Lợi nhuận trung bình 1 quyển sách năm 2024

1- Giá sách của Việt Nam không cao so với giá sách thế giới và khu vực. Ở nước ngoài, mua sách mà quy ra tiền Việt sẽ thấy đắt tới hàng chục lần.

2- Sách hay, sách quý, cần cho người tiêu dùng dẫu giá cao vẫn có người mua. Ngược lại, sách người mua không cần thì hạ giá vẫn không bán được. Sách thâm nhập thị trường thì phải chấp nhận cạnh tranh, vì thế không nên tác động giảm giá sách bằng biện pháp hành chính đơn thuần.

3- Giá sách hiện quá cao so với thu nhập của người lao động. Theo thống kê điều tra xã hội học, giá sách trung bình là 100 đồng/trang (khổ 13x19 cm, in đen trắng trên giấy Bãi Bằng 60 gr/m2, bìa mềm). Với chuẩn giá này, thì một cuốn sách 250 trang có giá bìa 25.000 đồng.

Ðiều đáng quan tâm hơn cả là giá sách đang bị thả nổi. Nhà xuất bản và cơ quan quản lý Nhà nước chưa có biện pháp quản lý giá sách. Sách liên doanh, liên kết giữa nhà xuất bản và tư nhân thường do tư nhân quyết định giá và tỷ lệ chiết khấu phát hành đã và đang gây nhiễu loạn về giá và chiết khấu. "Mẹo" kinh doanh của họ là nâng giá bìa cao ngất ngưởng, đặt tỷ lệ chiết khấu phát hành cũng rất cao rồi bất chợt mở đợt giảm giá sách, "lừa" người tiêu dùng ngoạn mục rằng "được mua rẻ".

Ðể hiểu rõ hơn về giá sách, ta tìm hiểu những yếu tố cấu thành giá sách, đó là: nhuận bút, tiền giấy, tiền công in, tiền phí quản lý xuất bản, phát hành, vận chuyển... Cơ cấu giá trị một cuốn sách thường được biểu hiện như sau: giấy, công in, chế bản vẽ hình, làm phim... khoảng 40%, chi phí lương và quản lý khoảng 5%, nhuận bút khoảng hơn 10%, lãi xuất bản 5%, phát hành phí (của nhà xuất bản) 5%.

Về nhuận bút: đây là yếu tố ít biến đổi trong cơ cấu giá thành sách. Trung bình mỗi đầu sách chỉ xuất bản 1.000 bản, vì thế cho dù có nâng tỷ lệ tiền nhuận bút so với giá bìa thì thu nhập của tác giả cũng không nâng cao được bao nhiêu, mà lại làm giá sách tăng. Vì thế nhuận bút hiện nay nhìn chung là thấp.

Về giấy: 10 năm gần đây, giá tăng liên tục đã tác động tiêu cực đến giá sách; xu thế tăng giá còn có khả năng tiếp diễn lâu dài.

Về công in: ở mức quá thấp, trung bình 3 đồng/trang in. Tuy vậy, khi giá điện, nước, xăng dầu, vận chuyển... tăng, thì giá công in cũng tăng. Về chi phí xuất bản: gồm các khâu tổ chức bản thảo, biên tập bản thảo, đọc duyệt bản thảo, xin giấy phép xuất bản, tổ chức in, lưu chiểu, quảng bá, tiếp thị... chiếm 5 đến 7% cũng là hợp lý, không thể giảm lãi xuất bản chỉ thu được từ 3 đến 5% trên mỗi cuốn sách nhưng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố: trượt giá, lãi suất tiền vay, hàng ế đọng...

Về phí phát hành: đây là yếu tố có tác động khá mạnh đối với giá sách trên thị trường và luôn biến động phức tạp. Các nhà xuất bản đều cộng phí phát hành vào các chi phí khác để tạo nên giá bìa sách. Một số công ty sách (Nhà nước) nay đang hưởng khoảng 25% phí phát hành trên giá bìa nhưng phí này không tập trung vào một đầu mối mà rải cho cả hệ thống phát hành, cho nên thực chất được hưởng lại không nhiều. Trên thực tế, thị trường đang phổ biến tỷ lệ chiết khấu cao hơn nhiều, bởi tư nhân liên kết với nhà xuất bản quy định giá này. Ðây chính là một trong những khâu then chốt; nếu ta biết quản lý chặt chẽ từ bản thảo, cấp phép, in, phát hành thì sẽ giảm được tỷ lệ phí phát hành bất hợp lý. Tóm lại, ta có thể quản lý giá sách và làm giảm giá ở từng khâu cần thiết nhằm tạo ra mặt bằng giá sách hợp lý.

Tìm giải pháp đồng bộ...

Ðất nước đang trong quá trình phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp vì thế khó có thể tạo nên sức mua cao, khó tăng nhanh được lượng bản sách tiêu thụ. Muốn nhân dân hưởng thụ được nhiều sách (một cách cơ bản) là đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng mức sống chung của cộng đồng. Một khi thu nhập cao hơn thì giá sách hiện nay là không cao. Không thể đòi hỏi giảm giá sách vô điều kiện.

Thực tế, những người làm công tác xuất bản, phát hành đều phải có thu nhập, để "sống được". Tuy nhiên, người làm xuất bản, phát hành cũng cần vượt ra khỏi thói quen bao cấp, vươn lên làm chủ thị trường. Ðòi hỏi giảm giá sách chung chung và hướng sự đòi hỏi ấy vào người làm xuất bản, phát hành là thiếu thực tế. Nhưng để thả nổi cho giá sách diễn biến hỗn loạn như hiện nay lại là vô trách nhiệm với nhân dân.

Vì vậy, việc bình ổn giá sách cần được cân nhắc kỹ với những giải pháp đồng bộ, kiên trì và không thể chỉ áp dụng biện pháp hành chính. Trước tiên, chúng ta cần tăng cường quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này. Việc quản lý ở tầm vĩ mô chính là tạo cơ sở pháp lý mạch lạc, phù hợp với thực tiễn, giúp cho doanh nghiệp có chỗ dựa hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Vì thế, ngoài bộ luật xuất bản, các luật cạnh tranh, luật chống phá giá... cần được xây dựng và ban hành sớm. Việc áp dụng các luật thuế vào hoạt động xuất bản cũng cần chú ý đến tính đặc thù của hàng hóa đặc biệt này. Cùng đó, chính sách trợ cước, trợ giá, đặt hàng, đầu tư vốn cho một số chương trình xuất bản cần được tiếp tục thực hiện. Thực tế đang có sự "nới lỏng" về thuế đối với tư nhân (thuế khoán) nhưng lại "xiết chặt" đối với doanh nghiệp Nhà nước...

Việc kiểm soát chặt chẽ khâu liên doanh xuất bản và khâu in để chống in lậu, in nối bản có tác dụng kiềm chế hiện trạng nhiễu loạn sách và giá sách. Nên có quy chế xử phạt nghiêm minh về xuất bản vì mức phạt hiện nay quá thấp, không có tác dụng răn đe vi phạm. Nhà nước cần phân định chức năng rõ hơn cho từng nhóm nhà xuất bản để có điều kiện tập trung xuất bản những loại sách phù hợp, tránh tình trạng "lấn sân" nhau, khiến việc ra sách trùng lặp, giảm số bản in trên mỗi đầu sách và giá sách bị đẩy lên cao.

Ðối với lực lượng tham gia sản xuất, kinh doanh sách, cụ thể là các nhà xuất bản cần bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình tạo ra các loại sách mang đậm dấu ấn của mình, tạo sức thu hút người đọc. Từ đó sẽ làm cho số bản sách in ra trên mỗi đầu sách ngày một nhiều, chi phí giảm, giá thành hạ.

Chúng ta cũng cần quy định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của biên tập viên, vì đây là lực lượng tiếp xúc lần đầu tiên với tác giả, tác phẩm và theo dõi sách trong cả quá trình xuất bản để nâng cao chất lượng ấn phẩm. Ngành in cần nâng cao trách nhiệm, không in chui, in nối bản hoặc in vượt số lượng được ghi trong giấy phép.

Với ngành phát hành, cần tổ chức mạng lưới rộng khắp, hoạt động linh hoạt hơn để tăng lượng phát hành. Theo chúng tôi nên khống chế tổng phí phát hành ở mức dưới 30% so với giá bìa là phù hợp. Tạo mối quan hệ khăng khít giữa nhà xuất bản và phát hành, lực lượng phát hành chỉ nhận sách của nhà xuất bản, kiên quyết không nhận sách chui, in lậu, in nối bản...

Sau cùng và quan trọng nhất là bạn đọc bởi đây là đối tượng tiêu thụ sách. Xin lưu ý bạn đọc nên có ý thức khi mua sách, không mua sách in lậu, in nhái, sách không rõ nguồn gốc. Việc làm này sẽ góp phần bình ổn thị trường sách và bảo vệ quyền lợi cho chính người đọc.