Tại sao có tục dựng cây nêu

Dựng cây nêu ngày Tết tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. [Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN]

Phong tục dựng cây nêu vào ngày Tết Nguyên đán không chỉ mang ý nghĩa trừ ma quỷ mà còn để thờ phụng thần linh, hương hồn tổ tiên, tảo trừ những điều xấu xa, kém may mắn của năm cũ. Bên cạnh đó còn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, đất nước thịnh vượng.

Kính mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu về một tục lệ đầy ý nghĩa của cha ông:

Diệu Hằng [Vietnam+]

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, trước đây, mỗi dịp Tết Nguyên đán, trước cửa nhà người dân thường dựng một cây nêu. Cắm nêu với ý nghĩa tâm linh là mong muốn những điều tốt đẹp trong năm mới và xua đuổi tà ma, quỷ dữ.

Thế nhưng, hiện nay, rất ít gia đình còn giữ được phong tục này. Một số gia đình còn cắm nêu nhưng cũng không còn đúng với phong tục dựng nêu cổ truyền.

Dựng cây nêu ngày Tết với mục đích xua đuổi quỷ dữ và mang lại điều tốt lành cho gia đình. Ảnh minh họa: internet.

“Người Việt xưa coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Cây nêu thường được làm bằng tre vì loại cây này có đốt, dẻo dai, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi”, GS Biền chia sẻ.

Cây nêu thường dài khoảng 5 - 6 mét, được dựng trước sân nhà. Tre để dựng nêu thường phải là loại to, thẳng, không cụt ngọn. Trên ngọn nêu có buộc nhiều thứ tùy theo phong tục của từng địa phương.

Tuy nhiên, theo phong tục cổ, ngọn nêu thường được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió… Bên dưới gốc nêu có rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma.

Người ta tin rằng, những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, chuông gió… là để báo hiệu cho ma quỷ biết nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu.

Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để Tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch [giao thừa] còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may.

Người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp, là ngày Táo Quân lên chầu Trời; người Mường dựng nêu vào ngày 28 tháng Chạp; người Mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào [cầu phúc hoặc cầu mệnh] tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng.

Ngày hạ nêu là ngày mùng 7 tháng Giêng. Trước khi hạ nêu, cần tránh động thổ để cho đất được hội tụ sinh khí, phì nhiêu. Sau khi hạ nêu, con người có thể bước vào lễ hội mới, bước đầu có những hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Sự tích cây nêu

Tục xưa truyền rằng, từ xa xưa, quỷ dữ ỷ đông áp bức và chiếm hết đất đai của con người. Người phải thuê đất của quỷ trồng lúa và chịu điều khoản “ăn ngọn cho gốc”. Quỷ lấy hết thóc, người chỉ còn rơm rạ.

Thương người, Phật mách cho người trồng khoai lang. Cuối vụ, người thu hoạch hết phần củ, để lại quỷ phần lá. Quỷ đổi điều khoản sang “ăn gốc cho ngọn”. Phật lại mách người quay lại trồng lúa. Người thu hoạch lúa, phần rơm rạ cho quỷ.

Bực tức vì 2 vụ liền không thu được gì, quỷ đổi điều khoản “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật bảo người trồng ngô. Bắp ngô ra ở giữa thân cây nên cuối vụ, người thu hoạch ngô về chất đầy bồ, quỷ chẳng thu được gì.

Không thu được nông sản, quỷ đòi lại đất. Phật bảo người đến mua một mảnh đất nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy hời, quỷ đồng ý. Khi người trồng cây tre xuống, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sao mở rộng che khắp mặt đất.

Quỷ mất hết đất đai, phải lùi ra tận biển. Uất hận, chúng mang quân đánh chiếm lại ruộng đất. Biết quỷ sợ vôi bột, lá dứa... Phật bảo người sử dụng những thứ đó để 3 lần đánh bại lũ quỷ.

Bại trận, quỷ khóc than với Phật mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên. Phật đồng ý. Từ đó trở đi, mỗi địp Tết đến, quỷ lại được về đất liền. Người dân dựng cây nêu trước nhà để ma quỷ không lại gần phần đất của mình.

Nguồn: //danviet.vn/tin-tuc/vi-sao-lai-dung-cay-neu-ngay-tet-va-dung-the-nao-cho-dung-1048787.htmlNguồn: //danviet.vn/tin-tuc/vi-sao-lai-dung-cay-neu-ngay-tet-va-dung-the-nao-cho-dung-1048787.html

sự kiện Tết Nguyên đán

Clip: Xe khách tông hàng loạt xe máy, 4 người thương vong

Thông tin doanh nghiệp

[Dân sinh] - Cây nêu được dựng lên báo hiệu một năm mới bắt đầu mở ra, sau ngày ông Công ông Táo và khi hạ cây nêu cũng là lúc người nông dân xuống đồng cày cấy vào mùng 7 tháng Giêng.

Dựng cây nêu ngày Tết là phong tục truyền thống của người Việt. Thời xưa, hầu như gia đình nào cũng dựng cây nêu vào dịp Tết nhưng đến nay chỉ còn một số ít nhà duy trì phong tục này.

Bên cạnh đó, một vài năm gần đây, tại một số điểm di sản trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị quản lý hoặc các tổ chức hoạt động văn hóa cũng phục dựng cây nêu gợi nhớ về truyền thống văn hóa ý nghĩa của người Việt.

Cây nêu cũng được dựng trong những dịp Lễ hội mùa Xuân.

Tại Hoàng thành Thăng Long, khoảng 3 - 4 năm nay, trong khuôn khổ hoạt động văn hóa "Tống cựu nghinh tân", Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội luôn thực hành nghi lễ dựng cây nêu một cách trang trọng. Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại đình Kim Ngân và đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Nhóm Đình làng Việt tổ chức dựng cây nêu với sự tham gia của đông đảo người dân.

Cây nêu thường làm bằng cây tre già, cao ngọn, trên đó treo các biểu tượng, đồ vật theo đúng phong tục và quan niệm của người xưa. Ngày dựng cây nêu người ta gọi là ngày lên nêu và ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu. Người Mường thường trồng cây nêu vào ngày 28/12 âm lịch, người H'mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào [cầu phúc hoặc cầu mệnh] tổ chức từ ngày 3 – ngày 5 tháng Giêng Âm lịch.

Theo sự tích người xưa kể lại rằng: Truyền thuyết về dựng cây nêu thì rất nhiều nhưng thường mang ý nghĩa là cây bảo vệ cho người dân, cho vùng đất đó yên lành, bảo vệ khỏi quỷ dữ và tà ma xâm nhập. Bóng của cây nêu lan tỏa đến đầu thì đấy là đất Phật, đất dân lành; lũ quỹ dữ buộc chạy ra ngoài Biển Đông. Bởi theo quan niệm của người xưa, quỷ dữ còn trong đất liền, sống chung với con người, gây nhiều thứ gây rắc rối cho con người. Khi dựng cây nêu lên, Bụt giúp người dân hóa phép trừ tà. Ngoài ra, người xưa còn dùng vôi bột vẽ mũi tên trước cổng nhằm ra hướng Đông hoặc xung quanh cây nêu trừ tà...

Cũng theo truyền thuyết cây nêu gắn liền với Phật giáo, với tín ngưỡng bản địa và đó là sự khéo léo trong phối hợp giữa hai tôn giáo. Việc dựng cây nêu ngày Tết, ngoài ý nghĩa xua đuổi ma quỷ còn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, đất nước thịnh vượng.

Vật dụng treo trên cây nêu cũng mang những ý nghĩa riêng. Cây tre biểu tượng vật dương, lọng tàn hình tròn treo trên cây tre biểu tượng cho vật âm. Lọng tàn gồm 5 con cá chép với các màu khác nhau biểu trưng cho ngũ hành: Màu vàng ở giữa, màu trắng ở phía Nam, màu đen ở phía Bắc, màu xanh ở phía Đông và màu đỏ ở phía Tây.

Trên ngọn nêu cũng có những vật dụng khác kèm theo. Đó là cái giỏ để bắt cua, thường khi treo lên thì đựng ngũ cốc; cái sời bắt cá đựng cây gai trừ tà ma và khí không tốt; còn túi rút đính đồng tiền. Khi hạ cây nêu xuống thì ngũ cốc mang đi gieo trồng. Ngoài các vật dụng, trên ngọn nêu cũng treo dải lụa viết những lời viết ước nguyện. Tuy nhiên, các vật dụng treo trên ngọn nêu có thể mỗi vùng khác nhau vì theo quan niệm, tập quán mỗi nơi.

Trong các lễ hội, cây nêu được xem là tiêu điểm tập trung, kết nối cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ để chuẩn bị đón nhận những niềm vui của năm mới.

THANH MẠNH

Video liên quan

Chủ Đề