Tam tâm là gì



Chào các bạn,

Nói chính xác nhất, tâm là toàn bộ hệ thống tư duy của ta, gồm hệ thống trí óc [the mind] từ ý thức đến tiềm thức và vô thức [conscious, subconsciouus, unconcious], hệ thống tình cảm gồm mọi loại cảm xúc [emotions, feelings, sentiments] mà người ta thường gọi chung là trái tim [the heart], và trong nhiều nền văn hóa nói đến linh hồn [soul] thì tâm gồm cả linh hồn [hay thần trong Đạo học của Lão tử]. Nói chung tâm là từ dùng để chỉ tất cả mọi thứ trong ta có ảnh hưởng đến tư duy và hành động của ta.

Vậy tâm không phải là một cơ quan của cơ thể, mà là toàn bộ hệ thống tư duy. Từ tư duy ở đây, cũng như trong tư duy tích cực, không chỉ nói về suy nghĩ, mà là toàn bộ suy tưởng, tư tưởng, xúc cảm, tình cảm, thái độ và tác phong của một người.

Trong Phật triết, tâm có gốc tiếng Phạn là Citta [hay Hrdaya], và vài từ khác trong vài trường hợp đặc biệt. Trong truyền thống Trung Hoa và, do đó ảnh hưởng lớn đến Việt Nam qua ngôn ngữ Hán Việt của Phật học, thì Citta được dịch là tâm tức là trái tim, có nghĩa là nhấn mạnh đến tình cảm là chính.

Tâm có nghĩa đầu tiên là trái tim, và thường dùng để chỉ tình cảm trong nhiều nền văn hóa của con người, có lẽ vì trái tim có hoạt động ta nhận được rất rõ khi có cảm xúc vui, buồn, giận, ghét, sợ, căng Nhưng tâm trong Phật triết có nghĩa là toàn bộ hệ thống tư duy, với tình cảm và cảm xúc được nhấn mạnh.

[Ái yêu là một mắt xích chính trong 12 nhân duyên đưa đến khổ. Ái biệt ly khổ khổ vì yêu mà ly biệt. Cầu bất đắc khổ khổ vì muốn mà không được. Oán tăng hội khổ khổ vì ghét mà gặp. Ở cực kia của yêu thì Bodhicitta , tâm bồ đề, là tâm tỉnh thức của Bồ tát, của Phật, có từ tâm lòng từ, lòng yêu thương, metta, loving kindness vô lượng với mọi chúng sinh].

Ở Tây phương, lý trí được cho là do trí óc [the mind] lãnh đạo và tình cảm thì do trái tim [the heart] lãnh đạo, cho nên khi dịch chữ tâm trong kinh sách Phật giáo, người ta dịch là mind/heart, hoặc mind, hoặc heart, tùy trường hợp cần nhấn mạnh điều gì.

Bên ngoài Phật giáo, ngày nay Tây phương thường dùng chữ mind để nói đến hệ thống tư duy và ít khi dùng đến heart.

[Tuy vậy, trong Thánh kinh Kitô giáo thường được xem là văn hóa truyền thống Tây phương thì chữ heart được dùng nhiều, mà chữ mind dùng rất ít. Nhưng, Kitô giáo xuất thân từ Do Thái, và Do Thái thì ở phương Đông Middle East, Trung Đông].

Ở Việt Nam, ta biết tâm qua Hán Việt của Phật học, như:

Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật [Chỉ thẳng tâm thật, thấy bản tánh thì thành Phật].

Bát nhã Tâm Kinh [the Heart Sutra].

Tâm là chủ [Kinh Pháp Cú].

Bình thường tâm thị đạo [tâm luôn phẳng lặng là đạo].

Tâm nguyên thủy, tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh

Sống theo chữ tâm, sống phải có tâm, người có tâm [chữ tâm đây có nghĩa là tâm tốt, thiện tâm].

Tuy nhiên điều đặc sắc và thú vị trong văn hóa Việt là: Trung tâm của hệ thống tư duy người Việt không nằm ở cái đầu [the mind] hay trái tim [the heart] mà là ở cái bụng [lòng].

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. [Lòng mẹ, Y Vân].

Kinh Lòng là tên của Bát Nhã Tâm Kinh khoảng thời Trần Nhân Tông.

Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. [Cư Trần Lạc Đạo phú, hội 2, Trần Nhân Tông]

Lòng nhân ái, lòng vị tha, lòng yêu nước, người có lòng

Bụng làm dạ chịu, ấm ức trong bụng, buồn trong bụng

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng [Để gió cuốn đi, Trịnh Công Sơn]

Tất cả các câu bên trên, chữ lòng [bụng] phải dịch sang tiếng Anh là heart, không thể dịch câu của TCS là Living in life, we need a belly.

Nhưng Mẹ cưu mang con trong lòng mẹ 9 tháng thì dịch là Mom carries the baby in her belly/womb for 9 months.

Vậy, khi chúng ta nói Hãy giữ lòng mình trong sạch là ta nói Keep our heart [tâm] clean.

Tóm lại, tâm trong Hán Việt hay lòng trong tiếng Việt là nói đến toàn bộ hệ thống tư duy của một người, mà Tây phương thường dùng chữ mind để nói.

Hệ thống tư duy này trên thực tế là toàn bộ con người của ta, từ các giác quan để nhận cảm giác và xúc cảm, đến hệ thống truyền tin, suy tư, và quyết định của hệ thần kinh và não hộ, đến điều mà người ta gọi là linh hồn.

Luyện tâm là luyện toàn thể hệ thống tư duy này, từ kiểm soát cảm xúc, đến kiểm soát tư tưởng và cách suy nghĩ, đến kiểm soát thái độ và tác phong [tức lời nói, cử chỉ, và hành động].

Chúc các bạn luôn luyện tâm tăng tiến.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Share this:

Video liên quan

Chủ Đề