Tại sao phụ nữ lại chọn làm mẹ đơn thân?

Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ, đặc biệt là thế hệ 9X sẵn sàng lựa chọn việc làm một bà mẹ đơn thân thay vì cam chịu cuộc hôn nhân đang trong bờ vực tan vỡ. Theo một khảo sát của chương trình chuyển động 24h (Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam) với hơn 600 người tham gia cho kết quả như sau: có tới 10% những người tham gia khảo sát đã là bà mẹ đơn thân, 15% còn lại cho rằng sẽ chịu đựng gia đình chồng trong vòng 1 – 3 năm để con khôn lớn rồi cũng sẽ lựa chọn cuộc sống đơn thân và đặc biệt 50% người tham gia khảo sát cho rằng họ đã hơn 1 lần nghĩ đến việc làm mẹ đơn thân.

Thông tin này khiến nhiều người không khỏi giật mình. Dường như làm mẹ đơn thân đang là một “trào lưu”, "xu hướng" được rất nhiều phụ nữ trẻ lựa chọn. Thế nhưng, đừng vội mừng khi nhìn thấy cuộc sống màu hồng của những single mom bạn đã từng biết, bởi đằng sau đó là những câu chuyện buồn, những tổn thương và nỗi niềm cay đắng không thể bày tỏ cùng ai.

Tại sao ngày càng có nhiều phụ nữ muốn 'được' làm mẹ đơn thân?

Thực tế, khoảng 70% số phụ nữ quyết định làm mẹ đơn thân đều đã từng bị phản bội, hoặc hôn nhân tan vỡ. Số còn lại, lựa chọn điều này vì nhìn thấy những tấm gương phản chiếu không hề tích cực trong cuộc sống hôn nhân.

Một cô gái, đã từng yêu hết lòng, hi sinh và trao tặng tất cả những gì mình có, mơ tưởng đến một tương lai hạnh phúc. Nhưng đổi lại, tất cả những gì cô nhận được chỉ là bộ mặt thật của gã sở khanh đã "quất ngựa truy phong", bỏ mặc cô ấy lẻ loi với một sinh linh bé bỏng.

Con cái là lộc trời cho, người phụ nữ không nỡ lòng bỏ đi một sinh linh vô tội, máu mủ ruột rà. Vậy là, cô ấy quyết định một mình sinh con, nhờ sự trợ giúp của gia đình hoặc tự sống độc lập mà chẳng cần chồng.

Thời gian dần trôi sẽ khiến họ quên đi nỗi đau cũ, chỉ có điều niềm tin vào đàn ông, vào tình yêu đích thực trong họ sẽ không còn tồn tại nữa mà thôi.

Tôi không dám nói là tất cả, vì thực tế vẫn có những người nhìn phụ nữ một mình sinh và nuôi con bằng cái nhìn "không có gì đáng để tự hào". Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng xã hội hiện đại khiến những người mẹ đơn thân phần nào nhận được nhiều sự đồng cảm và sẻ chia hơn từ những người xung quanh. Điều này đã góp phần "cổ vũ" chị em tin tưởng vào sự lựa chọn không lấy chồng này.

Cuộc sống gia đình thường gắn khá nhiều trách nhiệm lên vai những người vợ, người mẹ. Từ chăm lo ăn uống cho cả nhà, coi sóc con cái, đến đối nội đối ngoại trong nhà ngoài ngõ sao cho được "đẹp mặt chồng".

Tâm lý này đôi khi khiến các chị em mang tư tưởng hiện đại sợ hãi. Nếu không lấy chồng, chị em có thể tự mình tạo ra những quy tắc. Bạn có thể tự do ngủ nướng ngày cuối tuần, nấu ăn tại nhà hay đưa con đi ăn hàng quán mỗi khi bạn thích mà không cần bận tâm bố mẹ chồng, hay chồng có ý kiến gì hay không.

Mẹ đơn thân cũng không cần bận tâm chồng đang ngoại tình hay chung thủy, không cần phải lo quan tâm nhan sắc để giữ chồng. Thứ họ làm, là quan tâm nhan sắc vì yêu bản thân và tận hưởng cuộc sống.

Nguyên nhân? Chồng là người đầu gối tay ấp, nhưng sẵn sàng phản bội khi ta ốm, xấu xí, thậm chí bất cứ khi nào chỉ vì "anh ta muốn vậy". Lấy chồng, mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng 10 ngày nhưng con đẻ không giống cha sẽ bị người đời soi mói. Nếu giống cha thì gần như công sức của mình chỉ bị tính là "đẻ thuê".

Chăm con cũng không được như ý muốn. Từ mẹ chồng, chồng, rồi gia đình chồng sẽ khuyên bảo, định hướng phải thế này, thế kia dù con mình dứt ruột đẻ ra. Máu mủ ruột già, luôn luôn được trân trọng hơn những mối quan hệ khác, nhất là mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu. Thực tế đã chứng minh như vậy.

Phụ nữ vẫn thường bảo nhau: "Cố kiếm lấy đứa con, để sau này về già còn có đứa mà nương tựa lúc ốm đau, bệnh tật".

Làm mẹ đơn thân: Xu hướng không nên cổ súy?

Giải thích về việc ngày càng có nhiều cô gái trẻ làm mẹ đơn thân PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Xã hội học - Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn- ĐH Quốc Gia Hà Nội cho rằng điều này rất dễ hiểu. Bởi lứa tuổi 9x là lứa tuổi trong giai đoạn có khả năng sinh sản (từ 17 đến 27 tuổi) mới bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Bên cạnh đó, thế hệ này sinh ra và lớn lên trong giai đoạn kinh tế thị trường cởi mở, du nhập của nhiều lối sống, nhiều luồng văn hóa và ảnh hưởng tư tưởng từ phương Tây. “Ở độ tuổi này, các cô gái trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sống, chưa có đủ bản lĩnh để quyết định điều gì đúng, điều gì nên hay không nên, điều gì có lợi cho bản thân mình. Vậy nên đa phần việc quyết định làm mẹ đơn thân sẽ do tình huống đưa đẩy nhiều hơn là việc bản thân họ chủ động lựa chọn."

Dù rằng xã hội ngày nay đã có cái nhìn thoáng và cởi mở hơn với bà mẹ đơn thân, thế nhưng nếu xu hướng này ngày càng gia tăng ở người trẻ thì thực sự là vấn đề đáng báo động. Trong đó, truyền thông cần nhìn lại trách nhiệm của mình trong vấn đề định hướng và giáo dục, truyền tải những thông điệp đúng - chuẩn tới độc giả.

“Gia đình là nền tảng của xã hội, nền móng có tốt thì tương lai mới tươi sáng. Nói như vậy để thấy dù mẹ đơn thân giỏi giang, có kinh tế đến đâu cũng cần lưu tâm tới việc giáo dục con cái. Không chỉ trong hoàn cảnh đơn chiếc mà ngay cả điều kiện bình thường, hai người giáo dục con cũng sẽ hoàn hảo hơn một người. Người mẹ dù có mạnh mẽ cũng khó có thể thay thế được vai trò của người cha. Họ vẫn sẽ giáo dục con bằng bản năng của phụ nữ. Đó là thiệt thòi của trẻ con không gì bù đắp nổi.

Tạo hóa đã tạo ra người đàn ông là bố, người phụ nữ là mẹ và xã hội cần có một gia đình đầy đủ cho trẻ em được phát triển tốt nhất, bất luận trường hợp nào tôi không cổ súy cho việc làm mẹ đơn thân nhưng tôi tôn trọng quyết định của họ. Nếu như họ đã tính toán, chuẩn bị rất kỹ càng”, PGT. TS Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.