Ví dụ về thuyết nhận thức trong dạy học ở tiêu học

TIỂU SỬ CỦA PIAGET

Jean Piaget sinh ra ở Thụy Sĩ vào ngày 9/8/1896, ông bắt đầu bộc lộ niềm say mê với các ngành khoa học tự nhiên từ rất sớm. Năm 11 tuổi, Jean bắt đầu sự nghiệp với tư cách một nhà nghiên cứu qua việc viết một bài báo về con chim sẻ bạch tạng. Ông tiếp tục nghiên cứu các ngành khoa học tự nhiên và nhận bằng tiến sĩ về động vật học từ trường đại học Neuchatel vào năm 1918.

Vào năm 1920, Jean bắt đầu làm việc với tư cách là một nhà tâm lý học. Ông kết hôn với Valentin Chatenay vào năm 1923, họ có với nhau 3 người con. Chính sự quan sát hoạt động những đứa con của mình, là cơ sở là nền tảng cho nhiều nghiên cứu sau đó của ông.

Sau khi tốt nghiệp trung học, ông nhập học đại học Neuchatel, và nhận bằng tiến sĩ về khoa học tự nhiên vào năm 1918. Cùng năm đó, ông bắt đầu nghiên cứu về phân tâm học dưới sự hướng dẫn của Carl Jung, trong suốt những năm học sau, ông dành thời gian đề tìm hiểu về tâm lý học bất thường ở đại học Sorbonme, Paris.

Vào năm 1920, Jean cộng tác với Théodore Simon tại phòng nghiên cứu Alfred Binet, Paris. Piaget đánh giá kết quả bài kiểm tra lý thuyết tiêu chuẩn mà Simon đã thiết kế. Các bài kiểm tra đó nhằm để đo độ thông minh của trẻ em và tìm ra sự liên kết giữa độ tuổi với bản chất lỗi sai của các em. Theo quan điểm của Piaget, kết quả những bài kiểm tra của Simon đã đặt ra những vấn đề mới về cách mà trẻ học tập.

Sau cùng Piaget nhận ra rằng cách làm của Simon là quá cứng nhắc. Trong một phiên bản đã được sửa đổi, Piaget cho phép trẻ em giải thích tính logic trong những câu trả lời sai của chúng. Sau khi đọc những lời giải thích đó, ông nhận ra rằng lập luận của những đứa trẻ không phải là không có lý. Trong trường hợp trẻ thiếu hụt về kinh nghiệm sống để nêu lên một vấn đề, thì chúng đã sử dụng trí tưởng tượng của mình để bù đắp. Từ đó, Piaget kết luận rằng kiến thức thực tế không nên đánh đồng với trí thông minh hay sự hiểu biết.

LÝ THUYẾT PHÁT SINH NHẬN THỨC

Trong sự nghiệp nghiên cứu về tâm lý trẻ em suốt sáu thập kỷ, Piaget cũng xác định được 4 giai đoạn phát triển nhận thức. Lý thuyết “Phát sinh nhận thức” của Jean Piaget cho thấy trẻ em trải qua bốn bước phát triển nhận thức khác nhau. Lý thuyết của ông không chỉ tập trung vào việc làm thế nào trẻ em có thể tiếp nhận kiến thức, mà còn tập trung nghiên cứu về bản chất của trí thông minh. 4 giai đoạn phát triển nhận thức gồm:

  • Giai đoạn cảm giác vận động (Sensorimotor): Từ 0 đến 2 tuổi.
  • Giai đoạn tiền thao tác tư duy (Preoperational): Từ 2 đến 7 tuổi.
  • Giai đoạn thao tác cụ thể (Concrete operations): Từ 7 đến 11 tuổi.
  • Giai đoạn thao tác chính thức (Formal operations): Từ 12 tuổi trở lên.

Piaget tin rằng đứa trẻ chính là người giữ vai trò chủ động trong quá trình học tập, chúng giống như một nhà khoa học nhỏ thực hiện những thí nghiệm đơn giản và quan sát, từ đó chúng có thể tìm hiểu về thế giới xung quanh. Khi trẻ em tương tác với thế giới xung quanh, các em liên tục nạp thêm những kiến thức mới, xây dựng từ những nền tảng kiến thức có sẵn và điều ứng với những kiến thức có sẵn để tiếp thu thêm.

Giai đoạn cảm giác vận động (0-2 tuổi)

  • Trẻ nhận biết thế giới thông qua các cử động và giác quan.
  • Trẻ em đã sử dụng những kỹ năng bẩm sinh của mình (chẳng hạn như tìm kiếm, mút, nắm chặt và lắng nghe) để tìm hiểu về thế giới.
  • Trẻ em nhận ra mình là những cá thể riêng biệt độc lập với con người và đồ vật xung quanh chúng.
  • Chúng nhận ra rằng hành động của mình có thể tác động đến thế giới xung quanh.
  • Trẻ biết được rằng những sự vật vẫn tiếp tục tồn tại dù các em không nhìn thấy chúng (khả năng hằng định đối tượng). Ví dụ: nếu từng chơi trò “Ú Òa” (Peek-A-Boo) với trẻ, chắc chắn ta sẽ hiểu nó hoạt động như thế nào. Khi một vật thể bị giấu đi khỏi tầm mắt của trẻ, trẻ em dưới một độ tuổi nhất định sẽ rất bực bội vì nó đã biến mất. Bởi vì trẻ còn quá nhỏ để hiểu rằng món đồ đó vẫn tồn tại mặc gì trẻ không nhìn thấy nó.

Giai đoạn tiền thao tác tư duy (2-7 tuổi)

  • Trẻ bắt đầu suy nghĩ một cách hình tượng hơn, sử dụng từ ngữ và hình ảnh để đại diện cho các đối tượng.
  • Trẻ em ở giai đoạn này có xu hướng duy kỷ (cho rằng mọi thứ đều gắn liền với chúng), gặp khó khăn trong việc nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người khác. Ví dụ: Trẻ muốn mua thú bông cho ông bà vì nghĩ rằng nếu mình thích thì ông bà cũng sẽ thích.
  • Mặc dù ngôn ngữ và tư duy có cải thiện, nhưng trẻ vẫn nhìn mọi thứ theo một cách vô cùng cứng nhắc.
  • Các nền tảng phát triển ngôn ngữ có thể đã xuất hiện từ giai đoạn trước, nhưng phải đến giai đoạn này sự xuất hiện của ngôn ngữ mới trở thành dấu hiệu đặc trưng giúp phân biệt giai đoạn tiền thao tác với các giai đoạn khác.
  • Trong giai đoạn này, trẻ thường học hỏi về thế giới xung quanh thông qua những trò chơi đóng vai nhưng các em thường gặp khó khăn với những vấn đề logic và xem xét góc nhìn của người khác. Các em cũng gặp khó khăn trong hiểu những khái niệm về sự bảo toàn. Ví dụ: nhà nghiên cứu sẽ cho trẻ một mẩu đất sét, và chia nó thành hai mẩu bằng nhau và cho trẻ chọn một trong hai mẩu để chơi cùng. Một mẩu được nặn thành mẩu hình cầu. Mẩu còn lại được đập dẹp thành dạng một chiếc bánh kẹp mỏng. Vì mẩu được đập dẹp nhìn to hơn, nên trẻ ở giai đoạn này sẽ chọn mẩu đó dù cả hai mẩu có kích thước giống nhau.

Giai đoạn thao tác cụ thể (7-11 tuổi)

  • Trong suốt giai đoạn này, trẻ bắt đầu có cách suy nghĩ logic hơn về một sự kiện hay một vấn đề nào đó.
  • Đã nắm được khái niệm về sự bảo toàn, lượng chất lỏng có trong một chiếc ly thấp có chiều ngang lớn bằng với lượng chất lỏng có trong một chiếc ly cao có chiều ngang hẹp.
  • Tư duy logic đã có tổ chức hơn, song vẫn còn đơn giản.
  • Bắt đầu sử dụng logic quy nạp, tư duy từ những thông tin cụ thể đến những vấn đề khái quát.
  • Mặc dù sự nhận thức của trẻ ở giai đoạn này cũng còn khá cứng nhắc tuy nhiên chúng đã có dấu hiệu logic hơn. Sự duy kỷ ở giai đoạn trước dần biến mất, khi trẻ bắt đầu nghĩ về những quan điểm của người khác.

Giai đoạn thao tác chính thức (12 tuổi trở lên)

  • Ở giai đoạn này, trẻ vị thành niên có suy nghĩ trừu tượng hơn, hợp lý hơn về những vấn đề mang tính giả thuyết.
  • Các suy nghĩ trừu tượng xuất hiện.
  • Trẻ bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về các vấn đề mang tính đạo đức, triết học, luân thường đạo lý, xã hội và chính trị; những vấn đề đòi hỏi một đầu óc tư duy và mang tính lý thuyết.
  • Trẻ bắt đầu sử dụng logic suy diễn, suy luận từ những nguyên tắc chung đến những thông tin cụ thể.
  • Khả năng tư duy trừu tượng là dấu mốc chính thức của giai đoạn này so với các giai đoạn còn lại. Khả năng lên một kế hoạch có hệ thống cho tương lai và cân nhắc về những tình huống giả thuyết cũng là những khả năng quan trọng xuất hiện trong giai đoạn này.

→ Điều quan trọng cần lưu ý là Piaget không xem sự phát triển trí tuệ của trẻ em là một quá trình định lượng; nghĩa là, trẻ em không chỉ thêm thông tin và kiến ​​thức vào kiến ​​thức hiện có khi chúng già đi. Thay vào đó, Piaget cho rằng có một sự thay đổi về chất trong cách trẻ em suy nghĩ khi chúng dần dần phát triển qua bốn giai đoạn này. Một đứa trẻ 7 tuổi không có nhiều thông tin về thế giới hơn so với lúc 2 tuổi; có một sự thay đổi cơ bản trong cách đưa trẻ ấy nghĩ về thế giới.

ÁP DỤNG THUYẾT PHÁT SINH NHẬN THỨC CỦA PIAGET TRONG GIÁO DỤC

Trong việc hướng dẫn học sinh, Piaget khuyến khích giáo viên có một vai trò tích cực, chủ động kèm cặp với học sinh. Thay vì truyền đạt một lượng lớn kiến thức cho học sinh khi các em ngồi nghe một cách thụ động, chia sẻ kinh nghiệm học tập và khuyến khích các em học sinh trở nên chủ động, dấn thân hơn. Hãy coi trọng học sinh và tôn trọng ý kiến, đề xuất và quan điểm của các em. Bổ sung vào những bài giảng truyền thống với những bài thực hành để học sinh có thể tự mình trải nghiệm những nội dung đó.

Khuyến khích các em học sinh tự học hỏi từ những người bạn của mình. Điều này đặc biệt phù hợp với các em từ 2 – 7 tuổi nhưng nó hoàn toàn có thể áp dụng cho học sinh ở các độ tuổi khác. Việc lắng nghe một cách cẩn thận ý kiến của bạn bè và tôn trọng những quan điểm khác nhau sẽ đem đến những lợi ích lâu dài cho các em. Bởi vì các em học sinh có những khả năng nổi bật ở những mảng kiến thức khác nhau, thế nên, việc học hỏi từ bạn của mình cũng góp phần không nhỏ cho một nền giáo dục toàn diện.

Hãy để cho các em học sinh được học hỏi từ sai lầm của mình. Piaget cho rằng trẻ em phát triển nhận thức về thế giới thông qua việc thử và mắc lỗi. Những lỗi sai có thể gây bực bội cho các em cũng như cho giáo viên, tuy nhiên, giáo viên cần có sự kiên nhẫn và hướng dẫn các em đến một kết quả khác. Sai lầm cho thấy các em đang cố gắng tương tác với thế giới xung quanh và từ đó các em có thể đưa ra những ý tưởng mới cho mình.

Tập trung vào quá trình cũng như tập trung vào kết quả. Thay vì chỉ tập trung vào câu trả lời chính xác, giáo viên hãy chú ý đến những bước khác nhau để có thể đạt được một kết quả hoàn chỉnh nhất.

Tôn trọng sở thích, khả năng và giới hạn của từng em học sinh. Những đứa trẻ khác nhau sẽ đạt được sự phát triển ở các giai đoạn khác nhau. Thay vì tạo áp lực để các em thích ứng với một cách học tập nào đó, hãy chú ý đến các giai đoạn phát triển của từng đứa trẻ và đưa ra những cách học phù hợp. Piaget khuyến khích sự độc lập, học tập thực hành và tạo cơ hội khám phá. Giáo viên có thể lập kế hoạch một loạt các hoạt động trong lớp học phù hợp với các phong cách học tập khác nhau, chẳng hạn như thông qua thị giác hoặc thính giác.

Ở từng giai đoạn khác nhau sẽ có những phương pháp áp dụng riêng, cụ thể:

Giai đoạn cảm giác vận động (0 – 2 tuổi)

  • Tạo cho trẻ một môi trường với nhiều sự kích thích.
  • Để cho trẻ chơi những món đồ chơi kêu chút chít khi bị bóp (ví dụ: vịt cao su). Ban đầu, khi bóp những món đồ chơi này, trẻ sẽ ngạc nhiên bởi âm thanh và lý do tại sao nó lại kêu. Tuy nhiên, sau một thời gian đứa trẻ sẽ nhận ra rằng: bằng cách bóp món đồ chơi ấy, chúng chính là nguyên nhân gây ra tiếng ồn. Điều này đưa ra ví dụ về mối quan hệ nguyên nhân – kết quả cho trẻ; nếu mình bóp con vịt, nó sẽ kêu chút chít. 
  • Một ví dụ khác tương tự như vậy: Trống lúc lắc, lục lạc. Khi trẻ lắc, trống sẽ kêu. 
  • Chơi “Ú òa” (Peek-A-Boo), như đã nói ở trên, cũng là một ví dụ điển hình khác về hoạt động vui vẻ cho trẻ em ở giai đoạn này.

Giai đoạn tiền thao tác tư duy (2 – 7 tuổi)

  • Chơi trò chơi mặc quần áo, đóng kịch (dress up) và khuyến khích bé đóng vai một nhân vật.
  • Đôi khi, ở độ tuổi này, trẻ thích chơi trò gia đình. Đây cũng là một hoạt động thú vị, vì trẻ sẽ được đóng những vai trò khác nhau mà trẻ thấy trong cuộc sống của mình.
  • Những hoạt động mang tính thực hành cũng nên được khuyến khích trong giai đoạn này.
  • Cho trẻ chơi với những món đồ có thể thay đổi hình dạng (ví dụ: cát, đất sét, nước,…). Điều này sẽ hướng trẻ đến với khái niệm về sự bảo toàn.
  • Cho trẻ chơi trò ghép chữ cái để tạo thành các từ.
  • Tránh những bài học quá khác biệt với thế giới của trẻ. Không nên sử dụng vở bài tập, giấy và bút chì thường xuyên. 

Giai đoạn thao tác cụ thể (7 – 11 tuổi)

  • Cho trẻ cơ hội để vận dụng và đưa ra các ý tưởng.
  • Tiến hành những thí nghiệm đơn giản với sự tham gia của trẻ.
  • Tránh để trẻ xử lý quá nhiều biến số cùng lúc: chọn lựa những quyển sách với số lượng nhân vật giới hạn, những hoạt động thí nghiệm nên giới hạn số lượng các bước.
  • Cho trẻ thực hành phân loại ý tưởng và đối tượng ở một mức độ phức tạp vừa phải: cho học sinh hoàn thành câu trên một mảnh giấy, dùng sự tương đồng để thể hiện mối quan hệ giữa những kiến thức mới và những kiến thức đã biết.

Giai đoạn thao tác chính thức (12 tuổi trở lên)

Khi bắt đầu giai đoạn này: 

  • Giáo viên nên tiếp tục sử dụng các phương pháp và đối tượng được sử dụng trong giai đoạn thao tác cụ thể.
  • Sử dụng các biểu đồ và hình minh họa, cũng như tạo ra các đồ thị và sơ đồ mới phức tạp hơn.
  • Tiến hành giải thích từng bước một.

Tạo cơ hội để trẻ khám phá các tình huống giả định khác nhau.

Trẻ em trong giai đoạn này nên được khuyến khích làm việc theo nhóm trong trường để giải thích và thảo luận về các chủ đề giả định.

Yêu cầu trẻ viết một câu chuyện ngắn về một chủ đề giả định, ví dụ như: “Cuộc sống ngoài vũ trụ sẽ như thế nào?”. Điều này giúp trẻ áp dụng khía cạnh sáng tạo của chúng.

Học sinh cũng nên được khuyến khích để giải thích cách các em giải quyết một vấn đề.

  • Các em có thể làm việc theo cặp, một em lắng nghe trong khi em còn lại giải quyết vấn đề. Vấn đề sẽ được giải quyết bằng cách nói ra, và em lắng nghe sẽ kiểm tra xem các bước giải quyết có được tiến hành một cách hợp lý hay chưa.
  • Giáo viên có thể đặt một vài câu hỏi tiểu luận trong một bài kiểm tra, cho phép các em có thể đưa ra nhiều hơn là một câu trả lời đúng.

Giáo viên nên cố gắng mở rộng các khái niệm, thay vì chỉ đưa ra những sự thật.

  • Sử dụng các tài liệu và ý tưởng liên quan đến học sinh.
  • Ví dụ: Nếu đang dạy về chủ đề Nội chiến, giáo viên có thể cho các em tham gia thảo luận về các vấn đề khác đã gây chia rẽ đất nước.
  • Có thể sử dụng lời của một bài hát nổi tiếng để dạy thơ.

Lược dịch và tổng hợp từ:

Người dịch: Đinh Võ Phương Thanh, Đào Xuân Trường

Người edit: Nguyễn Ngọc Thu Trang

Design: Nguyễn Thị Thanh Huyền