Việt nam có bao nhiêu công ước môi trườngg biển

1- Nội thủy. Điều 8 của Công ước Luật Biển 1982 quy định: nội thủy là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.

2- Lãnh hải. Điều 3 của Công ước Luật Biển 1982 nêu rõ: lãnh hải là vùng biển nằm phía ngoài đường cơ sở và có chiều rộng tối đa là 12 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.852m). Các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải; chủ quyền tuyệt đối đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải; chủ quyền tuyệt đối đối với vùng trời phía trên lãnh hải. Tuy nhiên, chủ quyền ở đây không được tuyệt đối như trong nội thủy; bởi, ở lãnh hải của các quốc gia ven biển, tầu, thuyền của các quốc gia khác được quyền qua lại không gây hại.

Quốc gia ven biển có quyền ban hành các quy định để kiểm soát và giám sát tầu thuyền nước ngoài thực hiện việc qua lại lãnh hải của mình trong một số vấn đề (an toàn hàng hải, điều phối giao thông đường biển; bảo vệ các thiết bị, công trình, hệ thống đảm bảo hàng hải; bảo vệ tuyến dây cáp và ống dẫn ở biển; bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; ngăn ngừa vi phạm luật pháp của quốc gia ven biển liên quan đến đánh bắt hải sản; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; và, ngăn ngừa các vi phạm về hải quan, thuế khóa, nhập cư, y tế) và quy định hành lang để tầu thuyền đi qua.

3- Vùng tiếp giáp lãnh hải. Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài và sát với lãnh hải. Chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải không quá 12 hải lý (Điều 33). Quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa việc vi phạm các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, nhập cư hay y tế trong lãnh hải của mình; và, trừng trị những đối tượng vi phạm các luật và quy định nói trên xảy ra trong lãnh hải của mình.

4- Vùng đặc quyền về kinh tế. Đó là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Đây là một chế định pháp lý hoàn toàn mới vì theo luật biển quốc tế những năm 50 thế kỷ XX, các quốc gia ven biển không có vùng biển này.

Theo Điều 56 của Công ước Luật Biển 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đây và đối với các hoạt động khác, như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Các quốc gia khác có một số quyền nhất định ở trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, như: tự do hàng hải; tự do hàng không.

5- Thềm lục địa. Thềm lục địa của quốc gia ven biển là phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển. Trên thực tế, rìa ngoài của thềm lục địa ở các khu vực có khác nhau: có nơi hẹp, không đến 200 hải lý; nhưng có nơi rộng đến vài trăm hải lý. Điều 76 của Công ước Luật Biển 1982 quy định: thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu là 200 hải lý (kể cả những nơi rộng chưa đến 200 hải lý). Nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2500m. Tuy nhiên, để mở rộng thềm lục địa quá 200 hải lý, quốc gia ven biển phải trình Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Sau đó, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc sẽ xem xét và ra khuyến nghị. Điều 77 của Công ước quy định, trong thềm lục địa của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đó. Cần lưu ý là quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ: nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì không ai có quyền khai thác tại đây, nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Như vậy có thể thấy, vụ 3 tầu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tầu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vào ngày 26-5-2011, khi tầu này đang tiến hành nhiệm vụ thăm dò trên khu vực thềm lục địa của Việt Nam (tại tọa độ 120 48' 25" Bắc và 1110 26' 48" Đông - cách mũi Đại Lãnh, Phú Yên khoảng 120 hải lý). Tiếp đó, vụ tầu cá và 2 tầu Ngư chính của Trung Quốc cố tình phá cáp khảo sát của tầu Viking II (do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thuê khảo sát địa chấn) ngày 09-6-2011, khi tầu này đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136-03 (tọa độ 6047,5 Bắc và 109017,5 Đông) trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, là hoàn toàn sai trái, vi phạm trắng trợn Công ước Luật Biển 1982, Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.