Nón nổi tiếng ở huế được gọi là nón gì năm 2024

Trong tiết mưa lây phây đặc trưng xứ Huế, chúng tôi quyết định làm một chuyến xích lô thưởng ngoạn, để cảm nhận cái nhịp chầm chậm, phảng phất buồn của phố phường cố đô. Tới nhà thờ Phủ Cam, một trong những giáo đường nổi tiếng và lâu đời nhất ở Huế, anh xích lô kể tôi nghe về lịch sử hình thành của làng nghề nức tiếng: Nghe nói, khoảng thế kỷ 17, nghề chằm nón đã được truyền bá trong cộng đồng dân cư. Các o, các mệ ở đây vừa khéo tay, vừa hay lam hay làm nên đã dần phát triển Phủ Cam trở thành làng làm nón. Không ở mô có nón Bài thơ đẹp như rứa. Nói tới đây, anh ngân nga một câu ca bằng chất giọng đặc Huế của mình: O về dự lễ Phủ Cam - Răng về nhớ nón Bài thơ mệ chờ.

Vượt qua con dốc là gặp những ngôi nhà mái bằng hai, ba tầng san sát nối tiếp nhau. Hỏi thăm ai là nghệ nhân làm nón Bài thơ đẹp nhất Phủ Cam, chúng tôi được người làng đưa tới một ngôi nhà nhỏ nhưng khá khang trang, nằm trong con ngõ hẹp ngoằn ngoèo. Vừa hỏi, vừa bước vào cửa, chủ nhà - một phụ nữ trung tuổi, chào đón chúng tôi bằng nụ cười tươi tắn, mộc mạc. Chị rót hai tách trà nóng, rồi trở lại bên khuôn nón. Yên vị rồi, chúng tôi mới nhận ra chị không có bàn tay phải, cánh tay chỉ còn lại từ khuỷu tới bả vai. Vậy mà phần cánh tay ấy vẫn di chuyển nhẹ nhàng trên khuôn để cố định lá nón, còn bàn tay trái cầm nắm giẻ miết nhẵn những phiến lá đặt trên tấm kim loại nóng. Hẳn do cảm nhận được cái nhìn tò mò của chúng tôi, chị tâm sự về đời mình. Năm nay vừa bước sang tuổi 44, chị Trần Thị Thúy không được tạo hóa ưu ái khi vừa sinh ra đã không có bàn tay phải. Nhưng nghị lực phi thường đã giúp chị vượt qua những năm tháng tuổi thơ đầy khó khăn, để rồi ngay từ năm 10 tuổi, sau hơn sáu tháng miệt mài học làm nón chỉ với một cánh tay, chị dần dà trở thành nghệ nhân có tiếng trong vùng. Sinh ra trong gia đình có truyền thống ba đời làm nón, chiếc nón Bài thơ gắn bó với chị như một phần tất yếu của cuộc sống, rất đỗi thân thương, gần gũi và bình dị. Chẳng thế mà khi kể với tôi về thời nón Huế như không còn thịnh hành, giọng chị có chút gì đó xót xa: - Ngày trước, cả làng có nghìn hộ thì cả nghìn hộ đều làm nón. Lá nón trắng rợp cả vùng. Bước chân ra đường, hầu như cô gái Huế nào cũng thướt tha nón trắng quai hồng. Nhưng từ ngày nhiều người dùng mũ vải, nghề làm nón nơi đây bắt đầu mai một. Nhất là khi có quy định đội mũ bảo hiểm, thì số phận nón lá Huế dường như đã khác trước. Nón làm ra ít người mua, cho nên nhiều hộ làm nón ở làng Phủ Cam dần chuyển sang nghề khác. Ðến nay, cả làng chỉ còn khoảng 20 hộ làm nón, mà chủ yếu là làm nón lá để đổ buôn ra các chợ, đưa đi các tỉnh chung quanh tiêu thụ.

Gia đình chị Thúy là một trong số hộ hiếm hoi ở Phủ Cam vẫn gắn bó với nghề làm nón Bài thơ. Cầm chiếc nón do chị Thúy làm, tôi cảm nhận được chất lá mềm dai có mầu trắng xanh đặc biệt. Thật kỳ lạ, so với nón lá ở miền bắc quê tôi, nón Bài thơ xứ Huế có vẻ mỏng hơn, nhẹ và thanh hơn. Chị Thúy giải thích, sở dĩ có sự khác biệt như vậy vì không nơi nào ở nước ta có lá cọ, lá buông đặc biệt thanh mảnh mà bền dai như ở rừng A Lưới, rừng Nam Ðông của Huế. Muốn nón bền, đẹp, người làm nón phải tự tay chọn những chiếc lá vừa đủ một tháng tuổi, đã phát triển hết chiều dài, chiều ngang. Ấy là khi lá không quá non cũng không quá già, chưa chuyển sang mầu xanh đậm, các bẹ lá vẫn ôm khít nhau và độ mềm vừa đủ. Nếu khéo léo, nghệ nhân chỉ cần chín đến mười đọt lá là có thể làm thành một chiếc nón hoàn chỉnh. Sau khi lá được cột lại thành từng chùm thì đến công đoạn đạp lá bằng chân, để sau đó sấy lá dễ chín đều. Thời gian sấy lá kéo dài đến năm tiếng, phải trở lá liên tục. Ðến khâu ủi lá thì tương đối phức tạp, bởi phải ủi thật đều tay thì lá mới đủ độ phẳng và láng. Nếu than nóng quá, lá sẽ cháy; còn than nguội quá, lá lại không thẳng. Vì thế khi ủi, nghệ nhân thường đưa mặt phải (là mặt lá có mầu trắng đều, sóng thưa) tiếp xúc với miếng gang; mặt trái tiếp xúc với bọc vải ủi, một tay cầm bọc ủi lá, một tay cầm lá và kéo từ từ cho tới lúc lá thẳng.

Chị Thúy vừa say sưa giảng giải cho chúng tôi nghe về những công đoạn làm nón, vừa thoăn thoắt thực hành bằng đôi tay khuyết tật của mình. Chị chọn một bộ vành nón đủ 16 chiếc to nhỏ khác nhau rồi bắt vào khuôn nón theo thứ tự hình chóp to dần từ trên xuống. Chị bảo vành nón nhìn đơn giản vậy nhưng để bắt vành đẹp, thuận lợi, tạo thành những "vành trăng" - theo cách gọi của các cụ xưa, thì ngay từ lúc chọn nguyên liệu đã phải lựa những cây lồ ô tươi có đốt dài, thẳng để khi vót xong có mầu trắng ngà, không bị gãy, mốc. Tiếp đó, chị Thúy lấy một cây kim nhỏ đã luồn sẵn sợi cước mảnh trong suốt và bắt đầu chằm nón. Chúng tôi căng mắt để ý mới thấy những mũi kim lên xuống của chị được đưa theo các hướng rất đều nhau, càng chằm đến những vành lớn, khoảng cách các mũi kim càng thưa dần. Chị cho biết, phải chằm như vậy thì khi hoàn thành, nón mới có các mũi kim sáng đẹp, đường chằm mềm mại, thanh thoát, dịu dàng. Cuối cùng là quét một lớp dầu nhựa thông lên mặt ngoài giúp nón bóng, sáng và không thấm nước. Chị dừng tay một lát, có lẽ chị nhận ra sự ngỡ ngàng của tôi. Quả thật, lâu nay chúng tôi không nghĩ rằng, để làm nên một chiếc nón giản đơn nhỏ bé ấy lại cần nhiều công đoạn, kỹ năng đến thế. Chị Thúy tâm sự: Vì hoàn toàn làm thủ công, cho nên một ngày, một người thợ lành nghề như chị cũng chỉ làm được hai chiếc. Hơn nữa, thời tiết ở Huế lại ẩm ướt mưa nhiều, nón để lâu dễ mốc, cho nên không thể làm nhiều rồi tích hàng bán dần, mà làm đến đâu bán đến đó. Nhu cầu tiêu thụ nón không còn như trước, cho nên những chiếc nón Bài thơ chị Thúy làm ra chủ yếu bán cho khách du lịch với giá từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/chiếc. Ðể làm đa dạng các mẫu nón, chị Thúy cùng nhiều nghệ nhân khác đã sáng tạo ra những chiếc nón nhỏ hơn dành cho trẻ em, rồi những xâu nón gồm một bộ năm chiếc treo trang trí trong nhà. Không chỉ là vật dụng để che nắng, che mưa, giờ đây nón Huế đã thật sự trở thành món quà đầy ý nghĩa cho du khách phương xa mỗi khi đến Huế.

Ðang chuyện trò thì một đoàn khách nước ngoài khoảng hơn chục người đi theo anh hướng dẫn viên Nhật Vương của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tới thăm nhà chị Thúy. Giới thiệu và chào hỏi xong, anh Vương cầm một chiếc nón Bài thơ của chị Thúy rồi đi nhanh ra phía cửa, giơ chiếc nón lên đón ánh sáng. Lúc này, những tiếng ồ, à của các bạn nước ngoài bắt đầu vang lên khi thấy những hình ảnh quen thuộc thân thương của xứ Huế được in lồng giữa hai lớp nón, nào sông Hương, nào núi Ngự, nào cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ,... tất cả những tinh hoa của cố đô đã được gửi gắm toàn vẹn vào chiếc nón Huế. Từng lớp nón lá hiển hiện lung linh dưới nắng, trong suốt, tôi dễ dàng đọc được những vần thơ của thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Sông Hương hoa rượu ta đến uống - Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say, lại thấy cả câu ca dao: Ai ra xứ Huế mộng mơ - Mua về chiếc nón Bài thơ làm quà. Phải chăng, vì thấm đẫm chất thơ, thấm đẫm vẻ nguyên sơ trong sáng của đất trời xứ Huế nên tên gọi "bài thơ" mới gắn liền với chiếc nón cố đô? Xoay một vòng nón dưới nắng, cảm xúc bỗng ùa về khi bắt gặp cả hình ảnh đôi trai gái đang thẹn thùng trao gửi ân tình bên dòng sông Hương. Bằng vốn tiếng Anh còn hạn chế của mình, chúng tôi làm quen và trò chuyện được vài câu với Phi-líp I-rây-sơ đến từ Mỹ. Chúng tôi hỏi anh cảm nhận gì về chiếc nón Huế, Phi-líp tâm sự: "Ði qua mười bốn nước trên thế giới, đây là lần đầu tôi nhìn thấy nón, được thử đội nón và trực tiếp xem các công đoạn làm nón. Sức mạnh và nghị lực của người phụ nữ này thật sự khiến chúng tôi khâm phục. Thật khó tin khi những người phụ nữ Việt Nam có thể tỉ mỉ và dày công đến thế để làm ra những chiếc nón này. Ðây là điều mà có lẽ phụ nữ nước tôi không thể làm nổi". Nghe đến đây, tất cả chúng tôi cùng cười vui vẻ, các bạn nước ngoài khác gật gù ra vẻ tán đồng. Ai cũng đòi chụp chung với chị Thúy một kiểu ảnh và không quên mua cho mình chiếc nón Huế làm kỷ niệm.

Tôi nán lại giúp chị Thúy thu dọn lại số nón vừa được mang ra giới thiệu với khách nước ngoài. Chị nói, làm và bán nón Bài thơ chỉ túc tắc vừa đủ ăn nhưng vui và hạnh phúc, vì đây là công việc đòi hỏi phải có tình yêu, phải có tấm lòng với quê hương. Niềm vui ấy, tình yêu ấy như nhân lên gấp bội mỗi khi nón Bài thơ của chị đem lại nụ cười cho khách du lịch, trở thành sản phẩm văn hóa dân tộc xuất hiện trong các triển lãm ở trong nước, ngoài nước. Sau ngày Hội Nón lá Huế được thành lập, nón lá cố đô đã trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Mới đây, Hội nghị triển khai quy chế sử dụng chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm nón lá do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp Hội Nón lá Huế tổ chức, nhằm mục đích nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm nón lá Huế.

Cuộc sống ngày một đổi thay và nghề làm nón cũng đã phải trải qua không ít thăng trầm. Nhưng dẫu nón lá không còn rợp bóng trên đường phố sau mỗi buổi tan trường như ngày trước, thì hình ảnh ấy vẫn mãi mãi là một phần của mảnh đất cố đô. Bởi vượt lên giá trị vật chất đơn thuần, nón lá Huế nói chung và nón Bài thơ nói riêng đã trở thành giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế, của Việt Nam. Giá trị ấy sẽ còn vươn xa mãi tới tận năm châu, chừng nào các nghệ nhân nơi đây vẫn vẹn nguyên lòng yêu nghề và say mê với nghề.