Giữ gìn văn hóa gia đình là gì

Lịch sử Việt Nam với 4000 năm văn hiến.  Đất nước ta, trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước từ phong kiến phương bắc, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Tuy nhiên đất nước Việt vẫn trọn vẹn, văn hóa Việt vẫn vững bền không một kẻ thù nào có thể đồng hóa và xâm chiếm được. Để có được một thành quả tự hào đó kể đến vai trò quan trọng của gia đình. Gia đình là chiếc nôi là nguồn sữa nuôi dưỡng lòng yêu nước. Thực tế đã chứng minh trong cuộc chiến tranh  thần thánh của dân tộc nếu không có những gia đình không tiếc hiến dâng của cải, vật chất thậm chí cả tính mạng của mình để giành độc lập thì liệu rằng dân tộc này có trọn vẹn được hay không? Trong chiến tranh là vậy, trong hòa bình nhiều gia đình còn tham gia vào công cuộc cải cách để cùng đất nước Việt Nam giàu mạnh. Trong thời kỳ nào thì gia đình cũng có một vai trò quan trọng, đặc biệt là văn hóa gia đình. Văn hóa gia đình người Việt không phải là cái gì trừu tượng, chung chung mà được thể hiện cụ thể, rõ ràng trong nếp sống, trong sinh hoạt, suy nghĩ, tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình. Đó là nền nếp của gia đình, gia tộc. Gia đình, gia tộc nào có nền nếp tốt thường được dân gian gọi  là có gia phong. Gia phong theo Từ điển Tiếng việt của Đào Duy Anh là "thói nhà, tập quán giáo dục trong gia tộc"; Như thế, gia phong là nếp nhà, là sự khẳng định những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của một cộng đồng gia đình, gia tộc về văn hóa đã kéo dài qua nhiều thế hệ, được mọi người trong gia đình công nhận, tuân theo, thực hiện một cách tự giác gần như tập quán để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của cộng đồng gia đình, gia tộc ấy. Văn hóa gia đình, mà trước hết là gia phong, sẽ tạo cho mọi thành viên của gia đình một bản lĩnh vững vàng khi hòa nhập với mọi biến thiên của đời sống xã hội, nó sẽ là tấm lá chắn hữu hiệu ngăn chặn mọi sự thâm nhập tiêu cực của xã hội vào gia đình, gia tộc để bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị của một gia đình văn hóa truyền thống.

Khi nói về vai trò của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng phát biểu: "Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình". Nhiêu thập kỷ qua cơ cấu xã hội có biến đổi nhưng tổ chức của gia đình không biến đổi nhiều. Gia đình là tế bào của xã hội, do đó, văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Gia đình truyền thống Việt Nam xưa rất chú trọng xây dựng gia đạo, gia phong và gia lễ, trong đó gia đạo là sức mạnh của gia đình. Gia đạo là đạo đức của gia đình như đạo hiếu, đạo ông bà, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em. Đạo hiếu là hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Gia lễ là phép ứng xử của con người theo một nguyên tắc có tính tôn ti trật tự theo lễ tiết, đặc biệt là việc thờ cúng ông bà tổ tiên, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh. Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người trong từng tế bào của xã hội. Bởi vậy, gia đình tốt là đảm bảo cho dân giàu, nước mạnh, xã hội lành mạnh và văn minh.

Không môi trường nào có ảnh hưởng đến hành vi của con người bằng gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, thiêng liêng đối với mọi người. Gia đình rất cần có những quy tắc, chuẩn mực để hình thành bệ phóng cho những nhân cách tốt đẹp. Giá trị gia đình có thể hình thành từ các sinh hoạt thông thường qua thói quen ứng xử, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và trong các mối quan hệ xã hội khác...Chính những giá trị này có tác dụng sâu sắc đến nhận thức, hành vi của mỗi thành viên. Cha mẹ là những người đầu tiên có ảnh hưởng đến quá trình hình thành niềm tin và hành vi đạo đức của con trẻ. Cha mẹ là tấm gương phản chiếu để nuôi dạy con trở thành những con người mẫu mực và hình thành nên văn hóa gia đình. Trẻ em thường có khuynh hướng bắt chước các mẫu ứng xử của ngời lớn mà người gần gũi nhất của con trẻ chính là cha mẹ, ông bà và những người thân. Dưới mắt con trẻ, cha mẹ vừa là người bảo bọc, vừa là những vị thần nhân ái, là nhà bác học thiên tài hay là nhà tiên tri độc đáo... Chính vì cảm nhận ấy, hầu hết trẻ em trong gia đình đều xem cha mẹ là những người khó sai lầm nhất và bao giờ cũng là những người tốt đẹp nhất. Tính gương mẫu của cha mẹ được thể hiện ở lối sống, nếp sống và những thói quen hàng ngày, con trẻ sẽ theo đó làm gương cho mình. Văn hóa gia đình cũng có thể được biểu hiện ở hình thức quan hệ thứ bậc, giữa anh chị em với nhau, giữa cha mẹ và ông bà, giữa các thành viên gia đình  với mọi người xung quanh. Tính gia trưởng, sự bất bình đẳng giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, sự áp đặt con cái phải nghe theo những gì cha mẹ đặt ra mà không tôn trọng, lắng nghe những suy nghĩ của con cái sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự trưởng thành của trẻ em. Bởi vậy xây dựng một gia đình đúng nghĩa là phương châm của thời đại ngày nay. Gia đình nơi có tình yêu của mẹ, có sự bao dung của cha, sự hiếu thảo của người con và sự bình đẳng biết yêu thương chia sẻ của các thành viên trong gia đình. ..Tất cả sẽ tạo nên văn hóa gia đình ngày nay từ đó sẽ là một nền tảng xây dựng đất nước bình yên giàu mạnh. Cho dù hiện nay Việt Nam đã mở cửa hòa nhập với thế giới giữa muôn vàn các giá trị nhân văn thì giá trị của văn hóa gia đình vẫn là nốt nhạc đẹp nhất mà trong xã hội chúng ta mỗi một con người cần trân trọng và gìn giữ.

                                                                 Trương Công Hiếu [VHTT]

Truyền thống văn hóa Việt Nam được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử luôn đề cao các giá trị văn hóa gia đình bởi đó là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, là cơ sở, nền tảng để phát triển xã hội. Có những chuẩn mực đạo đức gia đình kết tinh, trao truyền qua nhiều thế hệ đã trở thành các chuẩn mực đạo đức của dân tộc, được trân trọng giữ gìn như hướng về cội nguồn, biết ơn tổ tiên, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Những giá trị chuẩn mực truyền thống đó được thể hiện trong nhận thức, suy nghĩ, việc làm của mỗi người, từ ăn nói, đi đứng cho đến cung cách ứng xử kính trên, nhường

Trong xã hội Việt Nam hiện đại, các giá trị gia đình truyền thống vẫn được duy trì và phát huy. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển, giao lưu và hội nhập, có không ít thay đổi trong các mối quan hệ gia đình. Báo chí và dư luận từng có nhiều phản ánh về những vụ việc, dù không phải là phổ biến, nhưng cũng cho thấy phần nào những rạn nứt, mai một và xuống cấp về đạo đức gia đình hiện nay như con cái ruồng rẫy, không phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, mâu thuẫn với nhau trong đời sống hằng ngày, thậm chí xảy ra các vụ tranh chấp, va chạm, bạo lực gia đình, đánh chửi lẫn nhau, gây mất an ninh, trật tự, đưa nhau ra tòa kiện tụng hoặc có khi xảy ra cả án mạng đầy đau lòng. Một phần nguyên nhân được lý giải là sự phá vỡ cơ cấu gia đình truyền thống xưa, tạo ra khoảng cách thế hệ giữa các thành viên gia đình, giữa già với trẻ, giữa ông, bà, cha mẹ với con cái. Bên cạnh đó là tác động không nhỏ của môi trường xã hội với sự bùng nổ của công nghệ thông tin thiếu chọn lọc và sự tràn lan của các văn hóa phẩm cổ vũ cho lối sống thực dụng. Áp lực của công việc và vòng quay gấp gáp của xã hội hiện đại thời hội nhập khiến thời gian dành cho nhau cùng những tình cảm và sự quan tâm, bảo ban giữa các thành viên gia đình ít hơn, từ đó dẫn đến những xao nhãng trong trách nhiệm với gia đình.

Với chủ đề: “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa gia đình truyền thống được dư luận xã hội đánh giá cao. Để làm tốt điều này, trước hết cần nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục truyền thống, cung cách ứng xử giữa các thành viên, nhất là với thế hệ trẻ, giữ gìn và tạo dựng nền nếp gia phong mà ở đó ông bà, bố mẹ là tấm gương cho con cháu noi theo. Vai trò của truyền thông, báo chí và hoạt động văn hóa - nghệ thuật cũng vô cùng quan trọng trong việc định hướng và xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, tuyên truyền, đề cao các thông tin tích cực, lan tỏa đến xã hội các tấm gương người tốt, việc tốt, trân trọng và phát huy các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp, chứ không phải chỉ chạy theo yếu tố thị hiếu, giật gân, câu khách, cổ xúy cho lối sống gấp, sống ích kỷ, làm lệch chuẩn trong nhận thức và đạo đức ở giới trẻ cũng như một bộ phận xã hội. Các cấp chính quyền, đoàn thể cần nắm bắt, phối hợp với gia đình, nhà trường một cách thiết thực, hiệu quả, thu hút mọi người tham gia trong việc tạo dựng những phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa...

Những giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp cần được giữ gìn, phát huy và vun đắp không ngừng để trở thành các giá trị mang tính bền vững qua thời gian, là nền tảng cơ sở truyền thống của mỗi gia đình và của một xã hội hiện đại, văn minh mà ở đó gia đình là hạt nhân, góp phần tạo dựng bản sắc dân tộc trường tồn.

TIẾN CƯỜNG

Video liên quan

Chủ Đề