Ý nghĩa của câu khôn nhà dại chợ

[Nghị luận xã hội] – Em có suy nghĩ gì về câu thành ngữ “Khôn nhà dại chợ”. Hãy giải thích câu thành ngữ đó. [Bài làm của học sinh Diệu Hương]

Đề bài: Giải Thích Câu Thành Ngữ Khôn Nhà Dại Chợ

BÀI LÀM

     Kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ  Việt Nam rất giàu có và óng ánh sắc màu trí tuệ. Nó đúc rút bao kinh nghiệm quý báu của dân gian. Nó nêu lên nhiều bài học ứng xử có giá trị thực tiễn lâu bền. Một trong những câu nói mà ta thường nghe ấy là: “Khôn nhà dại chợ”. Chúng ta cần quan niệm như thế nào cho đúng khi học câu thành ngữ này.

     Câu thành ngữ có hai vế đối lập là “ khôn nhà ” và  “dại chợ”. “ Nhà ” ở đây để chỉ phạm vi hẹp, gần gũi với mỗi người. Đó có thể là trong gia đình, làng xóm, trong mối quan hệ với những người thân. Còn “ chợ ” là chỉ môi trường rộng lớn bên ngoài, trong mối quan hệ với những người xa lạ . “Khôn” có nghĩa là sự thông minh, hiểu biết, biết cách ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Trái nghĩa với nó là “dại”, tức là thiếu đi sự linh động, nhạy bén, có thể nói là ngờ nghệch. Như vậy câu thành ngữ có thể hiểu một cách khái quát là: ở nhà thì khôn ngoan nhưng khi ra bên ngoài thì khờ dại.

     Ngôn ngữ Việt Nam ta vốn đa dạng về sắc thái ý nghĩa, đó là cái hay, là nét đặc sắc nhưng cũng là cái khó khi ta muốn tiếp cận một vấn đề. Nó buộc ta phải suy nghĩ tường tận, phải đặt ngôn ngữ trong hoàn cảnh cụ thể. Câu thành ngữ trên là một lời khen hay một lời chê về cách xử thế của con người? Chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng?

     Bên cạnh câu thành ngữ trên, chúng ta bắt gặp một câu ca dao rất hay cũng mang nội dung tương tự :

Dại nhà khôn chợ mới ngoan

Khôn nhà dại chợ thế gian chê cười.

      Câu ca dao thể hiện rất rõ quan niệm của nhân dân ta về việc khôn nhà và dại chợ. Ở nhà có thế khờ khạo, ngờ nghệch chút có lẽ không thiệt nhiều nhưng khi ra bên ngoài thì cần phải khôn, phải thông minh, lanh lợi. Theo câu ca dao trên thì rõ ràng “khôn nhà dại chợ” là rất đáng chê. Trong một vài cách giải thích mà chúng ta có thể tìm kiếm trong sách vở, trong quan niệm xã hội thì câu thành ngữ lại mang những sắc thái nghĩa khác. Có ý kiến cho rằng “Khôn nhà dại chợ”  là cứ ở lì trong nhà, tưởng là đã khôn ngoan lắm, đi ra tiếp xúc với bên ngoài mới biết là còn non kém, thua xa. Theo cách hiểu này thì rõ ràng câu thành ngữ mang ý phê bình, khuyên con người ta cần phải mở rộng hiểu biết, mở rộng tầm nhìn, chớ có thu mình rồi tự kiêu như con ếch nơi đáy giếng. Lại có ý kiến cho rằng  “Khôn nhà dại chợ” là một khẩu ngữ nói về người vốn không phải là ngờ nghệch, nhưng lại tỏ ra dại dột, chịu thua kém người ta trong các quan hệ ngoài xã hội. Nếu hiểu theo cách này có thể nói câu thành ngữ là một lời khen về cách ứng xử thông minh để không bị ghen ghét, đố kị bên ngoài xã hội. Và nếu hiểu câu thành ngữ này là để chỉ một người khôn khéo đối với người thân hoặc trong nội bộ nhưng lại khờ dại, ngờ nghệch , lép vế đối với bên ngoài hoặc trong môi trường xã hội rộng lớn thì đây quả  là điều đáng phê phán, chê bai.

      Như vậy để hiểu câu thành ngữ là đúng hay là sai, là đáng ngợi ca hay lên án chúng ta buộc phải đặt nó vào trong những hoàn cảnh cụ thể. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiểm từng bảo “ Khôn mà hiểm độc là khôn dại/ Dại ấy hiền lành dại hóa khôn” và câu nói của cụ cho đến nay vẫn là một bài học nhân sinh ý nghĩa. Nếu dùng cái khôn ngoan, tài giỏi của mình để làm những điều xấu xa, tội lỗi, lừa thầy, phản bạn, đủ mọi thủ đoạn để nâng đỡ bản thân thì rõ ràng khôn ấy lại hóa dại rồi. Bởi lẽ không có đỉnh cao danh vọng nào có thể bền vững khi mà nó đứng trên sự lừa dối, bạc nhược. Còn “ dại hóa khôn”, bởi dại ấy hiền lành ắt sẽ được người đời yêu mến, quý nhân phù trợ. Bàn về khôn dại, nhà thơ Trần Tế Xương cũng từng nói :  Khôn nghề cờ bạc là khôn dại/ Dại chốn văn chương ấy dại khôn. Người ta cứ bảo cờ bạc mánh khóe nhanh chóng kiếm lời thì là khôn nhưng có ai ngờ sẽ đến một ngày tài sản tiêu tán, tan nhà nát cửa, liệu khôn ấy có là khôn được nữa hay đã hóa dại rồi.  Còn trong chốn văn chương người ta vẫn coi là nghiệp, cái nghiệp văn chương, có ai làm giàu được từ văn chương thế nhưng cái “dại” văn chương lại sản sinh ra những điều chân-thiện-mỹ thanh lọc, bồi dưỡng tâm hồn con người. Cái dại ấy lại hóa khôn bởi tiếng thơm lưu truyền, người đời thán phục. Ấy vậy cho nên  Khôn dại – dại khôn cứ hư hư thực thực chẳng biết đâu mà lần. Nếu chúng ta đã sinh là con người bình thường thì tất nhiên sẽ có lúc khôn lẫn dại. Chỉ mong sao mình biết khôn đúng nơi và dại đúng chỗ là may mắn rồi. Thực tế cuộc đời thật khó lòng phân định ai dại, ai khôn:

Mấy kẻ quá khôn thường giả dại

Mấy người còn dại cứ làm khôn.

      Chẳng phải chỉ có quan niệm dại – khôn của người xưa mới làm ta thấm thía cái lẽ đời. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay có biết bao người tưởng khôn mà thực ra rất dại, bao người khôn thực mà cứ giả ngây ngô khiến ta phải suy ngẫm. Mấy anh ở nhà thì huênh hoang, hách dịch vợ con, tỏ ra ta đây hiểu biết nhưng ra ngoài thì khúm núm trước cấp trên; ở nhà thì ra sức bắt nạt vợ con để thị uy nhưng ra ngoài có kẻ động đến mình cũng không dám hé răng nói lại, ai bảo gì nghe nấy, chẳng có chính kiến lập trường. Những biểu hiện như vậy chẳng đáng phê phán lắm sao? Ấy thế nhưng vẫn phải nhìn ra mặt đáng khen của những người “ khôn nhà dại chợ”. Đó là khi cái khôn được biểu hiện theo đúng bản chất của nó. Biết dùng những hiểu biết của mình để ứng xử tốt với gia đình, vợ con, nội bộ; dùng cái khôn của mình để xây dựng nhà cửa ấm êm. Còn khi ra ngoài tỏ ra ngờ nghệch, dại khờ cũng là một cách bảo vệ thân mình khỏi những hiềm khích, ghen ghét, đố kị. Tuy nhiên lối ứng xử này chẳng đáng khuyến khích vì nó là biểu hiện của sự giả dối, ngụy tạo. Một cách sống nữa mà mỗi chúng ta nếu có thì phải có ý thức thay đổi. Đó là lối sống của con ếch nằm dưới đáy giếng, lúc nào cũng chỉ thấy bầu trời bé bằng cái vung nên tự đắc, coi thường tất cả. Cứ ở nhà thì tưởng mình biết hết nhưng khi ra “chợ” mới biết thua kém rất nhiều.  Thế mới hay “khôn nhà” thôi thì chưa đủ, cần phải mở rộng tầm nhìn, mở rộng hiểu biết hơn nữa.

      Đã từ lâu, Nhật Bản không chỉ là quốc gia nổi tiếng với những tiến bộ khoa học- kĩ thuật hiện đại mà Nhật còn được biết đến với những nét văn hóa đẹp và phong cách ứng xử rất đáng trân trọng của người dân. Nhớ lại thảm họa sóng thần ở Nhật năm 2011, thảm họa này đã khiến hàng chục nghìn người chết, hàng nghìn người mất tích và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa. Những người còn sống lay lắt nhờ cứu trợ. Ngỡ tưởng trong hoàn cảnh bi đát ấy, người ta phải tìm mọi cách duy trì sự sống bất chấp cả lòng tự trọng. Nhưng không, điều khiến cả thế giới phải nghiêng mình thán phục đó là tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của họ. Thảm họa kép đi qua, mất mát, tan hoang khắp chốn song không bạo loạn, cướp bóc, người Nhật vẫn bình thản xếp hàng theo thứ tự để nhận lương thực cứu trợ.  Đó có phải “ Khôn nhà dại chợ” không khi mà họ sẵn sàng hi sinh lợi ích của mình để bảo đảm cho lợi ích đồng đều của tất cả những người khác? Rồi thì trong cuộc sống hàng ngày, người Nhật cũng có nét ứng xử rất đẹp đó là luôn cúi gập người ngang thắt lưng khi chào hỏi. Liệu đó có phải là “ dại chợ ” khi họ làm thấp mình với người đối diện? Câu trả lời rằng không. Họ không chen lấn, xô đẩy, tranh phần cứu trợ vì họ có tinh thần tương thân, tương ái, có lòng tự trọng. Họ cúi người khi chào không phải biểu hiện sự thấp kém mà hơn hết đó là sự tôn trọng. Tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình.

      Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, phải làm sao để sống có ý nghĩa trong cuộc đời này. Hai tiếng dại, khôn tưởng dễ mà lại khó lòng phân định. Ta cứ tưởng ta khôn mà hóa ra là dại, ta cứ chê người dại mà người lại là khôn. Câu thành ngữ  “Khôn nhà dại chợ” có thể xem là một lời khuyên chúng ta về cách ứng xử trong cuộc sống. Không phải khuyên ta phải “khôn” ở nhà và ra ngoài phải “dại” mà là khuyên ta phải biết linh động trong cách ứng xử sao cho phù hợp.

>> XEM THÊM: 

Giải nghĩa các thành ngữ sau: khôn nhà dại chợ, chân trong chân ngoài, giận cá chém thớt, trăm voi không được bát nước xáo, mẹ tròn con vuông, già néo đứt dây, quyền rơm vạ đá, Thầy Bói Xem Voi, ếch ngồi đáy giếng,đàn gẩy tai trâu.

Thứ sáu, 11/07/2014 21:11

Xin đừng "khôn nhà dại chợ"

[NTO] Người xưa có thành ngữ “khôn nhà dại chợ” để nhắc nhở nhau, dạy dỗ con cháu và cho chính mình trong cuộc sống thường ngày. Thế nhưng, cuộc sống hối hả hiện nay có lúc chính ta cũng “khôn nhà dại chợ” mà không hay biết. Đọc những câu chuyện dưới đây biết đâu có bóng dáng bản thân, bạn bè, gia đình mình trong đó.

Chuyện gia đình

Anh bạn tôi có cô em gái xinh đẹp, dịu dàng, giỏi giang, hai vợ chồng họ cùng làm cơ quan nhà nước. Ngày mới lấy nhau, gia đình, bạn bè đều khen ngợi gọi họ là “cặp đôi hoàn hảo”. Hiện giờ anh chị có hai con, cậu đầu học lớp 12 chuyên Vật lý, con gái học lớp 10 vừa đoạt Huy chương Đồng Olympic Hoá học. Thật là một gia đình lý tưởng. Vậy mà, sáng Chủ nhật vừa rồi anh bạn tôi than phiền, vợ chồng cô em gái đang trong thời kỳ “hai con dê qua cầu”. Hỏi chuyện, anh cho biết: Cũng chẳng có chuyện gì lớn, chỉ tại vợ chồng nó chẳng đứa nào cũng “khôn” cả. Đứa em gái giờ là trưởng phòng, công việc nhiều, áp lực căng thẳng về nhà nói chuyện với chồng toàn “nhát gừng”, đứa em rể thì trả miếng vợ “dịu dàng em để cơ quan”, nếu em có ý định đầu tư “trong nước”, “ngoài nước” thì cứ nói anh, OK ngay!” Thế rồi giận chồng, vợ đưa con về nhà mẹ ở, chồng thì coi như chẳng có chuyện gì xảy ra, hết giờ làm đi nhậu. Mình chỉ biết chuyện khi đứa em rể thông báo vợ con nó đang ở nhà bà ngoại. Rồi anh than thở: Chúng nó đâu còn nhỏ, ở cơ quan đều là cán bộ dự nguồn quy hoạch, vậy mà “khôn nhà dại chợ”.

Chuyện cơ quan

Ở cơ quan nọ có anh thủ trưởng khá nghiêm khắc, làm việc coi chất lượng, hiệu quả công tác là hàng đầu nhưng ngoài giờ làm việc lại khá thoải mái như anh em, bạn bè vậy. Có lần, nhân kỷ niệm ngày chiến thắng, thống nhất đất nước 30-4, anh chỉ đạo phòng hành chính, công đoàn cơ quan chuẩn bị quà, hẹn 16 giờ đến thăm gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng, cơ quan nhận phụng dưỡng. Vì mải mê công việc cơ quan, chợt nhớ nhìn đồng hồ đã 18 giờ, gọi điện thoại hỏi mới biết lãnh đạo công đoàn, phòng hành chính đã về nhà. Thế là thất hứa, anh tự nhủ sáng mai ghé thăm và xin lỗi mẹ thông cảm. Vài ngày sau đó, có đoàn cán bộ tỉnh bạn đến nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ. Cuối ngày mời cơm khách, để tỏ lòng hiếu khách anh cầm ly bia đến cụng từng người một. Thấy vậy, để tỏ lòng kính trọng thủ trưởng, lãnh đạo công đoàn, phòng hành chính thay nhau chúc anh một trăm phần trăm…Hậu quả là ngày hôm sau anh thẫn thờ, mệt mỏi như người vô hồn.

Chuyện xã hội

Thương lái Trung Quốc sang ta mua mèo [năm 1997-1998], móng trâu [2002-2003] với giá cao để rồi nông dân phía Bắc bị đại dịch chuột hoành hành, trâu bò chết hàng loạt ảnh hưởng nặng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con nông dân. Mấy năm vừa qua, thương lái Trung Quốc tiếp tục thu mua đỉa, ốc bươu vàng với giá cao. Thấy lợi nhiều hộ dân ở Tây Ninh, Hóc Môn…tổ chức thu gom, nuôi đỉa, nuôi ốc bươu vàng để bán cho thương lái Trung Quốc. Phong trào thu gom, nuôi đỉa, ốc bươu vàng đang phát triển thì đột ngột họ dừng mua mà đỉa, ốc bươu vàng có tốc độ sinh sản rất nhanh, hậu quả của nó với môi trường và sản xuất nông nghiệp như thế nào có lẽ ai cũng rõ. Rồi chuyện thương lái Trung Quốc mua chè bẩn ở Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang. Nhà nhà, người người thi nhau làm chè bẩn vì chi phí thấp, lợi nhuận cao. Chỉ khi tại Đại hội Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc thông báo cho các nước biết chúng ta sản xuất chè bẩn và 6 tháng sau hàng loạt doanh nghiệp ngành chè phá sản thì mọi người mới biết. Gần đây nhất là chuyện thương lái Trung Quốc nâng giá mua dưa hấu để dưa ùn ùn lên biên giới phía Bắc rồi họ lại đột ngột hạ giá làm nông dân thiệt hại, hay việc họ nâng giá thu mua thanh long đỏ năm 2014 [có lúc lên đến 70.000 đồng/kg] rồi đột ngột không mua, giá thanh long đỏ tại vườn ở Tiền Giang vào tháng 5-2014 chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg. Không phải các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố không cảnh báo mà chỉ vì ham lợi trước mắt mà nhiều người dân không những tự đưa cổ vào tròng của thương lái Trung Quốc mà còn làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của hàng triệu nông dân vốn cuộc sống đã khó khăn nay lại khó hơn. Nhân chuyện trên, xin nói thêm trong những ngày gần đây, trả lời cử tri Phó Thủ tướng-kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về chuyện đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ông cho biết Đảng và Nhà nước ta không hề bị động mà đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu để có những biện pháp phù hợp, đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Từ những chuyện trên, vì hạnh phúc gia đình, sự nghiệp xây dựng cơ quan đơn vị, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xin mỗi ai đó hãy luôn nhắc nhở nhau đừng “khôn nhà dại chợ”.

Thanh Tâm

Video liên quan

Chủ Đề