Công văn giải trình đăng ký làm thêm qua giờ năm 2024

Trường hợp của công ty có được hiểu là thuộc đối tượng được phép đăng ký làm thêm giờ: "Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm" không? Nếu được thì thủ tục đăng ký/thông báo như thế nào?

Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM trả lời như sau:

Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019.

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ và bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019.

Trường hợp người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm (đã sử dụng hết 200 giờ trong năm) phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019.

Hồ sơ thông báo tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong năm của đơn vị cung cấp phải bảo đảm các nội dung theo quy định:

Thời gian thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm giờ theo Mẫu số 02/PLIV Phụ lục IV Khoản 2 Điều 62 ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.

Phải có sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ, được ký thành văn bản riêng về các nội dung: Thời giờ làm thêm, địa điểm làm thêm, công việc làm thêm theo quy định Điều 59 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ (Mẫu số 01/PLIV Phụ lục IV).

Các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm phải bảo đảm theo ngành, nghề, công việc theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019; Điều 61 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, trường hợp công ty đăng ký làm thêm giờ theo "Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm" do công ty tự xác định và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật; đồng thời khi thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phải bảo đảm theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019.

Tại Điều 97 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc hội quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

“Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

  1. Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
  1. Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
  1. Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”

Tại Điều 106 Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc hội, quy định về làm thêm giờ như sau:

“Điều 106. Làm thêm giờ

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  1. Được sự đồng ý của người lao động;
  1. Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;”

Tại điểm i Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn các khoản thu nhập được miễn thuế như sau:

“i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.”

Căn cứ ý kiến tham gia của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại công văn số 4038/LĐTBXH-PC ngày 16/9/2019: Khi tính tiền lương làm thêm giờ cần xác định số giờ làm thêm được phép tính theo quy định của pháp luật lao động: Tối đa không quá 200 giờ trong 01 năm; trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ trong 01 năm theo quy định tại điều 106 Bộ Luật Lao động năm 2012. Trường hợp làm thêm vượt quá định mức cho phép nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ quy định hiện hành và ý kiến nêu trên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phần thu nhập từ tiền lương, tiền công do làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường cho số giờ làm thêm không vượt quá mức quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.