Xếnh xáng nghĩa là gì

MỘT BÀI “VĂN TẾ” VỀ CUỘC BINH BIẾN THÀNH PHIÊN AN

CAO TỰ THANH

Thành phố Hồ Chí Minh

Với cuộc binh biến 1833-1835 của Lê Văn Khôi ở thành Phiên An, thời kỳ yên ổn tạm thời của thiết chế phong kiến triều Nguyễn trên đồng bằng Nam Bộ đã vĩnh viễn chấm dứt, mặc dù vì nhiều lý do, cuộc binh biến này không phản ảnh được một cách trọn vẹn và chính xác các mâu thuẫn xã hội cơ bản ở Nam Kỳ lúc bấy giờ[1]. Mặt khác, trong lịch sử của vùng đất hàng trăm năm không hề có phong trào nông dân khởi nghĩa và thậm chí còn là “đất trung hưng” của nhà Nguyễn trong nội chiến cuối thế kỷ XVIII này, đây quả là một biến cố trọng đại. Chính vì vậy mà nó đã đem lại cho sinh hoạt văn học ở Lục tỉnh sau đó một đề tài thời sự, với những tác phẩm như Bốn Bang thơ của Lưu Hằng Tín, Văn đĩ tế chệc ngụy [“Chệc” tức “khách” đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông. “Chệc ngụy” đây chỉ các khác thương người Hoa tham gia cuộc binh biến thành Phiên An, phần lớn được phiên chế vào Thủy dinh của quân Lê Văn Khôi] của một tác giả khuyết danh… Dĩ nhiên, ngay cái nhan đề đã cho thấy đây không phải là một bài văn tế thông thường mà là một bài văn tế trào phúng. Từ lập trường “chính thống”, tác giả đã thác lời một gái thanh lâu thương khóc để mỉa mai những khách thương người Hoa ở Sài Gòn tham gia cuộc binh biến của Lê Văn Khôi, có lẽ sau khi quân triều đình hạ được thành Phiên An năm 1835 và tàn sát nhân dân trong thành. Việc giới thiệu tác phẩm này ngoài tác dụng góp thêm một cứ liệu về văn chương chữ Nôm ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX vì vậy cũng có thể góp thêm tư liệu cho giới sử học trong việc tìm hiểu cuộc binh biến Lê Văn Khôi.

Tác phẩm này hiện chưa thấy có bản chữ Nôm nào mà chỉ còn hai bản chữ quốc ngữ la tinh, đều chép trong Trương Vĩnh Ký di chỉ hiện được lưu giữ ở Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội Hà Nội, ký hiệu VĐ.35/4, một nhan đề Văn tế chệc ngụy và dòng nguyên chú có lẽ của Trương Vĩnh Ký “Nguyên chệc Sài Gòn theo giặc Khôi bị chết trận, sấp đĩ nhạo chơi”, tr.143-154, gồm 39 câu [ký hiệu là bản B]. Hai bản đều có những điểm chưa hợp lý, thứ tự các câu cũng có chỗ xuất nhập. Văn bản hiệu đính dưới đây lấy bản B làm bản trục. Về nhan đề, chúng tôi tạm gọi là Văn đĩ tế chệc ngụy.

Hỡi ôi!

Đứng trước bờ sông quẹt nước mắt, khóc mà than rằng:

Tánh tình vốn khác người ta[2], ai ai mà chẳng có tình, tình vốn [1*] trời sanh tình ấy nặng;

Sống thác ở trong vòng tạo, ai ai mà không có thác, thác nhăn răng trắng thác mà thương.

Nát gan ruột những cám câu sơn hải[3]; Tưởng đầu đuôi khôn xiết nỗi tang thương.

Nhớ các hia[4] xưa:

Những người phụ ký[5]; Mấy kẻ huyền dương[6]

Kể từ thủa Bắc Kinh buồm nhẹ; Những đến ngày Nam quốc tàu sang.

Hoặc bôn Châu Đốc Nam Vang, chèo xạc xạc chiếc lên chiếc xuống; Hoặc ở Sài Gòn Bến Nghé, tiếng xô xô bán kẹo bán đường.

Chơn đạp hài Ngô đổng đảnh: Tay cầm điếu khách xinh xoang.

May đâu dì gió xe dây, duyên cá nước đó đây sum hiệp; Tượng bởi chị trăng ép số, nghĩa keo sơn nam bắc tơ vương.

Dập dìu khi Chợ Lớn đi về, đầu gối tay ấp; Hớn hở cầu lầu[7] khuya sớm, cổ hót[8] lưng choàng

Thiếp dầu một cắc [2*] cũng nên hai cắc cũng nên, coi nhau bằng ngọc; Hia có năm tiền cũng vậy ba tiền cũng vậy, trọng nghĩa như vàng.

Kìa nệm lót nọ áo chiên, thiếp đâu quản vai mang đầu đội; Sớm quạt long trưa áo quạ[9], thiếp nào nài tay xách nách mang.

Đòi khi mưa đất giông trời, thang thuốc hốt sợ hia muôn một; Đến lúc sương thu nắng hạ, cơm cháo không rời lứ[10] tấc gang.

Người chẳng thương kêu những con đĩ thằng Ngô, thiếp bao quản tiếng qua cửa miệng; Kẻ còn nghĩ gọi ả thô[11] chú chệc, thiếp đã đành nghĩa tạc trong xương.

Những tưởng qua ngày qua tháng; Hầu mong chung chiếu chung giường.

Nào nghĩ buổi bụi nhơ một cuộc; Bỗng nghe lời sóng gió bốn bang[12].

Liều phố xá bỏ cửa nhà, vác đinh ba lên đường ngơ ngẩn; Ném đôi quang quăng đòn gánh, cầm con chèo xuống thủy chầm chơn[13].

Ấy công chi ây nghiệp chi, nghe mưu quấy núp hầm sâu múa súng; Làm nhăng vậy làm khùng vậy, đến kế cùng dựa vách kín đâm quàng.

Hoặc bà con Thiên địa hội ngày xưa, quen thói muốn hành cưỡng hành kiếp[14]; Hay đảng lũ Tập Đình hầu thủa nọ, mông lòng gây tương tặc tương tàn[15].

Bởi làm quấy mới lâm hoạn họa: Dễ vô can mà mắc tai ương

Quan binh rung trống trận ba hồi, nghe dớn dác khự tố lô[16] lập cập; Quan binh tống thiên oai[17] một phát, la ải ôi xẩy ngộ lớ [3*][18] ngỗn ngang.

Chẳng biết mấy lâm vong thỉ [4*] thạch[19]; Kể xiết bao mắc án đao thương.

Hia mất mũi hia mất tai, khôn nhận dấu mướn người lấp đất; Hia trôi sấp hia trôi ngửa, khó nhớ hình thiệt tích để tang.

Hờn lũ quạn nhòm ỳ ầm cụm lác; Giận bầy bên bay sập biên giang[20].

Ôi!

Canh gà eo óc; Hồn bướm mơ màng

Ngày Cầu Khất[21] lóng quyên hút gió; Đêm Ngã Tư[22] nghe nhạn kêu sương.

Thương là thương ngày năm mười mặt ngồi chơi, mời uống mời ăn, vui trong tiệc mừng người bổn địa; Thảm bấy thảm rày bảy ba đuôi[23] cột xíu, xách xuôi xách ngược, xô xuống sông làm ủy tha hương.

Còn rải rác đầy ngòi đầy lạch; Hãy bộn bề lấp hố lấp mương.

Ngày trông mặt nước đầy vơi, tưởng tới hia ân tình đau mấy đoạn; Đêm nghĩ việc đời dài vắn, khôn ngăn thiếp châu lụy rưới đôi hàng.

Phải chi cà đã héo mướp đã xơ, duyên lợt dám trách trời xanh rúng rẫy; Song hãy nguyệt đương tròn huê đương nở, má hồng mà đeo phận bạc dở dang [5*]

Nghe ngoài bắc Hàng Chỉnh Cầu Xây[24], xôn xao trước trước [trúc trúc] mai mai, chị em sao vui chầu bán đắt; Nghe trong quãng Cây Me Phố Lở[25], tụ tập anh anh én én, chị em sao tốt số may hàng.

Họa lũ thiếp tiền căn nghiệp báo[26]; Khiến các hia hậu kiếp chịu oan.

Từ nay mà vắng hia, ngày tiết Trung thu, tiết Trùng cửu, tiết Đông chí, tiết Thanh minh, khôn mượn kẻ phô diên[27] bày tiệc; Từ này mà không chệc, ngày chùa ông Quan, chùa ông Bổn, chùa Bà Châu, chùa Bà Chúa, biết cậy ai đốt pháo dưng hương.

Quặn dạ khi lửa tắt ngồi thầm, vắng ngoài cửa vắng tiếng giày lẹp quẹp; Thúc long[28] thuở tầng cao bước dạo, nghe trên lầu không đờn gãy xuế xoang.

Vì ai khiến chữ dươn [duyên] chính mác; Vì ai xui đường nghĩa lỡ làng.

Nhớ anh em thì Ba Thắc Bảy Xàu, nghe tiếng ngụy mấy người ngao ngán [6*]; Tưởng anh em cũ thì Trà Vinh Mân Thít, cũng hiệp đoàn một trận tan hoang.

Ngày sáu khắc tới lui hổ thẹn; Đêm năm canh ngồi đứng bàn hoàn[29].

Hầu mong mượn chút khoe khoang, thì đã vắng ốn nha xính xáng [7*][30]; Cũng muốn vui chơi trò chuyện, thì lại không Bắc thuận Hồi lương[31].

Ôm phận thiếp thừ nay vò võ; Tống các hia gọi chút thường thường.

Hoặc hồn về Quảng Đông hoặc hồn về Triều Châu, chẳng biết đưa chi, đốt quýnh quáng [8*] ba cây hương bổi[32]; Hoặc hồn về Hải Nam hoặc hồn về Phước Kiến, gọi chút tình vậy, uống xì xà vài chút rượu tàn.

Ải ôi thương thay! Có linh xắng xái[33].

Chú giải:

[1*] Vốn: Bản A chép là “tình ngụ trời xanh”, bản B chép là “tình nguyên trời sanh”, chữ “nguyên” hợp lý về nghĩa nhưng khổ độc về thanh, đây tạm dịch như trên.

[2*] Cắc: Bản A chép là khắc, bản B chép là khắt, ngờ là đọc lầm chữ “cắc” trong nguyên bản chữ Nôm. “Cắc” là “Giác” đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, đây chỉ là một phần mười của một đồng. Tiền tệ Việt Nam thời Nguyễn có đơn vị là “quan”, gồm 600 hoặc 360 tiền [tiền kẽm] chứ không phải là “đồng” và “cắc” [miền Trung gọi là“giác”, miền Bắc gọi là “hào”] như dưới thời Pháp thuộc. Nhưng căn cứ vào Quốc tệ điều lệ của nhà Thanh thì thời gian này ở Trung Hoa có ba loại tiền bằng bạc, đồng và kẽm, đều lấy bạc làm chuẩn, đổi ngang được 6 tiền 4 phân 8 ly bạc ròng gọi là một “viên”, trong đó “ngân viên” [tiền bằng bạc] có bốn hạng: một viên, nửa viên, hai giác và một giác, cứ một “ngân viên” ăn mười “ngân giác”. Do quan hệ mua bán giữa hai nước mà đồng “ngân viên” của Trung Hoa đã du nhập vào Gia Định từ đầu thế kỷ XIX cùng với tên gọi như trên.

[3*] Xẩy ngộ lớ: Bản A chép là “khóc i âm xí ngầu lác”, Bản B chép là “la ải ôi bồ cháo lãi”, ngờ ba chữ này trong bản A là “xẩy ngộ lớ” viết bằng chữ Nôm nên bị đọc lầm. Đây đính lại như trên.

[4*] Thỉ: Bản A không có câu này, còn bản B chép chữ này là thủy, đây đính lại như trên.

[5*] Sau câu này bản B chép câu Họa lũ thiếp… chịu oan, kế sau câu Nghe ngoài bắc… may hàng lại có câu Rủi lũ thiếp thiếp oan khiên ra rả; Gặp các hia nghiệp chướng chứa chan, rồi sau câu Hầu mong… Bắc Thuận Hồi lương lại có câu Ôm phận thiếp từ nay vò võ; Khiên các hia nghiệp bao chan chan, ý tứ trùng lặp, ngờ là nguyên bản chữ Nôm chép lầm, ngoài ra câu Họa lũ thiếp… chịu oan ở đây còn gây ra một sự gián đoạn về nội dung. Ở bản A thì sau câu… xuống sông làm quỷ tha hương mới tới câu Rủi phận kiếp oan khiên cha chả; Khiến các hia nghiệp báo oan thường, rồi trước câu cuối mới có câu Ôm phận thiếp… chút thương thường. Đây đính lại như trên và bỏ một câu trùng ý trong bản B, nên văn bản hiệu đính này chỉ còn 38 câu.

[6*] Ngán: Bản A không có câu này, còn bản B chép chữ này là “ngát”, đây đính lại như trên.

[7*] Xính xang: Bản A chép là “óc nha xinh tốt”, bản B chép là “Óc nha xính xái”, đây tạm đính như trên.

[8*] Quýnh quáng: hai bản đều chép là khuýnh khoáng, đây tạm đính như trên.

[1] Xem thêm Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, Nxb, Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr.138-135.

[2] Tành tình vốn khác người ta: tính tình người ta vốn khác nhau, đây viết theo lỗi đảo trang.

[3] Sơn hải: tức “Thệ hải minh sơn”, chỉ lời thề của đôi lứa.

[4] Hia: tức “huynh” đọc theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu, được người Hoa trong phương ngữ này dùng như đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít giống đực.

[5] Phụ ký: lấy từ câu “Thương nhăng phụ ký vĩ nhi chí thiên lý” [Ruồi xanh bám đuôi ngựa ký mà đi được ngàn dặm], chỉ kẻ bất tài nhờ dựa dẫm mà thành đạt. Đây chỉ việc số người Hoa nói trên từ Trung Quốc qua Việt Nam lập nghiệp.

[6] Huyền dương: treo dê, lấy ý câu “treo đầu dê bán thịt chó”, chỉ việc buôn bán gian lận.

[7] Cầu lầu: Bản A chép là “Cầu Đường”, bản B chép là “cầu Lầu”, nhưng ở vùng Sài Gòn Chợ Lớn trước nay không thấy có địa danh nói trên. Có lẽ đây là “cầu lầu” tức “cao lầu” [lầu cao] đọc và viết theo một biến thể của âm Hoa Hán giọng Quảng Đông. “Cao lâu” thường được người Hoa dùng chỉ những nơi hàng quán ăn uống sang trọng, đắt tiền.

[8] Hót: ôm [từ địa phương].

[9] Áo quạ: loại áo ngắn chét nách của người phụ nữ người Hoa, thường mặc trong nhà cho mát.

[10] Lứ: tức “nhĩ” đọc theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu, là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít.

[11] Á thô: có lẽ là “A thư” [bà chị] đọc theo âm Hoa Hán giọng Hoa Nam.

[12] Bốn bang: tức bốn bang người Hoa Hải Nam, Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu tham gia cuộc binh biến của Lê Văn Khôi.

[13] Chầm chơn: chưa rõ nghĩa.

[14] Thiên địa hội… hành kiếp: Thiên địa hội là một tổ chức phản Thanh phục Minh của người Trung Hoa, thành lập vào thế kỷ XVII, về sau theo chân số người Hoa di cư ra nước ngoài phát tán ra Đông Nam Á và phát triển theo nhiều hướng khác nhau, có khi trở thành những tổ chức buôn lậu, đảng cướp, anh chị dao búa, đây dùng với ý xấu. Hành cường hành kiếp là làm những việc tàn ác, cướp bóc.

[15] Tập Đình hầu… tương tàn: Tập Đình hầu tức Tập Đình, tướng chỉ huy đạo Trung nghĩa quân người Hoa trong quân Tây Sơn chuyện thế kỷ XVIII. Đạo quân này có tiếng cảm tử, ra trận đều liều chết tiến lên, từng nhiều lần đánh bại quan chúa Nguyễn, đây dùng với ý xấu. Tương tặc tương tàn là giết chóc, làm hại lẫn nhau.

[16] Khự tố lô: tức “khứ tẩu liễu” [chạy đi thôi] đọc theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu.

[17] Tống thiên oai: bắn súng lớn [đại bác].

[18] Xẩy ngộ tớ: tức “tử ngã liễu” [chết tôi rồi] đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông.

[19] Thỉ Thạch: tên đạn [ngày xưa dùng đại bác bắn đá đi, nên đạn được gọi là “thạch”].

[20] Biên giang: bên sông.

[21], [22]: Cầu Khất, Ngã Tư: chưa rõ địa điểm cụ thể, nhưng có lẽ đều trong khu vực Sài Gòn Chợ Lớn.

[23] Đuôi: chỉ bím tóc của người Hoa.

[24], [25]: Hàng Chỉnh Cầu Xây, Cây Me Phố Lở: chưa rõ địa điểm cụ thể, nhưng có lẽ đều trong khu vực Sài Gòn Chợ Lớn.

[26] Tiền căn nghiệp báo: tội nghiệp kiếp trước phải trả trong kiếp này.

[27] Diên: yến tiệc.

[28] Thúc lòng: giục giã trong lòng.

[29] Bàn hoàn: dùng dằng, không quyết bề nào.

[30] Ốc nha xính xáng: ốc nha là một chức quan của Chân Lạp, ở đây có vẻ không ăn khớp với nội dung, chưa rõ lý do nên tạm giữ nguyên chờ tìm hiểu thêm. Xính xáng có lẽ là “xếnh xáng” [tiên sinh] đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông.

[31] Bắc thuận Hồi lương: tên các đội lính dưới quyền Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, gồm các tù phạm ở miền Bắc phát phối vào nam đới tội lập công, người ở vùng Thanh Nghệ dồn vào đội Thanh thuận, người ở miền Bắc dồn vào đội Bắc Thuận, gọi chung là lính Hồi lương. Trong cuộc binh biến thành Phiên An, đây là lực lượng nòng cốt của quân Lê Văn Khôi.

[32] Hương bổi: loại hương rẻ tiền mau tàn.

[33] Xắng xái: có lẽ là “sáng xéng” [thượng hưởng] đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, có lẽ ở đây tác giả cố tình viết sai để gây cười.

Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.450-458

Chủ Đề