Sách ngôn ngữ và đời sống xã hội văn hóa năm 2024

Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 59/CP ngày 14 tháng 5 năm 1968 của Hội đồng Chính phủ. Tiền thân của Viện là Tổ Ngôn ngữ học (do Giáo sư Hoàng Phê là Tổ trưởng) và Tổ Thuật ngữ & Từ điển khoa học (do Giáo sư Lê Khả Kế là Tổ trưởng) đều trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Người đứng đầu Viện đầu tiên là Phó Viện trưởng phụ trách - PGS Nguyễn Kim Thản (1969-1976), sau đó là các Viện trưởng: Giáo sư Hoàng Tuệ (1977-1983), Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Văn Hành (1983-1995), Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lý Toàn Thắng (1995-2007), Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn (2008-2012), từ ngày 28 tháng 11 năm 2012 đến nay là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp.

Trong suốt 45 năm hoạt động, Viện Ngôn ngữ học đã có những bước phát triển quan trọng. Từ chỗ chỉ có một số ít cán bộ từ Tổ Ngôn ngữ học và Tổ Thuật ngữ khoa học, dần dần Viện đã hình thành và xây dựng các phòng nghiên cứu khoa học theo các chuyên ngành của ngôn ngữ học và các phòng phục vụ nghiên cứu. Hiện nay, Viện có 9 phòng và trung tâm nghiên cứu, ứng dụng ngôn ngữ học, đó là: Phòng Từ vựng học, Phòng Ngữ pháp học, Phòng Ngữ âm học, Phòng Nghiên cứu ngôn ngữ các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Phòng Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt, Phòng Ngôn ngữ học xã hội, Phòng Ngôn ngữ học ứng dụng. Hai Trung tâm ứng dụng ngôn ngữ học là Trung tâm Phục hồi chức năng ngôn ngữ, Trung tâm Phổ biến và giảng dạy ngôn ngữ. Ngoài ra, còn có Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Quản lí khoa học và Hợp tác Quốc tế, Thư viện, Toà soạn Tạp chí “Ngôn ngữ”.

Đội ngũ cán bộ của Viện Ngôn ngữ học trong suốt 45 năm qua không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt. Viện Ngôn ngữ học trong những thập kỉ cuối của thế kỉ XX đã từng là Viện có số lượng cán bộ nghiên cứu có chức danh khoa học GS, PGS, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ chiếm hơn một nửa tổng số cán bộ của viện (66 người), cũng là Viện có số lượng cán bộ nghiên cứu có chức danh khoa học và học vị cao nhiều nhất trong Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Từ tháng 8 năm 2008, Viện đã san sẻ một nửa lực lượng với nhiều cán bộ nghiên cứu có học hàm và học vị cao để tăng cường, xây dựng viện chuyên ngành mới - Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.

Hiện nay, Viện Ngôn ngữ học đã được trẻ hóa với một đội ngũ gồm 50 cán bộ nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu, trong đó chủ yếu là các cán bộ nghiên cứu có học vị thạc sĩ trở lên, có 3 giáo sư và 4 Phó giáo sư.

Trong suốt 45 năm qua, Viện Ngôn ngữ học đã không ngừng phấn đấu vươn lên và đã có sự phát triển vượt bậc không chỉ về số lượng cán bộ mà còn hoàn thành xuất sắc các chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Đó là nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lí luận ngôn ngữ học và ứng dụng vào việc nghiên cứu tiếng Việt, các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, các ngôn ngữ trong khu vực và trên thế giới; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước; ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học vào đời sống thực tiễn xã hội; tổ chức tư vấn và tham gia đào tạo sau đại học về ngôn ngữ học, góp phần phát triển nguồn nhân lực của cả nước. Những thành tựu chủ yếu của Viện được thể hiện qua các mặt hoạt động cơ bản sau đây:

II. THÀNH TỰU VỀ CÁC MẶT HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN

1. Về công tác nghiên cứu khoa học

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao,Viện Ngôn ngữ học đã triển khai việc nghiên cứu cơ bản các bình diện khác nhau của tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, như: ngữ âm, từ vựng - ngữ nghĩa, ngữ pháp, từ điển, lịch sử tiếng Việt, đặc điểm loại hình, những vấn đề ngôn ngữ học xã hội của tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam; nghiên cứu các vấn đề lí thuyết; tổ chức biên soạn những công trình có chất lượng đáp ứng nhu cầu thực tế của đất nước. Hàng chục công trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau của tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, hay sách công cụ các loại đã được xuất bản, trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị lớn, khẳng định uy tín và vị trí cao của Viện về khoa học trong đời sống xã hội hiện nay. Đó là các công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005: Từ điển tiếng Việt (xuất bản lần đầu 1988, tái bản nhiều lần), Từ điển Anh - Việt (Lê Khả Kế), Chính tả tiếng Việt (Hoàng Phê), Cụm công trình về ngữ pháp tiếng Việt (Hoàng Tuệ), Công trình Ngữ pháp tiếng Việt (Nguyễn Kim Thản). Ngoài ra Viện còn biên soạn và xuất bản nhiều công trình từ điển ngữ văn, từ điển đối chiếu song ngữ được xã hội đánh giá cao: Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng (1991), Từ điển thành ngữ Việt Nam (1993), Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán (1994), Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt (1995),Từ điển thành ngữ, tục ngữ Hoa - Việt (1995), Từ điển từ láy tiếng Việt (1995), Từ điển thành ngữ,tục ngữ Hoa - Việt (1998), Từ điển thành ngữ,tục ngữ Việt - Hoa (1999), Từ điển từ mới tiếng Việt (2002), Từ điển tiếng Việt phổ thông (2002); Từ điển Việt - Anh (1987), Từ điển Pháp - Việt (1992), Từ điển Việt - Pháp (1992), Từ điển Anh - Việt (2000), Từ điển Pháp - Việt (2001). Các từ điển đối chiếu thuật ngữ: Thuật ngữ ngôn ngữ học Nga - Việt (1969), Thuật ngữ mỹ thuật Pháp - Việt, Việt - Pháp (1970), Từ điển thuật ngữ thư viện học Nga - Anh - Pháp - Việt, Từ điển Anh-Việt (1975), Từ điển thuật ngữ triết học chính trị Nga - Pháp - Việt, Từ điển thuật ngữ khoa học xã hội Nga - Pháp - Việt (1979), v.v...; một số từ điển đối chiếu song ngữ: tiếng dân tộc - tiếng Việt và tiếng Việt - tiếng dân tộc, như: Từ điển Việt - Hmông (1996), Từ điển Tày - Nùng - Việt (1984), Việt - Tày - Nùng (1984), Từ điển Việt - Gia Rai (1977), Từ điển Thái - Việt (1990), Từ điển Mường - Việt (2002)…

Ngoài ra, các tập thể và cá nhân các nhà khoa học của Viện Ngôn ngữ học còn xuất bản nhiều công trình nghiên cứu lí luận cơ bản khác thuộc các cấp độ khác nhau của ngôn ngữ như : ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng-ngữ nghĩa: Tiếng Việt và một số ngôn ngữ dân tộc trên bình diện ngữ âm (2000), Cấu tạo từ tiếng Việt (Hồ Lê) (1976), Động từ tiếng Việt (Nguyễn Kim Thản) (1977), Ngữ pháp tiếng Việt (1983) - công trình cấp quốc gia của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt (1988), Câu chủ - vị trong tiếng Việt (Lê Xuân Thại) (1994), Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt hiện đại (1994), Loại từ trong các ngôn ngữ ở Việt Nam (2000), Mấy vấn đề Việt ngữ học và Ngôn ngữ học đại cương (L‎ý Toàn Thắng) (2002) ; Từ láy trong tiếng Việt (1985), Từ láy những vấn đề còn bỏ ngỏ (1998), Từ ngữ tiếng Việt trên đường hiểu biết và khám phá (Hoàng Văn Hành) (1991), Lôgíc ngôn ngữ học (Hoàng Phê) (1989, 2002), Một số vấn đề từ điển học (1997), Tiếng lóng Việt Nam (Nguyễn Văn Khang) (2001), Từ đồng nghĩa tiếng Việt (Nguyễn Đức Tồn) (2006, 2010),Từ ngoại lai trong tiếng Việt (Nguyễn Văn Khang) (2007)… Trong những lĩnh vực nghiên cứu mới mang tính liên ngành như ngôn ngữ học tâm lí và lí thuyết giao tiếp, ngôn ngữ học xã hội, đã có những công trình khoa học có giá trị đặt nền móng được xuất bản, như: Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Nguyễn Đức Tồn) (2002), Đặc trưng văn hoá dân tộc của Ngôn ngữ và tư duy (Nguyễn Đức Tồn) (2008, 2010); Ngôn ngữ học xã hội: Những vấn đề cơ bản (Nguyễn Văn Khang) (1999), Tiếng Việt trong giao tiếp hành chính (2000), Ngôn từ, giới và nhóm xã hội - từ thực tiễn xã hội (2000), Kế hoạch hoá ngôn ngữ - Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô (Nguyễn Văn Khang) (2003),Ngôn ngữ quảng cáo dưới ánh sáng của lý thuyết giao tiếp (Mai Xuân Huy) (2005), Ngôn ngữ học xã hội (Nguyễn Văn Khang) (2012).

Trong quá trình nghiên cứu lí luận cơ bản, Viện Ngôn ngữ học luôn gắn với việc phục vụ các nhiệm vụ thực tiễn của đất nước, như vấn đề chuẩn hóa chính tả và thuật ngữ, cách viết hoa tên riêng, cách đọc, cách viết tên riêng nước ngoài…Trong lĩnh vực này đặc biệt nổi lên vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

2. Về việc phục vụ đời sống thực tiễn của đất nước

  1. Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Vấn đề Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khởi xướng vào năm 1966 và được Ông nêu trở lại vào năm 1979. Vấn đề này có một nội dung hết sức rộng lớn, bao trùm lên tất cả mọi vấn đề lí luận lẫn thực tiễn đối với tiếng Việt, như chuẩn hóa tiếng Việt, bảo vệ, phát triển và hiện đại hóa tiếng Việt, quy hoạch tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia,v.v… Các nội dung này đã được Viện triển khai nghiên cứu và được thảo luận trong Hội nghị khoa học toàn quốc "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ" (1979). Các báo cáo khoa học của Hội nghị này đã được in thành 2 tập (1981). Ngoài ra các tập thể và các nhà khoa học của Viện còn xuất bản nhiều công trình có giá trị khác, như: Rèn luyện từ ngữ (1996), Sổ tay dùng từ (1980), Ngôn ngữ và đời sống xã hội - văn hóa (1996), Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật (Đào Thản) (2000)…

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ, nên để đất nước ổn định và phát triển bền vững, không có sự xung đột về dân tộc và ngôn ngữ, Nhà nước ta cần phải có chính sách dân tộc và chính sách ngôn ngữ đúng đắn. Viện Ngôn ngữ học có chức năng và nhiệm vụ quan trọng là cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước. Do đó, một nhiệm vụ rất quan trọng đối với Viện Ngôn ngữ học là cần phải tham gia giải quyết những vấn đề thực tiễn, nhằm phát triển hài hoà mối quan hệ giữa các dân tộc và ngôn ngữ các tộc người. Trong lĩnh vực này, Viện Ngôn ngữ học đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ sau:

  1. Nghiên cứu và đề xuất những vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ

Trên cơ sở các kết quả điều tra điền dã, nghiên cứu lí luận, kết hợp với ý kiến của các ngành hữu quan, Viện Ngôn ngữ học đã đề xuất ‎ý kiến được Chính phủ chấp thuận, ban hành Quyết định 53/CP ngày 22 tháng 2 năm 1980 về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số. Quyết định này đã phát huy hiệu lực trong suốt một thời gian dài trong việc đưa tiếng nói, chữ viết của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số vào các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Viện Ngôn ngữ học cũng đã nhiều lần tiến hành điều tra cảnh huống ngôn ngữ để làm cơ sở cho việc đề xuất chính sách ngôn ngữ của Việt Nam trong từng thời kì phát triển của đất nước, chẳng hạn: Dự án điều tra tổng thể các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Dự án được triển khai thành 5 đề tài nhánh và đã hoàn thành được những nhiệm vụ quan trọng đề ra. Chương trình này cũng đã tiến hành khảo sát những ngôn ngữ có nguy cơ bị tiêu vong, như: Ơ Đu, La Chí, Mảng, Kháng, La Ha, Cơ Lao. Hay Viện đã tiến hành điều tra việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng; Điều tra sự phát triển vốn từ tiếng Việt trong sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ từ sau năm 1975 và đặc biệt là từ năm 1985 đến nay; Điều tra một số phương ngữ, thổ ngữ vùng Sơn Tây, Nghệ An, chuẩn bị cho việc khảo sát, điều tra các phương ngữ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Viện Ngôn ngữ học cũng đã được Nhà nước giao cho thực hiện chương trình Điều tra tổng thể tiếng Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam bắt đầu từ năm 1998 và hoàn thành năm 2000. Đây là chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng mà những số liệu và kết quả thu được là cơ sở chắc chắn và đáng tin cậy để Nhà nước hoạch định chính sách trong lĩnh vực ngôn ngữ. Nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa lí luận và thực tiễn cao đã được công bố, như: Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc (1997), Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam (2002).

Trong thời kì đất nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, từ năm 2009 - 2012 Viện Ngôn ngữ học đã được Chính phủ giao cho thực hiện hai chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản: Chương trình thứ nhất (2009 - 2010): Những vấn đề cơ bản về chính sách ngôn ngữ của Việt Nam đến năm 2020. Chương trình được cụ thể hóa thành 07 đề tài nhánh cấp Bộ, đã chỉ ra và đánh giá cụ thể tình hình thực tế của việc thực hiện chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước trong thời gian đã qua và việc sử dụng ngôn ngữ trong các phạm vi giao tiếp hiện nay ở nước ta, gồm: giao tiếp hành chính, giao tiếp đời sống và việc sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiên thông tin đại chúng; vấn đề dạy và học ngôn ngữ trong nhà trường...Đồng thời dựa trên cơ sở lí luận ngôn ngữ học và các chuyên ngành có liên quan, Chương trình đề xuất các kiến nghị và giải pháp phục vụ cho việc xây dựng chính sách ngôn ngữ của Nhà nước ta trong giai đoạn mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần vào việc xây dựng văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chương trình thứ hai (2011-2012): Luận cứ khoa học của việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam

Chương trình được cụ thể hóa thành 9 đề tài nhánh và 01 nhiệm vụ trọng điểm cấp Bộ, hoàn thành 4 nhiệm vụ cơ bản sau:

  1. Nghiên cứu lí luận về lập pháp ngôn ngữ, mối quan hệ giữa lập pháp ngôn ngữ với chính sách ngôn ngữ, kế hoạch hoá ngôn ngữ; phân tích, đánh giá các bộ luật ngôn ngữ trên thế giới và bài học kinh nghiệm đối với việc xây dựng bộ luật ngôn ngữ ở Việt Nam.

Viện đã tập trung nghiên cứu tiếng Việt được sử dụng trong các lĩnh vực giao tiếp chính thức, bao gồm: tiếng Việt trong giao tiếp hành chính, tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, thuật ngữ tiếng Việt, ngôn ngữ quảng cáo và ngôn ngữ kí hiệu cho người khiếm thính ở Việt Nam.

  1. Nghiên cứu các nội dung luật hoá đối với tiếng Việt.
  1. Nghiên cứu các nội dung luật hoá đối với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
  1. Nghiên cứu các nội dung luật hoá đối với việc sử dụng các ngoại ngữ ở Việt Nam.
  1. Góp phần xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam

Ngôn ngữ là tiêu chí quan trọng để xác định một tộc người. Năm 1979, tuy Nhà nước ta đã công bố tộc danh của 54 dân tộc chung sống trên lãnh thổ Việt Nam, song về lí luận và thực tế, vấn đề xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Những nghiên cứu, miêu tả, so sánh, phân loại quan hệ họ hàng của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số thực sự là những cơ sở quan trọng góp phần xác định thành phần dân tộc. Vấn đề này được Viện Ngôn ngữ học tập trung giải quyết trong đề tài Điều tra các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam (kế hoạch 1994-2000 và 2000-2005) góp phần xác định lại thành phần dân tộc.

  1. Xây dựng chữ viết cho các dân tộc thiểu số

Theo QĐ 53/CP ngày 22 tháng 2 năm 1980 về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, Viện Ngôn ngữ học có nhiệm vụ quan trọng là cùng với các Bộ và Ban ngành hữu quan hướng dẫn các địa phương tiến hành việc xây dựng, cải tiến chữ viết cho các dân tộc thiểu số khi có nhu cầu. Trong lĩnh vực này Viện đã xây dựng và hoàn thiện nhiều chữ viết cho đồng bào dân tộc thiểu số, như: chữ viết Pa Koh - Ta Ôih, Bru - Vân Kiều, Raglai, Ka Tu, Chăm, Hroi, Hrê; xây dựng chữ Thái cải tiến, phương án La tinh hoá chữ Thái, phương án chữ Mường, đề xuất cải tiến chữ Mông.

  1. Phục vụ sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục của cả nước nói chung, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng

Bên cạnh các chương trình đã nêu trên, Viện Ngôn ngữ học còn thực hiện hàng loạt các đề tài khoa học cấp Viện và một số đề tài, chương trình khoa học cấp bộ khác nhằm nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lí luận và ứng dụng ngôn ngữ học trên cơ sở tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam vào sự nghiệp giáo dục của đất nước. Viện đã tiến hành các chương trình điều tra tiếng Việt trong nhà trường, bao gồm: điều tra năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh phổ thông các cấp; điều tra những lỗi về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp thường gặp ở học sinh; nghiên cứu những vấn đề lí thuyết và phương pháp giảng dạy tiếng Việt; tìm hiểu chương trình tiếng Việt trong sách giáo dục phổ thông hiện nay; đánh giá thực trạng dạy và học tiếng Việt hiện nay trong nhà trường. Nhiều công trình khoa học có giá trị đã được Viện ấn hành như: Tiếng Việt trong trường học (4 quyển), L‎ý thuyết hoạt động ngôn ngữ và dạy tiếng Việt ở Trung học cơ sở (1998), Những vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường (Nguyễn Đức Tồn) (2001), Mấy vấn đề lí luận và phương pháp dạy - học từ ngữ tiếng Việt trong nhà trường (Nguyễn Đức Tồn) (2003),…

Trong một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ như Việt Nam, việc phát triển các hình thức song ngữ, đa ngữ là biện pháp tối ưu để các ngôn ngữ cùng tồn tại và phát triển hài hoà, tránh được cả sự xung đột về dân tộc lẫn sự xung đột về ngôn ngữ. Chính vì vậy, Viện Ngôn ngữ học đã biên soạn các loại sách công cụ để phổ biến tiếng Việt: các loại từ điển song ngữ: tiếng dân tộc thiểu số và tiếng Việt, như: Từ điển Tày - Nùng - Việt(1984), Việt - Tày - Nùng (1984), Từ điển Việt - Gia Rai (1977), Từ điển Thái - Việt (1990), Từ điển Việt - Hmông (1996), Từ điển Mường - Việt (2002)... Viện cũng đã biên soạn các loại sách học tiếng dân tộc, các sách hướng dẫn người dân tộc thiểu số học tiếng Việt, như: Sách học tiếng Pakoh, Ta Ôih, Sách học tiếng Bru - Vân Kiều, Sách học tiếng Ê Đê, Sách học tiếng Raglai, Sách học tiếng Ka Tu, Sách học tiếng Ba Na, Sách học tiếng Chăm Hroi, Hrê...

Bên cạnh đó, nhiều công trình của Viện thuộc các lĩnh vực ứng dụng ngôn ngữ học khác đã phục vụ kịp thời nhu cầu của xã hội, như: Phục hồi ngôn ngữ cho người khuyết tật bộ máy phát âm; Phân tích đặc trưng âm thanh, nhận diện lời nói, tổng hợp lời nói; Sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Xây dựng quy định và từ điển công cụ về cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài trong văn bản quản lí hành chính nhà nước,v.v…

Đặc biệt, năm 2000, Viện Ngôn ngữ học được giao thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp nhà nước: Xây dựng luận cứ khoa học cho việc biên soạn bộ từ điển tiếng Việt cỡ lớn. Để chuẩn bị cho việc biên soạn bộ từ điển tiếng Việt cỡ lớn được nhanh chóng, thuận lợi và mang tính công nghệ cao, Viện đã hoàn thành đưa vào sử dụng hệ chương trình thử nghiệm ngân hàng dữ liệu tiếng Việt cùng hệ thống các chương trình chuyên dụng để khai thác ngân hàng dữ liệu, quản lí, khai thác các từ điển tiếng Việt hiện có và biên soạn từ điển trên máy tính.

3. Tạp chí Ngôn ngữ

Tạp chí “Ngôn ngữ” là cơ quan ngôn luận của Viện Ngôn ngữ học và là diễn đàn khoa học của cả ngành ngôn ngữ học và những người say mê, yêu thích ngôn ngữ học, được đánh giá có uy tín và chất lượng khoa học cao. Trong 44 năm qua, 289 số tạp chí “Ngôn ngữ” đã ra mắt, phục vụ đông đảo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trong và ngoài nước, các nhà văn hoá, nhà giáo, sinh viên các trường đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh… Tạp chí đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng: từ chỗ ra mỗi năm chỉ 4 số (1968-1997), năm 1998 tăng lên 6 số, và từ 1999 đến nay tạp chí đã ra đều đặn 12 số mỗi năm. Do những thành tích và những đóng góp to lớn cho ngành ngôn ngữ học và cho xã hội, Tạp chí “Ngôn ngữ” đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (1986), Huân chương Lao động hạng Nhất (2000), Cờ Thi đua của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2012).

4. Hợp tác quốc tế

Trong những thập kỉ 80 - 90 của thế kỉ XX, Viện Ngôn ngữ học đã cùng Viện Đông phương học và Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trước đây và Viện Hàn lâm Khoa học Nga hiện nay tiến hành nhiều cuộc điều tra điền dã các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Hơn 30 ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam đã được điều tra, nghiên cứu; hàng chục chuyên khảo nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số đã được xuất bản (bằng tiếng Việt và tiếng Nga), như: Tiếng La Ha (1979, bằng tiếng Nga), Ngữ pháp tiếng Kơho (1984), Tiếng Kxinh Mul (1999, bằng tiếng Nga), Tiếng Pupéo (1992), Tiếng Rục (1993), Tiếng Bru -Vân Kiều (1998), Cấu tạo từ tiếng Ka Tu(1996),Tiếng Ka Tu (1999), Tiếng Hà NHì (2001). Trong sự hợp tác đó, cuối năm 2001, Viện Ngôn ngữ học được giao thực hiện 3 đề tài cấp Bộ. Đó là: Hợp tác Việt - Nga khảo sát ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Hợp tác Việt - Nga nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội, Sửa chữa, bổ sung bản thảo Đại từ điển Việt - Nga.

Ngoài ra vào những thập kỉ cuối thế kỉ XX, Viện Ngôn ngữ học còn thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác khoa học với nhiều tổ chức và cá nhân các nhà khoa học thuộc nhiều nước trên thế giới: Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Đức, Thái Lan, Lào, Canada, Úc, Nhật Bản, v.v… điều tra, nghiên cứu hàng chục ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lí luận về quá trình hình thành các ngữ hệ, nguồn gốc của tiếng Việt và các quan hệ cội nguồn của tiếng Việt với các ngôn ngữ trong khu vực.

5. Về công tác đào tạo

Từ năm 1979, Viện Ngôn ngữ học được Bộ Đại học (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) công nhận là cơ sở đào tạo sau đại học và giao cho nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh ngành ngữ văn. Kể từ khoá đào tạo nghiên cứu sinh ngắn hạn đầu tiên năm 1983 đến 2010, Viện đã chiêu sinh được 18 khoá nghiên cứu sinh, đã đào tạo được 60 tiến sĩ ngữ văn (nay là tiến sĩ ngôn ngữ học). Hiện nay cán bộ của Viện Ngôn ngữ học là lực lượng chủ chốt của Khoa Ngôn ngữ học thuộc Học viện Khoa học xã hội. Công tác đào tạo của Viện đã góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ cho cán bộ nghiên cứu trong Viện và đóng góp cho sự phát triển của ngành ngôn ngữ học nói chung.

Bên cạnh hình thức đào tạo trong nước, hàng chục cán bộ của Viện Ngôn ngữ học thuộc các thế hệ khác nhau đã được gửi đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, đạt được học vị tiến sĩ, tiến sĩ khoa học. Viện cũng mở các lớp ngoại ngữ tại Viện để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ (như: tiếng Anh, tiếng Hán hiện đại, tiếng Hán cổ).

Với những thành tích to lớn đã đạt được trong công tác, năm 1988 Viện Ngôn ngữ học đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 1998 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2011 Viện được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ. Chi bộ đảng Viện Ngôn ngữ học trong suốt 5 năm gần đây (2008-2012) đều được công nhận là "Chi bộ đảng trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học đã được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý, như: Giáo sư Hoàng Phê và Giáo sư Lê Khả Kế - Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 1989; Giáo sư Hoàng Tuệ - Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1997, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1999; Giáo sư Hoàng Văn Hành được truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2009; Phó Giáo sư Lê Xuân Thại được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2009; Giáo sư Nguyễn Đức Tồn - Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2010. Phó giáo sư Nguyễn Kim Thản và các giáo sư Hoàng Tuệ, Lê Khả Kế, Hoàng Phê đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005, v.v…

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030

1. Bối cảnh, thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của Viện Ngôn ngữ học giai đoạn 2013 - 2020

Trong bối cảnh Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Viện Ngôn ngữ học càng có cơ hội khẳng định vai trò và vị thế của mình. Bên cạnh việc tiếp tục truyền thống nghiên cứu với những nội dung hết sức cơ bản thì hiện nay, để đáp ứng tốt hơn nữa những yêu cầu mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, Viện Ngôn ngữ học cần phải có những điều chỉnh và định hướng mới, vừa cập nhật lí thuyết hiện đại của thế giới, vừa đi sát với tình hình thực tế ở Việt Nam, một quốc gia đa ngôn ngữ, đa dân tộc.

Trên thế giới, Ngôn ngữ học đang ngày càng phát triển theo cả bề rộng lẫn bề sâu. Hướng phát triển này một mặt tạo ra các nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ học như nghiên cứu về âm vị học, cú pháp học, ngữ nghĩa học, ngữ dụng học, mặt khác lại đặt ra các vấn đề nghiên cứu đòi hỏi phải có sự kết hợp liên ngành, đa ngành mới có thể giải quyết được. Chẳng hạn, các vấn đề về ngôn ngữ học tri nhận cần phải kết hợp giữa tri thức ngôn ngữ học với những tri thức về văn hóa, tư duy; ngôn ngữ học thần kinh cần có sự kết hợp các tri thức về ngôn ngữ học và tâm lý học; ngôn ngữ học máy tính là sự kết hợp giữa ngôn ngữ học và công nghệ thông tin… Sự phát triển và thâm nhập lẫn nhau giữa các ngành khoa học là một điều cần thiết và bắt buộc để giải quyết các vấn đề đặt ra trong một thế giới hiện đại và không ngừng hội nhâp.

Hòa cùng với dòng phát triển của ngôn ngữ học thế giới, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, giới ngôn ngữ học Việt Nam có thể dễ dàng cập nhật, tiếp thu những lý thuyết hiện đại để phát triển Việt ngữ học theo hướng chuyên sâu và liên ngành. Chẳng hạn: hiện nay, nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa có rất nhiều điều kiện thuận lợi để cập nhật những lí thuyết mới về ngữ nghĩa, đặc biệt nghiên cứu ngữ nghĩa theo hướng ngôn ngữ học tri nhận, trong đó nổi lên quá trình phát triển ngữ nghĩa theo những phạm trù xuyên tâm (radiality categories), ẩn dụ và hoán dụ ý niệm, cũng như quan điểm khẳng định sự gắn bó chặt chẽ giữa từ vựng và ngữ pháp. Về nghiên cứu ngữ pháp, dễ dàng tiếp thu những khuynh hướng mới của thế giới như: ngữ pháp tạo sinh của Chomsky, ngữ pháp chức năng với nhiều phiên bản khác nhau (Halliday, Dik, Van Valin), ngữ pháp kết cấu (construction grammar) của ngôn ngữ học tri nhận v.v…

Ở Việt Nam, quá trình đô thị hoá, toàn cầu hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Quá trình này tác động không nhỏ đến sự biến đổi, đồng nhất và phân hoá ngôn ngữ, trong đó có vấn đề về sự hình thành của ngôn ngữ chuẩn, sự biến đổi đáng lo ngại của ngôn ngữ thế hệ @ trên các mạng xã hội và trong giao tiếp học đường. Nghiên cứu tiếng Việt từ góc độ ngôn ngữ học xã hội và ngôn ngữ học ứng dụng có thể nói chưa bao giờ lại có nhiều vấn đề đặt ra như hiện nay.

Hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Hàng loạt các vấn đề nghiên cứu có tính chất liên ngành giữa ngôn ngữ học và tin học đang được đặt ra như: nghiên cứu về xử lí ngôn ngữ tự nhiên, lập ngân hàng dữ liệu và chú giải ngữ pháp (treebank) cho tiếng Việt, xây dựng network kho từ vựng tiếng Việt và miêu tả kho từ vựng này theo hướng sử dụng công nghệ thông tin… Đây cũng chính là thời cơ cho Viện Ngôn ngữ học phát triển ngành ngôn ngữ học máy tính. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là hiện tại, Viện Ngôn ngữ học chưa có chuyên gia và nếu không khẩn trương đào tạo cán bộ trong một thời gian ngắn thì sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển lĩnh vực này. Bởi vậy, điều quan trọng là cần có những hợp tác chặt chẽ giữa các nhà ngôn ngữ học với các nhà nghiên cứu công nghệ thông tin, những chuyên gia của ngành ngôn ngữ học máy tính.

Trong tình hình hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đặt vấn đề phát triển bền vững lên hàng đầu. Ở các quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ như Việt Nam chúng ta, cùng với vấn đề dân tộc và tôn giáo, ngôn ngữ có vai trò hết sức quan trọng: bảo đảm sự thống nhất ngôn ngữ, đảm bảo các ngôn ngữ dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển cùng với tiếng Việt là một trong những vấn đề then chốt góp phần đảm bảo sự thống nhất và sự phát triển bền vững của đất nước. Đảng và Nhà nước cũng ngày càng quan tâm đến vấn đề giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, vấn đề bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và bước đầu có sự đầu tư cho những nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam trong tương lai nhằm hướng dẫn việc sử dụng ngôn ngữ trong các hoạt động đa dạng của xã hội, của nhà nước.

Về nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, trong điều kiện hiện nay, Viện có nhiều cơ hội duy trì và mở rộng các nghiên cứu đã có, tăng cường hợp tác với các đại học ở miền Trung, ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để có những đề tài/ dự án nghiên cứu phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc. Với sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước, Viện có nhiều cơ hội tham gia vào chương trình điều tra cơ bản các ngôn ngữ dân tộc thiểu số về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, chữ viết…

Tháng 12/2012, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã trở thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Điều này chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm và đánh giá cao vai trò của khoa học xã hội. Đây cũng có thể coi là một thời cơ mới của Viện Ngôn ngữ học - một đơn vị trực thuộc của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Từ đây, Viện sẽ có thêm nhiều điều kiện về chính sách, về tài chính, về cơ sở vật chất… để thực hiện những nghiên cứu cơ bản cũng như những nghiên cứu ứng dụng...

2. Định hướng và mục tiêu của chiến lược phát triển Viện Ngôn ngữ học giai đoạn 2013 - 2020

Chiến lược phát triển Viện Ngôn ngữ học giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn 2030 có các định hướng sau đây:

-Thứ nhất, kết hợp nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đẩy mạnh những lĩnh vực nghiên cứu vốn là thế mạnh của Viện;

-Thứ hai, đẩy mạnh xã hội hóa các kết quả nghiên cứu của Viện;

-Thứ ba, thực hiện liên kết với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước, phục vụ kịp thời những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Định hướng như vậy sẽ được thể hiện qua các mục tiêu cơ bản sau đây:

Một là, tiếp tục phát triển Viện Ngôn ngữ học, xứng đáng là trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu của đất nước, có uy tín khoa học cao ở trong nước và quốc tế;

Hai là, xây dựng một số chuyên ngành khoa học mới, phù hợp với sự phát triển của ngôn ngữ học thế giới như: Ngôn ngữ học nhân học, Ngôn ngữ học văn hóa, Ngôn ngữ học tri nhận, Ngôn ngữ học thần kinh, Ngôn ngữ học tâm lí, Ngôn ngữ học khu vực…

Ba là, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của Viện cả về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Viện phải xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, đặc biệt các chuyên gia về các lĩnh vực nghiên cứu mới như đã nêu trên, bồi dưỡng để có được đội ngũ các nhà khoa học kế cận có triển vọng, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ khoa học quan trọng của nước nhà, tham gia có hiệu quả vào sự hợp tác và hội nhập quốc tế, chú trọng nhiệm vụ đào tạo những cán bộ có khả năng nghiên cứu liên ngành.

Bốn là, tổ chức nghiên cứu và công bố những công trình nghiên cứu trọng điểm có giá trị cao về Ngữ âm, Từ vựng, Ngữ nghĩa và Ngữ pháp tiếng Việt…để khẳng định vai trò, uy tín và ảnh hưởng của Viện đối với đời sống khoa học nước nhà, góp phần phát triển kho tàng trí tuệ của khoa học xã hội Việt Nam nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung.

Năm là, tổ chức nghiên cứu ngôn ngữ học gắn với sự phát triển của công nghệ thông tin, sử dụng các kết quả của công nghệ thông tin phục vụ cho việc nghiên cứu và phổ biến các kết quả nghiên cứu ngôn ngữ.

Qua 45 năm xây dựng và phát triển, Viện Ngôn ngữ học đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, trưởng thành vượt bậc về nhiều mặt. Hoạt động nghiên cứu của Viện đã kết hợp được chặt chẽ giữa nghiên cứu lí thuyết và điều tra khảo sát thực tế, góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với việc giảng dạy và truyền bá kiến thức về ngôn ngữ học. Nhiều sản phẩm khoa học có chất lượng và uy tín cao của Viện đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Vai trò và vị trí của Viện ngày càng được khẳng định vững chắc. Đội ngũ cán bộ của Viện ngày một trưởng thành, đã đảm nhiệm tốt việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng ủy, Lãnh đạo chính quyền Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cấp, điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị kĩ thuật của Viện Ngôn ngữ học đã được cải thiện đáng kể. Các phương tiện vật chất phục vụ nghiên cứu của Viện gồm các máy móc ngữ âm thực nghiệm, máy móc phục vụ cho nghiên cứu điền dã, máy tính,.. ngày càng được trang bị đầy đủ hơn, chất lượng tốt hơn. Tất cả các nghiên cứu viên đều đã được trang bị máy tính tại phòng làm việc, điều đó đã góp phần đẩy mạnh sự tin học hoá hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ.

Từ cuối tháng 11 năm 2008, Viện Ngôn ngữ học được chuyển về trụ sở mới xây dựng, khang trang, với đầy đủ các tiện nghi thiết yếu phục vụ cho mọi hoạt động của Viện tại số 9, phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội.

Chính những điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị hiện đại đã tạo điều kiện thuận lợi để Viện Ngôn ngữ học hoàn thành tốt hơn nữa các chức năng, nhiệm vụ của mình, để xứng đáng là cơ sở nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu của cả nước.