Coong văn quy định xét nhà giáo ưu tú năm 2024

Việc xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" phải chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, giảng dạy.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, triển khai thực hiện Nghị định số 27/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng Nhà giáo nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGƯT), từ năm 2015 đến nay đã tổ chức được 03 đợt xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT vào năm 2017, năm 2020 và năm 2023. Đây là sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung, đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, thể hiện truyền thống tốt đẹp "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung, đặc biệt yêu cầu của việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…, một số quy định của Nghị định số 27 đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cụ thể là:

Chưa quy định chi tiết tiêu chuẩn cho từng đối tượng nên có một số nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục đặc thù, trường chuyên biệt không đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng.

Chưa phân định rõ cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nên việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho nhóm đối tượng này không phù hợp thực tiễn.

Thành tích về đề tài, sáng kiến: Quy định thành tích của nhà giáo đạt được riêng sáng kiến hoặc riêng đề tài là chưa phù hợp vì trên thực tế thành tích nghiên cứu khoa học của nhà giáo bao gồm cả đề tài, sáng kiến... Cách tính sáng kiến cấp tỉnh, bộ, đề tài cấp tỉnh, bộ, nhánh đề tài cấp Nhà nước không được thay thế cho nhau nên thiệt thòi cho nhà giáo…

Từ cơ sở thực tiễn nêu trên, việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT để có đủ cơ sở pháp lý trong việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT là rất cần thiết; khắc phục những hạn chế trong công tác xét tặng thời gian qua; tạo điều kiện để các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có tiêu chuẩn cụ thể để phấn đấu; cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ quản lý giáo dục các cấp có căn cứ để xây dựng kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến.

Quy định mới về đối tượng xét tặng

Dự thảo đề xuất chuyển đối tượng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy theo quy định của chế độ làm việc sang cùng nhóm đối tượng là giáo viên, giảng viên.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục trong nhà trường; giảng dạy đủ định mức giờ dạy theo danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục; có mã số V.07 hoặc V.09, được bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp, cùng được hưởng các phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp như giáo viên, giảng viên.

Cán bộ quản lý giáo dục chỉ còn 02 đối tượng gồm: Viên chức công tác tại các cơ sở giáo dục trước đây đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên nhưng hiện nay không tham gia giảng dạy; cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, nhóm này có đặc thù đều không tham gia giảng dạy để xây dựng tiêu chuẩn cho phù hợp.

Cụ thể, theo dự thảo, đối tượng áp dụng như sau:

Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục bao gồm:

  1. Nhà giáo làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, giảng dạy, quản lý và điều hành các hoạt động giáo dục (viết tắt là giảng dạy) trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, trường chuyên biệt, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (gọi chung là cơ sở giáo dục); đảm bảo đủ định mức giờ dạy theo danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục; có mã số V.07 hoặc V.09, được bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp;
  1. Cán bộ quản lý giáo dục

Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục: Viên chức công tác tại các cơ sở giáo dục trước đây đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên nhưng hiện nay không tham gia giảng dạy.

Cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, công chức, viên chức công tác tại phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo; cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên chuyên trách công tác quản lý giáo dục tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ban, ngành và cơ quan, tổ chức ở trung ương (sau đây gọi chung là các bộ, ban, ngành); công chức, viên chức chuyên trách công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp tại các phòng lao động - thương binh và xã hội, sở lao động - thương binh và xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; cán bộ chuyên trách công đoàn giáo dục;

  1. Cán bộ nghiên cứu giáo dục: Viên chức chuyên môn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học giáo dục;
  1. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội giữa hai lần xét tặng liền kề với năm xét tặng;

đ) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội tiếp tục giảng dạy, quản lý cơ hữu tại các trường dân lập và tư thục.

Nguyên tắc xét tặng

Dự thảo nêu rõ, không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước bao gồm Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú để đề nghị xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú".

Các thành tích để xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" phải đạt được trong thời gian công tác trong ngành Giáo dục.

Việc xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" phải chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, giảng dạy; nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giảng dạy, giáo dục người khuyết tật; nhà giáo công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Thời gian xét tặng, công bố danh hiệu và tổ chức trao tặng

Danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" được xét tặng và công bố 03 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 của năm xét tặng.

Các bộ, ban, ngành; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đại học quốc gia tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu cho các "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" thuộc thẩm quyền quản lý sau khi được Chủ tịch nước phong tặng.