Cốt tiên là gì

Mười năm đèn sách, mười năm nuôi khí chất là phép tu dưỡng của người xưa.

Cốt cách và khí chất rất quan trọng cho đời người. Anh hùng hào kiệt, chân nhân quân tử là những người có khí chất tốt, cốt cách. Thành công, có địa vị là những người có hình tướng hiển đạt.

Sang hèn [quý - tiện] không phải chỉ căn cứ vào mũ cao áo dài, quan to bổng hậu mà còn phải căn cứ vào khí chất con người.

Cuối đời Minh, tổng đốc hai tỉnh Tô Châu và Liêu Đông là Hồng Thừa Đào, có thầy tướng xem đã phê rõ ràng vào tướng cách của Đào ngày ấy tháng ấy sẽ chết. Nhưng đến đúng ngày ấy, tháng ấy Hồng Thừa Đào lại không chết khiến vị thầy tướng hết sức ngạc nhiên không hiểu tại sao?

Đời sau mới khám phá ra lý lẽ. Đào vốn là con người có danh có vị thời bấy giờ. Quân nhà Thanh sang xâm lược Trung Quốc bắt được Hồng Thừa Đào chính vào ngày thầy tướng phê tận số. Bởi chưng, Hồng Thừa Đào tham sống hàng giặc, đi làm quan cho giặc, làm Hán gian nên không bị giặc giết. Đào từ bỏ khí chất quý đáng lẽ ra phải có của một vị nhất phẩm nhân thần để chấp nhận tai tiếng ti tiện thành thử phát sinh biến tướng.

- Nếu căn cứ vào quyền thế, danh vọng Hồng Thừa Đào lúc bấy giờ Minh triều còn qua đến Thanh triều mà bảo như vậy là quý thì lầm. Chữ quý chứa chất trong nó cái nghĩa đẹp tốt, đức hạnh. Trường hợp Hồng Thừa Đào hàng giặc, làm quan cho giặc phải gọi là Tiện chứ không thể nói rằng Quý.

Ca dao có câu:

“Sáo đói thì sáo ăn da

Phượng hoàng lúc đói cứt gà cũng ăn”.

Phượng hoàng loại Hồng Thừa Đào là thế.

Có kẻ hiển đạt mà ti tiện hèn hạ thì ngược lại cũng có những người đói khổ mà cao quý. Tỉ như Vũ Huấn đời Thanh nguyên là lão ăn mày rồi đột nhiên ông ta tụ tập tranh đấu thiết lập tổ chức Nghĩa học, dạy các em nghèo biết chữ, tạo thành phong trào đi học rộng lớn.

Tuy nhiên, riêng thân phận ông ta vẫn là một lão ăn mày.

Hình tướng tốt mà không có khí chất tốt vẫn kể là bất túc.

Sách tướng viết: “Cốt vi quân nhục vi thần, xương là vua thịt là bầy tôi”. Xương với khí chất đi liền với nhau cho nên ta có thể gọi là khí chất hay cốt khí hoặc cốt chất đều được cả.

Ngụy Diên đời Tam Quốc có cái xương chồi sau gáy, Khổng Minh coi cái xương đó là tướng tài giỏi nhưng phản trắc. Cốt chất thế nào, khí chất như thế. Cốt chất xấu, khí chất tất hẹp hòi, gian tà, ti tiện.

Cốt chất tốt độ lượng, bao dung, sang trọng. Chỉ có tướng da, tướng thịt ngoại hình hiển đạt mà không có cốt tướng hiển đạt thì sự hiển đạt không lâu bền. Chỉ có tướng da tướng thịt ngoại hình quyền cao chức trọng mà cốt chất hèn hạ thì quyền cao chức trọng thật chưa vẹn toàn. Trái lại, tướng da tướng thịt ngoại hình cô hàn bần bạc mà cốt chất cao quý thì thân phận tuy thấp kém nhưng danh đức độ ít người theo kịp.

Cho nên phép xem tướng trước phải xem cốt cách.

Chương tổng luận sách “Thần Tướng Toàn Biên” có chép lời của Thành Hoà Tử giảng như sau: - Tướng mạo thanh cổ, cử động cẩn thận, lễ độ, đàng hoàng, tính tình trầm tĩnh, thanh thản, ăn nói đâu ra đấy, dõng dạc, tinh tế. Đấy là cốt chất của chính nhân quân tử.

- Hình mạo cổ quái, cử chỉ âm độc, ăn nói đi đứng tà dâm, thường có sát phạt chỉ tâm. Đấy là cốt chất của loại người bất thiện.

- Hình mạo tú lệ, cử động phong nhã, thông minh sáng suốt, tính tình hòa nhã, ưa học hỏi tu luyện. Đấy là cốt chất của thần tiên.

Những lời trên đây, Thành Hòa Tử muốn cho người đọc thấy hình dung của cốt chất. Đọc kỹ và suy ngẫm sẽ có thể nhận và thấu đáo được.

Để cho rõ hơn xin xem lại lịch sử nước nhà thời hai vị vua Thành Thái và Duy Tân. Cả hai ông chấp nhận từ bỏ ngôi báu chịu thân phận kẻ lưu đầy chứ không làm vua bù nhìn cho bọn Pháp thực dân. Đấy là cốt chất bậc minh quân. Đem so sánh với vua Lê Chiêu Thống sang khóc lóc với Thanh triều rước voi về dầy mồ. Đấy là cốt chất của hôn quân.

Địa vị có thể ngang nhau mà cốt chất khác nhau thì quý tiện cũng khác hẳn.

Địa vị cao thấp, hơn kém nhau nhưng cốt chất khác nhau thì quý tiện phải đặt vào sự nghiệp tiếng tăm,, chứ không phải đặt ở mũ cao áo dài.

Vấn đề cốt chất hay khí chất xong rồi.

Bây giờ nói về hình tướng của xương cốt.

Cốt vi quân, nhục vi thần.

Xương là chủ thể, thịt da là khách thể.

Xương thịt cần phải tương xứng. Thịt nhiều xương nhỏ không được. Thịt ít xương thô không được. Tối kỵ người lúc nào cũng co ro như rét, sách tướng gọi là cốt hàn. Tướng cốt hàn thì nghèo, hèn chết non.

Về tướng xương, sách Khâu Ngọc Quảng viết:

- “Đốt xương ví như kim thạch, cần vút cao lên chớ ngang ngạnh ra, tròn trịa đừng thô. Người mập nên béo lẳn không lộ thịt, người gầy nên vững chắc không khẳng kheo lộ xương. Xương thịt tương xứng khí sắc tương hòa là tốt. Cốt hàn xương co quắp phi yểu tắc bần”.

Sách “Thông Tiên Ngữ” viết: - “Quyền cốt [xương gò má] cao, nở rộng với ngọc trẩm [xương sau ót giữa gáy và đỉnh đầu] u lên là làm quan to trong triều đình”.

Ông Thành Hòa tử nói: - “Quyền cốt cao nhưng thô, mặt mày nở nhưng thịt mỏng hoạn lộ lao đao. Da dầy xương nặng, khí tục là nông phu. Xương quá lớn là thợ thuyền”.

Sách “Cửu Cốt Ca” viết:

“Phong long quang nhuận khí bột bột

Tiên lập triều ban chấp ngọc hốt”.

Phong long quang nhuận nghĩa là xương vững chắc, đầy đủ, cân đối, sáng sủa trông đẹp như một tác phẩm điêu khắc. Khí bột bột nghĩa là còn thấy nó có lực chưa hết, chưa tàn, trông khỏe như cành cây, thân cây được chăm non vun bón.

Cũng sách “Cửu Cốt Ca” có những câu:

- Có thịt không xương thì đi hầu.

- Có xương không thịt không ngôi vị.

- Quyền cốt chạy dài đến thái dương được dịp là làm loạn.

- Sống mũi cao thẳng lên trán quan cư thượng phẩm.

- Sau gáy xương nổi như cái trứng gà [ngọc trẩm] thông minh, minh mẫn.

- Quý cốt thiếu niên thị đế đình,

Vô quý cốt giả chung bạch đinh.

[Có xương quý thành công sớm, không có thì suốt đời làm bạch đinh].

Cốt tướng lấy đầu làm chủ cho nên xem tướng chỉ cần xem xương sọ. Xương đầu đã hỏng thì các xương khác không đáng kể nữa.

Về sau, những giang hồ thuật sĩ lập ra một lối xem tướng sờ xương dành cho những người mù. Để thêm phần quan trọng, họ nắn cả từng xương ngón tay ngón chân. Thật ra chỉ cần nắn xương sọ là đủ.

Giết tướng giặc, đám giặc phải tan. Đầu cũng như ông tướng giặc của thân thể. Nhìn một người nếu thấy người đó đầu quả muỗm, nhỏ mà thiếu góc cạnh, chẳng cần coi thêm, ta có thể hạ ngay một câu:

Tướng chung thân bần khổ.

Cốt cách của một người càng lớn thì con đường tương lai mới có thể rộng mở. Ngược lại, người có cốt cách nhỏ, bất kể anh ta có khả năng đến đâu thì sau tất cả cũng sẽ không thể trở thành dòng nước lớn.

Cốt cách không phải trời sinh mà có, chỉ có thể hình thành thông qua quá trình rút kinh nghiệm cho tương lai.

Khi bạn phát hiện 3 dấu hiệu này ở chính bản thân mình, chứng tỏ cốt cách con người bạn đang càng phát triển.

1. Dấu hiệu đầu tiên: thay vì phàn nàn, nhẹ nhàng thay đổi

Trước kia tôi có một người bạn cùng phòng, mỗi ngày tan làm cô ấy nhất định phải làm một việc, đó là kéo lại bất kỳ người quen nào xung quanh, để nói xấu về sếp hoặc là cáo buộc đồng nghiệp của mình.

Ban đầu mọi người còn khuyên bảo, an ủi cô ấy, nhưng hết lần này đến lần khác, mọi người không còn cảm thấy ngạc nhiên nữa. Những lúc cô ấy lại phàn nàn, những người xung quanh, dù họ không nói ra với những người khác nhưng tất cả đều hiểu ngầm trong lòng.

Xung quanh bạn cũng có thể có người như vậy, khi gặp phải sự tình thì cảm thấy bản thân bị oan ức, sau đó liền buồn bực than trách như thể cả thế giới đều đang mắc nợ họ.

Thỉnh thoảng phàn nàn một chút là một cách để bộc lộ tâm tình, không có gì là không được, nhưng cứ mãi phàn nàn theo thói quen mà không tìm kiếm cách khắc phục thì sẽ biến thành người không khôn ngoan.

Tại sao có những người rất ít phàn nàn? Bởi vì họ biết người, biết việc, cũng biết thời thế. Người không phàn nàn có phải đều trải qua những việc rất hài lòng hay không? Không phải vậy. Thế giới dùng nỗi đau để tiếp cận tôi, nhưng tôi đã hồi báo bằng sự khoan dung, đây chính là yếu tố làm nên cốt cách con người tôi.

Đời người thực khổ! Khi bạn biết cách không phàn nàn nữa, lấy thái độ lạc quan đối mặt với cuộc sống, bạn mới thực sự hiểu và tận hưởng cuộc sống. Thay vì mở miệng phàn nàn thì tốt hơn hết là nên thay đổi bản thân để thích nghi với ngoại cảnh.

2. Dấu hiệu thứ hai: ít so đo tính toán, mở lòng nhiều hơn

Một lần tôi xem một bộ phim điện ảnh, trong đó xem được một phân đoạn như thế này: Người đàn ông - chủ của chiếc Ipad bị mất, thông qua định vị phát hiện chiếc Ipad rơi vào tay một tên đồ tể. Để đổi lấy chiếc iPad, mà trong túi người chủ chỉ có 1500 tệ nên ông ta đã yêu cầu người đó bán lại rẻ hơn một chút. Tên đó đã đồng ý, nhưng ngay lập tức lấy dao xoẹt lên chiếc iPad một nhát, rồi nói, giá trị này đúng với giá tiền.

Những hành động tương tự này cũng là điều khiến mọi người bất ngờ, phải là người so đo mới thường làm ra những sự việc như vậy. Bởi vì món lợi trước mắt mà tính toán so đo, nhân cách của người như thế cũng thật đáng ngại.

Tôi đã nghe một chuyện, có một người thu được một viên ngọc trai rất lớn, nhưng anh ta vẫn không hài lòng, bởi vì trên viên ngọc trai có một đốm nhỏ. Vì vậy, anh ta đã nghĩ biện pháp để loại bỏ đốm đó. Nhưng khi anh ta bào mòn chỗ đốm đó liền phát hiện cái đốm đó vẫn còn. Anh ta không bỏ cuộc, tiếp tục chà xát hết lớp này đến lớp khác. Cho đến cuối cùng, khi cái đốm đó được bào mòn mất thì viên ngọc trai cũng bị phá hủy.

Người có lòng hay tính toán luôn chi li thiệt hơn vì cái lợi trước mắt mà không nhìn thấy đại cục phía sau, cuối cùng thiệt thòi lại càng nhiều.

Nếu bạn cứ mãi ích kỷ thì mỗi ngày trôi qua sẽ đều là những ngày u ám, buồn tẻ; nếu mở lòng hơn với đời, với người tự nhiên mọi điều tốt đẹp sẽ đến và mỗi ngày trôi qua cũng nhờ thế mà dễ dàng vui vẻ hơn.

3. Dấu hiệu thứ ba: bắt đầu biết cách chịu trách nhiệm

Tôi quen một người bạn, đồng nghiệp xung quanh đều đánh giá cô ấy là người có thể gánh vác mọi việc.

Mọi nhiệm vụ mà lãnh đạo công ty giao cho cô ấy, bất kể thời gian có khẩn cấp đến thế nào, sự việc mà người khác thấy khó khăn đến đâu thì cô ấy đều có thể đưa ra thành quả khiến mọi người phải hài lòng. Bài viết quảng cáo sản phẩm của công ty, cô ấy thường viết theo 6-7 cách khác nhau, mà phản hồi đều rất tốt. Thời gian đến công ty chưa đầy một năm, cô ấy đã được thăng chức.

Người có tinh thần chịu trách nhiệm, khi làm việc họ thường khiến người khác yên tâm, người như vậy mới có thể được ủy thác những trọng trách to lớn. Khi bạn ghét bỏ công việc vừa bận vừa mệt, bạn không biết rằng trong đó là khảo nghiệm, cũng là cơ hội.

Người dám chịu trách nhiệm, khi gặp bất kỳ sự việc gì họ đều coi đó là cơ hội, họ sẽ chỉ coi đó là một công việc họ cần làm.

Tầm nhìn cao hay thấp, một cái nhìn liền biết.

Người có trách nhiệm không chỉ có nghĩa là dám nhận trọng trách, mà còn có ý là dám chịu trách nhiệm cho những thất bại, bất lợi cũng như những lời phê bình, chỉ trích. Kẻ mạnh thật sự dám chấp nhận thua cuộc, không trốn tránh, không bào chữa, không lâm trận bỏ chạy, biết rút ra kinh nghiệm từ lần thất bại này để lần tiếp theo mình giành lại chiến thắng.

Gặp chuyện không hoảng loạn sợ hãi, dũng cảm chịu trách nhiệm với những việc mình làm, người như vậy, đi đến đâu cũng đều có thể tự tạo ra vùng trời cho riêng mình.

Một lần tôi nghe qua một câu nói như thế này: "Khi cốt cách của một người đủ lớn thì họ sẽ không bị chìm lẫn vào với những điều tầm thường của cuộc sống".

Một người ngừng phàn nàn, nuốt vào những oan ức hiện tại, mới có thể nuôi lớn cốt cách của bản thân.

Một người không so đo tính toán, không ích kỷ mới có thể sống cuộc đời thảnh thơi.

Một người dám chịu trách nhiệm, hiểu rõ dũng cảm chịu trách nhiệm là huy chương sáng giá nhất trong cuộc đời, cũng là tấm danh thiếp cá nhân bán chạy nhất.

"Cốt cách" quyết định đến độ rộng của cuộc sống. Một người gầy dựng cho mình một cốt cách đủ lớn thì người đó sẽ nhận được những khả năng vô hạn.

Nếu thực sự muốn đổi đời, bạn sẽ tìm ra cách, còn không bạn sẽ tìm ra lý do: Tiếp tục trì hoãn là phá hoại tương lai của chính bản thân mình

Video liên quan

Chủ Đề