Vì sao chung con không bị xử lý

Như tin đã đưa, chiều 22/6, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định giảm án 3 năm tù cho cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C. Bên cạnh đó, tòa phúc thẩm còn hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản đối với nhà đất và 2 căn hộ chung cư cao cấp của vợ chồng ông Chung.

Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp nào các bị cáo được hủy bỏ lệnh kê biên tài sản? Được biết ông Chung còn là bị cáo trong một số vụ việc khác, liệu khi điều tra xét xử các vụ án đó số tài sản này còn có thể bị kê biên nữa không?

Ngôi nhà số 88 Trung Liệt của vợ chồng ông Nguyễn Đức Chung được hủy bỏ lệnh kê biên [Ảnh: Nguyễn Trường].

Trường hợp nào được hủy lệnh kê biên tài sản? 

Theo Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị, tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là tội rất nghiêm trọng; các bị cáo đã gây thất thoát, làm thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước do đó tại Bản án sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên bố kê biên các tài sản của bị cáo để đảm bảo khắc phục các thiệt hại do các hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

"Các đối tượng ở những vụ án lớn thường có trình độ, có chức quyền, hiểu biết pháp luật, đặc biệt có mối quan hệ xã hội nên khi tha hóa, họ không chỉ thực hiện hành vi phạm tội tinh vi mà còn che giấu, tẩu tán ngay từ khi có được tài sản phi pháp. Kê biên tài sản là một biện pháp cưỡng chế của cơ quan tố tụng áp dụng với bị can, bị cáo nhằm bảo đảm thi hành phần dân sự trong bản án hình sự", Luật sư Lực chia sẻ.

Theo cáo buộc, ông Nguyễn Đức Chung có vi phạm để Công ty Arktic - Công ty gia đình bán cho Công ty Thoát nước Hà Nội, để hưởng lợi, gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã kê biên 3 nhà, đất của ông Nguyễn Đức Chung. Các tài sản gồm nhà, đất có diện tích trên 102m2 tại 88 phố Trung Liệt, quận Đống Đa; 2 căn hộ có tổng diện tích hơn 350m2 tại chung cư trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tuy nhiên, tính đến phiên tòa phúc thẩm được xét xử ngày 21/6, ông Nguyễn Đức Chung đã tác động để gia đình gom góp bồi thường đủ 25 tỉ đồng. Chính vì vậy, Hội đồng xét xử đã hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản là phù hợp với các quy định pháp luật.

"Tuy vậy, cũng không loại trừ trong các vụ án khác tài sản của ông Chung vẫn có thể bị kê biên để đảm bảo khắc phục hậu quả, đảm bảo thi hành án", Luật sư Lực khẳng định.

Cũng theo vị luật sư này, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 lại quy định: "Kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại".  Theo đó, quy định như vậy có nghĩa là kê biên tài sản chỉ áp dụng khi đối tượng bị khởi tố hoặc khi bị đưa ra xét xử. Còn giai đoạn tiền tố tụng, đối tượng bị kiểm toán, thanh tra, kiểm tra hoặc trong giai đoạn khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can thì chưa có biện pháp ngăn chặn cụ thể. Đây chính là kẽ hở của pháp luật, tạo ra khoảng thời gian giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm nghe tòa tuyên án chiều 22/6 [Ảnh: CTV].

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Công ty Luật TNHH LSX cho biết, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra có nhiệm vụ làm rõ các tài sản do phạm tội mà có, những vật chứng của vụ án để tiến hành niêm phong, kê biên để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc tạm giữ tài sản đó để áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tài sản khi tòa án giải quyết.

Việc kê biên, theo luật sư được quy định tại khoản 1, Điều 128 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015: "Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại".

Luật sư phân tích, người phạm tội lừa đảo, kinh tế, chức vụ, tham nhũng có thể bị phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật hình sự.

Do đó, khi điều tra các vụ án lừa đảo, kinh tế, chức vụ, tham nhũng thì kê biên, phong tỏa tài sản của những đối tượng này là biện pháp cưỡng chế để điều tra chính xác hơn.

Tại Khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định "chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại". Quy định như vậy để bảo đảm cho quyền lợi của bị can, bị cáo, trường hợp này cơ quan chức năng kê biên 3 căn nhà của ông Chung tương ứng với số tiền 36 tỷ mà bị cáo đã gây thiệt hại trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.

Việc bảo lãnh tài sản kê biên theo quy trình như thế nào?

Biện pháp kê biên tài sản nhằm ngăn chặn sự tẩu tán tài sản của người phạm tội đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án, ngăn ngừa và phòng chống tội phạm hiệu quả cho nên việc áp dụng cần nhanh chóng và kịp thời.

Khoản 2 điều 130 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

"2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi thấy không còn cần thiết".

Việc bảo lãnh tài sản kê biên có thể do bị can, bị cáo hoặc thân nhân nộp tại cơ quan thi hành án. Trường hợp số tiền bảo lãnh bằng hoặc lớn hơn số tiền mà bị can, bị cáo tương đương với mức có thể bị phạt tiền, bồi thường thiệt hại hoặc tịch thu thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản.

Trường hợp số tiền bảo lãnh ít hơn thì có thể xem xét hủy bỏ một phần đối với một số tài sản tương ứng.

Việc tự nguyện nộp số tiền bảo lãnh cũng như khắc phục hậu quả trong vụ án tham nhũng có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 điều 51 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015: "b] Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả".

Ngoài ra, Điều 40 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án, nếu người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Trong phiên xử buổi sáng 21/6, khi nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung và bị cáo Nguyễn Trường Giang, cựu Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Arktic [Công ty Arktic].

Theo bản án sơ thẩm, năm 2016, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai xử lý, cải tạo tình trạng ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp.

Bị cáo Chung lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water [Cộng hòa Liên bang Đức] tổ chức đoàn tham quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại thành phố.

Sau đó, ông Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C, thông qua Công ty Arktic. Theo HĐXX, Arktic là công ty gia đình của bị cáo Chung và ông Chung gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 36 tỷ đồng.

Theo Viện kiểm sát, sau khi bị tòa sơ thẩm tuyên 8 năm tù, ông Nguyễn Đức Chung gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án, cho rằng mình không phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của các bị cáo Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng, cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, những người liên quan cùng toàn bộ hồ sơ vụ án, cơ quan tố tụng đủ căn cứ kết luận bị cáo Nguyễn Đức Chung khi giữ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã tạo điều kiện cho Công ty Arktic thông qua việc cho bị cáo Giang tham gia quá trình mua bán, thương lượng hợp đồng nhập khẩu chế phẩm Redoxy-3C.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại tòa

Tiếp đó, bị cáo Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm xử lý ô nhiễm nước từ Nguyễn Trường Giang thông qua Công ty Arktic. Như vậy, hành vi trên của ông Chung và các bị cáo trái với các quy định của pháp luật.

Viện kiểm sát cấp cao cho rằng, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên ông Chung 8 năm tù, tuyên bị cáo Giang 4 năm 6 tháng tù với vai trò đồng phạm của ông Chung là phù hợp với hành vi của các bị cáo.

Ngoài ra, cấp sơ thẩm buộc ông Chung bồi thường 69% thiệt hại của vụ án, tương đương 25 tỷ đồng. Đây cũng là mức tuyên phù hợp nên Viện KSND Cấp cao thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

Sau phần luận tội của Viện kiểm sát, đứng trên bục khai báo, ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục giữ nguyên quan điểm cho rằng bị cơ quan tố tụng buộc tội oan, sai.

Đến phần tranh luận buổi chiều 21/6, HĐXX bất ngờ thông báo, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung có xuất trình một số biên lai nộp thêm tiền ký tên vợ ông Chung là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Ngày 20/6, chị gái ông Nguyễn Đức Chung cũng có đơn gửi đến tòa và đề nghị nộp 10 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Do đó, khi chủ tọa hỏi thêm việc “Có đồng ý để chị gái nộp 10 tỷ đồng khắc phục nữa không?”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, đã trao đổi với luật sư và đồng ý để chị gái nộp khoản tiền này.

Trước động thái nêu trên, đại diện Viện KSND Cấp cao đề nghị tòa xem xét giảm án cho ông Chung.

Đối với bị cáo Nguyễn Trường Giang, luật sư bào chữa đưa ra các tình tiết giảm nhẹ và đề nghị HĐXX cân nhắc. Luật sư cũng cho hay, trong sáng ngày 21/6, gia đình Giang đã ra Cục Thi hành án dân sự để nộp nốt phần tiền phải khắc phục hậu quả. Trong vụ này, Giang phải nộp 7,1 tỷ đồng.

Nói lời sau cùng trước khi vào nghị án, ông Nguyễn Đức Chung cảm ơn HĐXX tạo điều kiện để ông được tranh luận tại tòa. Đồng thời, bị cáo này cũng gửi lời cảm ơn tới các cán bộ trại tạm giam tạo điều kiện cho mình thi hành án và được chữa bệnh.

“Tôi có thời gian công tác gần 40 năm, quá trình này tôi có công lao được nhà nước ghi nhận, tôi mong HĐXX xem xét yếu tố gia đình khắc phục hậu quả và công lao của tôi để giảm nhẹ án”, ông Chung nói.

Video liên quan

Chủ Đề