa đến nay, tại sao Lợi luôn tránh mặt tôi và tụi thằng Bảo? Có phải Lợi vẫn còn trách và giận chúng tôi không? Tôi biết tôi và tụi thằng Bảo có lỗi với Lợi nhiều lắm. Chỉ vì lòng ganh ghét nhỏ nhen mà chúng tôi đã hại Dế Lửa bị chết oan mạng. Thấy bạn khóc, tôi hối hận và day dứt vô cùng. Có lẽ tụi thằng Bảo cũng vậy. Nếu bạn không muốn nghe tôi nói thì tôi sẽ viết cho bạn.

Lợi à, thật ra chúng tôi cũng không phải là kẻ cố tình gây chuyện. Bởi lúc trước, trong mắt chúng tôi, Lợi là người bạn ích kỉ và tham lam. Chúng tôi cảm thấy bạn không phải là người tốt. Lại thêm bạn tỏ vẻ rất kiêu hãnh vì có Dế Lửa làm trợ thủ cho mình. Bạn luôn thắng trong các cuộc thi đá dế. Cứ nhìn cái vẻ mặt vui sướng của bạn là tôi tức điên lên, mất hết cả lí trí. Vì thế mà chuyện mới ra nông nỗi! Lúc ấy, thấy bạn khóc nức nở, tôi mới hiểu ra bạn cũng là người tốt. Bạn yêu quý Dế Lửa nên mới không chịu đổi với tụi tôi, nên mới đau lòng, khóc thảm thiết khi Dế Lửa chết. Lợi là người nhân hậu. Tâm hồn bạn thật đẹp!

Hôm nay, tôi viết lá thư này, xin được nói với Lợi lời xin lỗi chân thành nhất. Tận đáy lòng, tôi mong bạn hãy cố nén đau buồn. Tôi tin rằng ở một thế giới khác, Dế Lửa đã có cuộc sống tự do, biết đâu cậu ấy còn gặp gỡ và kết bạn với Dế Mèn nữa cũng nên? Dế Lửa đã có bạn, vậy Lợi hãy mở lòng mình, hãy tha thứ và cho tôi được chuộc lỗi và cho tôi được trở thành bạn tốt của Lợi. Tôi hứa tôi sẽ đối xử chân thành và tôn trọng Lợi, sẽ trả công bằng bi cho Lợi mỗi khi Lợi giúp tôi giữ dép trong giờ chơi [còn cái vụ chép bài thì thầy Phu đã phát hiện và ra lệnh cấm rồi. Hic]. 

Thôi thư đã dài, tôi xin dừng bút. Mong Lợi đọc thư và tha thứ cho tôi [cho cả tụi thằng Bảo nữa nha]. Chúng ta sẽ mãi là bạn của nhau nhé!

Bạn của Lợi

Ánh

Cô Trần Thị Thùy Duyên - Trường TH THCS THPT Lê Thánh Tông

[Hệ thống trường Nguyễn Khuyến] 

Video liên quan

Chủ Đề