Súng hoa cải Hải Phòng là gì

Trong những vụ án hình sự nổi cộm gần đây tại thành phố Hải Phòng, tội phạm thường sử dụng loại súng này trong những trận hỗn chiến và các vụ cướp làm tử vong, trọng thương nhiều người. “Số má” của những tay “anh hùng hảo hán” trong giới giang hồ cũng thể hiện từ đó.

Vũ Minh Hòa [Hòa "Đỗ", Ngô Quyền] cầm đầu nhóm chuyên đòi nợ thuê, chém mướn chuyên xài đạn hoa cải. Ngay cả với đồng bọn, Hòa cũng sẵn sàng “giải quyết” bằng loại súng này. Nghi ngờ Nguyễn Văn Hiểu, đồng bọn trong đường dây đòi nợ thuê, có ý định “ăn mảnh”, Hòa và đàn em về xã An Lư, huyện Thủy Nguyên để "thanh toán". Ngày 20/4/2007, thấy Hiểu đang ngồi chơi với vợ cùng một số người bạn, Hòa rút súng xả nhiều phát đạn hoa cải khiến vợ Hiểu và một người khách bị thương.

Theo thượng tá Dương Tự Trọng, Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội [PC14], công an Hải Phòng, khoảng năm 2006 - 2007, nơi đây rộ lên hàng loạt vụ án có liên quan đến súng hoa cải. Thời kỳ cao điểm, xảy ra tới 15-16 vụ mỗi năm.

Điển hình, đêm trung tuần tháng 8/2007, Hòa "đỏ" cùng một số người khác đi ôtô va chạm với một số thanh niên khác đang đứng ở cửa một nhà nghỉ. Cho là bị làm vướng lối đi, Hòa và đồng bọn dùng súng hoa cải bắn nhiều phát vào nhóm đối thủ làm 3 người bị trọng thương. Hay vụ Vũ Văn Chiến, giáo viên một trường trung học ở Thủy Nguyên vác súng hoa cải đến tận nhà chị Trang, người yêu cũ, nhằm vào chính bụng của ông bố vợ hụt nã nhiều phát đạn làm ông bị trọng thương.

Hiện trường vụ thanh toán nhau bằng súng hoa cải ở Cảng than Làng Khánh [Quảng Ninh]. Ảnh: CAND.

Nguyên dạng của chiếc súng này dài chừng 70 - 80 cm. Tuy nhiên dân chơi thường cưa đi sát báng vì thế khiến hung khí trở nên nhỏ gọn. Đạn nhỏ bằng ngón tay út và có rất nhiều dạng.

Có dạng đạn bên trong là mạt sắt, có dạng bên trong là chì hoặc những viên bi nhỏ. Khi bắn, đạn tóe ra theo chùm, bung ra thành những vòng lửa giống như những chùm hoa cải. Có lẽ vì thế mà dân chơi mới đặt tên là "súng hoa cải" [hoặc còn gọi là đạn ghém].

Kinh hoàng nhất là ổ nhóm do tên Vũ Xuân Trường [tức Trường "ăn cắp"] cầm đầu. Với Trường, súng hoa cải như một thứ bùa hộ mệnh, vật bất ly thân. Trong tất cả các vụ cướp, giết người do ổ nhóm của Trường gây ra, vụ nào chúng cũng dùng súng hoa cải và bắn theo kiểu vãi đạn. 

Công an thành phố Hải Phòng xác định, nhóm của Trường đã gây ra 7 vụ nổ súng, làm chết 2 người.

Mới đây nhất là vụ giết người ở cảng than Làng Khánh [Quảng Ninh]. Theo kết luận điều tra thì nhóm của Phạm Huy Nam, biệt danh Nam Bang đã ra tay dùng súng bắn đạn hoa cải cùng lúc bắn chết 6 người mà chúng cho là ăn trộm than. Kết quả khám nghiệm tử thi của vụ trọng án này cho thấy độ sát thương của súng hoa cải rất lớn. Các nạn nhân đều bị chết bởi đạn ghém làm vỡ hộp sọ, thủng phổi hoặc thủng ngực.

Tại Quảng Ninh, công an thành phố Hạ Long đã từng bắt một ổ nhóm gồm 5 người và thu giữ hàng chục khẩu súng hoa cải. Đây là số vũ khí họ sử dụng để thanh toán các ổ nhóm khác nhằm tranh giành địa bàn thu mua than trái phép. Còn ở Hà Nội, mới đây, cơ quan điều tra cũng xác định, rạng sáng 11/6 anh Hùng [quận Tây Hồ], khách thuê nhà nghỉ ở đường Giảng Võ đã bị bắn chết cũng bằng đạn súng hoa cải. Sau khi nã đạn, thủ phạm đã lên xe máy để tháo chạy.

Theo Bộ Công an, năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009, cả nước đã xảy ra gần 350 vụ liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong đó 105 người chết, 128 người bị thương.

Thượng tá Trọng cho biết, thủ phạm cướp, giết người, cố ý gây thương tích bằng súng hoa cải đã tự chế ra loại súng này để sử dụng. Cần một ống sắt loại tốt là chúng có thể chế được một khẩu súng hoa cải mà không cần đến kỹ thuật cao siêu. Còn đạn thì chúng cũng có thể dễ dàng chế được bằng cách mua kíp sau đó về nhồi mạt sắt hoặc chì hoặc những viên bi sắt li ti vào.

Hải Phòng đã từng phá được một ổ nhóm chuyên sản xuất loại súng hoa cải này để dùng và bán. Đó là ổ nhóm của Nguyễn Cao Sơn, biệt danh Sơn "súng". Giữa tháng 3/2008, khi bắt Sơn, Công an Hải Phòng đã phát hiện ra một kho súng của người này tại đường Quang Trung. Trong đó, có 14 khẩu súng hoa cải đã thành phẩm và nhiều báng súng, nòng súng. Không chỉ tự chế súng, Sơn còn tự chế luôn cả đạn. Công an đã thu giữ tại kho súng này 3 máy dập đạn, loại máy dập để nhồi thuốc nổ vào làm đạn ghém cho súng hoa cải.

Theo các quy định trong Luật hình sự, súng hoa cải không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng. Hành vi tàng trữ loại súng này không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính, điều đó có nghĩa không thể khởi tố vụ án hình sự, không thể bắt tạm giam cũng như áp dụng hình phạt tù đối với những người tàng trữ loại vũ khí nguy hiểm này mà chỉ có thể áp dụng hình phạt tiền.

Thượng tá Dương Tự Trọng bức xúc cho rằng, đây là một điểm hết sức vô lý. Công an Hải Phòng và Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị về việc này.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an Hà Nội nói, không chỉ đối với súng hoa cải mà cả đối với các loại vũ khí đang được xếp vào nhóm thô sơ như côn, đao, kiếm... thì hành vi tàng trữ cũng không thể xử lý hành chính như quy định hiện hành được. Có một tình trạng phổ biến mà qua công tác tuần tra kiểm soát ban đêm, Công an Hà Nội đã ghi nhận được, đó là hầu hết dân chơi khi đi đêm đều giắt trong người hoặc để trong cốp xe đao, kiếm, dao...

Là người từng nhiều năm trải qua công tác trong ngành công an, thiếu tướng Nhanh cho rằng còn bị cảm thấy lạnh gáy khi nhìn thấy từng đống đao kiếm của dân chơi bị thu hồi, huống chi là những người dân bình thường. Tính nguy hiểm của những loại vũ khí mà các quy định của pháp luật hiện hành đang được coi là "thô sơ" này rất cao.

Ngày 25/6/2009, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới. Một trong những nội dung quan trọng của chỉ thị này là:

Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với VKSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý hình sự các vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong đó chủ yếu tập trung các loại súng săn, súng tự chế, thuốc nổ tự chế, vũ khí thô sơ như kiếm, mác, dao lê, mã tấu, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực mà trong Bộ luật Hình sự chưa quy định cụ thể.

Trường hợp cần thiết thì nghiên cứu, đề xuất Quốc hội bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực trong Bộ luật Hình sự.

Pháp lệnh về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trình Chính phủ phải được soạn thảo chậm nhất vào tháng 11/2009.

Chủ Đề