Nội dung câu thơ một cuộc đời một bài ca duy nhất có ý nghĩa như thế nào đối với anh/chị

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu phía dưới:

 Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng nó hót hay nhất thế gian. Có lần, nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm ra bằng được môi thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi khi lắng nghe, và chính Thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại nhất.

[Trích Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Colleen Mc Cullough]

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên?
Câu 2. Những hình ảnh “chiếc gai nhọn” và “bài ca duy nhất, có một không hai” trong đoạn trích ẩn dụ cho những điều gì trong cuộc sống của mỗi chúng ta?
Câu 3. Câu chuyện trong đoạn trích gửi đến độc giả thông điệp gì?
Câu 4. Anh/ Chị hãy rút ra một bài học sâu sắc cho bản thân từ đoạn trích trên? [Không lặp lại thông điệp đã nêu ở câu 3]

II. LÀM VĂN

Câu 1. Viết đoạn văn [khoảng 200 chữ], sử dụng thao tác lập luận so sánh và bác bỏ, nêu suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến: Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình.
Câu 2. Cảm nhận của anh/ chị về nhân vật “tối” – người kể chuyện, trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? [Hoàng Phủ Ngọc Tường].

GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.
Câu 2.
– Chiếc gai nhọn: ẩn dụ cho những khó khăn, thử thách mà mỗi người phải vượt qua trong cuộc sống.
– Bài ca duy nhất, có một không hai: ẩn dụ cho những điểu tốt đẹp, có giá trị nhất trong cuộc sống mà con người có được nhờ vượt qua khó khăn, thử thách…
Câu 3. Học sinh có thể trình bày những thông điệp theo cách hiểu khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
+ Những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống [tri thức, tình bạn, tình yêu, hạnh phúc…] chỉ có thể có được khi ta trải qua những khó khăn, gian khổ, thậm chí phải trả giá bằng chính nỗi đau khổ “vĩ đại”, bằng cả sự sống và sinh mạng của mình.
+ Mỗi người hãy biết vượt lên trên những gian khổ, bất hạnh bằng nghị lực và khát vọng sống mãnh liệt để dâng hiến cho cuộc đời những điều đẹp đẽ, quý giá.
+ Ý nghĩa của cuộc đời không phải là ta đã tổn tại bao lâu mà là ta đã sống như thế nào và làm được điểu gì trong cuộc đời…
Câu 4. Học sinh có thể rút ra bài học theo ý kiến riêng, có thể theo định hướng sau:
– Bài học vể nghị lực sống, dám vượt khó để giành những điểu tốt đẹp nhất.
– Bài học về lí tưởng sống đẹp, sẵn sàng trả giá để sống có ý nghĩa, tránh xa cuộc sống tẻ nhạt, trống rỗng vô nghĩa.
– Bài học về sự biết ơn, trân trọng thành quả lao động và những điều vô giá khác [độc lập, tự do…] vì để có được những điểu quý giá đó, loài người phải trả giá bằng công sức, thậm chí cả sinh mệnh của chính mình…

[Nguồn: //facebook.com/hocvanvanhoc]

II. LÀM VĂN

Câu 1.
Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và có sức thuyết phục [Đoạn văn có độ dài khoảng 200 chữ, sử dụng thao tác lập luận so sánh và bác bỏ].

Có thể dựa theo gợi ý sau để làm bài:
– Giải thích thế nào là sự hèn nhát và dũng khí; thế nào là sự đánh mất mình và thế nào là được là chính mình.
– Sự hèn nhát được thể hiện ở những hành động: chạy trốn sự khó khăn, không dám đấu tranh với cái xấu, cái ác, không dám bảo vệ chính nghĩa và cái đúng, đùn đẩy những nguy hiểm cho bạn bè, người thân và đông loại.
– Sự hèn nhát sẽ dẫn đến hậu quả khiến người ta đánh mất chính mình, đánh mất bản chất tốt đẹp của con người, đánh mất những ước mơ, hoài bão, những hi vọng mà bản thần từng ấp ủ. Hèn nhát còn khiến người ta trở nên tha hóa. Thậm chí, còn có thể trở thành kẻ phản bội.
– Sự hèn nhát đã bị xã hội lên án và khinh bỉ. Có câu: “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Tuy nhiên, cũng có quan điểm: “Thà sống nhục còn hơn chết vinh”, bởi vì đã chết thì còn biết gì nữa mà vinh. Để đả phá quan điểm đó, mỗi dân tộc đều có nhiều hình thức để tôn vinh những người dũng cảm hi sinh vì đất nước, vì nhân dân.
– Trái ngược với sự hèn nhát là người có dũng khí dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hiểm nguy; dám bảo vệ chân lí, chính nghĩa; dám đấu tranh chống lại điểu ác, điều xấu bằng chính mạng sổng, cuộc sống của mình.
– Dũng khí giúp người ta tìm lại được chính mình. Tức là tìm lại được, giữ được bản chất tốt đẹp của bản thân, giữ được ước mơ, hoài bão, hi vọng giữa những giông tố của cuộc đời và giúp người ta giành lấy sự thành công, chiến thắng.
– Dũng khí là một nét đẹp của loài người, của dân tộc nói chung và của từng cá nhân nói riêng. Dũng khí của nhiều cá nhân hợp thành nguyên khí của một quốc gia. Chính cái nguyên khí đó đã giúp cho một dân tộc khỏi sự diệt vong, được trường tổn cùng lịch sử.
– Cẩn phân biệt sự hèn nhát khác với thái độ trầm tĩnh, cẩn thận, đắn đo, suy nghĩ thấu đáo và dũng khí cũng khác với thái độ nóng nảy, hấp tấp, ồn ào, khoa trương theo kiểu anh hùng rơm. Có những sự can đảm không cần thiết mà người đời gọi là sự liều lĩnh và dại dột.
– Để trầm tĩnh chứ không hèn nhát, dũng cảm mà không liều lĩnh, người ta cần phải có sự hiểu biết về bản thân, về xã hội, về cuộc đời; phải có niềm tin vào lẽ phải, có lí tưởng sống.
– Đối với lứa tuổi học sinh cần phải có dũng khí từ bỏ con đường sai trái. Phải có bản lĩnh đứng lên làm lại từ đầu sau những vấp ngã và thất bại nặng nề. Tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự và sẵn sàng ra chiến trường khi Tổ quốc lâm nguy.

Câu 2.

* Yêu cầu về kĩ năng
Viết bài văn nghị luận văn học có kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, lời văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu vế kiến thức
Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường và tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?, học sinh cần nêu nét đặc sắc về phong cách nghệ thuật Hoàng Phủ Ngọc Tường, về nhân vật “tôi” – người kể chuyện trong tác phẩm. Cần bám sát yêu cầu của đê’ bài và trình bày những suy nghĩ, kiến giải riêng mà hợp lí của mình.

Cụ thể:
Về nhân vật “tôi” – người kể chuyện, cần nêu được những ý chính sau:

1. Một cái “tôi” mê đắm và tài hoa
– Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành hết tầm sức và tình cảm của mình để say sưa khám phá và miêu tả vẻ đẹp của Hương giang, để dành tặng cho dòng sông mà mình yêu dấu như thế nào? [Dẫn chứng]
– Dường như nhà văn đã dành những câu chữ đẹp nhất trong vốn liếng ngôn ngữ của mình để gọi tên sông Hương, để định danh những vẻ đẹp vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo của nó. Đó là kết tinh của tình yêu sâu đậm, của những hiểu biết tường tận về dòng sông và một lối tư duy sắc bén đã được tưới tắm trong niềm xúc cảm say mê, để rồi thăng hoa trong cảm hứng nghệ thuật.
+ Từ góc nhìn lịch sử, con sông của xứ Huế cũng hiện lên trong cảm hứng say mê ngợi ca của nhà văn. [Dẫn chứng]
+ Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, từ lâu sông Hương đã không còn đơn thuần là một dòng chảy địa lí mà nó giống như sinh thể có tâm trạng, nó là một người dân Việt Nam yêu nước trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Cũng như những dòng sông khác trên đất nước Việt Nam, như con người Việt Nam, nó mang trong mình vẻ đẹp truyền thống đã làm thành bản sắc văn hóa Việt.
– Nói đến sự tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, trước hết phải nói đến cách nhìn nhận và phát hiện của nhà văn về vẻ đẹp của dòng sông. Ở đây, sông Hương không hiện lên với một vẻ đẹp thuần nhất mà hiện ra trong những vẻ đẹp khác nhau và hết sức phong phú. Mỗi vẻ đẹp lại đem đến một cảm nhận riêng thú vị cho độc giả. [Dẫn chứng]
+ Trí tưởng tượng phong phú và những liên tưởng mạnh mẽ đã cung cấp cho tác giả những cách nhìn khác nhau về sông Hương; cung cấp nguyên liệu cho những suy cảm của cái tôi trữ tình về con sông yêu dấu. Chẳng hạn như khi cái tôi tác giả hình dung sông Hương ở thượng nguồn như “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”. Ví sông Hương như những cô gái Di-gan, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc vào tâm trí người đọc một ấn tượng mạnh về vẻ đẹp hoang dã nhưng cũng rất tình tứ của con sông xứ Huế.
+ Đặc biệt, trong cách nhìn và cách nghĩ về Hương giang, nhà văn rất hay liên tưởng sông Hương với những trang Kiều của Nguyễn Du. [Dẫn chứng]
– Tài hoa của cái “tôi” Hoàng Phủ Ngọc Tường còn thể hiện ở vẻ đẹp của ngôn ngữ [nên mở rộng thêm quan niệm về vẻ đẹp ngôn ngữ, chữ nghĩa ở một số nhà văn, nhà thơ khác như Đỗ Phủ, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu..
+ Dường như có bao nhiêu góc nhìn, điểm nhìn về sông Hương thì có bấy nhiêu kiểu chữ nghĩa được huy động để đặc tả cho thật ấn tượng, thật sắc sảo, thật tinh tế hình hài và tâm hồn của con sông xứ Huế. [Dẫn chứng: “rẩm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng, say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”..
+ Vẻ đẹp của sông Hương lại hiện ra một cách đặc sắc, đem đến cảm giác bất ngờ, ngỡ ngàng cho người đọc. Có thể khẳng định đây không còn là lối diễn đạt thông thường của văn xuôi, ở thể kí, mà nó đã mang đậm chất thơ ca.
– Các thủ pháp nghệ thuật nhà văn sử dụng trong bài kí rất thành công. Tiêu biểu hơn cả là phép nhân hóa và so sánh. Với nhần hóa, nhà văn đã thổi hổn vào sông Hương, biến con sông vô tri vô giác thành một sinh thể có tính cách, có nỗi niềm, tâm trạng như con người. [Dẫn chứng]
+ Hành trình về xuôi của sông Hương đã trở thành hành trình tâm hồn của người con gái tìm đến người tình mà nó mong đợi. Cũng nhờ thủ pháp ấy mà những kiến thức địa lí, lịch sử, văn hóa đã được thăng hoa.
+ Thủ pháp so sánh được thực hiện ở sức liên tưởng, tưởng tượng của nhân vật tôi rất mạnh mẽ, với nhiều bất ngờ, thú vị. So sánh cái hữu hình, hữu ảnh của dòng sông với cái vô hình, vô ảnh của cảm xúc nội tâm con người. [Dẫn chứng]

2. Một cái “tôi” uyên bác, giàu tri thức về lịch sử, địa lí, văn hóa Huế
– Hoàng Phủ Ngọc Tường tỏ ra am hiểu tường tận những gì mình viết. Với sống Hương, nhà văn không chỉ thông thuộc từng bước đi, từng khúc cong, từng ngã rẽ; không chỉ nắm bắt từng chỗ cuộn xoáy, từng chỗ êm ả, phẳng lặng như mặt hồ yên tĩnh… của con sông trong từng không gian địa lí mà còn tường tận cả chiều dài lịch sử của sông Hương từ thuở nó còn là một dòng sông biên thùy xa xôi ở thời đại các vua Hùng…
– Trong cái nhìn về địa lí, lịch sử của sông Hương, có những tri thức mà không mấy người biết đến và nghĩ đến, ngay cả người Huế. Đó là vai trò to lớn của dòng sông – “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Bởi từng ngày từng giờ, sông Hương vươn mình chảy ra cửa Thuận thì cũng từng ngày từng giờ dòng sông đem đến, duy trì và bồi đắp phù sa cho cả một vùng địa lí – văn hóa đã được hình thành ở hai bên bờ sông.
– Đó là những khám phá, phát hiện và miêu tả của nhà văn về đặc điểm văn hóa của sông Hương. Dấu tích văn hóa in đậm ở cả trên và hai bên bờ sông. Đó là cái vẻ trầm mặc như triết lí, như cổ thi của con sông khi chảy bên những lăng tẩm đền đài của các đời vua chúa triều Nguyễn; là nền âm nhạc cổ điển đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này. Đó còn là dòng sông thi ca – nơi đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao văn nghệ sĩ, nhất là các nhà thơ. [Dẫn chứng]
Bằng những hiểu biết phong phú, nhà văn đã cung cấp cho người đọc một lượng thông tin lớn về địa lí, lịch sử, văn hóa Huế nói chung và sông Hương nói riêng.

3. Một cái “tôi” yêu quê hương đất nước, gắn bó sâu nặng với xứ Huế
– Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương đã chiếm trọn tâm hổn ông: khi thì băn khoăn, trăn trở, e ngại con người – vì “mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành” của sông Hương – mà có thể “không hiểu một cách đầy đủ bản chất” của nó, “không hiểu thấu phần tầm hổn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ”; khi lại nhớ đến nao lòng một nét sông Hương với “điệu chảy lững lờ” mà ông gọi là “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế; có khi “thất vọng khi nghe nhạc Huế giữa ban ngày” bởi “toàn bộ nền ầm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông”…
– Lòng yêu nhà, yêu gia đình, yêu miền quê trở thành tình yêu với Tổ quốc, với sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, xét đến cùng, là tình cảm đối với đất nước, là tấm lòng yêu mến quê hương, xứ sở nồng cháy của nhà văn…

>>> Xem thêm: Đề ôn thi THPT Quốc gia – Môn Ngữ văn – MD10013 tại đây

Chủ Đề