Đánh giá sau 5 năm gia nhập wto năm 2024

Cùng ngồi lại trong một hội thảo chuyên đề nhân dịp kỷ niệm 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nhà đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam cùng có chung một nhận định là trong đàm phán thương mại quốc tế sắp tới, rất nhiều bài học quý giá trong quá khứ cần được tham khảo nghiêm túc

Một thập kỷ trước, quan điểm và nhận thức về gia nhập WTO vẫn chưa thật thông suốt trong các cấp lãnh đạo. Nhiều người khi đó vẫn chưa hiểu được một điểm khác biệt hết sức căn bản: trong các đàm phán thương mại song phương khác, đàm phán là... đàm phán, trong khi đàm phán gia nhập WTO, thực chất là ta đang... nộp đơn để tổ chức này chấp nhận và kết nạp.

Một hội nghị Trung ương khi đó đã đưa vào dự thảo của mình rằng Việt Nam đặt mục tiêu gia nhập WTO vào năm 2005 bên cạnh một loạt mục tiêu khác, điều mà nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, cùng với một số ủy viên Trung ương khác, đã quyết liệt phản đối.

May mắn là, nội dung nói trên cuối cùng đã không được đưa vào nghị quyết, thay vào đó, chỉ ghi chung chung là Việt Nam "nỗ lực gia nhập WTO sớm", và điều này đã trả lại cho đoàn đàm phán một vị thế chủ động hơn để đàm phán, hơn là gắn mình vào một mục tiêu đã được định sẵn.

Kể lại chuyện này, ông Tuyển ví von rằng vào WTO giống như đi lấy vợ. "Khi mình cố gắng đưa ra một mục tiêu thời gian, rất khó để đạt được, mặc dù trong lòng mình rất muốn".

Việt Nam lẽ ra có thể đã không được gia nhập WTO vào thời điểm tháng 1/2007. Theo một kế hoạch không công bố của WTO, thời điểm đó lẽ ra đã phải dành cho nước Nga. Có chút may mắn khi mà, cho dù một số nội dung chưa thật sự "thông", thì cuối cùng WTO cũng đã chấp thuận Việt Nam.

Trong nhiều năm trời, ông Tuyển và đoàn đàm phán đã có hàng trăm phiên họp, thảo luận khác nhau với WTO và các đối tác, và thấm thía hơn hết những khó khăn, thử thách mà Việt Nam phải đối mặt, nhất là việc Việt Nam sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các quốc gia đã vào WTO từ trước năm 1995.

Có lần, ông đưa vấn đề này hỏi thẳng Pascal Lamy, Tổng giám đốc của WTO, rằng có phải các quốc gia vào sau đang bị phân biệt đối xử không. Câu trả lời là: "Đúng vậy, nhưng đó là cuộc sống!". Thông điệp của vị Tổng giám đốc WTO là rất rõ ràng: Việt Nam không có cách nào khác là ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết từng vấn đề cụ thể thay vì duy ý chí về mục tiêu và thời điểm gia nhập WTO!

Đánh giá một cách tổng thể về quá trình đàm phát, ông Tuyển cho rằng về cơ bản các mục tiêu đã đạt được, nhưng cũng nói rằng một số nội dung vẫn có có thể làm tốt hơn nữa nếu chủ động hơn nữa.

Trong khi đó, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, cũng là một nhân vật được nhắc đến nhiều với tư cách là một lãnh đạo của đoàn đàm phán gia nhập WTO. Theo ông Tự, một trong những bài học lớn nhất từ đàm phán WTO chính là sự chuẩn bị kỹ càng và nghiêm túc từ trong nước.

"Hội nhập thành công hay không chính là từ những thay đổi từ bên trong của mình. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu kỹ càng các đối tác cũng như luật chơi của WTO đã góp phần giúp cho đàm phán thành công. Những bài học này vẫn rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong rất nhiều cuộc đàm phán trước mắt", ông nói.

Với 5 năm Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đánh dấu một “bước ngoặt” lớn của nền kinh tế nước ta, mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn FDI, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, mở rộng thị trường toàn cầu ... Tuy nhiên, qua 5 năm nhìn lại, Việt Nam cũng còn nhiều bất cập khi gia nhập vào “sân chơi” thương mại lớn này.

Những bất cập đó tồn tại ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành và đang là những thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều bất cập khi đưa vào cuộc sống với các quy định về hệ thống hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ thị trường, bảo vệ sản xuất và quyền lợi đất nước, tiếp tục khai thác các lợi thế để thâm nhập thị trường của 152 thành viên WTO… Nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý cũng đã từng cảnh báo rằng gia nhập WTO là điều kiện cần nhưng chưa đủ để Việt Nam hội nhập và phát triển, nếu không có bản lĩnh, doanh nghiệp sẽ khó lòng trụ vững trong WTO.

Hành lang pháp lý: Còn thiếu đồng bộ và chưa thực sự hiệu quả

5 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được các văn bản luật phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như Luật Đầu tư (tổng hợp từ các quy định về đầu tư ở nhiều thể loại khác nhau), Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân hàng Nhà nước mới, Luật Các tổ chức tín dụng mới… gồm khoảng 50 văn bản luật. Các quy định đã phù hợp với thực tiễn và tình hình, và đương nhiên là phù hợp với cam kết của Việt Nam với các thành viên của WTO. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn tình trạng luật phải “chờ đợi” văn bản dưới luật thì mới có thể thi hành. Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, các cấp quản lý còn loay hoay trong việc hướng dẫn thi hành một số luật, hoặc hướng dẫn chậm, hoặc có những văn bản hướng dẫn lại không phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình là Luật Trọng tài Thương mại được triển khai từ năm 2010 nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa hướng dẫn xong. Hay như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai cũng còn một số vướng mắc.

Cũng theo Bộ Tư pháp, ở cấp địa phương, tổng cộng có khoảng gần 1.300 văn bản liên quan trực tiếp đến cam kết của Việt Nam với WTO, trong đó có 60 văn bản phải bổ sung hoặc hủy bỏ. Nếu không có động thái hủy bỏ hoặc sửa đổi, những văn bản này sẽ có ảnh hưởng xấu tới chính tới môi trường đầu tư - kinh doanh của địa phương đó. Và mặc dù số văn bản không phù hợp này chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng rõ ràng, đã đặt ra yêu cầu cần phải nghiêm khắc nhắc nhở các địa phương phải cố gắng hơn khi soạn thảo, xây dựng; nâng cao năng lực thẩm định để những văn bản không “vênh”, không trái với cam kết của cấp Trung ương khi gia nhập WTO.

Yêu cầu hội nhập và gia nhập sân chơi thương mại thế giới rộng lớn đã đặt ra cho nước ta bài học kinh nghiệm: Phải biết, tham khảo, học hỏi các học thuyết pháp luật, học thuyết kinh tế đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới để bổ sung, hoàn thiện các quy định có liên quan và điều quan trọng là khi triển khai soạn thảo, ban hành quy định pháp lý liên quan cần phải đặt “lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”, tránh tâm lý lợi ích cục bộ, ngành, địa phương mà làm ảnh hưởng tới toàn cục. Thực tế 5 năm qua cũng chỉ ra, khi tham gia WTO, nước ta vẫn có những sơ suất trong quá trình giải quyết tranh chấp các hợp đồng thương mại quốc tế, không chỉ là hợp đồng giữa các doanh nghiệp mà còn có các tranh chấp giữa tổ chức nước ngoài với cơ quan Nhà nước.

Phát triển ngành nghề truyền thống tạo ra sản phẩm đặc trưng của Việt Nam trong hội nhập, xem đó là ưu thế để cạnh tranh (Ảnh: HNV)

Lợi ích vẫn chưa được như mong muốn

Nền kinh tế nước ta, đặc biệt là ngành ngoại thương vẫn còn yếu kém, chưa thể hấp thụ, chuyển hóa những “cơ may thành hiện thực”, đào thải hết những vẩn đục do hội nhập mang vào. Năng lực cạnh tranh của hàng hóa nước ta ở cả 3 cấp quốc gia, ngành hàng, doanh nghiệp còn kém, thể hiện giá thành còn cao, phẩm cấp thấp so với chuẩn quốc tế, chất lượng phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Chưa chủ động phát huy mọi nguồn lực bằng chính sách ổn định, hệ thống pháp lý đồng bộ, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý vĩ mô, quản trị sản xuất, kinh doanh và thực hành trong nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương còn bất cập so với yêu cầu trình độ khu vực và quốc tế. Khả năng nhận biết các nguy cơ gặp phải các rào cản và những biện pháp để hóa giải các rào cản còn lúng túng. Mở cửa thị trường trong nước nhưng chưa thiết lập hàng rào kỹ thuật ngăn chặn thâm nhập những tiêu cực từ bên ngoài.

Còn phải kể đến những bất cập từ việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng (logistics supply chain management) – lực lượng cũng đóng một vai trò hết sức to lớn, làm tăng lợi thế cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế toàn cầu. Đây được xem là khâu kết nối sản xuất, cung ứng, phân phối và tiêu dùng với chức năng liên kết các quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu, được cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chọn là một trong 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập khu vực nhằm xây dựng một thị trường chung năm 2015. Đó là những bất cập trong đầu tư cơ sở hạ tầng như việc không đồng bộ, chi phí cao, bất cập trong quy hoạch… đặc biệt hiện nay nước ta đang phải đối mặt với các “nút thắt” như tắc nghẽn giao thông, hạn chế trọng tải và thời gian giao thông trong đô thị làm tăng chi phí vận tải và chi phí logistics so với các nước trong khu vực, từ đó có ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Về khung khổ pháp luật, bản chất ngành dịch vụ logistics liên quan với nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước nhưng hành lang pháp lý cho hoạt động dịch vụ logistics từ Luật Thương mại (2005) và Nghị định 140/2007/NĐ-CP chưa đủ mạnh, thậm chí không còn phù hợp và do vậy chưa tạo lập một thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần, chưa kể là còn thiếu chính sách nhằm nuôi dưỡng và thúc đẩy các hoạt động dịch vụ logistics, một ngành được xem là “non trẻ” tại Việt Nam nhưng có vai trò đòn bẩy để phát triển kinh tế quốc gia...

Thống kê sơ bộ của Bộ Công thương cho thấy, ước tính từ 600-700 (năm 2007) doanh nghiệp đến nay có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp (2011) đang hoạt động ngành dịch vụ logistics, trong đó có các doanh nghiệp logistics toàn cầu phát triển từ các đại lý, Văn phòng đại diện lên thành các công ty 100% vốn nước ngoài (rất ít), liên doanh hoặc các hình thức khác, chủ yếu với hình thức nhỏ và vừa, quy mô vốn ít... Khả năng hợp tác, hợp nhất nhằm chia sẻ, tận dụng lợi thế của các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam vẫn là một đặc thù và tồn tại dai dẳng trong khi đó, kèm theo việc đầu tư nhân lực và công nghệ thông tin không đúng mức, thiếu sự hỗ trợ về mặt chính sách, thể chế của Nhà nước, đang nổi lên thành vấn đề nhức nhối về năng lực cạnh tranh, đặc biệt theo lộ trình hội nhập WTO từ năm 2012 và chậm nhất 2014, các phân ngành dịch vụ liên quan vận tải và logistics sẽ mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cộng với đó, các yếu kém nội tại: cán bộ quản lý, quản trị sản xuất, thực hành thương mại, khả năng tự vệ, thiếu hiểu biết hoặc thiếu kiến thức về quản lý logistics và chuỗi cung ứng… cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ logistics. Thí dụ, một trong những tập quán lâu nay trong ngoại thương, các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam là mua CIF, bán FOB, hoặc là việc thiếu tin tưởng, chưa dám thuê ngoài (outsourcing) dịch vụ logistics cũng là một hạn chế cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Trước những thách thức của thời đại, đặc biệt cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn chưa có điểm dừng, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cần phải có những bước phát triển mới nhằm tận dụng các lợi thế trong hội nhập, khắc phục và rút ngắn các khoảng cách, các tồn tại “phát sinh” của hội nhập.

Tăng cường sự phát triển của dịch vụ logistics trong phát triển kinh tế (Ảnh: HNV)

Tìm hướng đi tích cực và chủ động, hiệu quả hơn

Để có thể tận dụng tối đa những lợi ích từ việc gia nhập WTO, khắc phục bất cập, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là thực hiện chuyển dịch tái cấu trúc sản xuất, đầu tư hướng mạnh vào xuất khẩu; áp dụng đồng bộ các biện pháp khuyến khích thúc đẩy xuất khẩu. Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về các rào cản, tăng năng lực giải tỏa các rào cản. Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu tới tất cả các thị trường đã được mở, tận dụng triệt để các lợi ích của các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và khu vực. Củng cố thế đứng tại các thị trường trọng điểm bằng những mặt hàng chủ lực, tiềm năng.

Xây dựng hàng rào kỹ thuật để quản lý nhập khẩu chặt chẽ, không trái với định ước quốc tế. Đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Cập nhật thông tin, nâng cao chất lượng phân tích, trách nhiệm dự báo để đối phó kịp thời diễn biến trước mắt cũng như đặt kế sách lâu dài.

Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao tính hiệu quả của hệ thống chính sách, bộ máy. Thực hiện đầy đủ các cam kết với WTO. Hoàn thiện các yếu tố kinh tế thị trường, các loại hình thị trường, để được công nhận có nền kinh tế thị trường trước hạn 31/12/2018. Ngoài ra, vấn đề đào tạo đội ngũ quản lý, chuyên gia tư vấn, chuyên viên kinh doanh thành thạo theo chuẩn khu vực và quốc tế cũng không thể nhắc tới.

Vừa qua, trong một cuộc Hội thảo về đánh giá 5 năm gia nhập WTO của Việt Nam do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Báo Công thương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, các đại biểu và các nhà chuyên gia đã cho rằng, cần triển khai 10 phương hướng chiến lược, bao gồm:

Thứ nhất, tập trung phát triển các lĩnh vực có tiềm năng như du lịch, bảo hiểm, vận tải, hàng không, vận tải biển, kho bãi, chuyển tải, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, bưu chính viễn thông, xây dựng, xuất khẩu lao động… khuyến khích phát triển dịch vụ mới có sức cạnh tranh cao; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành và nội ngành dịch vụ, tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong GDP của cả nước.

Thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên thị trường nội địa, khu vực và quốc tế, đẩy mạnh khai thác tiềm năng và lợi thế của từng lĩnh vực dịch vụ, tăng cường sự hợp tác giữa các lĩnh vực dịch vụ để cùng cạnh tranh và phát triển.

Thứ ba, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch, tài chính – ngân hàng, thu kiều hối và bán hàng tại chỗ, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không và đường biển; giảm thâm hụt cán cân dịch vụ.

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, dịch vụ việc làm… theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và từng bước hội nhập quốc tế.

Thứ sáu, khảo sát, đánh giá sức cạnh tranh của từng lĩnh vực dịch vụ hiện tại và trong tương lai, phân loại các dịch vụ được bảo hộ, các lĩnh vực loại trừ tạm thời, loại trừ hoàn toàn cho việc mở cửa các ngành dịch vụ và dành đãi ngộ quốc gia, tối huệ quốc cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Thứ bảy, tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ.

Thứ chín, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần được ưu tiên bố trí cho việc phát triển, củng cố, nâng cấp, hiện đại hóa có trọng điểm kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải, cảng hàng không, cảng biển, bưu chính viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng. Hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho các ngành dịch vụ chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Thứ mười, mở cửa thị trường dịch vụ theo cam kết quốc tế, tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào ngành dịch vụ, đáp ứng trên 30% vốn bằng nguồn FDI.

Năm 2012 ghi dấu 5 năm Việt Nam là thành viên chính thức của WTO. Năm 2012 cũng được nhìn nhận với triển vọng kém lạc quan. Tuy nhiên, qua những bước đi đầy quyết tâm của Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm 2012 với nhiều biện pháp: Tập trung tái cấu trúc, giảm bớt đầu tư công; tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; điều chỉnh một số chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp như giảm, giãn thuế, ưu tiên cấp tín dụng cho một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu... tin tưởng và hy vọng nền kinh tế 2012 sẽ đạt được mục tiêu đề ra và khắc phục các bất cập để thật sự tận dụng được ưu thế, thuận lợi khi là thành viên của WTO.