Dịch vụ viễn thông công ích là gì năm 2024

Theo Tờ trình của Chính phủ về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (tại Điều 34 của dự thảo luật): dự thảo Luật kế thừa các quy định của Luật hiện hành về việc duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam vì thực tế trong giai đoạn tới, để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập, thành hạ tầng của nền kinh tế - xã hội phục vụ mục tiêu chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, xã hội số cần một nguồn kinh phí rất lớn để phát triển và duy trì hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà ngân sách nhà nước khó đảm đương.

Về bản chất, thông qua cơ chế đóng góp và sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng được hưởng lợi, doanh thu sẽ tăng khi đời sống của người dân ở vùng sâu vùng xa được cải thiện, nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân ngày càng cao.

Để khắc phục những bất cập của việc triển khai hoạt động của Quỹ trong giai đoạn trước, các chương trình viễn thông công ích giai đoạn sau sẽ xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của Quỹ, các quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tồn dư Quỹ.

Thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nên tiếp tục duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam theo như đề nghị tại Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần cân nhắc để luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua liên quan đến nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, cụ thể và tăng tính hiệu quả. Các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ cần rà soát, hoàn thiện để phù hợp với mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông “công ích” và pháp luật về ngân sách nhà nước.

Đồng tình cần thiết phải duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lưu ý, để khắc phục những bất cập về quản lý, sử dụng quỹ trong thời gian qua, dự thảo luật cần cân nhắc để luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quỹ và triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua liên quan đến nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để đảm bảo tính minh bạch. Các quy định về tổ chức và hoạt động thủ quỹ cần rà soát, hoàn thiện để phù hợp với mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ, thực hiện chính sách của nhà nước cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và pháp luật về ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm lại chỉ ra, trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Viễn thông năm 2009 đã đưa ra nhận định: Quỹ dịch vụ viễn thông công ích chưa đạt mục tiêu đề ra, hiệu quả hoạt động chưa cao, việc tổ chức thực hiện còn khó khăn. Số dư tính đến ngày 31/12/2020 là 5.145 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ báo cáo đánh giá cụ thể hơn đến thời điểm hiện tại; bổ sung việc thực hiện giải ngân theo Quyết định 2269 ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nêu thực tế sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích thời gian qua mới chủ yếu hỗ trợ sử dụng mạng viễn thông, các thiết bị đầu cuối mà chưa có sự hỗ trợ thực hiện xây dựng các công trình viễn thông. Nhất là tại các vùng núi, vùng dân tộc thiểu số miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đang thiếu công trình viễn thông, cụ thể là hạ tầng viễn thông, dẫn tới hạn chế trong cung cấp dịch vụ viễn thông cho đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, cân nhắc việc duy trì Quỹ để thực hiện đúng Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, hiện số dư của Quỹ lớn và chưa rõ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích thu từ phần đóng góp của doanh nghiệp để chi cho hoạt động nào vì mục tiêu công ích, giúp người dân, giúp nhà nước. Khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là khoản thu có tính chất bắt buộc, mang tính chất “thuế” bổ sung trên doanh thu đối với các doanh nghiệp viễn thông. Một số nhiệm vụ chi của Quỹ còn trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, như chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ viễn thông công ích; chi thực hiện một số dự án công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông.

Vì vậy, nếu giữ Quỹ dịch vụ này thì cần làm rõ Quỹ này do ai quản lý, có cơ chế quản lý thu chi rõ ràng, minh bạch, quy định rõ đối tượng chi, khi nào chi, ai chi, chi để làm gì, để đảm bảo minh bạch, rõ ràng trong vận hành Quỹ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, định hướng, hạ tầng số là thiết yếu, đảm bảo an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư nhanh đi trước một bước khắc phục những vướng mắc, bất cập; sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn và bổ sung các chính sách mới để hoàn thiện, thúc đẩy phát triển các dịch vụ viễn thông và hạ tầng viễn thông, mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, kinh doanh số và trong xã hội số.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đánh giá sự cần thiết, hiệu quả hoạt động của Quỹ Viễn thông công ích trong thời gian qua, chỉ quy định trong luật về Quỹ khi có đầy đủ cơ sở, căn cứ thuyết phục, thống nhất với các luật chuyên ngành; nếu cần thiết phải quy định về quỹ trong luật cần quy định cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc hoạt động, nguồn thu, mức thu, nhiệm vụ chi và đồng bộ, thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước, Luật phí và lệ phí…/.

Dịch vụ bưu chính viễn thông công ích là gì?

Dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ bưu chính được cung ứng theo yêu cầu của Nhà nước, gồm dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ đặc thù khác.

Công trình dịch vụ công ích là gì?

Dịch vụ công ích là những hoạt động phục vụ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của mọi người dân, vì lợi ích chung của toàn xã hội, do nhà nước trực tiếp cung ứng hoặc ủy quyền cho các chủ thể khác đáp ứng điều kiện cung ứng nhằm bảo đảm ổn định và công bằng xã hội.

Luật viễn thông là gì?

Luật Viễn thông là văn bản có phạm vi tác động rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực của hoạt động viễn thông, từ hạ tầng viễn thông, dịch vụ viễn thông, đến quản lý nhà nước về viễn thông.

Chương trình viễn thông công ích là gì?

- Dịch vụ viễn thông công ích bao gồm dịch vụ viễn thông phổ cập và dịch vụ viễn thông bắt buộc. Dịch vụ viễn thông phổ cập là dịch vụ viễn thông được cung cấp đến mọi người dân theo danh mục, điều kiện, chất lượng và giá cước do Nhà nước quy định.