Tìm hai mô típ công thức quen thuộc trong ca dao cho ví dụ với mới mô típ tìm được

Tìm hai mô típ công thức quen thuộc trong ca dao cho ví dụ với mới mô típ tìm được

1.  Thân em như miếng cau khô

         Người khôn tham mỏng, người thô tham dày

      2.  Thân em như giếng giữa đàng

        Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

      3.  Thân em như tấm lụa đào

Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai.

    4.  Thân em như quế giữa rừng

Thơm tho ai biết ngát lừng ai hay

5.  Thân em như cái sập vàng

Lủ chúng anh như tổ ong tàng trời mưa.

     Câu a, b có ý tứ giống nhau, vẻ đẹp của người con gái rất khó nhận ra, chỉ những người tinh tường mới biết được. Số phận đều phụ thuộc vào sự nhận biết, đối xử này. Đây là lời ca của cả một tầng lớp.

    Các câu c, d, e có một điểm chung là tính cá thể cao hơn. Đây là những cô gái có nhan sắc và phẩm hạnh. Là lời ca đề cao, tự tin phẩm chất của mình, nhất là bài thứ 5. Trừ bài này, các bài còn lại đều có nỗi ngậm ngùi thân phận. Nhưng không phải không tự hào về bản thân.

loigiaihay.com

Tìm hai mô típ công thức quen thuộc trong ca dao cho ví dụ với mới mô típ tìm được

Trải qua bao năm tháng, ca dao vẫn là tiếng nói ân tình, thổ lộ những tâm tư tình cảm của người bình dân xưa. Ca dao đã ăn sâu vào tâm hồn người Việt – đặc biệt là mảng ca dao viết về đề tài thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ có rất nhiều câu ca dao bắt đầu bằng mô - típ “Thân em...”.

Ở những câu, bài ca dao có “Thân em...” mang nghĩa là thân phận, cuộc đời của người phụ nữ. Những thân phận, cuộc đời này thường có số kiếp hẩm hiu, bạc bẽo. Đa phần những câu ca dao với mô - típ này thường mang giai điệu buồn tẻ, chán ngán, chỉ một số ít mang âm hưởng tươi tắn, lạc quan hơn.

“Thân em...” phản ảnh sự lệ thuộc, thể hiện nỗi đau của người phụ nữ trong xã hội cũ:

“Thân em như thể bèo trôi

Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu”

“Thân em như miếng cau khô

Người thanh tham mỏng, người thô tham dày”

Hay:

“Thân em như cá giữa rào

Kẻ chài, người lưới biết vào tay ai ?”

 

Đối với bà con Nam bộ, họ lại lấy thứ trái cây rất bình thường, dân dã để so sánh với “Thân em...”:

“Thân em như trái bần trôi

Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu”

Ở những câu ca dao này đã liên tưởng, thể hiện nỗi cảm thông sâu sắc đối với thân phận người phụ nữ. Cuộc đời người phụ nữ xưa kia bị lệ thuộc, ràng buộc bằng nhiều sợi dây, hữu hình và vô hình, khiến họ không thể vươn lên:

“Thân em như cá vô lờ

Mắc hom chật hẹp biết bao giờ mới lộn ra”

Những câu ca dao mở đầu bằng yếu tố “Thân em...”, người bình dân còn muốn thể hiện nỗi đau khổ, bất hạnh của người phụ nữ khó có thể giãi bày trong xã hội đương thời. Họ phải gửi gắm lòng mình qua những câu ca dao thật khắc khoải:

“Thân em như lá đài bi

Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương”

Và:

Thân em như giẻ chùi chân

Chùi rồi lại vứt ra sân...”

Nỗi đau ấy đâu phải ai ai cũng thấu hiểu cho họ, lắm lúc bề ngoài trông họ tươi tắn mà ruột gan rối bời:

“Thân em như cây sầu đâu

Ngoài tươi trong héo, giữa sầu tương tư”

Thật là nỗi sầu trăm mối!

Dẫu trải qua bao giông tố cuộc đời, số kiếp có bạc bẽo đến đâu thì người phụ nữ vẫn vẹn toàn đức hạnh. Họ vẫn son sắt, dào dạt tình thương:

“Thân em như cam quýt bưởi bòng

Ngoài tuy cay đắng trong lòng ngọt ngon”

“Thân em như cây quế trên non

Trăm năm khô rụi vỏ còn dính cây”

Hơn hết, họ vẫn muốn khẳng định giá trị và sự cần thiết của mình:

“Thân em như cây cải mùa đông

Non thì làm ghém, có ngồng làm dưa”

Thế mới biết, người phụ nữ Việt Nam dù trong khó khăn, thử thách họ vẫn thể hiện bản lĩnh. Tác giả bình dân đã tự hào ca ngợi vẻ đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn của người phụ nữ, thể hiện giá trị vốn có của họ:

“Thân em như chim phượng hoàng

Khi bay qua bể, khi đậu ngàn sơn lâm”

“Thân em như thể chuông vàng

Ở trong thành nội có một ngàn quân lính hầu”

Quả vậy, “Thân em...” thật đẹp đẽ và cao quý lắm thay:

“Thân em như cá hóa long

Chín tầng mây phủ, ở trong da trời”

Cũng liên tưởng đến “tấm lụa đào” nhưng lắm khi họ không phải bị cảnh “phất phơ giữa chợ” mặc cho thiên hạ kẻ bán người mua, nhưng họ đã biết khẳng định mình:

“Thân em như tấm lụa đào

Đã đông nơi chuộng lại nhiều nơi ưa”.

Tìm hai mô típ công thức quen thuộc trong ca dao cho ví dụ với mới mô típ tìm được

Người phụ nữ Việt Nam thật đáng yêu, không phải họ chỉ đẹp bằng hình ảnh khăn nhung, mỏ quạ của xứ kinh kỳ, bằng chiếc nón lá rất Huế hay bằng một chiếc áo bà ba dịu dàng Nam bộ mà họ còn đẹp về tâm hồn và phẩm hạnh. Quả thật, họ như bông sen mọc giữa đầm lầy, đậm sắc và ngát hương.

Những câu ca dao bắt đầu mô-típ “Thân em...” còn thể hiện nỗi khát khao về một tình yêu đẹp, một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Bởi thế, những người phụ nữ thật dịu dàng và nhu mì trong trường liên tưởng:

“Thân em như trến mít chạm rồng

Thân anh như kèo chua chạm phụng, đẹp vô cùng anh ơi!”

 

Thật đẹp đôi và hạnh phúc biết bao!

Người bình dân còn hào sảng đặt thân phận người phụ nữ một địa vị cao hơn, hơn cả “Thân anh”. Thậm chí, nhiều câu ca dao phủ định vai trò tối thượng của người đàn ông trong xã hội cũ; qua đó thể hiện sự phản kháng, vùng dậy của nữ giới. Họ cũng có nhu cầu được hạnh phúc, được là chính mình. Bởi thế lắm lúc họ ngang nhiên thách thức:

“Thân em như thể xuyến vàng

Thân anh như manh chiếu rách bạn hàng bỏ quên”

“Thân em như hột gạo lắc trên sàng

Thân anh như hột lúa lép giữa đàng gà bươi”

 

Vậy mới biết, “Thân em...” cũng có ba bảy kiểu, đâu chỉ biết buông xuôi cam chịu!

Đa phần những câu, bài ca dao này được làm bằng thể thơ lục bát, một số ít được làm theo thể song thất lục bát. Tuy nhiên, về hình thức thể hiện, theo khảo sát của chúng tôi có gần 30% câu, bài ca dao làm theo thể lục bát biến thể. Điều này minh chứng cho bản tính phóng khoáng, nghĩ sao viết vậy, không e dè câu chữ của người bình dân. Chính đặc điểm này đã để lại dấu ấn rất riêng, rất dân tộc. Do thể thơ lục bát có tính hàm súc, biểu cảm cao và dễ thuộc, dễ hiểu nên hiệu quả của việc thể hiện nội dung rất lớn.

Dân gian thường dùng những từ ngữ rất bình dân, mang đậm phong cách khẩu ngữ, bên cạnh đó là lớp từ địa phương: đọi, vô,... hay từ láy: lắc lẻo, dập dồi, đứt đoác... Từ những sự vật, hình ảnh cụ thể, rất thực, người bình dân xưa đã thổi hồn vào nó, mang đến cho người đọc những ý nghĩa rất sâu sắc, nhân văn, thể hiện tâm hồn nghĩa tình của người dân Việt.

Một thành công rất đáng trân trọng của những câu ca dao loại này là sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Người bình dân thường sử dụng những hình ảnh rất đa dạng, phong phú nhưng đều rất quen thuộc với đời sống nông thôn: cá vô lờ, chẽn lúa đòng đòng, trái bần,... Những hình ảnh, sự vật này người ta đã biết rõ đặc điểm, thuộc tính cơ bản của chúng, nhờ vậy người đọc rất dễ hình dung và nhận biết.

Những bà mẹ- người nghệ sĩ của tình thương đã ngân lên những giai điệu hát ru đẹp và ngọt ngào bằng chính những câu ca dao. Thật vậy, ca dao đã đi sâu vào tiềm thức và tâm hồn của người bình dân. Bằng những câu ca dao với mô-típ “Thân em...”, dân gian đã thốt lên những tiếng đời than thân, trách phận. Bên cạnh đó họ còn thể hiện thái độ phản kháng, đấu tranh cho quyền lợi của người phụ nữ, làm giàu thêm cho ca dao người Việt.

Đặng Duy Khôi

Em đây làm lẽ vô duyên
Mỗi ngày một trận đòn ghen tơi bời
Thà rằngở vậy cho rồi
Còn hơn lấy lẽ chồng người khổ ta!

Em như quả ớt chín cây Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng

Em đây như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Thân em như hạt mưa sa,
Hạt rơi đài các, hạt ra ngoài đồng.

Thân em như củ ấu gai,
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen.

Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Thân em như trái xoài trên cây
Gió đông, gió tây,gió nam,gió bắc
Nó đánh lúc la lúc lắc trên cành
Một mai rơi xuống biết đành vào tay ai?

Thân em như rau muống dưới hồ
Nay chìm mai nổi biết ngày mô cho thành?

Thân em như tấm lụa đào
Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai.

Thân em làm lẽ vô duyên
mỗi ngày một trận đòn ghen tơi bời
ai ơi ở vậy cho rồi
còn hơn lấy lẽ chồng người khổ ta!

Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng.

Thân em như đóa hoa rơi
Phải chăng chàng thật là người yêu hoa.

Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.


Thân em như dải lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Thân em như phận con rùa
Lên đình đội hạc xuống chua đồi bia.

Thân em như hạc đầu đình
Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay.

Thân em như rau muống dưới hồ
Nay chìm mai nổi biết ngày mô cho thành?


Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tát về đâu.



Thân em như con cá rô thia
Ra sông mắc lưới, vào đìa mắc câu.

Thân em như cái cọc rào
Mọt thì anh đổi, cớ sao anh phiền.

Thân em như miếng cau khô
Người thanh tham mỏng, người thô tham dày.

Thân em như cái chổi để đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân.

Thân em như cánh hoa hồng
Phải lấy thằng chồng như đống cỏ khô.

Thân em tựa một cánh hồng
Nổi trôi giữa cảnh mênh mông đất trời.

*

Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về với mẹ mà không có đò.

Chiều chiều chim rét kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

Chiều chiều ra đứng lầu tây
Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng.

Chiều chiều ai đứng hàng ba
Quần đen áo trắng nết na dịu dàng.

Chiều chiều bắt bướm đang bay
Bâng khuâng nhớ bạn, bạn rày nhớ ta.

Chiều chiều bắt nhâm cầm câu
Nhái kêu cái cọ thảm sầu nhái ơi.

Chiều chiều bóng ngả về tây
Hỡi cô bán củi bên đầy bên vơi
Cô còn hái nữa hay thôi
Cho tôi hái đỡ làm đôi vợ chồng.

Chiều chiều bước xuống ghe buôn
Sóng bao nhiêu gợn em buồn bấy nhiêu.

Chiều chiều buồn miệng nhai trầu
Nhớ người quân tử bên cầu ngẩn ngơ.

Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.

Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh
Chèo bẽo nấu cơm nấu canh
Chìa vôi đi chợ mua hành về nêm.

Chiều chiều dạo mát dưới trăng
Trông lên chỉ thấy chị Hằng ở trong.

Chiều chiều dắt mẹ qua đèo
Chim kêu bên nớ vượn trèo bên tê.

Chiều chiều đứng bên Vân Lầu
Trông về Vĩ Dạ ruột đau chín chiều.
Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
Sóng xô cửa Đại trời đà chuyển mưa
Công đâu công uổng công thừa
Công đi gánh nước tưới dừa Tam Quan.

Chiều chiều mây phủ về kinh
Ếch kêu giếng lạn cảm tình đôi ta
Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc như đèn mới khêu.

Chiều chiều bãi bể sóng xô
Dã tràng xe cát cơ đồ phù vân.

Chiều chiều ông Lữ đi cày
Trâu tha, gãy ách, khoanh tay ngồi bờ.

Chiều chiều én liệng trên trời
Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây.

Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

Chiều chiều én liệng cò bay
Khoan khoan hỏi bạn, bạn rày nhớ ai?

Chiều chiều én tiếng ngoài khơi
Thấy anh ba chốn, bốn nơi mà buồn.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau như dần.

Chiều chiều vịt lội bàu sen
Để anh lên xuống làm quen với nàng.

Chiều chiều xách giỏ hái rau
Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần.

Chiều chiều có kẻ thất tình
Tựa mái mái ngã, tựa đình đình xiêu.

Chiều chiều hoa trải góc đền
Muốn vô làm bé có bền hay không?

Chiều chiều hoa trải sập vàng
Điếu Ngô xe trúc sao chàng chắng say.
Chiều chiều em đứng bên trông
Trông non non ngắt, trông sông sông dài
Trông mây mây kéo ngang trời
Trông trăng, trăng khuyết trông người ở xa.

Chiều chiều én liệng bờ kinh
Ếch kêu giếng lạnh thắm tình đôi ta.

Chiều chiều én liệng bờ sông
Hỏi thăm chú lái đò chồng em đâu?
Chồng em lên ngọn sông Ngâu
Buôn bè Mạn hảo năm sau mới về.

Chiều chiều én liệng cò bay
Bâng khuâng nhớ bạn, bạn rày nhớ ai?
Bạn rày nhớ củ, nhớ khoai
Nhớ cam, nhớ quýt, nhớ xoài cà lăm.

Chiều chiều gọt mướp nấu canh
Thấy anh qua lại bỏ hành lộn om.

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Tay bưng cái rổ, tay dìu con thơ.

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai.

Chiều chiều lo bảy lo ba
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên

Còn duyên anh cưới con heo
Hết duyên anh cưới con mèo cuột đuôi.

Chiều chiều lửa cháy cơm sôi
Heo la, con khóc, chồng người nhậu say.

Chiều chiều mang giỏ hái dâu
Hái dâu không hái nhớ câu ân tình.

Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân em buồn
Buồn riêng rồi lại tủi thầm
Hai tay áo vải ướt đầm cả hai.


Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông cô hàng xóm ruột đau quá chừng.

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguôi, nhớ riêu nước chè.

Chiều chiều lo bảy lo ba
Lo cha mẹ già đầu bạc tuổi cao.


Chiều chiều mú lụa mười ba
Cắt áo cổ giữa tra ba nút vàng.

Chiều chiều ngư phủ đi câu
Sấm bắt ngư phủ biết đâu mà tìm.

Chiều chiều ông Lữ đi câu
Bỏ ve, bỏ chén, bỏ bầu ai mang.

Chiều chiều ông Lữ thả câu
Sấu ăn ông Lữchúi đầu xuống sông.

*

- Rủ nhau xuống biển bắt cua
Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi.


- Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.


- Rủ nhau đi bẻ dành dành
Dành dành không bẻ, bẻ nhành mẫu đơn

.
- Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa

.
- Rủ nhau bước xuống ruộng vàng
Nơi lộng tiếng hát, nơi vang tiếng cười
Những trông lúa chín mà vui
Bông ngã bông cúi, bông thời gió lay.
Lưỡi liềm bán nguyệt cầm tay
Lúa vàng nghìn gốc muôn cây thu về.
Bỏ khi mưa nắng dãi dề
Bỏ công dậy sớm thức khuya bấy chầy.
Trồng cây ăn quả có ngày
Đất kia không phụ công này mà lo.


- Rủ nhau đi tắm hồ sen
Nước trong bóngmát, hương sen cạnh mình
Cứ chi vườn ngọc, ao quỳnh
Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay.