Tại sao cần áp dụng pháp luật


Có nhiều cách giải thích về pháp luật, tuy nhiên đa số ý kiến tiếp cận theo cách giải thích hàn lâm chính thống đôi khi gây khó hiểu cho người bình thường [không phải chuyên gia pháp luật]. Sau đây là thêm một cách tiếp cận khác về pháp luật hy vọng người bình thường cũng có thể dễ hình dung được những khía cạnh hàn lâm của pháp luật.

Nguồn gốc Pháp luật và Nhà nước

Xét về bản chất, cũng giống như đạo đức truyền thống, pháp luật là những chuẩn mực định hướng cho tư tưởng, hành vi, xử sự của các thành viên trong một cộng đồng người nhằm đạt các mục tiêu mà cộng đồng người đó mong muốn.

Cộng đồng người ngay từ khi còn ở hình thái sơ khai, nhưng xuất phát từ các nhu cầu gốc về sức mạnh, an toàn, thịnh vượng… của cả cộng đồng, là lý do để mọi người phải ưu tiên lợi ích chung của cộng đồng trước quyền lợi riêng cá nhân, để đồng thuận lập ra những cam kết chung. Các cam kết này trở thành chuẩn mực, quy tắc để mọi thành viên dựa vào đó mà hành xử theo, tuân theo, đó chính là Pháp luật. Từ xã hội sơ khai tới xã hội hiện đại, không có pháp luật hoàn chỉnh mà chỉ có pháp luật ở hình thái phù hợp với hình thái tổ chức của xã hội ở giai đoạn phát triển nhất định.

Trong xã hội con người, tính cách, tâm lý, nhu cầu,... con người là đa dạng nên việc tuân thủ pháp luật của các thành viên xã hội cũng đa dạng: người tuân thủ đầy đủ, người tuân thủ ít, người không tuân thủ… đều có. Nên có pháp luật rồi thì song hành cũng phải có cách để pháp luật được tuân thủ đầy đủ, lợi ích của cộng đồng phải được bảo vệ pháp luật đã ấn định. Nhu cầu này làm nảy sinh nhu cầu của từng cá nhân trong cộng đồng muốn cắt cử, ủy thác cho cá nhân ưu tú nào đó mà cộng đồng lựa chọn để thay mặt cộng đồng thực hiện ý nguyện chung của cộng đồng, và một Ủy Ban đã ra đời - có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Diễn giải theo cách hiện đại là cá nhân cộng đồng bầu trực tiếp hoặc qua đại diện tại Quốc hội, Nghị viện lập ra Ủy Ban [Chính Phủ] thay mặt mình thực thi hay giám sát việc tuân thủ pháp luật hay xét xử kẻ vi phạm pháp luật [Tòa án]. Đại diện đó là một tổ chức thừa hành của cộng đồng mà ta thường gọi là Nhà nước.

Từ trên ta thấy, Pháp luật và Nhà nước là kết quả của sự đồng thuận của các thành viên trong xã hội [hay cộng đồng người]. Pháp luật và Nhà nước là hai công cụ giúp thực thi những cam kết có lợi cho cộng đồng, cho thành viên và bảo vệ cộng đồng.

Pháp luật là "cái khung" hay vỏ bọc hay bộ chuẩn mực do Nhà nước tạo ra [Nhà nước do người dân tạo ra]. Dựa vào cái khung đó mà người dân và cả nhà nước có cái tiêu chuẩn để đo lường hoặc biết được mình được làm gì, được làm đến đâu [giới hạn được làm] và không được làm gì [giới hạn không được làm]; hay làm đến đâu là đúng, đến đâu là sai.

Quan hệ xã hội trong khung [đã được pháp luật thừa nhận, điều chỉnh, bảo vệ]

Quan hệ xã hội ngoài khung [chưa được pháp luật thừa nhận, điều chỉnh, bảo vệ]

Ý nghĩa của "cái khung"

Quan hệ xã hội nếu không có Nhà nước thì nó vẫn tồn tại nhưng đó là sự tồn tại ở trạng thái tự nhiên, tự điều chỉnh. Còn nếu có Nhà nước thì quan hệ xã hội tồn tại trong sự kiểm soát theo định hướng vận hành có lợi cho lợi ích cộng đồng dân cư. Như thế:

- Quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh thì tức là được nhà nước thừa nhận, bảo vệ trước rủi ro hoặc không thừa nhận thì không được nhà nước bảo vệ trước rủi ro.

- Quan hệ xã hội được được pháp luật điều chỉnh tức là pháp luật xác định sự tồn tại hợp pháp hoặc không hợp pháp của quan hệ xã hội.

Pháp luật và quan hệ xã hội - cái nào thay đổi trước?

Theo như phân tích trên thì pháp luật là cái vỏ bọc [cái khung] của quan hệ xã hội, còn quan hệ xã hội là nội dung sống động của pháp luật [vỏ bọc]. Như thế có thể hiểu theo lẽ tự nhiên, quan hệ xã hội sống động luôn biến đổi không ngừng và luôn có xu hướng phá vỡ cái vỏ bọc thụ động, cứng nhắc. Vì vậy, Nhà nước phải luôn biết thay đổi vỏ bọc đúng lúc để phù hợp với sự phát triển của quan hệ xã hội nếu không muốn kìm kẹp sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, vì lợi ích cộng đồng, Nhà nước cũng sẽ thiết kế, điều khiển vỏ bọc pháp luật theo ý chủ quan của mình để "uốn nắn" quan hệ xã hội phát triển hoặc hạn chế phát triển sao cho có lợi cho lợi ích cộng đồng. Nếu nhà nước có năng lực, công tâm và tầm nhìn tốt vì lợi ích cộng đồng thì sẽ thiết kế trước [dự kiến trước] vỏ bọc pháp luật sao cho quan hệ xã hội phải vận hành trong khuôn khổ vỏ bọc đó nhằm đảm bảo lợi ích cộng đồng luôn được bảo vệ ổn định. Điều này không có nghĩa là vỏ bọc pháp luật thay đổi trước quan hệ xã hội mà thực chất vẫn là do động lực tiềm tàng của quan hệ xã hội khiến cho Nhà nước phải phải thiết kế vỏ bọc pháp luật trước khi quan hệ xã hội diễn ra.

Cách để có hiểu biết tốt về "cái khung", áp dụng pháp luật

Bước 1: Hiểu về "thứ" bên trong [nội dung] hoặc "thứ" bên ngoài cái khung:

Tức là tìm hiểu về quan hệ xã hội [lĩnh vực kinh tế, chính trị,...] mà cái "khung đó" xác định giới hạn được làm và không được làm. Nếu có hiểu biết tốt về lĩnh vực quan hệ xã hội mà cái khung đó bao bọc thì càng hiểu rõ cái khung, giới hạn của khung, và vận dụng tính hữu ích cái khung [pháp luật] cho cuộc sống, công việc.

Bước 2: Hiểu về cấu trúc [số lượng, kích cỡ hay giới hạn] của "cái khung":

Tức là tìm hiểu về hệ thống văn bản pháp luật hay từng văn bản pháp luật ["cái khung"]. "Cái khung" sẽ có cái khung lớn bao trùm các khung nhỏ; khung này sẽ liên quan với khung kia; khung này dẫn chiếu tới khung kia; biết được có bao nhiêu cái khung to, khung nhỏ.

Áp dụng pháp luật

Do có nhiều cái khung khác nhau, kích cỡ khác nhau, khung to trùm lên khung nhỏ. Vậy nên, để vận dụng pháp luật tốt thì phải xác định là cái khung nào áp dụng hay điều chỉnh trực tiếp vấn đề đang xem xét.

Thực thi pháp luật, Bảo vệ pháp luật.

Nhà nước thực thi pháp luật, bắt mọi người dân phải tuân thủ và có biện pháp xử lý trách nhiệm với người vi phạm pháp luật [nếu có] - nghĩa là bảo vệ pháp luật không bị vi phạm.

Dịch vụ pháp lý là gì

Loại dịch vụ pháp lý có 2 loại: Dịch vụ pháp lý công [miễn phí] do Nhà nước thực hiện và dịch vụ pháp lý tư [mất phí] do Luật sư thực hiện.

Dịch vụ pháp lý được thực hiện ở 2 khía cạnh:

- Giúp người sử dụng dịch vụ có hiểu biết về pháp luật [tư vấn pháp luật];

- Giúp người sử dụng dịch vụ tuân thủ pháp luật [tuân thủ thủ tục hành chính, chứng minh quyền không phải làm và trách nhiệm phải làm cái gì đó - tranh tụng].

Pháp luật ngày nay không thuần túy là công cụ để nhà nước quản lý xã hội, mà quan trọng hơn, pháp luật là chuẩn mực cho mọi hành vi trong xã hội; hay nói cho đúng bản chất, pháp luật đã và đang thể hiện đúng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ và bảo vệ quyền công dân trong xã hội, khuyến khích phát triển. 

Pháp Luật nói chung và các văn bản luật nói riêng thường xuyên, liên tục tác động, chi phối hàng ngày tới đời sống, công việc của mọi người. Ảnh hưởng của pháp luật là rất thực tế, tuy nhiên, mọi người thường ngại tiếp cận văn bản luật hoặc phải chấp nhận bỏ ra một khoản phí đáng kể để nhờ người có chuyên môn pháp luật hỗ trợ khi gặp phải vấn đề cần thiết. 

Dù vậy, lời khuyên của các Luật sư chúng tôi đối với Quý vị là cần chủ động đọc, tìm hiểu văn bản pháp luật hay thông tin pháp luật nói chung vì những lý do sau đây.

Pháp luật không phải thứ cao siêu

Pháp luật có bản chất là được sinh ra từ cuộc sống thực tế, là chuẩn mực có tác dụng hỗ trợ, bảo vệ và định hướng các hoạt động cuộc sống thực tế sát sườn hàng ngày của mỗi người, doanh nghiệp, tổ chức. Tác động lợi và hại của pháp luật là rất thực, tuy nhiên, nhiều người luôn sẵn có thành kiến rằng pháp luật là trừu tượng, khó hiểu hay liên tưởng pháp luật đồng nghĩa với rắc rối, kiện tụng, mâu thuẫn nên luôn có rào cản về tâm lý xa cách với pháp luật, thậm chí không tôn trọng - tuân thủ.

Thành kiến trên cũng có lý do xuất phát từ vai trò cổ điển của pháp luật là mệnh lệnh để trừng trị người phạm tội hình sự, ngoài ra còn có những lý do từ cách tiếp cận tuyên truyền pháp luật chưa thân thiện, pháp luật thiếu tính ổn định, hay do quan điểm về cách thức quản lý xã hội do nhà nước thực hiện ở từng thời kỳ.

Tuy nhiên, xã hội nay không còn tĩnh tại và thuần nhất như trước, nền kinh tế thị trường đã khiến xã hội vô cùng đa dạng và năng động. Từ đây, pháp luật có sự phát triển nở rộ hơn bao giờ hết về chủng loại và số lượng khiến cho bản chất cổ điển của pháp luật cũng thay đổi cơ bản - số lượng văn bản pháp luật ra đời phục vụ điều chỉnh cho lĩnh vực kinh doanh thương mại chiếm số lượng nhiều nhất. Cũng chính vì thế mà pháp luật ngày nay luôn thường trực và gắn chặt với những cơ hội và rủi ro của mọi người.

Phân tích trên đây cho chúng ta thấy sự hiểu biết pháp luật để áp dụng vào cuộc sống và công việc là cực kỳ thiết yếu. Quan trọng hơn, chúng ta cần chủ động tiếp cận với pháp luật theo cách thuận tiện nhất chứ không chỉ khi xảy ra rủi ro, tranh chấp thì mới tìm hiểu hay nhờ chuyên gia, Luật sư tư vấn, can thiệp.

Hiểu biết pháp luật để đón cơ hội, phòng rủi ro.

Như trên đã đề cập, pháp luật ngày nay không chỉ có vai trò bảo vệ, ngăn ngừa mà còn chứa đựng các nội dung về chính sách khuyến khích phát triển của nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật đầu tư kinh doanh thương mại. Hiểu như thế, việc chủ động nghiên cứu tìm hiểu pháp luật giúp chúng ta đạt rất nhiều lợi ích từ việc nắm bắt được các cơ hội từ chính sách pháp luật và chủ động với những rủi ro có thể xảy ra.

Hãy tự cứu mình trước khi nhờ cậy

Tận tâm, các Luật sư chúng tôi không khuyến khích Quý vị đến với chúng tôi khi gặp rủi ro phát sinh từ những sai lầm mà đáng lẽ trước đó Quý vị có thể tự loại trừ. Vì vậy, ngay từ bây giờ Quý vị cần lựa chọn cách thức để pháp luật và sự tham vấn luật sư luôn bên cạnh Quý vị. Về phía các Luật sư chúng tôi, DOCLUAT.VN là một trong những cách mà chúng tôi có thể giúp Quý vị trở thành Luật sư của chính mình, bởi vì, Pháp luật là dành cho cuộc sống của chúng ta.

Video liên quan

Chủ Đề