Tại sao sông ngòi Đông Âu đầy nước vào cuối xuân đầu hạ

A- TÌNH HÌNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU – GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ

I. Khái niệm chung

Biến đổi khí hậu [BĐKH] là sự thay đổi có tính hệ thống [liên tục tăng hoặc liên tục giảm] các yếu tố khí hậu  [Nhiệt độ, lượng mưa, áp suất hay gió,...] so với trung bình của khí hậu đã duy trì trong vài thập niên hoặc dài hơn. Sự biểu hiện của BĐKH thách thức loài người trong thế kỷ 21 là sự nóng lên toàn cầu cùng với sự gia tăng mực nước biển. Trong vòng 100 năm qua [1906-2005] nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,74oC, trong đó tốc độ tăng trong 50 năm gần đây gần gấp đôi so với 50 năm trước đó và chỉ trong vòng 10 năm từ 2001 đến 2010, nhiệt độ đã tăng hơn 0,5oC. Sự tăng lên của nhiệt độ trung bình mặt đất toàn cầu làm cho băng tan ở các vùng cực, trên đỉnh núi cao cùng với sự giãn nở nước ở các đại dương làm cho mực nước trung bình ở các đại dương tăng cao. Trong giai đoạn 1961-2003 [khoảng 40 năm] mực nước biển tăng với tốc độ trung bình 1,8mm/năm, nhưng trong vòng 10 năm gần đây [1993-2003] mực nước biển tăng lên với tốc độ trung bình 3,1mm/năm, cao hơn gần gấp đôi so với trước đó.

Nhiều kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: BĐKH sẽ gây ra một số hệ quả tiêu cực trên thế giới như: Hành lang san hô "Great Barrier Reef" di sản thiên nhiên thế giới tại Australia sẽ bị tan rã; Rừng nhiệt đới Amazon có nguy cơ biến thành sa mạc; Sa mạc Sahara sẽ biến thành rừng; Sẽ xuất hiện nhiều cơn bão mạnh hơn bão Katrina; Thủ đô London của Anh sẽ bị chìm dưới mực nước biển vào năm 2100; Số lượng cá thể của một số loài động vật suy giảm [cá, sinh vật phù du, các loài vi khuẩn], sự co cụm của một số loài động vật [các đàn cừu trên một hòn đảo ở Scotland]; Nhiều hòn đảo ở Indonesia [2.000 đảo, thực tế 24 đảo trong số 17.500 đã biến mất] và quần đảo Maldives [thấp và bằng phẳng nhất thế giới đang ngày càng bị thu hẹp] sẽ bị nhấn chìm trong đại dương,…[lược trích trong Những thông tin cập nhật về BĐKH dùng cho các đối tượng cộng đồng-Nhà xuất bản tài nguyên-môi trường và bản đồ Việt Nam].

Hiện tượng El Nino: Theo chu kỳ từ 2 đến 7 năm, một dòng nước ấm bất thường, với nhiệt độ đôi khi cao hơn 2-3oC so với bình thường, hình thành ở vùng biển nhiệt đới phía đông Thái Bình Dương sẽ tạo ra một hiện tượng biến đổi khí hậu ngắn hạn tự nhiên gọi là hiện tượng El Nino. Hiện tượng này không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường nước ở khu vực mà nó đi qua mà còn thúc đẩy các hiệu ứng thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới.

* Nguyên nhân gây ra BĐKH: BĐKH có thể là do các quá trình tự nhiên như: thời kỳ băng hà, thời kỳ ấm áp, tuy nhiên nếu là do tự nhiên thì các thời kỳ này phải kéo dài hàng trăm nghìn năm do đó không được xem là nguyên nhân của BĐKH trong giai đoạn hiện nay. BĐKH giai đoạn hiện nay là do hoạt động của con người [công nghiệp, nông nghiệp, giao thông,...] làm gia tăng khí nhà kính [CO2, CH4, N2O,....]. Khí nhà kính [KNK] có khả năng giữ nhiệt cao, làm nhiệt độ bề mặt trái đất tăng dần lên dẫn đến sự tan dần của những khối băng vĩnh cửu ở Bắc cực, Nam cực, trên các đỉnh núi cao làm cho mực nước biển dâng cao.

CO2 là loại KNK quan trọng nhất. Một lượng lớn khí CO2 phát thải từ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch [than đá, xăng, dầu,…]. Sản xuất nông nghiệp cũng góp  phần phát thải khí CO2, CH4. Nhiệt độ tăng làm tăng nguy cơ xảy ra sét [cứ nhiệt độ tăng 1oC, nguy cơ sét tăng 12%]. Tia sét phóng ra với tốc độ 36.000 km/h, có sức nóng 30.000oC, có thể gây cháy rừng, ngoài ra nạn chặt phá rừng tràn lan cũng làm tăng nhanh hàm lượng CO2  trong khí quyển. Thời kỳ tiền công nghiệp [khoảng năm 1750] hàm lượng CO2  trong khí quyển chỉ vào khoảng 280 ppm nhưng từ sau thời kỳ tiền công nghiệp đến nay hàm lượng CO2  liên tục tăng, mức tăng trung bình trong giai đoạn 1960-2005 là 1,4 ppm/năm, giai đoạn 1995-2005 là 1,9 ppm/năm. Giai đoạn hiện nay, mỗi năm con người thải vào bầu khí quyển 22 tỷ tấn CO2. Theo báo cáo của Tổ chức khí tượng thế giới ngày 9/9/2014, lượng khí CO2 thải vào khí quyển đã tăng rõ rệt trong năm 2013, đạt tới mức 396 ppm, tức là tăng 2,9 ppm so với năm 2012, đây là mức tăng hàng năm cao nhất trong vòng 30 năm qua. Hàm lượng 350 ppm là con số mà nhiều nhà khoa học, các chuyên gia khí hậu và chính phủ các nước hiện nay cho là giới hạn trên an toàn của khí CO2 trong khí quyển của chúng ta. Vì vậy, một Chiến dịch mang tên 350.org đã được triển khai trên phạm vi toàn cầu và lấy ngày 24/10 hàng năm là Ngày quốc tế hành động vì BĐKH.

           II. Tác động của BĐKH

          Là một quốc gia nằm trên bán đảo của Biển Đông thông ra Thái Bình Dương, với hơn 75% dân số sống dọc theo một bờ biển dài hơn 3.200 km và tại 02 đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, Việt Nam thuộc vào loại các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH toàn cầu và mực nước biển dâng. Các nhà khoa học trên thế giới và trong nước khẳng định rằng Việt Nam là 1 trong 5 nước [Việt Nam, Ai Cập, Suriname, Bahamas, Bangladesh] bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

          * Kịch bản về biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Với sự trợ giúp từ Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc [UNDP], một số cơ quan chuyên môn và nhà tài trợ quốc tế, vào tháng 8/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tính toán và đưa ra 03 kịch bản BĐKH [cao, trung bình, thấp] đối với Việt Nam, trong đó kịch bản trung bình đã đưa ra kết quả dự báo rằng:

- Về nhiệt độ: vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng lên 2,60C ở Tây Bắc; tăng 2,50C ở Đông Bắc; tăng 2,40C ở đồng bằng Bắc bộ; tăng 2,80C ở Bắc Trung bộ; tăng 1,90C ở Nam Trung bộ; tăng 1,60C ở Tây nguyên và tăng 2,00C ở Nam bộ so với trung bình của thời kỳ 1980-1999.

- Về lượng mưa: tổng lượng mưa và lượng mưa trong mùa mưa ở tất cả các vùng khí hậu của nước ta đều tăng, trong đó lượng mưa mùa khô có xu hướng giảm, đặc biệt là ở các vùng khí hậu phía Nam. Tính chung cho cả nước, lượng mưa cả năm vào cuối thế kỷ 21 tăng khoảng 5% so với thời kỳ 1980-1999. Ở các vùng phía Bắc mức tăng lượng mưa sẽ nhiều hơn so với khu vực phía Nam.

- Về nước biển dâng: mực nước biển sẽ dâng 30cm vào năm 2050 và cuối thế kỷ 21 sẽ dâng khoảng 75cm [Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiệt độ trung bình ở nước ta trong khoảng 50 năm qua tăng 0,70C và mực nước biển quan trắc ở các trạm Cửa Ông [Vịnh Hạ Long], Hòn Dấu [Đồi Sơn] tăng khoảng 20cm; tính trung bình mực nước biển ở Việt Nam đã tăng thêm 12cm].

Năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật  từ kịch bản năm 2009.

Năm 2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục công bố kịch bản biến đổi khí hậu mới.

Nhìn chung kịch bản sau kế thừa kịch bản trước nhưng cụ thể, chi tiết hơn. Năm 2016 kịch bản biến đổi khí hậu sẽ cụ thể, chi tiết đến cấp huyện để các địa phương chủ động hơn trong xây dựng các kế hoạch ứng phó với BĐKH.

* Những tác động của BĐKH đối với ĐBSCL:

Nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang[80,62%], Kiên Giang [76,9%].

    - Thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, giảm sản lượng lúa và cây ăn quả: Theo tính toán và tiên đoán của các nhà khoa học, nếu mực nước biển dâng theo kịch bản trung bình cao thì sản lượng lương thực của ĐBSCL sẽ giảm gần một nửa, các vùng chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy hải sản chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và như thế, vấn đề an ninh lương thực sẽ bị đe dọa nếu như không có biện pháp chủ động phòng ngừa, đối phó; đặc biệt, đáng quan tâm tới vấn đề này vì ĐBSCL là vựa lúa của cả nước cũng như thế giới.

- Tăng diện tích bị nhiễm mặn:

    ĐBSCL được xác định là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH Đây cũng là vùng chịu tác động rất lớn sự thay đổi về biên độ triều của mực nước biển. Mực nước biển dâng lên sẽ làm triều cường tiếp tục lên cao hơn và gia tăng xâm nhập mặn. Tương đương với mực nước biển dâng cao thêm 75cm vào cuối thế kỷ 21 thì cư dân nhiều vùng thấp ven biển thậm chí sẽ không có nước ngọt để uống vì các nguồn nước bị nhiễm mặn, ảnh hưởng cực kỳ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân với 70% là nông dân.

Từ đầu năm 2015 dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn, dẫn đến mặn trên sông đã xuất hiện sớm hơn gần hai tháng so với cùng kỳ và xâm nhập sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất hơn 90km. Theo số liệu quan trắc, độ mặn lớn nhất đều cao hơn so với trung bình nhiều năm [TBNN] và vượt quá độ mặn lớn nhất cùng kỳ đã từng quan trắc được trong lịch sử:  ranh giới độ mặn 4g/l đã lấn sâu tới 90-95km trên sông Vàm Cỏ, 45 - 65km trên sông Tiền, 55-60km trên sông Hậu và 60-65km ở khu vực ven biển Tây [Sông Cái Lớn]. Phạm vi xâm nhập mặn nêu trên vượt so mức TBNN từ ít nhất 5-10 km đối với khu vực ven biển Tây; 10-15 km ở khu vực sông Vàm Cỏ và Sông Hậu đến lớn nhất 20-25 km đối với sông Tiền. Kết quả quan trắc cũng cho thấy độ mặn lớn nhất cũng cao hơn so với mức lớn nhất  cùng kỳ trong lịch sử.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nêu trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh ven biển Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau có nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Tổng diện tích thiệt hại là 126.798 ha; trong đó, 78.137 ha thiệt hại trên 70% năng suất [chiếm 62%], 45.740 ha thiệt hại từ 30-70% năng suất [chiếm 36%], 2.921 ha thiệt hại dưới 30% năng suất [chiếm 2%]. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau: 49.343 ha, Kiên Giang: 34.093 ha, Bạc Liêu: 11.456 ha và Bến Tre: 10.755 ha.

Hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sinh hoạt tại một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa có công trình cấp nước, tập trung ở các khu vực cửa sông, ven biển, như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu.

- Chết rừng ngập mặn: Các khu vực ven biển với hệ thống rừng ngập mặn đóng vai trò là lá chắn của vùng. Khi nước biển dâng cao sẽ có một số cây chết do bị ngập, khi ấy diện tích rừng ngập mặn sẽ thay đổi. Khi rừng bị mất thì các loài sinh vật khác trong hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng sẽ bị đe dọa. Đồng thời, mất rừng ngập mặn là mất đi lá chắn để ngăn sóng to, bão tố, xói lở bờ biển, sạt lở các đê phòng hộ… dẫn tới gia tăng ảnh hưởng của các loại thiên tai đối với đời sống và lao động, sản xuất của dân cư ven biển.

- Ảnh hưởng tới các công trình:

     BĐKH và nước biển dâng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt nặng nề trong mùa mưa tại nhiều vùng thấp ven biển gây khó khăn cho việc thoát nước; tăng xói mòn, sụp lở các con đê ven bờ biển, ven sông và hệ thống đê bao chống lũ, ngăn mặn trong khu vực; làm hư hỏng hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, các bến cảng, bến tàu thuyền, trường học, nhà máy, các khu dân cư…

    - Gia tăng dịch bệnh:

    Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm gia tăng sốt xuất huyết và bệnh nhiệt đới như sốt rét vì lăng quăng sinh trưởng nhanh khi nước ấm hơn, muỗi cái tiêu hóa máu nhanh hơn và đốt thường xuyên hơn khi nhiệt độ tăng lên. Ngoài ra, không khí ấm bất thường cũng đã khiến cho loài muỗi vằn sinh sản sớm và gia tăng mật độ. Đồng thời, nhiều loại bệnh khác trên người và gia súc, gia cầm sẽ bùng nổ trên diện rộng.

Tác động tới kinh tế – xã hội:

    - Biến động trong sản xuất : Nếu không có giống mới chịu được mặn, kinh tế lúa và kinh tế vườn sẽ giảm sút; kinh tế biển sẽ tăng trưởng nhanh nhưng chưa chắc sẽ bù đắp lại hai sự sụt giảm trên; đầu tư trong lĩnh vực công thương nghiệp càng khó thu hút hơn.

    - Xây dựng kết cấu hạ tầng đã tốn kém càng tốn kém hơn.

    - Biến động về phân bố dân cư, đô thị và các trung tâm, cơ sở kinh tế: sẽ diễn ra sự dịch chuyển trong nội vùng và ra ngoài vùng ĐBSCL.

    - Cuộc sống của hàng chục triệu người dân sẽ gặp xáo trộn lớn.

    - Vai trò vựa lúa của cả nước, nguồn đóng góp quan trọng cho tổng kim ngạch xuất khẩu và ngân sách nhà nước mà Đồng bằng sông Cửu Long đang đảm nhiệm sẽ chịu thách thức nghiêm trọng;

    - Nhiều khía cạnh về an ninh quốc phòng sẽ được đặt ra, trước tiên là an ninh lương thực cho cả nước.

* Những tác động cụ thể của BĐKH đối với tỉnh Tiền Giang: Tiền Giang nằm ven bờ sông Tiền thuộc hệ thống sông Cửu Long, tiếp giáp với biển Đông, có 32km bờ biển và có hệ thống sông rạch chằng chịt, chịu tác động của chế độ bán nhật triều truyền từ biển Đông qua các cửa Tiểu, Đại, cửa Soài Rạp đi sâu vào nội đồng. BĐKH làm mực nước biển dâng cao hơn, xâm nhập mặn vào đất liền càng ngày càng sâu hơn làm cho nhiều vùng đất của Tiền Giang bị ảnh hưởng mặn, gây khó khăn rất nhiều cho đời sống và sản xuất nông nghiệp là nghề chính của nhân dân trong tỉnh [trên 70% dân số tỉnh Tiền Giang sống bằng kinh tế nông nghiệp].

Mùa khô năm 2016 trên các cửa sông [sông Tiền và Vàm Cỏ] mặn xuất hiện sớm, độ mặn cao và lấn sâu vào nội đồng nhanh hơn so với trung bình nhiều năm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa vụ Đông xuân 2015-2016 trong vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh cụ thể như sau:

- Tại cống Vàm Giồng, độ mặn luôn duy trì ở mức cao, độ mặn cao nhất dao động từ 5,00 - 8,20 g/l. Cống Vàm Giồng đã đóng ngăn mặn từ 20/11/2015 [độ mặn 2,0g/l] sớm hơn cùng kỳ 20 ngày. Đến ngày 05/3, độ mặn cao nhất đo được 7,8 g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2015 là 3,3 g/l.

- Tại cống Xuân Hòa, độ mặn dao động trong khoảng 1,50-3,70g/l [từ ngày 05-25/01/2016]. Cống Xuân Hòa đóng ngày 05/01/2016 sớm hơn cùng kỳ 02 tháng. Đến ngày 05/3, độ mặn cao nhất đo được 3,3g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2015 là 2,8 g/l.

  Đến ngày 25/02/2016 độ mặn 2,60g/l đã xâm nhập đến thành phố Mỹ Tho [cách cửa biển 50km]; độ mặn 1,10g/l [ngày 25/02/2016] đã xâm nhập đến Đồng Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang [cách cửa biển 55km].

Đến ngày 05/03/2016 độ mặn 1,05g/l đã xâm nhập đến thành phố Mỹ Tho [cách cửa biển 50km], cao hơn cùng kỳ năm 2015 là 1,05 g/l; độ mặn 0,14g/l [ngày 25/02/2016] đã xâm nhập đến Đồng Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang [cách cửa biển 55km], cao hơn cùng kỳ năm 2015 là 0,14 g/l.

- Vụ lúa Thu Đông năm 2015: Có 1.837 ha bị thiệt hại, trong đó: 945 ha thiệt hại trên 70% và 892 ha thiệt hại từ 30-70%.

- Vụ lúa Đông Xuân năm 2015-2016: Trong vùng ngọt hóa Gò Công, mặc dù các địa phương đã rất chủ động tổ chức bơm để đáp ứng yêu cầu sản xuất, tuy nhiên tại khu vực cuối nguồn, mực nước nội đồng thấp, chất lượng nước kém, nguồn nước bị nhiễm mặn, dồn phèn nên đã làm lúa bị thiệt hại trên 70% là 1.106 ha và

diện tích lúa bị thiệt hại đến cuối vụ trên 70% là 3.471 ha. Diện tích giảm năng suất từ 20-30% khoảng 7.000 ha.

- Ngoài ra, do ảnh hưởng mặn đã làm cho 20 ha nhãn, 80 ha mãng cầu xiêm và 40 ha sả trên địa bàn huyện Tân Phú Đông bị thiệt hại từ 30%-70%. Ước thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp khoảng 184,250 tỷ đồng.

BĐKH đã, đang và chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơn sóng to, gió lớn, bão tố, lốc xoáy gia tăng hoành hành và ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và con người trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; làm tổn hại tài sản, nhà cửa và đe dọa sinh mạng của nhân dân, nhất là những người đi biển, đi sông hoặc sinh sống trên các cồn vùng cửa sông, ven biển.

BĐKH đã, đang và sẽ làm gia tăng xói lỡ đất ven biển là điều rất khó khắc phục, nhất là khi thảm rừng ngập mặn có chức năng phòng hộ không được trồng và chăm sóc tốt hoặc bị phá đi để lấy đất làm công trình khác như xây dựng khu công nghiệp…. Việc gia tăng lũ lụt làm ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của nhân dân vùng phía Tây của tỉnh là nơi sản xuất lúa cao sản và vùng chuyên canh cây ăn quả. Thêm nữa, ô nhiễm môi trường tại các vùng ngập lũ sâu và kéo dài cộng với nhiệt độ gia tăng sẽ dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên người, gia súc và gia cầm, mà đặc điểm ở các vùng nông thôn trong tỉnh Tiền Giang có tỷ lệ số hộ chăn nuôi rất cao với tổng số lượng gia súc, gia cầm rất lớn.

1. Trồng trọt:

BĐKH dẫn đến biến đổi đặc tính của đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của các loại cây trồng. Nhiều loại cây trồng không thể thích nghi kịp với sự thay đổi của thời tiết. Hiện tượng khô cằn cùng với việc mặn hóa, giảm lượng nước ngọt làm cho diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp. Rủi ro tăng lên do lũ lụt bất thường. Các mối đe dọa từ việc tăng sâu bệnh và dịch bệnh do thay đổi trong phân bố dịch bệnh truyền bệnh.

Theo đánh giá của Ngân hàng phát triển Châu Á [ADB], nếu nhiệt độ tăng thêm 1,00C, năng suất lúa sẽ giảm 10%. Và theo nghiên cứu của ngân hàng thế giới [WB], khi mực nước biển dâng cao từ 20-60 cm sẽ có từ 100.000 đến 200.000 ha đất bị ngập và làm thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Những năm lũ lớn, khoảng 90% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long [ĐBSCL] bị ngập từ 4-5 tháng, vào mùa khô khoảng trên 70% diện tích bị xâm nhập mặn với nồng độ lớn hơn 4g/l. Ước tính Việt Nam sẽ mất đi khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa trong tổng số 4 triệu ha hiện nay, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.

 BĐKH làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại làm xuất hiện nguy cơ gia tăng các loài sâu bệnh, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL diễn ra ngày càng phức tạp ảnh hưởng đến khả năng thâm canh tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa.

2. Chăn nuôi

BĐKH làm nhiệt độ tăng cao, thay đổi lượng mưa, diện tích đất canh tác bị thu hẹp, lũ lụt và hạn hán gia tăng, ảnh hưởng đến các hệ thống sản xuất thức ăn chăn nuôi: giảm sản lượng lương thực, gây thiếu hụt nguồn cung cấp nước, làm mất cân bằng môi trường sinh thái và giảm năng suất đồng cỏ.

Hậu quả của sự thay đổi này là làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, làm tăng khả năng bùng phát, lây lan dịch bệnh làm giảm năng suất sinh trưởng và sinh sản ở vật nuôi kéo theo hiệu quả chăn nuôi thấp; và tình trạng khan hiếm nước đẩy chí phí cung cấp nước cho chăn nuôi tăng cao. BĐKH làm cho khí hậu thay đổi thất thường, khi nhiệt độ tăng cao làm ảnh hưởng đến mức chịu đựng của một số loài, môi trường sinh thái xấu đi tạo điều kiện cho một số vi sinh vật có hại gây bệnh cho vật nuôi.

Tiền Giang có số lượng gia súc, gia cầm nuôi tương đối lớn, theo kết quả điều tra thời điểm 01/4/2016 cả tỉnh đàn trâu có 329 con, giảm 4,4% so cùng kỳ; đàn bò có 89.077 con, tăng 6,2%, đàn lợn có 604.668 con, tăng 8,8%; tổng đàn gia cầm có 7,8 triệu con, tăng 6,7%, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Khi biến đổi khí hậu xảy ra làm cho tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi sẽ gia tăng, người chăn nuôi sẽ tốn nhiều chi phí, thời gian hơn đồng thời rủi ro cho đàn vật nuôi sẽ nhiều hơn. Năm 2010, theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch heo tai xanh tỉnh Tiền Giang, dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 1-7 đến ngày 06/8/2010 đã ghi nhận dịch tại 127/169 xã, phường ở tất cả 10 huyện với 33.830 con heo chiếm tỉ lệ 6% số hộ nuôi heo và 6,2% tổng đàn heo trong toàn tỉnh Tiền Giang, mức thiệt hại tới hơn 400 tỉ đồng.

3. Nuôi trồng thủy sản

Hoạt động nuôi trồng thủy sản thường xuyên chịu tác động của thời tiết và thiên tai như nước biển dâng, nhiệt độ tăng, bão lũ, sóng lớn, triều cường và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Những biểu hiện này của BĐKH có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến nuôi trồng thủy sản gây nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội cho người nuôi.

Tháng 01/2013, trong một công bố của Tổ chức DARA International về tính dễ bị tổn thương với BĐKH, Việt Nam được xếp ở mức báo động đỏ, là nước đứng đầu danh sách về mức thiệt hại thủy sản do BĐKH. Theo số liệu dự báo diện tích đất nuôi trồng thủy sản với các mức độ tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu trong nhiệm vụ "Điều tra, đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu làm cơ sở xây dựng các chính sách và hoạt động hỗ trợ hiệu quả cho các vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu" [Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, 2012] thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất nuôi trồng thủy sản bị tổn thương rất lớn. Giai đoạn 2012 - 2015, diện tích đất nuôi trồng thủy sản rất dễ bị tổn thương là 104.930 ha và đến năm 2020, diện tích này là 96.621 ha.

Tình  hình nuôi trồng thủy sản ở Tiền Giang năm 2016: Diện tích nuôi trồng thủy sản các loại trong tháng 5/2016 đạt 971 ha, ước tính 5 tháng đầu năm 2016 đạt 10.234 ha [trong đó thuỷ sản nước ngọt 4.035 ha], giảm 14,3% so cùng kỳ. Nguyên nhân, do tình hình thời tiết bất thường: nắng nóng kéo dài, mực nước trên các sông ngòi, kênh rạch thấp nên các hộ nuôi chưa tiến hành thả nuôi; mặt khác tình hình xâm nhập nặm sâu vào đất liền nên đã ảnh hưởng đến việc nuôi nước ngọt nhất là các huyện phía Đông; các hộ nuôi tôm thâm canh đang thu hoạch và cải tạo ao, đầm cho vụ nuôi mới khi độ mặn và thời tiết thích hợp thì tiến hành thả giống. Sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng được 14.476 tấn, ước tính 5 tháng đạt 85.659 tấn, giảm 6,3% so cùng kỳ. Trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi đạt 45.816 tấn, giảm 13,7%  so cùng kỳ. sản lượng giảm là do ảnh hưởng tình hình khô hạn và xâm nhập mặn từ đó diện tích nuôi giảm. Tình hình dịch bệnh trên tôm, có 26,49 ha/16,8 triệu giống tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh ở huyện Tân Phú Đông bị thiệt hại. Đã sử dụng 9.540 kg Chlorine/72 hộ/25,04 ha để xử lý môi trường nuôi.

Vào trung tuần tháng 6/2016, tại vùng nuôi trồng thủy sản ven biển tỉnh Bạc Liêu xảy ra hiện tượng nghêu, hàu chết hàng loạt. Tổng diện tích bị thiệt hại hơn 520 ha, với sản lượng hơn 1.500 tấn, làm thiệt hại kinh tế của người dân hơn 30 tỷ đồng qua kết quả điều tra xác định nguyên nhân xảy ra nghêu, hàu chết hàng loạt ở tỉnh này là do sốc môi trường nước. Cụ thể, vào thời điểm trên Bạc Liêu đang cao điểm mùa nắng, độ mặn nước biển cao, khi gặp những cơn mưa lớn đầu mùa, trùng hợp với triều cường rút, lượng nước mưa nhiều dẫn đến sốc nước ngọt. Khi một số con chết, làm ô nhiễm nguồn nước, lây lan ra diện rộng, dẫn đến chết hàng loạt. Theo kết quả ghi nhận của ngành chuyên môn, ở thời điểm này tổng lượng mưa trên địa bàn lên đến 351 mm, cao hơn 22% so cùng kỳ. Không chỉ mưa lớn, mà còn diễn ra liên tiếp nhiều ngày, làm nguồn nước, độ mặn thay đổi đột ngột, một số loài thủy hải sản khó thích nghi. Mưa nhiều, bất thường, thời tiết diễn biến cực đoan, đây cũng là sự tác động bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

4. Tác động đến đời sống xã hội của người dân nông thôn

Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp lẫn gián tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Tác động trực tiếp của BĐKH đến sức khoẻ con người thông qua mối quan hệ trao đổi vật chất, năng lượng giữa cơ thể người với môi trường xung quanh, dẫn đến những biến đổi về sinh lý, tập quán, khả năng thích nghi và những phản ứng của cơ thể đối với các tác động đó.

Các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng, gây nên những tác động tiêu cực đối với sức khoẻ con người, dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với tuổi già, những người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, dị ứng.

Tác động gián tiếp của BĐKH đến sức khoẻ con người thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1,  tiêu chảy, dịch tả... BĐKH làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh [ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve]. BĐKH là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới [sốt rét, sốt Dengue, dịch hạch, dịch tả], xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm mới [SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1], thúc đẩy quá trình đột biến của virut gây bệnh cúm A/H1N1, H5N1 nhanh hơn.

BĐKH còn là nguyên nhân làm tăng vấn đề ô nhiễm nguồn nước, tăng nguy cơ thiếu nước ngọt do giảm trữ lượng nước ngọt. Vào mùa khô, nắng nóng, nguồn nước cấp cho sinh hoạt người dân các huyện phía đông của tỉnh không đảm bảo. Nguồn nước vừa thiếu vừa không đảm bảo chất lượng là một khó khăn cho việc đảm bảo sức khỏe người dân vừa là trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế của người dân vùng nông thôn. Mùa khô năm 2016, tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra nghiêm trọng trên địa bàn toàn khu vực phía đông của tỉnh.

Hậu quả của BĐKH là thách thức nghiêm trọng đối với các mục tiêu dân số, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước. Nghiên cứu của Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam cho thấy, phụ nữ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất dưới tác động của BĐKH.

III- Ứng phó với BĐKH

Tại Tiền Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành liên quan trên toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật trong công tác ứng phó với BĐKH; bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chỉ đạo hướng dẫn việc điều phối, lồng ghép các chương trình, kế hoạch, nguồn lực của các sở, ngành và đoàn thể liên quan; chỉ đạo, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3569/QĐ-UBND ngày 31/12/2012.

Nhiều hoạt động ứng phó với BĐKH đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động tiêu biểu như: Tại các huyện phía tây, đầu tư nâng cấp mở rộng các kênh rạch thoát lũ, Nạo vét các kênh, rạch kết hợp nâng cấp các đê bao kiểm soát lũ bảo vệ sản xuất lúa, màu, cây ăn trái [dự án 5 trục thoát lũ qua Quốc lộ 1A, dự án kiểm soát lũ bảo vệ vườn cây ăn trái Ba Rài-Ông Mười, Cái Bè-Trà Lọt v.v…]. Tại các huyện phía Đông: Củng cố và nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông, đê cửa sông [xây kè bảo vệ đê biển Gò Công Đông, đê cửa sông Đèn Đỏ v.v….]. Nghiên cứu và từng bước thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển để chắn sóng bảo vệ đê, bảo vệ sản xuất, đồng thời bảo vệ các giống loài thủy sinh. Xây dựng các công trình chống, tránh, trú bão, các công trình bảo vệ các khu đông dân tại các thị xã, thị tứ, thị trấn, bảo vệ hạ tầng kinh tế - xã hội tập trung [như khu neo đậu tránh trú bão Vàm Láng, kè bảo vệ cù lao Tân Long tại thành phố Mỹ Tho, kè sông Tiền v.v…]. Đầu tư, nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn, các công trình vệ sinh tự hoại, xây dựng hầm Biogas tại khu vực chăn nuôi quy mô lớn theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức đến người dân về tác động BĐKH được chú trọng. Thông tin truyền thông, tuyên truyền các chủ đề liên quan đến BĐKH, phổ biến, quán triệt chủ trương, giải pháp của Đảng, nhà nước chủ động ứng phó với BĐKH bằng nhiều hình thức với nhiều chương trình, dự án thực hiện, các tài liệu tuyên truyền như: tài liệu về BĐKH, các loại hình thiên tai và biện pháp phòng tránh, kiến thức sơ cấp cứu và tìm kiếm cứu nạn,….

Sự hình thành dự án ngọt hóa Gò Công là nền tảng cho việc ứng phó, nhằm hạn chế tác động của thiên tai và BĐKH. Tuy nhiên, do thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến bất thường nên cần phải đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn lớn. Tỉnh đang tranh thủ các nguồn đầu tư bổ sung bên cạnh các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện. Tỉnh đã cho chủ trương giao Ban Quản lý Dự án tỉnh lập báo cáo đánh giá tác động môi trường [ĐTM] cho Dự án chống xói lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ tuyến đê biển Gò Công và Dự án các tuyến đê huyện Tân Phú Đông để kịp thời ứng phó với tình hình BĐKH, nước biển dâng.

* Công tác triển khai ứng phó hạn mặn mùa khô năm 2016

            Tỉnh đã ban hành Chỉ thị phòng chống hạn, mặn, cháy rừng năm 2016 trên địa bàn tỉnh [theo Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 11/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh]; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2016 [theo Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 29/01/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh]; ban hành Quyết định công bố thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh [theo Quyết định số 302/QĐ-UBND ngày 05/02/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh]. Tổ chức nhiều hội nghị bàn về giải pháp vận hành công trình cấp nước phục vụ sản xuất, triển khai phòng chống hạn mặn, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh đến tận các xã ngay từ đầu vụ và trong vụ Đông xuân 2015-2016. Để chủ động đối phó với hạn, mặn trong mùa khô năm 2015-2016, từ những ngày cuối năm 2015 tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành các Kế hoạch phòng chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất và đảm bảo cấp nước mùa khô năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2016 đã ban hành các Công điện, văn bản chỉ đạo các địa phương và ngoài ra, ngày 01/3/2016 Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Đảng văn để lãnh đạo công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh.

Bằng các nguồn vốn, từ năm 2010 đến nay tỉnh đã chủ động đầu tư, nạo vét các công trình thủy lợi nội đồng cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Trong năm 2016 theo kế hoạch tỉnh tiếp tục đầu tư 449 công trình, chiều dài 530.629m, khối lượng 1.957.658m3, ước kinh phí khoảng 84,198 tỷ đồng. Để chủ động ứng phó với hạn mặn, ngay từ những ngày đầu năm 2016, tỉnh [04 huyện vùng ngọt hóa Gò Công] đã triển khai thi công được 30 công trình, chiều
dài 55.606m, khối lượng 211.125m3, ước kinh phí khoảng 5,523 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mặc dù đang gặp khó khăn về nguồn vốn nhưng tỉnh đã chủ động sử dụng vốn vay tín dụng ưu đãi và ngân sách tỉnh để đầu tư nạo vét tuyến kênh 14 [đoạn qua thị xã Gò Công, chiều dài 4,5km đang bị bồi lắng nghiêm trọng] để tiếp nước cho khu vực cuối nguồn với kinh phí 87 tỷ đồng.

Trước diễn biến bất lợi của hạn, mặn, tỉnh đã chủ động tổ chức quan trắc độ mặn ngoài sông, tranh thủ lấy nước tối đa bằng trọng lực [lấy qua cửa cống đầu mối Xuân Hòa] và đã lắp đặt trạm bơm dã chiến [16 thuyền tương đương 32.000m3/h] kinh phí 4,1 tỷ đồng để bơm bổ cấp nước ngọt vào vùng dự án lúc chân triều. Ngay từ những ngày đầu năm 2016 tỉnh có chủ trương cho các địa phương tổ chức bơm chuyền [bơm 2 cấp] đồng thời hỗ trợ kinh phí [1,6 tỷ đồng] cho 04 huyện vùng ngọt hóa Gò Công mua máy bơm phục vụ chống hạn vụ Đông xuân 2015-2016. Các địa phương đã tổ chức bơm chuyền 2, 3 cấp tại 674 điểm bơm, tưới cho 21.755 ha, khoảng 568.349,5 giờ bơm tương ứng với kinh phí khoảng 22,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến đến nhân dân về diễn biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước, phát động trong nhân dân ra quân giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, tổ chức huy động đủ lượng máy bơm để bơm chuyền 2 cấp, bơm trữ nước trên ruộng, ao đầm, trên kênh. Do tình hình diễn biến của hạn mặn rất phức tạp lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành tỉnh thường xuyên đi kiểm tra tình
hình ứng phó hạn mặn tại các địa phương kể cả trong thời gian nghỉ lễ tết.

* Thích ứng với BĐKH là quá trình làm giảm những tác động bất lợi của khí hậu đến sức khỏe, đời sống và sử dụng những cơ hội thuận lợi mà khí hậu mang lại như là:

[i] Tuyên truyền phổ biến kiến thức, thông tin tình hình BĐKH và hành động giảm thiểu, thích ứng của ngành nông nghiệp

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng làm cho cả xã hội nhận thức đầy đủ về tính tất yếu của vấn đề và tầm ảnh hưởng toàn diện, toàn cầu của BĐKH, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp.

- Xây dựng hệ thống chính sách, lồng ghép BĐKH với các chương trình, dự án trọng điểm của ngành.

- Tiếp nhận và triển khai các đề tài, dự án trong và ngoài nước nhằm giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH.

[ii] Tăng cường hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, khí hậu, thủy hải văn, quan trắc môi trường phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

 [iii] Phát triển cơ sở hạ tầng bảo vệ sản xuất

- Nâng cấp vững chắc các tuyến đê bao, cống chống lũ và xâm nhập mặn, ưu tiên cho các

kênh rạch thuộc sông Tiền và sông Vàm Cỏ.

- Quy hoạch, nạo vét hệ thống các kênh mương bị ô nhiễm, hoặc bùn lấp.

- Củng cố và nâng cấp hệ thống cống, trạm bơm điện bảo đảm vững chắc bơm tưới tiêu phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho sản xuất, đồng thời đẩy mạnh kiên cố hóa đường bộ, giao thông thủy lợi nội đồng.

[iv] Nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới vào sản xuất

- Phát triển và sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản mới có khả năng thích ứng tốt diễn biến thời tiết khắc nghiệt và tình hình dịch bệnh.

- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các mô hình canh tác sinh thái mới, hiệu quả cho phép chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với những diễn biến thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng.

[Trong vụ hè thu 2016, nông dân Tân Phú Đông đã chuyển đổi trển 220 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sả chuyên canh, nâng tổng diện tích sả hiện có tại địa phương lên gần 900 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang].

- Đẩy mạnh áp dụng biện pháp kỹ thuật phù hợp [kỹ thuật biogas kết hợp sản xuất khí gas tái sinh và điện chiếu sáng] nhằm hạn chế, giảm thiểu sự phát sinh khí nhà kính từ ngành nông nghiệp, nhất là từ phân huỷ sinh học phân nước thải chăn nuôi.

[v] Bảo vệ nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sử dụng trong sản xuất nông nghiệp

 - Quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước mặt, nước dưới đất.

 - Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước từ chất thải rắn, nước thải : Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải từ các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường.

* Giảm nhẹ BĐKH là kéo giảm phát thải khí nhà kính [KNK là nguyên nhân gây ra BĐKH]. Trên tổng thể, cắt giảm khí nhà kính CO2 là một biện pháp chính yếu và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của các quốc gia trên thế giới để ứng phó hữu hiệu với BĐKH đang gia tăng. Việc cắt giảm khí nhà kính CO2 thông qua:

- Từ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hộ gia đình và các tòa nhà thương mại...;

- Từ sự thay đổi trong cách tạo ra và sử dụng các loại năng lượng mới trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giao thông và sinh hoạt;

- Từ việc cắt giảm khí thải của tất cả các phương tiện giao thông, vận tải sử dụng xăng dầu;

- Đạt được từ những phương sách ví dụ như xây dựng các cột thu CO2 trong công nghiệp nặng, trong các nhà máy, các khu công nghiệp lớn, vừa, nhỏ và trồng những cánh rừng mới để hấp thụ lượng khí carbon.

Thực hành lối sống tiết kiệm:

Tiết kiệm điện:

- Dùng bóng đèn huỳnh quang compact để tiết kiệm 75% năng lượng so với bóng đèn nóng sáng; chỉ bật đèn ở những nơi cần thiết;

- Đặt tủ lạnh ở nơi thoáng mát, cách tường ít nhất 10cm để giải nhiệt tốt, không cho thức ăn nóng vào tủ lạnh;                      

- Không mở máy lạnh ở nhiệt độ thấp hơn 25oC trong thời gian kéo dài;

- Không dùng các loại máy móc, thiết bị điện có công suất quá mức cần thiết so với nhu cầu;

- Rút khỏi ổ cắm điện loại thiết bị thường để chế độ chờ.

 Tiết kiệm nước:

- Không đổ bỏ nước sạch, tận dụng thu hứng và sử dụng nguồn nước mưa sạch để dùng sinh hoạt và uống;

- Không bơm nước ngầm để sản xuất nông nghiệp; trữ nước sinh hoạt, nấu ăn không nhiễm bẩn để tưới cây;

-  Không để nước chảy liên tục hay chảy tràn khỏi dụng cụ chứa khi chảy răng, tắm gội, giặt rửa, hứng nước;

- Kiểm tra và sửa chữa các chỗ rò rỉ trên những thiết bị, dụng cụ, van nước, đường ống dẫn nước…;

- Lắp và sử dụng các loại van nước, đầu vòi tắm, thùng dội nước vệ sinh bằng loại tiết kiệm nước;

- Tắm gội, giặt rửa nhanh hơn dưới các vòi nước đang chảy.

Không lãng phí:

- Không lãng phí thực phẩm, quần áo, vật dụng, bao bì, vật tư, nguyên liệu, xăng dầu... trong mua sắm và tiêu dùng để giảm bớt tiêu hao tài nguyên, năng lượng, lao động, thời gian và chi phí sản xuất cũng như xử lý chất thải.

- Không lãng phí chất đốt: điều chỉnh ngọn lửa vừa, đun nấu nhanh khi dùng gas, điện, dầu…, sử dụng bếp kín và ít khói khi đun bằng rơm, rạ, củi, trấu…; tự sản xuất biogas để đun nấu.

- Không dùng các loại xe, máy tiêu hao nhiều xăng, dầu, gas...; tăng cường sử dụng phương tiện giao thông cộng cộng; đi bộ hoặc sử dụng xe đạp khi di chuyển trên các quãng đường ngắn.

  Khai thác, sử dụng nguồn năng lượng sạch và ít gây hại: Để làm giảm ô nhiễm môi trường, làm chậm biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên và giảm chi phí, con người cần hạn chế đốt than đá, dầu hỏa, khí tự nhiên, xăng, dầu, nhựa…. Thay vào đó, cần khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn năng lượng sạch có sẵn trong thiên nhiên, được tái tạo, không bị cạn kiệt như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học….

Năng lượng mặt trời: Năng lượng mặt trời được ứng dụng rộng rãi để chưng cất hơi nước, đun nước nóng, đun nấu thức ăn, chạy máy bơm nước, máy phát điện, máy điều hòa không khí,  sản xuất pin mặt trời….                           

Năng lượng gió: Gió là nguồn năng lượng sạch có ở khắp nơi, không phát thải khí gây ô nhiễm và làm hại môi trường. Dùng sức gió làm quay những cánh quạt khổng lồ của cối xay gió để xay bột, bơm quạt nước, và phát ra điện để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Nhiên liệu sinh học:

Khí sinh học - biogas - là kết quả phân huỷ các chất hữu cơ [rác,  phân gia súc…] trong môi trường thiếu không khí. Biogas được dùng để đun nấu, thắp sáng, phát điện và chạy các động cơ, máy móc tàu xe thay xăng dầu. Sử dụng biogas rất ít hại cho môi trường và con người. 

Cồn hay Ethanol là sản phẩm thu được từ quá trình chưng cất các chất hữu cơ đã lên men từ ngũ cốc, sắn, phế liệu nông nghiệp, rác, mật rỉ đường. Ethanol được dùng thay xăng để chạy động cơ của tàu xe, các loại máy móc. Việc đốt Ethanol thải ra rất ít khí gây ô nhiễm so với đốt xăng dầu.

 Tận dụng các loại vật chất phế thải: Tận dụng các loại phế liệu và chất thải để tái chế và tái sinh thành những vật dụng hữu ích như:

- Tận dụng phân chăn nuôi heo để tự sản xuất thành khí sinh vật [biogas] dùng đun nấu và thắp sáng ở trang trại, trong gia đình.

- Thu gom và xử lý dầu thực vật phế thải sau quá trình chế biến thực phẩm thành nhiên liệu dùng chạy động cơ thay cho xăng dầu sẽ ít gây ô nhiễm môi trường và tránh gây lãng phí.

- Các vỏ xe thải loại được thu gom đưa vào lò đốt với công nghệ thích hợp để thu khí đốt và dung dịch dầu lỏng. Khí thu được dùng đốt cho lò, còn dầu được ngưng tụ thành sản phẩm làm nhiên liệu dùng công nghiệp. Loại dầu này cho nhiệt lượng cao hơn dầu FO và tương đương với dầu DO mà mức độ ô nhiễm môi trường đạt tiêu chuẩn Việt Nam.

- Tận dụng rác sinh hoạt để sản xuất thành phân hữu cơ bón cho cây trồng và sản xuất ra một số loại vật liệu xây dựng như gạch được sản xuất từ nhà máy rác Thủy Phương thuộc Công ty Tâm Sinh Nghĩa, đóng tại xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy - Huế.

Trồng và bảo vệ rừng, cây xanh, hoa kiểng: Tích cực trồng và bảo vệ rừng; trồng các loại cây xanh, hoa kiểng ở nơi công cộng, công viên, ven đường, ven sông, trong sân nhà… để làm đẹp, mát và giúp làm giảm khí nhà kính [CO2].

B- TÌNH HÌNH Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Theo Luật BVMT 2014

Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật.

Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác.

Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.

Ô nhiễm môi trường được hiểu là tình trạng môi trường bị ô nhiễm bởi các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học... gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, các cơ thể sống khác. Ô nhiễm môi trường xảy ra là do con người và cách quản lý của con người.

Ô nhiễm môi trường không khí là sự có mặt một chất lạ hoặc một sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí, làm cho không khí không sạch hoặc gây ra sự tỏa mùi, có mùi khó chịu, giảm tầm nhìn xa do bụi.

Ô nhiễm môi trường nước  là sự thay đổi theo chiều xấu đi các tính chất vật lý – hoá học – sinh học của nước, với sự xuất hiện các chất lạ ở thể lỏng, rắn làm cho nguồn nước trở nên độc hại với con người và sinh vật. Làm giảm độ đa dạng sinh vật trong nước.

Ô nhiễm môi trường đất xảy ra khi đất bị nhiễm các chất hóa học độc hại [hàm lượng vượt quá giới hạn thông thường]do các hoạt động chủ động của con người như khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, sử dụng phân bón hóa học hoặc thuốc trừ sâu quá nhiều,...

Ô nhiễm tiếng ồn [khi mức ồn vượt ngưỡng quy định tại QCVN 26]

Chất lượng môi trường của tỉnh

Theo kết quả quan trắc môi trường của tỉnh nguồn nước mặt và nước ngầm đang có dấu hiệu bị ô nhiễm và cạn kiệt, vùng ven biển đã bắt đầu bị ô nhiễm, một số khu đô thị và khu công nghiệp bị ô nhiễm do nước thải, khí thải, chất thải rắn... Các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu: xâm nhập mặn, bão tố, diễn biến bất thường về thời tiết… đang ảnh hưởng rất lớn môi trường tài nguyên và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức quan trắc chất lượng môi trường với tần suất 03 tháng/ lần. Kết quả quan trắc cho thấy chất lượng môi trường của tỉnh hiện tại như sau:

- Nước mặt: chất lượng nước mặt tại các điểm quan trắc hầu hết chỉ đạt mức có thể dùng cho tưới tiêu hoặc giao thông thủy; muốn sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống thì cần phải xử lý lắng lọc, khử trùng.

- Nước ngầm: chất lượng nước ngầm tại một số điểm quan trắc chưa đảm bảo tiêu chí dùng cho mục đích sinh hoạt, một số vị trí có giá trị vượt so với Quy chuẩn về độ cứng; muốn sử dụng vào mục đích sinh hoạt thì cần phải xử lý.

- Nước biển ven bờ: hầu hết các thông số đều đạt Quy chuẩn cho phép, chỉ có thông số Coliform là vượt so với Quy chuẩn. Chất lượng nước chỉ được sử dụng cho mục đích phục vụ nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh, không phục vụ cho mục đích bãi tắm, thể thao dưới nước.

- Môi trường không khí - ồn: chất lượng môi trường không khí tại các điểm quan trắc khu vực đô thị và nông thôn hiện tại tương đối tốt, hầu hết các thông số đều đạt giá trị giới hạn cho phép, tuy nhiên, một số điểm có giá trị vượt nhẹ so với Quy chuẩn về bụi lơ lửng và độ ồn, nguyên nhân là do đây là những vị trí có mật độ giao thông cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá và kết quả quan trắc chất lượng không khí xung quanh thì nồng độ Methyl mecarptan tại một số khu công nghiệp có loại hình sản xuất thức ăn thủy sản có lúc vượt Quy chuẩn Việt Nam 06: 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.  Tại một số khu vực chăn nuôi tập trung nồng độ các chất gây mùi cũng dao động trong ngưỡng của quy chuẩn hoặc có lúc vượt nhưng ở mức độ nhẹ. Tuy mức độ các yếu tố gây mùi vẫn còn nằm trong quy chuẩn hoặc có vượt ở mức độ nhẹ nhưng theo đánh giá khả năng tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân là rất lớn, do ngưỡng phát hiện mùi hôi từ khứu giác của con người là rất nhạy cảm. Ngoài ra, hiện nay hầu hết các bãi rác đều lộ thiên nên mùi hôi phát sinh từ sự phân hủy chất hữu cơ gây ô nhiễm môi trường. Kết quả quan trắc tại 3 bãi chôn lấp Kiểng Phước, Tân Lập và Long Chánh cho thấy nồng độ các chất như mercaptan, H2S tuy chưa vượt ngưỡng quy định nhưng đã vượt ngưỡng phát hiện mùi của con người. Trong đó, mercaptan vượt ngưỡng phát hiện mùi từ 3,96 – 6,34 lần. Tại một số kênh rạch, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi được thải trực tiếp ra nguồn nước không những làm ô nhiễm nguồn nước mà ở những đoạn kênh rạch có sự lưu thông dòng chảy kém còn làm ứ đọng nước thải gây phát sinh mùi hôi, vấn đề này hiện nay có tác động rất lớn đến môi trường và sinh hoạt của người dân mà ngành chức năng cần phải quan tâm giải quyết.

II- Một số vấn đề môi trường cần đặc biệt quan tâm của tỉnh

- Xử lý chất thải rắn: Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 02 bãi chôn lấp chất thải rắn, các bãi khác đều là những bãi đổ tạm và hiện đang quá tải. Hầu hết các bãi rác đều lộ thiên nên mùi hôi phát sinh từ sự phân hủy chất hữu cơ và nước rỉ rác từ các bãi này chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường. Các bãi rác của tỉnh đều không tiếp nhận CTR công nghiệp thông thường và các Doanh nghiệp phải tự ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng của TP.HCM làm tăng chi phí thu gom, xử lý.

- Xử lý nước thải của các đô thị: Hiện tại, tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh đều chưa có hệ thống thu gom tách riêng nước mưa và nước thải, chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Nước thải sinh hoạt được xử lý bằng hầm tự hoại của các hộ gia đình và thoát ra cống thoát nước của đô thị rồi thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận. Do nguồn tiếp nhận nước thải cũng là nguồn nước được sử dụng để sản xuất nước sạch nên tỉnh luôn quan tâm đến việc xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung cho các đô thị. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện.

- Mùi hôi phát sinh từ hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy sản, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tái chế nhựa làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tuy nhiên, cho đến nay các kết quả phân tích mẫu khí thải, mùi hôi qua các đợt kiểm tra đều không phát hiện hoặc mức độ phát hiện các thông số gây mùi hôi là rất thấp [nhưng mùi hôi từ cơ sở thì vẫn phát sinh liên tục gây tác động lớn đến người dân và các doanh nghiệp xung quanh]; điều này gây khó khăn đối với việc xử lý vi phạm hành chính cũng như việc yêu cầu cơ sở phải tiếp tục đầu tư hoặc cải tạo việc xử lý khí thải, mùi hôi. thời gian qua trên địa bàn tỉnh phát sinh một số điểm nóng về môi trường được người dân phản ánh nhiều ánh nhiều lần do hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến bột cá, thức ăn thủy sản… phát sinh khí thải, gây mùi hôi làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Trên cơ sở phản ánh của người dân , Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo giải quyết quyết liệt vấn đề trên, như: yêu cầu chủ các cơ sở đầu tư hệ thống xử lý, vận hành thường xuyên hệ thống, tổ chức rà soát công tác thu gom khí mùi ở tất cả các khâu từ quá trình hoạt động trong dây chuyển sản xuất để đưa về hệ thống xử lý khí thải… nhưng việc gây mùi hôi từ hoạt động của các loại hình sản xuất này vẫn chưa được cải thiện.

Việc kiểm soát mùi hôi đối với các cở trên được tỉnh thực hiện theo Điều 7, Điều 68 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và đặc biệt là các Quy chuẩnkỹ thuật quốc gia: QCVN 06 : 2009/BTNMT, QCVN 19:2009/BTNMT và QCVN 20:2009/BTNMT. Trong quá trình thanh tra kiểm tra tỉnh cũng đã áp dụng các quy chuẩn [các thông số: NH3, H2S, mercaptan..] trên để để kiểm soát và đánh tình hình thực hiện công tác BVMT, đặc biệt là mùi hôi từ các cơ sở. Tuy nhiên, cho đến nay các kết quả phân tích mẫu khí thải, mùi hôi qua các đợt kiểm tra đều không vượt ngưỡng hoặc mức độ phát hiện các thông số gây mùi hôi là rất thấp [nhưng mùi hôi từ cơ sở thì vẫn phát sinh liên tục gây tác động lớn đến người dân và các doanh nghiệp xung quanh]; điều này gây khó khăn đối với việc xử lý vi phạm hành chính cũng như việc yêu cầu cơ sở phải tiếp tục đầu tư hoặc cải tạo việc xử lý khí thải, mùi hôi.

Do đó, vấn đề khí thải, mùi hôi đối với các doanh nghiệp này đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để và gây bức xúc trong nhân dân trên địa tỉnh. Theo đánh giá của địa phương thì việc gây ô nhiễm mùi hôi ngoài việc xuất phát từ công nghệ xử lý, quá trình vận hành hệ thống xử lý, công tác thu gom chưa triệt để còn có nguyên nhân từ yếu tố pháp lý [các quy chuẩn kỹ thuật quy định giá trị các thông số gây mùi tương đối cao hoặc các thông số gây mùi chưa thể hiện đầy đủ đối với đặc trưng của ngành nghề sản xuất bột cá, thức ăn thủy sản…] nên việc kiểm soát và xử lý đối với các trường hợp này tại địa phương rất khó khăn và lúng túng [Mùi hôi thì mức độ phát hiện theo khứu giác của con người thì rất hôi, thậm chí khó chịu và theo đánh giá thì mức độ tác động là tương đối lớn, tuy nhiên, các kết quả đo đạc so sánh với các tiêu chuẩn, quy chuẩn thì không vượt nên không thể xử lý vi phạm hành chính cũng như yêu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả…].

Theo Công văn số 1916/TCMT-KSON ngày 19/8/2016 của Tổng cục Môi trường [Bộ Tài nguyên và Môi trường] thì hiện nay các phương pháp xác định ô nhiễm mùi mới chỉ được nghiên cứu và đưa vào thực tiễn ở Mỹ, Úc và một số nước châu Âu. Ở châu Á chỉ có Nhật Bản có kiểm soát mùi hôi, còn ở các nước Đông Nam Á hay Trung Quốc thì chưa có tiêu chuẩn này. Việc tham khảo các kinh nghiệm của thế giới về phương pháp xác định các chất gây mùi phục vụ cho công tác thanh tra và kiểm soát môi trường cho thấy rằng, các phương pháp tiêu chuẩn là một hệ thống các quy trình khép kín bao gồm các trình tự công đoạn sau: đào tạo các hội thẩm mùi; lấy mẫu mùi và lưu giữ; chuẩn bị phòng thí nghiệm phân tích mùi; chuẩn bị thiết bị phân tích mùi nhạy cảm; quy trình xác định phân tích mẫu mùi và quy trình xử lý, đánh giá, báo cáo kết quả phân tích mùi, mà sự thành công cho cả phương pháp tiêu chuẩn phụ thuộc vào rất nhiều các yêu tố chủ quan và khách quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành nghiên cứu việc kiểm soát ô nhiễm mùi dựa vào phương pháp cảm quan nêu trên. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu tình hình thực tế cho thấy việc kiểm soát ô nhiễm về mùi bằng phương pháp cảm quan chưa thực sự khả thi ở Việt Nam, vì vậy tạm thời chưa có các quy định đối với việc kiểm soát ô nhiễm về mùi.

- Việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nằm trong đất quốc phòng gặp rất nhiều khó khăn: hiện tại, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở hoạt động thuộc đất quốc phòng bị người dân xung quanh nhiều lần phản ánh về ô nhiễm môi trường. Nhưng do đây là đất quốc phòng thuộc quyền quản lý của Cục Hậu cần Quân khu 9 nên gây khó khăn cho tỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở này.

- Công tác giám sát quá trình vận hành hệ thống xử lý chất thải của các doanh nghiệp, cơ sở: tuy hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh đều có lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, khí thải nhưng tỉnh còn khó khăn trong việc giám sát quá trình vận hành của các hệ thống này [nhất là việc có hoặc không có vận hành thường xuyên các hệ thống xử lý nước thải, khí thải đã được lắp đặt]. Vẫn còn tình trạng DN hoạt động chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về BVMT như: không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung đã cam kết trong Báo cáo ĐTM hoặc Bản cam kết BVMT; quản lý thu gom chất thải rắn, CTNH chưa triệt để, thực hiện việc giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh chưa đúng quy định; không thực hiện thủ tục kiểm tra, xác nhận các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án đi vào vận hành chính thức.

III-Giải pháp khắc phục

Trong thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung vào các nội dung chính sau:

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành, thị tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết X Tỉnh Đảng bộ, Nghị quyết Đại hội Đảng XII, tiếp tục nghiên cứu các Nghị quyết Trung ương và địa phương; các quy định pháp luật về BVMT và cụ thể hóa bằng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về BVMT,… trong từng năm, từng giai đoạn.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BVMT, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT các cấp tỉnh, huyện, xã; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Chi cục BVMT, các phòng TN&MT, các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở để kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ BVMT; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ BVMT, áp dụng các công cụ kinh tế, công nghệ tin học vào quản lý môi trường; Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm đồng thời tranh thủ các nguồn vốn của trung ương và địa phương để thực hiện các dự án BVMT kịp thời và có hiệu quả cao.

- Phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành, hội, đoàn thể các cấp để tăng cường tuyên truyền BVMT sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt về BVMT, đặc biệt ở cấp huyện, xã; tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình về BVMT. Mặt khác, đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của UBMTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông và quần chúng nhân dân trong việc giám sát, phản ảnh việc gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý, khắc phục ô nhiễm.

- Hướng dẫn thực hiện tốt và nâng cao chất lượng thẩm định nội dung, yêu cầu BVMT trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh hướng đến sự phát triển bền vững. Tổ chức quản lý tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về các nguồn thải làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát nguồn thải, theo dõi diễn biến chất lượng các thành phần môi trường, đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn thải phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch khu tập trung dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất phát sinh mùi hôi khó khắc phục, gây ô nhiễm môi trường kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và xây dựng kế hoạch có xác định lộ trình, thực hiện di dời các cơ sở sản xuất này đến khu vực quy hoạch sẵn.

-  Tăng cường hiệu quả quản lý bảo vệ môi trường từ đầu vào: Tăng cường công tác quan trắc, giám sát môi trường đất, nước, không khí tại các KCN, CCN và khu vực dân cư xung quanh. Hướng dẫn thực hiện tốt và nâng cao chất lượng thẩm định nội dung, yêu cầu BVMT trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; Thực hiện việc thẩm định chặt chẽ các báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT, đề án BVMT để làm cơ sở pháp lý quản lý lâu dài; Đề xuất giải pháp rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt các Báo cáo ĐTM nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

- Tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn đối với chất thải, đặc biệt đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn: Khuyến khích các cơ sở ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ về xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm; Quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ y tế; Đảm bảo phát triển các KCN, CCN đồng bộ với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường; Phối hợp thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung và bãi chôn lấp; Chất thải rắn được thu gom, xử lý đến năm 2020 đạt trên 95%; trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; Thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị cho thành phố Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công khi có nguồn vốn đầu tư; Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án thu gom rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang [phương án số 3810/PA-STNMT ngày 11/9/2015] nhằm tăng cường thu gom, tập trung xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn tại các khu vực nông thôn; Kiểm soát và quản lý các chất thải từ hoạt động trồng trọt [bao bì thuốc BVTV…]; Tăng cường công tác BVMT trong hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô vừa và quy mô lớn; Hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình; Phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó chú trọng thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải, khí thải sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao tại các làng nghề và cải thiện chất lượng môi trường thị trấn Vàm Láng, khu cảng cá, bến cá; Trong xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, có 50% số xã cơ bản đạt tiêu chí thứ 17 về môi trường.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm: Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, cấp giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án sau khi được phê duyệt báo cáo ĐTM; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, môi trường tại các KCN, CCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, nhất là các trường hợp có phản ánh kéo dài của người dân; Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu; Tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu vào tỉnh, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không đáp ứng các quy định về BVMT; Thực hiện tốt việc công khai thông tin các đơn vị, cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT.

* Giải quyết vấn đề về mùi hôi 

Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã rất nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước đối với ô nhiễm môi trường do mùi hôi như:

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các cá nhân, tổ chức; giám sát doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc vận hành các hệ thống xử lý khí thải, mùi hôi; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; Tổ chức đối thoại giữa người dân với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cơ quan nhà nước để họ thấy được sự bức xúc của người dân, qua đó quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, tạo sự chia sẻ, đồng cảm của người dân với cơ quan nhà nước.

- Tổ chức thẩm định chặt chẽ hồ sơ môi trường của các Dự án có khả năng gây ô nhiễm mùi hôi cao, đảm bảo cơ sở khoa học, tính khả thi, hiệu quả xử lý của các công nghệ xử lý khí thải, mùi hôi được áp dụng.

- Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động có gây mùi hôi kéo dài ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ, cũng như tham khảo ý kiến chuyên gia trong việc đầu tư hệ thống xử lý mùi hôi để có hướng xử lý phù hợp.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề mùi hôi trong hoạt động sản xuất vẫn chưa được giải quyết triệt để. Để kiểm soát và giải quyết vấn đề trên trong thời gian tới các giải pháp sau cần tiếp tục thực hiện:

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở đang hoạt động có phát sinh mùi hôi, đặc biệt là việc kiểm soát quá trình vận hành hệ thống xử lý khí thải để hạn chế mùi hôi phát tán. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường theo quy định pháp luật.

- Thực hiện tốt quy hoạch, đặc biệt việc phát triển sản xuất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh. Hạn chế việc phát sinh cơ sở mới bên ngoài các khu công nghiệp khu sản xuất tập trung. Đối với các KCN, CCN  thì kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc BVMT theo thẩm quyền quản lý.

- Các cơ quan quản lý nhà nước phải có sự phối hợp chặt chẽ trong cấp phép đối với các dự án đầu tư mới, các phương án sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng xem xét các yếu tố môi trường, đặc biệt là các loại hình có phát sinh khí thải và mùi hôi trước khi tiến hành cấp phép; kiên quyết không cấp mới, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư trong khu dân cư tập trung đối với những ngành, nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường nói chung và làm phát sinh mùi hôi nói riêng.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập khu riêng dành cho các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường khó khắc phục để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mùi hôi kéo dài theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

- Tiếp tục kiến nghị với Bộ TN&MT xem xét ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đặc thù, trong đó có bổ sung chi tiết các thông số gây mùi để làm cơ sở pháp lý trong việc kiểm tra, kiểm soát cũng như chế tài khi các doanh nghiệp vi phạm; ban hành quy định kiểm soát khí thải tự động liên tục [lắp đặt thiết bị quan trắc tự động] đối với cơ sở sản xuất có lưu lượng từ 200.000m3 khí thải/giờ [Theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, các ngành nghề chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy sản, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tái chế nhựa không thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục dù với quy mô sản xuất, xả thải nào]; ban hành quy định kiểm soát năng lượng, nhiên liệu riêng cho quá trình vận hành hệ thống xử lý khí thải để kiểm soát quá trình vận hành liên tục của các hệ thống xử lý khí thải.

* Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường của các Doanh nghiệp hoạt động trên đất quốc phòng 

- Kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế phối hợp trong việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường cũng như phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong đất quốc phòng.

* Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ các bãi rác, nước thải sinh hoạt

Do khó khăn về nguồn vốn đầu tư các công trình bảo vệ môi trường công cộng như bãi chôn lấp chất thải rắn, hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, tiếp tục kiến nghị Trung ương hỗ trợ bố trí nguồn kinh phí và cơ chế kêu gọi đầu tư để thực hiện các công trình này.

* Giải quyết vấn đề giám sát việc vận hành các hệ thống xử lý chất thải

Hiện tại, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng phải thực hiện việc báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường đều đã được cấp hoặc đang hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án theo đúng quy định. Tuy nhiên, còn tồn tại một vấn đề là: đoàn kiểm tra để xem xét cấp Giấy xác nhận chỉ có thể đến kiểm tra vào lúc công trình đã hoàn thành và xem xét trên báo cáo hoàn công của cơ sở, chưa thể tham gia vào quá trình xây dựng, lắp đặt hệ thống. Do đó, đối với một số công trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là các công trình xây dựng ngầm dưới lòng đất [do không có diện tích xây dựng] hoặc các đường ống thoát nước được lắp đặt ngầm dưới lòng đất thì khó có thể giám sát việc cơ sở có thực hiện đúng theo hồ sơ môi trường đã được cấp hay không. Do đó, kiến nghị Chính phủ có quy định về đơn vị giám sát độc lập đối với việc xây dựng, lắp đặt các công trình bảo vệ môi trường [giống như đơn vị giám sát độc lập đối với các công trình xây dựng].

*Các nhiệm vụ chính về BVMT trong năm 2016

1. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý chất thải; xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền hướng dẫn thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn, theo dõi, thực hiện chỉ tiêu thi đua về môi trường của các huyện, thị, thành.

2. Nghiên cứu các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường để từ đó cụ thể hóa việc áp dụng các văn bản này tại địa phương và hướng dẫn thực đồng bộ, có hiệu quả và đảm bảo đúng quy định trên địa bàn 11 huyện, thị, thành của tỉnh Tiền Giang .

3. Rà soát, thống kê, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ môi trường  theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Thông tư 26/2015/TT-BTNMT, Thông tư 27/2015/TT-BTNMT, không để xảy ra trường hợp cơ sở hoạt động mà không có hồ sơ môi trường; Bồi dưỡng kiến thức thẩm định, phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường cho UBND cấp xã và cán bộ phụ trách môi trường cấp xã, đẩy mạnh, phối hợp UBND cấp huyện trong việc ủy quyền UBND xã xem xét, đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Rà soát, thống kê, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhận diện các loại chất thải nguy hại và áp dụng đúng quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT.

4. Kiểm tra, hướng dẫn về nghiệp vụ cho phòng Tài nguyên và môi trường các huyện, thành, thị để nâng cao chất lượng thẩm định Đề án bảo vệ môi trường đơn giản và Kế hoạch bảo vệ môi trường; trong đó tập trung vào các địa phương có nhiều loại hình dự án/cơ sở sản xuất kinh doanh trong quá trình sản xuất, kinh doanh phát sinh các loại chất thải nhưng có phức tạp trong xử lý môi trường hoặc cần hướng dẫn, tập huấn thêm trong việc xem xét, đăng ký, hậu kiểm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phối hợp UBND huyện Tân Phú Đông, phòng TN&MT Tân Phú Đông làm việc với UBND các xã trên địa bàn huyện đã được huyện ủy quyền xem xét, đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

5. Hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc ở địa phương

- Tuyên truyền đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về bảo vệ môi trường; khuyến khích áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước và sau khi đầu tư dự án;

- Tham mưu xây dựng Đề cương Đề án di dời, thành lập một khu riêng dành cho các doanh nghiệp sản xuất gây mùi hôi khó khắc phục trình UBND tỉnh thẩm định phê duyệt và thực hiện trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

- Tiếp nhận, xử lý, báo cáo kết quả xử lý các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri trước và sau các kỳ họp Đại biểu Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh trong năm 2016.

- Tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Phương án thu gom rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang số 3810/PA-STNMT ngày 11/9/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 12/1/2016 của UBND tỉnh tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trong hoạt động chế biến, nông sản, lâm sản, thủy sản.

6. Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, xử lý các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tăng cường công tác hậu kiểm sau khi các hồ sơ môi trường đã được phê duyệt [không để xảy ra các trường hợp không có hậu kiểm] phê duyệt kiểm tra việc thực hiện các biện pháp BVMT trong các hồ sơ môi trường và xử lý các vi phạm về chấp hành các quy định bảo vệ  môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp và tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh; tập trung giám sát, hướng dẫn khắc phục ô nhiễm tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường như: khu công nghiệp Mỹ Tho, khu công nghiệp Tân Hương, cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, khu quân sự Đồng Tâm.

7. Tổ chức thực hiện việc lập, sửa đổi, bổ sung danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để; xác nhận cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý triệt để; kiểm tra công tác xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

8.  Tập trung thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tỉnh: Xây dựng dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh lấy ý kiến góp ý của các ngành, địa phương; hoàn chỉnh dự thảo trình UBND tỉnh ký ban hành; xây dựng Kế hoạch thực hiện của Sở Tài nguyên và Môi trường; tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch của Sở, báo cáo tổng hợp định kỳ về UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo; kiểm tra tình hình khắc phục ô nhiễm môi trường của các cơ sở như Công ty TNHH Uni – President VN CN Tiền Giang, Công ty TNHH Tong Wei Việt Nam, Công ty TNHH T.C.UNION VN, các DN trong CCN và TTCN Tân Mỹ Chánh, DNTN Hồng Huê, các DN KQS Đồng Tâm.

9. Thực hiện kiến nghị sau giám sát của Mặt trận tổ quốc tỉnh tại Báo cáo số 135/BC-ĐGS ngày 26/11/2015 của Đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc quản lý nhà nước và trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; Công văn số 5701/UBND-KTN ngày 26/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang; trong đó, tập trung phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nội vụ, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Mỹ Tho nghiên cứu tổ chức triển khai thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đối với Ủy ban nhân dân tỉnh trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước và ý thức trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; các đơn vị phối hợp căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị nghiên cứu xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện cũng như có các giải pháp thực hiện các mặt còn hạn chế theo Báo cáo số 135/BC-ĐGS ngày 26/11/2015; kết quả thực hiện phải có tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng thời gian quy định.

10. Tăng cường và đảm bảo công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo quy định tại Nghị định 25/2013/NĐ-CP và Thông tư 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT.

11. Xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường; tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc, quản lý, sử dụng có hiệu quả số liệu quan trắc môi trường.

12. Nâng cao chất lượng thẩm định nội dung, yêu cầu bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; thực hiện việc thẩm định chặt chẽ các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường.

13. Triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề; tổ chức triển khai có hiệu quả "Phương án thu gom rác thải nông thôn" trên địa bàn tỉnh; sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2016 để thực hiện các dự án phục vụ cho quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

14. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu.

15. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về BVMT; Triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm công cụ tin học trong quản lý doanh nghiệp./.

TS. Nguyễn Hồng Thủy
Phó giám đốc Sở TN và MT tỉnh TG

Video liên quan

Chủ Đề