Giải pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Sau 10 tháng làm việc khẩn trương, hiệu quả, dự thảo lần 1 Đề án"Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã được hình thành.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tháng 5-2021, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án"Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"[sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo], gồm 21 thành viên, trong đó có 8 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng, do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng ban chỉ đạo; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng làm Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo; cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban chỉ đạo là Ban Nội chính Trung ương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh:TTXVN

Trên tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, đầu tháng 6-2021, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban chỉ đạo đã tổ chức họp triển khai Quyết định của Bộ Chính trị. Tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quán triệt: "Đây là đề án hết sức quan trọng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, cũng như phải bảo đảm phục vụ điều hành đất nước phát triển tốt nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân...". Tháng 7-2021, Ban chỉ đạo đã tổ chức phiên họp đầu tiên, thống nhất ban hành kế hoạch xây dựng đề án để phân công nhiệm vụ và xác định lộ trình thực hiện, thành lập Tổ biên tập xây dựng đề án để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kiến thức, kinh nghiệm sâu rộng về Nhà nước pháp quyền trong cả nước tham gia xây dựng đề án.

Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, Thường trực Ban chỉ đạo đã tổ chức thành công 3 cuộc hội thảo quốc gia, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành viên Ban chỉ đạo. Các cuộc hội thảo đã được tổ chức trên tinh thần thật thẳng thắn, trách nhiệm, mạnh dạn..., với các đề xuất đột phá có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới, tập hợp được nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, được đúc kết từ nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là nguồn dữ liệu, kiến thức phong phú, có giá trị về cả thực tiễn và lý luận để Tổ biên tập xây dựng dự thảo lần 1 của đề án.

Thực hiện phân công của Ban chỉ đạo, từ tháng 7-2021, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao,Quân ủy Trung ương,Đảng ủy Công an Trung ương, một số cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan nghiên cứu lý luận ở Trung ương đã khẩn trương xây dựng 27 báo cáo chuyên đề phục vụ xây dựng đề án. Các cơ quan, tổ chức đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận, tọa đàm, cuộc họp lấy ý kiến để huy động sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến trên từng lĩnh vực cụ thể. Đến cuối tháng 3-2022, Tổ biên tập xây dựng đề án đã tập hợp được hơn 4.000 trang tài liệu từ kết quả của 3 cuộc hội thảo quốc gia, 27 báo cáo chuyên đề nhánh.

Kết quả nghiên cứu lý luận, thực tiễn và tổng hợp nội dung của các báo cáo chuyên đề, các cuộc hội thảo quốc gia đã giúp Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng đề án đúc rút được những luận điểm rất quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng đề án. Từ đó hình thành nên quan điểm: "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quá trình Nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng XHCN, bảo đảm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo, nhằm mục tiêu phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân".Khẳng định xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại, là chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng, là nguyện vọng, sự lựa chọn của nhân dân, là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Sau hơn 10 tháng nỗ lực, cố gắng làm việc, quán triệt yêu cầu xuyên suốt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là đối với một đề án xây dựng nghị quyết của Đảng phải viết sao cho "nhân dân dễ hiểu, được Đảng chấp nhận, thế giới công nhận, dễ vận dụng và dễ triển khai", Tổ biên tập xây dựng đề án cùng Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng và các chuyên gia, nhà khoa học hình thành nên dự thảo lần 1 để trình Ban chỉ đạo theo đúng kế hoạch; nội dung dự thảo đề án bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước, Hiến pháp năm 2013, các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đề xuất nhiều điểm mới, có tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian tới.

TTXVN

Đây là hội thảo quốc gia lần thứ ba của Ban Chỉ đạo, tiếp sau 2 hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội và Đà Nẵng vừa qua.

Dự Hội thảo quan trọng này có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học pháp lý của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo nêu rõ, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm và thể hiện ngày càng rõ hơn trong Hiến pháp năm 1946, Cương lĩnh 1991; đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Đại hội VII chính thức xác định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân”. Cương lĩnh 2011 khẳng định "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” là 1 trong 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa [XHCN] Việt Nam. Đến Đại hội XIII, Đảng ta lần đầu tiên đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam...”.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cũng cho biết, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được sự tham gia rất tích cực, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý am hiểu sâu sắc về lý luận, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú và đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này.

Đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 40 bài tham luận rất công phu, có chuyên gia, nhà khoa học gửi 2-3 bài. Nội dung các bài tham luận rất phong phú, đề cập nhiều vấn đề mới, đột phá cho Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nước ta đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Trong 1 ngày hội thảo, các đại biểu đã tham luận, trao đổi thẳng thắn trên tinh thần thực tiễn và khoa học về các chủ đề liên quan những vấn đề cốt lõi, đột phá chiến lược và những vấn đề mới, nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 như: cách tiếp cận, đổi mới nhận thức; nhiệm vụ trọng tâm; hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; tư duy về quyền tư pháp; đổi mới tư duy cải cách hành chính; quản trị Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Các đại biểu cũng đánh giá cao quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước; đề cao tính khả thi trong các ý kiến đề xuất trên cơ sở bám sát đặc trưng cốt lõi của mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Sau 1 ngày lắng nghe, trao đổi, tiếp thu các tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, tích cực của Ban Nội chính Trung ương và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của các nhà khoa học, chuyên gia làm công tác thực tiễn đã chuẩn bị chu đáo, dành thời gian nghiên cứu, viết bài và bố trí thời gian tham dự Hội thảo.

Chủ tịch nước nhận xét, kết quả 3 cuộc hội thảo quốc gia về lĩnh vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định cho sự thành công khi triển khai trên thực tế với khối lượng thông tin rất lớn, rất có giá trị để chọn lọc, đưa vào nội dung của Đề án và Dự thảo Nghị quyết trình Trung ương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo. [Ảnh: TTXVN]

Khái quát nội dung của cuộc Hội thảo lần thứ ba, Chủ tịch nước nêu rõ, về nhận thức, chúng ta đã có được sự thống nhất cao về 1 vấn đề chính trị-pháp lý rất quan trọng, đó là Nhà nước pháp quyền không phải là 1 kiểu nhà nước, mà là 1 phương thức tổ chức quyền lực nhà nước trên cơ sở thượng tôn Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm bản chất dân chủ của nhà nước.

Theo đó, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quá trình Nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng XHCN, bảo đảm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam, là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo, nhằm mục tiêu phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân.

Do đó, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh mục tiêu: phấn đấu đến năm 2045, hoàn thiện cơ bản mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo; lấy phát triển con người làm trung tâm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm chủ quyền nhân dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; có hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có hiệu lực cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cùng với đó là bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; có nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; có bộ máy nhà nước tinh gọn, thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có nền quản trị quốc gia hiện đại, kiến tạo phát triển; văn hoá pháp luật, ý thức pháp luật của xã hội được nâng cao…

Về các đột phá chiến lược, Chủ tịch nước cho rằng, để chủ quyền nhân dân, quyền con người, quyền công dân, công bằng, công lý được thực thi, Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn thì phải tạo được các đột phá trong 3 khâu: xây dựng và hoàn thiện thể chế; tổ chức quyền lực nhà nước và cải cách tư pháp.

Chủ tịch nước cho rằng, những ý kiến nêu ra tại Hội thảo về những nhiệm vụ, giải pháp mới, đột phá cụ thể rất phong phú, đa diện, bao quát nhiều vấn đề, lĩnh vực liên quan đến đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam như: đổi mới lập pháp, chế định nguyên thủ quốc gia, Hiến pháp, kiểm soát quyền lực nhà nước, cải cách tư pháp, cải cách hành pháp và cải cách hành chính; đổi mới sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm quyền con người, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí truyền thông và Nhân dân…

Chủ tịch nước đề nghị Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng hợp tiếp thu đầy đủ ý kiến đề xuất, kiến nghị giải pháp. Đối với những vấn đề có các phương án khác nhau, cần khẩn trương tổ chức tọa đàm để lựa chọn phương án phù hợp, khả thi nhất.

Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến sâu sắc hơn, cụ thể, chi tiết hơn trong các buổi tọa đàm, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thành Đề án để trình Trung ương trong tháng 10/2022.

Kết luận cuộc Hội thảo quan trọng này, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” có tầm quan trọng đặc biệt.

Nhiều ý kiến khẳng định rằng đây là thời cơ rất thuận lợi, với những điều kiện chín muồi để tạo được bước tiến mới, đột phá trong đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 1 lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hướng tới 1 nền dân chủ, công bằng, công lý, hiện đại, nhân văn, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước, sớm đưa đất nước sánh vai với các cường quốc 5 châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

TUẤN ANH - QUANG QUÝ

Video liên quan

Chủ Đề