Luật chung và luật chuyên ngành khác nhau như thế nào

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Lawcoviet.vn, PGS. TS Trần Thị Thùy Dương – ThS. Nguyễn Tuấn Vũ trả lời bạn như sau: 

Pháp luật doanh nghiệp quy định về các vấn đề trong thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, trong đó Luật Doanh nghiệp điều chỉnh với tư cách là “luật chung”. Bên cạnh Luật Doanh nghiệp, còn có nhiều luật chuyên ngành khác có quy định đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.

          Điều 3 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định rõ: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”. Như vậy, trong trường hợp Luật Doanh nghiệp và luật chuyên ngành có quy định khác nhau về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành. Nguyên tắc này còn được khẳng định lại trong các luật chuyên ngành. Đơn cử, khoản 2 Điều 3 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 [sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017] quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng thì áp dụng theo quy định của Luật này”.

          Xét về bản chất, các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đặc thù khó có thể được điều chỉnh phù hợp bởi luật chung, cho nên các nhà lập pháp thường ban hành luật chuyên ngành để điều chỉnh. Vì lẽ đó, luật chuyên ngành phải ưu tiên áp dụng để điều chỉnh các đặc thù trong thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp chỉ được áp dụng trong trường hợp luật chuyên ngành không quy định hoặc quy định dẫn chiếu tới Luật Doanh nghiệp.

          Chính vì vậy, trong quá trình áp dụng pháp luật doanh nghiệp, bên cạnh việc xem xét áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư còn phải quan tâm đến đặc thù về loại hình doanh nghiệp và ngành, nghề đầu tư kinh doanh của mình để nhận biết trường hợp của mình có chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành liên quan hay không.

05[66]/2011

Mục lục

  • 1. Đặt vấn đề
  • 2.Các nguyên tắc giải quyết xung đột trong pháp luật
  • 3.Những vấn đề chưa được pháp luật quy định rõ
  • 4.Tài liệu tham khảo

Các nguyên tắc giải quyết xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật

THÁI THỊ TUYẾT DUNG

05[66]/2011 - 2011, Trang 15-20

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share

    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

không có


ABSTRACT:

no

TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: no,

Trích dẫn:

×

THÁI THỊ TUYẾT DUNG, Các nguyên tắc giải quyết xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 05[66]/2011, Trang 15-20

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=51f58b8c-e85d-4b44-b397-ad8492d83ace

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta đã và đang ngày càng hoàn thiện, góp phần quan trọng trong việc quản lý xã hội hiệu quả, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật ở nước ta những năm qua cho thấy còn tồn tại hiện tượng nhiều quy phạm pháp luật [QPPL] trong một số văn bản quy phạm pháp luật [VBQPPL] mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí phủ định lẫn nhau.

Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng xung đột trong hệ thống pháp luật là sự tồn tại tất yếu vì các QPPL không thể điều chỉnh kịp thời sự thay đổi của các quan hệ xã hội nhất là trong thời đại công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phát triển nhanh như hiện nay. Tuy nhiên, sự tồn tại những xung đột trong hệ thống pháp luật dẫn tới sự mất cân bằng của hệ thống pháp luật, vi phạm sự hoạt động bình thường của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Chính vì vậy, cần ban hành những quy định để khắc phục những xung đột trong pháp luật là điều cần thiết. Thế nhưng, chính các quy định không rõ ràng về nguyên tắc áp dụng VBQPPL không góp phần giải quyết xung đột pháp luật nên trong thực tế xảy ra tình trạng không thể biết chính xác việc áp dụng văn bản nào.

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội[1], hiện có khoảng 200 luật đang có hiệu lực [không kể văn bản luật sửa đổi, bổ sung] và gần 100 pháp lệnh. Nhưng có hơn 10.000 văn bản dưới Luật đang có hiệu lực, trong đó: Nghị định là 1.512, Nghị quyết của Chính phủ là 202; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 2.242, Chỉ thị là 467; Quyết định của các Bộ là 2.571, Thông tư là 2.332. Văn bản dưới Luật nhiều gấp 30 lần luật và pháp lệnh. Thực tế này đã gây ra những mâu thuẫn, chồng chéo; thông tư, nghị định nhiều khi có giá trị áp dụng trong thực tiễn hơn cả luật, pháp lệnh; cấp dưới ban hành văn bản có giá trị pháp lý cao hơn cả văn bản của cấp trên. Điều đó cũng có nghĩa là, đáng lẽ ra luật, pháp lệnh phải là hình thức VBQPPL phổ biến nhất và có giá trị pháp lý cao nhất áp dụng vào cuộc sống thì ở nước ta thực tế là ngược lại, người dân biết đến thông tư, nghị định hướng dẫn của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương nhiều hơn luật và pháp lệnh.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo chúng tôi, có nhiều như: Quốc hội chưa thật sự thể hiện đúng vai trò “là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp” [Điều 83 Hiến pháp 1992], vì hầu hết đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, Quốc hội không hoạt động thường xuyên; nhiều văn bản QPPL thuộc lĩnh vực nào do Bộ, ngành lĩnh vực đó soạn thảo, nên không khắc phục được lợi ích cục bộ của Bộ, ngành và vì vậy, khi được áp dụng trong thực tế đã bộc lộ sự xung đột lẫn nhau của các văn bản này. Hoặc cũng có thể khi soạn thảo văn bản, mặc dù có những vấn đề bức xúc của xã hội cần phải được giải quyết nhưng đã bị nhà làm luật “bỏ quên”, lảng tránh ... Ngoài ra, trong hoạt động xây dựng pháp luật, nhà làm luật không thể bao quát được tất cả mọi vấn đề của cuộc sống cần phải được điều chỉnh bằng luật; cũng như do những thiếu sót trong kỹ thuật lập pháp cũng như hạn chế về khả năng nhận biết và dự báo sự phát triển của các quan hệ xã hội cần được luật điều chỉnh v.v.


[1] //ttbd.gov.vn/Home/Default.aspx?portalid=5 2&tabid=108&catid=515&distid=2175


2. Các nguyên tắc giải quyết xung đột trong pháp luật

Xung đột trong pháp luật là “sự bất đồng hoặc mâu thuẫn giữa các quy phạm, các văn bản QPPL riêng lẻ cùng điều chỉnh một hoặc nhiều quan hệ xã hội, mà sự mâu thuẫn đó được xuất hiện trong quá trình áp dụng và thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền”[2]. Rất nhiều ý kiến cho rằng, xung đột trong hệ thống văn bản pháp luật là sự tồn tại tất yếu và không thể tránh khỏi. Theo ý kiến khác thì nên nhìn nhận nó như là một hiện tượng tiêu cực phổ biến trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Quan điểm thứ ba cho rằng: không thể phủ nhận sự tồn tại của nó nhưng phải thấy rằng sự tồn tại của những xung đột trong hệ thống pháp luật dẫn tới sự mất cân bằng của hệ thống pháp luật, vi phạm sự hoạt động bình thường của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, cho nên những xung đột trong hệ thống pháp luật không thể coi nó là hiện tượng pháp lý bình thường. Tác giả đồng ý với quan điểm thứ 3 và theo tác giả, khi có xung đột pháp luậtcần phải tuân theo những nguyêntắc nhất định. Các nguyên tắc đó là:

Nguyên tắc 1: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn[3].

Đây là nguyên tắc được áp dụng ở hầu hết các quốc gia nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhưng thực tế ở Việt Nam có nhiều trường hợp không biết áp dụng như thế nào cho phù hợp. Cụ thể:

+ Giá trị pháp lý của văn bản Luật và Pháp lệnh chưa được quy định thật sự rõ ràng. Ví dụ, Luật Cạnh tranh và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định về mức xử phạt hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh trái nhau sẽ áp dụng văn bản nào? Có hai quan điểm về vấn đề này, quan điểm thứ nhất cho rằng cần áp dụng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn là Luật cạnh tranh, nhưng quan điểm thứ hai ngược lại, cho rằng cần áp dụng Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính vì đây là văn bản quy định trực tiếp vấn đề xử phạt. Hơn nữa, Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định: “Pháp lệnh quy định những vấn đề được Quốc hội giao, sau một thời gian thực hiện trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành luật”.

+ Trường hợp văn bản của một số chủ thể chưa được quy định giá trị rõ ràng như trường hợp văn bản của Tổng kiểm toán nhà nước với văn bản của các chủ thể khác như Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nếu có quy định khác nhau cũng không biết áp dụng văn bản nào vì mối quan hệ của các cơ quan này vẫn chưa được xác định rõ ràng nên không biết chính xác giá trị pháp lý của văn bản.

Nguyên tắc 2: Trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

Nguyên tắc này có ưu điểm là giải quyết xung đột trong trường hợp văn bản của cùng một cơ quan ban hành quy định khác nhau, nhưng nhược điểm của nó là làm phá vỡ tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, các văn bản ban hành sau sẽ phải liên tục đuổi theo nhau để được ưu tiên sử dụng, vì vậy, việc chấp nhận quá nhiều ngoại lệ thì sẽ không đảm bảo tính hiệu quả của công việc quản lý nhà nước. Hiện nay nguyên tắc này đang có mâu thuẫn với nguyên tắc áp dụng luật chung và luật chuyên ngành sẽ được phân tích ở phần sau.

Nguyên tắc 3: VBQPPL mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới. Nguyên tắc này thể hiện việc áp dụng có lợi hơn cho các chủ thể khi mà hành vi họ thực hiện xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng chưa bao quát các vấn đề đang xảy ra trong thực tiễn đó là việc quy định nghĩa vụ tài chính nhẹ hơn như giảm thuế, thì có được áp dụng nguyên tắc này không, hoặc trường hợp văn bản mới quy định mức giá bồi thường tăng hơn trước khi thu hồi đất thì văn bản này có được áp dụng với trường hợp đã hoàn thành việc thanh toán nhữngdự án còn đang tiếp tục hay không. Đây vẫn còn đang có nhiều ý kiến khác nhau vì khái niệm trách nhiệm pháp lý mới hoặc nhẹ hơn đến nay vẫn chưa xác định chính xác được.


[2] Morozova L.A, Lý luận nhà nước và pháp luật, Mátxcơva, 2005, tr. 290 [bản tiếng Nga].

[4] //www3.vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2006/10/627600/


3. Những vấn đề chưa được pháp luật quy định rõ

3.1 Vấn đề quyền ưu tiên áp dụng luật và mối quan hệ luật chung - luật chuyên ngành

Hiện nay, các văn bản pháp luật ở Việt Nam đã ghi nhận quyền ưu tiên áp dụng luật trong chính văn bản đó. Khoản 2, 3 Điều 4 Luật Thương mại hiện hành xác định: “hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó, nếu không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự”. Như vậy, các hoạtđộngthương mại trong các lĩnh vựcđặcthù có tráivớiquy định củaLuậtThương mại [có hiệulực ápdụng từ ngày 01/01/2006] thì áp dụngluậtquy định của cáclĩnh vựcđặcthù đó mặc dù có thể chúng được ban hành trước. Hoặc khoản 2 Điều 3 Luật Doanh nghiệp quy định: “trường hợp đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại Luật khác thì áp dụng theo quy định của Luật đó”.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là trường hợp pháp luật thừa nhận mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành và ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành. Từ những quy định này, “bắc cầu” qua những văn bản khác để áp dụng tương tự nguyên tắc này.

Trong khi đó, khi xây dựng Luật Cạnh tranh 2005, nhóm chuyên gia soạn thảo dự án luật đã ý thức rõ về việc các cơ quan ban hành văn bản sau sẽ quy định trái với Luật Cạnh tranh nên quy định: “trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh thì áp dụng quy định của Luật này”[4].

Như vậy, các văn bản luật khác ban hành sau Luật Cạnh tranh thì vẫn áp dụng Luật Cạnh tranh.

Thực tế khi ban hành các luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành, các cơ quan quản lý chuyên ngành thường có xu hướng ban hành các quy định về cạnh tranh có lợi cho ngành và do cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện. Sau 6 năm thi hành Luật Cạnh tranh, các luật ban hành sau như Luật Bưu chính, Luật Viễn thông, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm… đã đặt ra các ràng buộc khác với Luật cạnh tranh, các văn bản này dựa vào lập luận này được xem là luật chuyên ngành so Luật Cạnh tranh. Vấn đề này xuất phát từ hai căn cứ:

1. khoa học pháp lý đã thừa nhận nguyên tắc chung: “khi có sự khác nhau giữa luật chung và luật chuyên ngành thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành”;

2. Điều 83 Luật Ban hành VBQPPL có quy định, trong trường hợp có sự khácnhau giữa các văn bản do cùng một cơ quan ban hành thì văn bản ban hành sau sẽ được ưu tiên áp dụng.

Như vậy, các luật ban hành sau Luật Cạnh tranh hoàn toàn được ưu tiên so với Luật Cạnh tranh. Rõ ràng, với các ví dụ trên, việc giải quyết xung đột trong các văn bản phải được quy định rõ ràng để tránh tình trạng không biết áp dụng nguyên tắc nào để giải quyết.

Khi nói đến mối quan hệ luật chung [Lex Specialist] và luật chuyên ngành [Lex Generalis][5] là nói đến mối quan hệ giữa các văn bản pháp luật. Khoa học pháp lý ghi nhận khi có xung đột giữa luật chung và luật chuyên ngành thì áp dụng luật chuyên ngành. Ở Pháp, giải pháp này không được thừa nhận trong một văn bản cụ thể có tính điều tiết chung nhưng được thừa nhận rộng rãi trong thực tế. Ở Việt Nam, giải pháp này cũng đã được thừa nhận trong cộng đồng các chuyên gia pháp lý[6]. Ví dụ, khoản 2 Điều 59 Luật Chứng khoán quy định: “Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Hay Điều 65 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Vậy là, từ một giấy phép thành lập và hoạt động do cơ quan chủ quản cấp, những doanh nghiệp có “bảo bối” này nghiễm nhiên hoạt động hợp pháp mà không cần phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Kéo theo đó là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể quản lý được các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kể trên và cơ quan chuyên ngành cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp sẽ làm việc này.

Tuy nhiên, Luật Ban hành VBQPPL năm 1996 và 2008 không quy định nguyên tắc trên mà chỉ thừa nhận hiệu lực ưu tiên áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự thời gian ban hành[7].

Nếu như xác định theo nguyên tắc luật chung – luật chuyên ngành thì vấn đề quan trọng là xác định tiêu chí phân loại luật nào là chung và luật nào là chuyên ngành. Vì trong thực tế, có thể một văn bản vừa là luật chung vừa là luật chuyên ngành. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp so với Bộ luật Dân sự là luật chuyên ngành, nhưng so với Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì là Luật chung.

Không chỉ các Luật quy định khác nhau về cùng một vấn đề, mà các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định như vậy[8]. Ví dụ, cùng hành vi nhập khẩu thiết bị viễn thông không có giấy phép nhập khẩu, có 3 quy định khác nhau về mức phạt tiền: Điểm a khoản 2 Điều 24 NĐ 142/2004/NĐ-CP quy định XPVPHC về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến quy định phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng; Điểm d khoản 4 Điều 16 NĐ 97/2007/NĐ-CP Quy định việc XPVPHC trong lĩnh vực hải quan quy định phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng; Khoản 3 Điều 34 NĐ 06/2008/NĐ-CP quy định về XPVPHC trong hoạt động thương mại quy định phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.

3.2. Hiệu lực của Nghị định, Thông tư hoãn thi hành trong trường hợp luật hết hiệu lực

Luật ban hành VBQPPL năm 1996 có quy định rõ: “Văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của văn bản hết hiệu lực cũng đồng thời hết hiệu lực cùng với văn bản đó, trừ trường hợp được giữ lại toàn bộ hoặc một phần vì còn phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới”. Đây là một trong những quy định phù hợp với thực tiễn hiện nay của Việt Nam nhưng đến Luật ban hành VBQPPL năm 2008 thì quy định này bị bỏ đi. Điều 81 Luật ban hành văn bản VBQPPL năm 2008 chỉ quy định: một văn bản sẽ hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần khi ở vào một trong ba trường hợp sau: [1] Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; [2] Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó; [3] Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, với quy định hiện hành thì không rõ một nghị định có hết hiệu lực không khi luật được nghị định này hướng dẫn hết hiệu lực. Ngược lại, pháp luật hiện hành cũng không có quy định nào về trường hợp một văn bản luật hết hiệu lực nhưng các nghị định hay thông tư hướng dẫn thi hành vẫn còn được áp dụng. Thực tế hiện nay vấn đề này chưa được quy định rõ ràng nên dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.

Ví dụ: trường hợp hủy bỏ quyết định tuyển dụng công chức đối với người tập sự bị xử lý kỷ luật xảy ra tháng 4/2010 thì áp dụng quy định nào. Vì theo quy định tại Điều 20 Nghị định 117/2003/NĐ-CP [thi hành pháp lệnh cán bộ, công chức 1998] thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có quyền hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với người tập sự bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên. Sau đó Pháp lệnh này bị thay thế bởi Luật Cán bộ, công chức [có hiệu lực từ ngày 01/1/2010]. Nghị định 24/2010/NĐ-CP [có hiệu lực từ ngày 01/5/2010] hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức thì quy định người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có quyền hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với người tập sự bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên. Tháng 4/2010 là “giao thời” vì Pháp lệnh Cán bộ, công chức đã hết hiệu lực, còn Nghị định 24/2010/NĐ-CP lại chưa có hiệu lực.

Hoặc trường hợp Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT của Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Văn hóa, Thông tin, Bộ Công an và Bộ Kế hoạch - Đầu tư ngày 14/7/2005 hướng dẫn thi hành Nghị định 55/2001/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh đại lý Internet, có các yêu cầu: người quản lý phòng máy phải có trình độ tối thiểu là A tin học, có sơ đồ hệ thống máy tính, có sổ tập hợp các quy định của Nhà nước về Internet. Sau đó Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 thay thế Nghị định 55/2001/NĐ-CP lại không quy định các yêu cầu như trên. Như vậy Thông tư 02/2005/TTLT-BCVTVHTT-CA-KHĐT có còn hiệu lực áp dụng hay không.

Với sự phân tích như trên, rõ ràng không có một câu trả lời chính xác, vì đến thời điểm hiện nay, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức vẫn chưa được ban hành đủ, do vậy Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cán bộ, công chức trước đây vẫn còn đang được áp dụng nếu không trái với các quy định mới, chẳng hạn như Nghị định 35/2005/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vẫn có hiệu lực một phần.

Sự bỏ ngỏ này có thể tạo ra sự tùy tiện vì sẽ có tình trạng không biết rõ văn bản nào có thể áp dụng tiếp và văn bản nào hết hiệu lực. Thêm vào đó là cảm nhận chủ quan của cơ quan có thẩm quyền khi tự họ xác định phần văn bản nào còn, phần văn bản nào hết hiệu lực. Ví dụ, sau khi Bộ luật Dân sự 2005 thay thế Bộ luật Dân sự 1995 thì có nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ luật Dân sự 1995 vẫn tiếp tục được áp dụng, nhưng không có sự thống nhất vì tùy thuộc nhiều vào cảm nhận của cơ quan áp dụng pháp luật. Như vậy, pháp luật hiện nay bỏ trống vấn đề này nên tạo sự áp dụng không thống nhất ở các cơ quan nhà nước và khó khăn cho người dân vì không thể biết chính xác văn bản nào sẽ điều chỉnh vấn đề mình quan tâm.

Kết luận:

Từ những phân tích trên, rõ ràng pháp luật về giải quyết xung đột trong văn bản QPPL còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân của việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất ở nước ta những năm gần đây. Vì vậy, theo chúng tôi, để có cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc áp dụng thống nhất pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định các vấn đề sau:

- Cần nêu rõ có áp dụng nguyên tắc luật chung – luật chuyên ngành ở Việt Nam hay không hay đó chỉ là quyền ưu tiên áp dụng luật trong các văn bản cụ thể.

- Cần quy định rõ ràng văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết cũng phải hết hiệu lực, trừ trường hợp ghi nhận lại hiệu lực.

- Phân biệt trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn trong các văn bản và những nội dung trong văn bản có lợi hơn cho đối tượng áp dụng có được quy định hiệu lực trở về trước hay không.


[4] Khoản 1 Điều 5 Luật Cạnh tranh.

[5] Lex specialis derogat legi generali. //en.wikipedia.org/wiki/Lex_specialis#cite_note-0

[6] Ví dụ, trong cuốn Tìm hiểu Luật Thương mại Việt Nam [Nxb Chính trị Quốc gia năm 1999, tr. 21], tác giả Phạm Duy Nghĩa viết: “Trong quá trình áp dụng, luật riêng bao giờ cũng được áp dụng trước”. Giải pháp này cũng đã được thừa nhận trong một số văn bản hiện hành. Ví dụ: Điều 2, Luật Doanh nghiệp năm 1999 [pháp luật chung về doanh nghiệp] quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này và quy định của luật chuyên ngành về cùng một vấn đề, thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành”. Tương tự, theo Điều 2 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000, “trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định của các luật chuyên ngành sau đây về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành”..

[7] Nguyên tắc này được thừa nhận với nội dung luật ban hành sau luôn được ưu tiên áp dụng [Lex posterior derogat priori: new laws are given preference when the might contradict]. //people. virginia.edu/~rjb3v/latin.html.

[8] Vẫn có 2 ý kiến về vấn đề này. Ý kiến thứ nhất cho rằng nếu cùng hành vi vi phạm mà bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau thì căn cứ vào văn bản ban hành sau cùng để xử lý; ý kiến thứ hai thì nếu cùng hành vi vi phạm mà bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau thì căn cứ vào văn bản chuyên ngành để xử lý. //www.haiquan.hochiminhcity.gov.vn/Default.aspx?tabid=35&articleID=2486


TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề