Bài chính tả ở lớp 3, nghe – viết, nhớ - viết có độ dài khoảng bao nhiêu?

CHUYÊN ĐỀ

PHƯƠNG PHÁP DẠY MÔN CHÍNH TẢ CẤP TIỂU HỌC

Phần mở đầu

Hiện nay, bệnh sai chính tả đang trở thành căn bệnh trầm trọng trong nhà trường, từ cấp tiểu học đến bậc đại học và sau đại học. Người viết sai chính tả không chỉ là học sinh mà còn là giáo viên phổ thông và giảng viên các trường đại học.

Sai chính tả là vi phạm chuẩn mực ngôn ngữ. Nó chứng tỏ sự thiếu hụt tri thức văn hóa của người viết. Viết sai chính tả sẽ làm giảm hiệu quả thông tin, nhiều khi làm người đọc hiểu sai ý định của người viết và gây phản cảm tiếp nhận văn bản.Nhà trường là nơi dạy người ,dạy chữ; do đó giáo viên và học sinh,sinh viên không thể viết sai vào chính tả.Vì vậy dạy phân môn chính tả đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với HS tiểu học , là bậc học nền móng.

PHẦN NỘI DUNG

I.MỤC TIÊU CỦA PHÂN MÔN CHÍNH TẢ

  Phân môn chính tả giúp học sinh:

  -Trang bị một số kiến thức về quy tắc chính tả tiếng Việt; rèn luyện kĩ năng nghe, kĩ năng viết chính tả một đoạn văn, bài văn. 

  -Kết hợp rèn luyện một số kĩ năng sử dụng tiếng Việt và phát triển tư duy cho học sinh.

  -Mở rộng vốn hiểu biết trong cuộc sống, con người, góp phần hình thành nhân cách con người mới; thái độ cẩn thận và yêu cái đẹp trong giao tiếp bằng tiếng Việt.

II. CHUẨN KIẾN THỨC,KĨ NĂNG VIỆC DẠY VÀ HỌC PHÂN MÔN CHÍNH TẢ Ở TIỂU HỌC

Lớp 1:

1.HS cần đạt yêu cầu tối thiểu :

- Viết đúng chính tả, không mắc quá 5 lỗi trong bài tập chép hoặc nghe – viết.

- Tốc độ viết giữa HKI: 25 chữ/15 phút, cuối HKII : 30 chữ/ 15 phút.

2. Đối với các BT tập chép, nghe – viết có số chữ hơn số chữ quy định trong tốc độ chuẩn, GV có thể cho HS viết trên 15 phút và giảm bớt BT về chính tả.

Lớp 2:

1.HS cần đạt yêu cầu tối thiểu :

- Viết đúng chính tả, không mắc quá 5 lỗi trong bài tập chép hoặc nghe – viết.

- Tốc độ viết giữa HKI : 35 chữ/15 phút, cuối HKI  : 40 chữ/ 15 phút. giữa HKII : 45 chữ/15 phút, cuối HKII  : 50 chữ/ 15 phút.

 2. Đối với các BT tập chép, nghe – viết có số chữ hơn số chữ quy định trong tốc độ chuẩn, GV có thể cho HS viết trên 15 phút và giảm bớt BT về chính tả âm ,vần như sau : cho HS làm tại lớp một phần trong số BT đồng dạng

Ví dụ BT 2: BT(3) a,b trang 29 tuần 3 GV có thể chọn BT3a hoặc BT3b tùy theo tình hình  lớp học.

Lớp 3

1.HS cần đạt yêu cầu tối thiểu :

- Viết đúng chính tả, không mắc quá 5 lỗi trong bài tập chép hoặc nghe – viết.

- Tốc độ viết giữa HKI : 55 chữ/15 phút, cuối HKI  : 60chữ/ 15 phút. giữa HKII : 65 chữ/15 phút, cuối HKII  : 70 chữ/ 15 phút.

2. Đối với các BT tập chép, nghe – viết có số chữ hơn số chữ quy định trong tốc độ chuẩn, GV có thể cho HS viết trên 15 phút và giảm bớt BT về chính tả âm ,vần như sau : cho HS làm tại lớp một phần trong số BT đồng dạng

Ví dụ BT 2: BT(3) a,b trang 31 TV3, tập 1: HS thực hiện 1 trong 2 bài tập.

Lớp 4

 1.HS cần đạt yêu cầu tối thiểu :

- Viết đúng chính tả, không mắc quá 5 lỗi trong bài  nghe – viết hoặc nhớ- viết

- Tốc độ viết giữa HKI : 75 chữ/15 phút, cuối HKI  : 80chữ/ 15 phút. giữa HKII : 85 chữ/15 phút, cuối HKII  : 90 chữ/ 15 phút.

2. Đối với các BT   nghe – viết hoặc nhớ- viết có số chữ nhiều hơn số chữ quy định trong tốc độ chuẩn, GV có thể cho HS viết trên 15 phút và giảm bớt BT  chính tả về âm ,vần như sau : cho HS làm tại lớp một phần trong số BT đồng dạng

 Lớp 5

 1.HS cần đạt yêu cầu tối thiểu :

- Viết đúng chính tả, không mắc quá 5 lỗi trong bài  nghe – viết hoặc nhớ- viết

- Tốc độ viết giữa HKI : 95 chữ/15 phút, cuối HKI  : 95chữ/ 15 phút. giữa HKII : 100 chữ/15 phút, cuối HKII  : 100 chữ/ 15 phút.

2. Đối với các BT   nghe – viết hoặc nhớ- viết có số chữ nhiều hơn số chữ quy định trong tốc độ chuẩn, GV có thể cho HS viết trên 15 phút và giảm bớt BT về chính tả âm ,vần như sau : cho HS làm tại lớp một phần trong số BT đồng dạng

- Về nội dung: Bài viết chính tả được trích từ bài tập đọc trước đó hoặc là nội dung tóm tắt của bài tập đọc hoặc các văn bản khác có nội dung phù hợp với chủ điểm học tập trong tuần ( độ dài khoảng 100- 120 chữ)

  yêu cầu chung là HS cần viết đúng mẫu chữ, đúng chính tả, không mắc quá 5 lỗi/bài, tốc độ quy định theo chuẩn.

- Về hình thức : có hai hình thức được sử dụng là CT nghe – viết và CT nhớ - viết.

   -Nội dung các bài tập chính tả âm, vần  là ôn lại quy tắc một số chữ như c/k, g/gh, ng/ngh và tiếp tục luyện viết các từ có âm, vần, thanh dễ lẫn. dạng bài tập  này  được  dạy sau bài tập chính tả nghe - viết , nhớ viết.

  -Trong nội dung bài tập có phần bắt buộc dạy cho tất cả học sinh ở các vùng miền trong cả nước, có những nội dung cho phép các trường, lớp ở từng địa phương lựa chọn để dạy cho phù hợp với đặc điểm của học sinh địa phương (ví dụ BT3 tuần 16: Điền vào ô trống tiếng bắt đầu bằng r/gi; v/d. Có thể thay bài tập khác đưa ra một đoạn văn (thơ) yêu cầu học sinh điền vào ô trống tiếng bắt đầu bằng d/gi, …).

  -Trong phần nội dung tự chọn là phần viết đúng các từ mà phát âm của tiếng địa phương lệch so với chuẩn trong mỗi bài học. Có trường hợp bài tập trong sách giáo khoa không phù hợp thì giáo viên cũng có thể thay thế để phù hợp lỗi chính tả địa phương (ví dụ: bài tập 2b không phù hợp vì các cặp từ báo/ báu, lao/ lau, …học sinh không sai từ (tiếng) có vần ao, có thể đổi thành: Tìm những từ chứa tiếng: Béo/báu, leo/lau,…).

 -Ôn luyện cách viết hoa tên người, tên địa lí Việt Nam và tên người, tên địa lí nước ngoài.

 -Bước đầu rèn luyện để có ý thức về cách viết hoa tên riêng tổ chức, danh hiệu, giải thưởng, huy chương, …

II.BIỆN PHÁP DẠY HỌC CHỦ YẾU:

1.Hướng dẫn HS chuẩn bị viết chính tả

Gồm các hoạt động :

-         Hướng dẫn HS đọc và nắm nội dung bài chính tả.

-         Nhận xét hiện tượng chính tả cần lưu ý trong bài.

-         Luyện viết những chữ ghi tiếng, từ khó dễ lẫn.

2.Đọc bài CT cho HS viết ( nghe – Viết)

          - GV đọc đọc từng câu ngắn (2 -3 lần ) cho HS viết

          - Đọc lần cuối cho HS soát lại

3.Chấm và chữa bài chính tả

          - GV hướng dẫn HS chữa bài CT

          - Chấm một số bài viết của HS để nhận xét và rút kinh nghiệm chung.

4.Hướng dẫn HS làm BT chính tả âm, vần:

          - Giúp HS nắm vững YC bài tập

          - Làm mẫu BT (nếu cần)

          - Tổ chức cho HS thực hiện BT.

          - Chữa BT và đánh giá,nhận xét.

 GV cho HS nghe - viết một số từ ngữ đã được luyện tậphoặc HS viết sai tiết học trước..

1.Giới thiệu bài: Nêu yêu cầu của bài tập chính tả.

 Chính tả nghe -viết:

 -GV đọc toàn bài một lượt cho HS nghe trước khi HS viết. Khi đọc GV cần phát âm rõ ràng, tốc độ vừa phải, tạo điều kiện cho HS chú ý đến những hiện tượng chính tả cần chú ý.

 -Giúp HD hiểu nội dung bài chính tả.

 -Hướng dẫn HS nhận xét về các hiện tượng chính tả cần chú ý trong bài.

 -Tổ chức cho HS viết trước (giấy nháp, bảng con) những từ ngữ dễ viết sai chính tả (bước phát hiện và luyện viết chữ khó viết dễ sai chính tả rất quan trong giúp học sinh không mắc vào lỗi chính tả).

b.Học sinh viết bài (13-15’)( khoảng 95 chữ )

 - Đọc cho HS viết từng câu hay từng cụm từ. Mỗi câu hoặc cụm từ đọc 2 lần: đọc lượt đầu chậm rãi cho HS nghe, đọc nhắc lại một lần cho HS kịp viết theo tốc độ viết theo quy định ở lớp 5.

 - Đọc toàn bài lần cuối cho HS soát lại.

 Chính tả nhớ - viết: (tiến hành các bước giống chính tả nghe - viết)

 -Tổ chức cho HS ôn loại đoạn, bài cần viết trước khi viết: một, hai HS đọc thuộc lòng trước lớp, các HS khác nhẩm theo.

 -Hướng dẫn HS nhận xét về các hiện tượng chính tả cần chú ý trong bài.

 -Tổ chức HS tập viết trước (vào giấy nháp, bảng con) những từ ngữ dễ viết sai chính tả.

 -Tổ chức cho HS viết theo tốc độ quy định của HS lớp 5 (được cụ thể trong từng giai đoạn)

 -Mỗi giờ chính tả, GV chọn chấm một số bài của HS. Đối tượng được chọn chấm bài ở mỗi giờ là:

 +Những HS đến lượt được chấm bài.

 +Những HS hay mắc lỗi, cần được chú ý rèn luyện thường xuyên.

 Qua chấm bài, GV có điều kiện rút ra nhận xét và nêu hướng khắc phục lỗi chính tả cho cả lớp.

-  GV có thể giúp cả lớp từ kiểm tra bài và chữa lỗi theo một trong ba cách dưới đây:

 + GV treo bảng viết sẵn bài CT ( nghe – viết, nhớ - viết ) lên bảng lớp YC HS nhìn đoạn, bài trong SGK để tự đối chiếu và chữa bài của mình

 + HS đổi vở cho nhau để chấm và kiểm tra bài của bạn.

 +GV đọc từng câu cho cả lớp soát lỗi, kết hợp chĩ dẫn các chữ viết dễ sai chính tả.

*GV  có thể  tổ chức cho HS soát lỗi trước sau đó GV chấm lại một số bài của HS.

      Đây là bước giáo viên cần lưu ý giúp học sinh rèn luyện kĩ năng chính tả.

Thường có các loại BT CT sau:

-         BT bắt buộc ( chung cho các vùng phương ngữ)

-         BT lựa chọn cho từng vùng phương ngữ.

Các bước để thực hiện hướng dẫn học sinh làm bài tập chính tả:

 +Giúp HS nắm vững yêu cầu bài tập.

 +Giúp HS chữa một phần của bài tập làm mẫu.

 +Tổ chức HS làm bài và báo cáo kết quả.

 +Chữa bài.

 -GV nhận xét tiết học, lưu ý trường hợp dễ viết sai trong bài chính tả,  yêu cầu về nhà.

IV.MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN HỌC SINH SAI LỖI CHÍNH TẢ:

            Để có định hướng đúng trong quá trình sửa lỗi chính tả cho học sinh, chúng ta cần nắm được nguyên nhân viết sai chính tả của các em.Một số nguyên nhân sau đây :

          1/ Do ảnh hưởng của phương ngữ, thổ ngữ : (lỗi phát âm)

          Phương ngữ là biến dạng của ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương cụ thể với những nét khác biệt so với ngôn ngữ toàn dân về cách phát âm, dùng từ hay diễn đạt. Thổ ngữ là biến dạng của ngôn ngữ toàn dân ở phạm vi lãnh thổ nhỏ hẹp hơn so với phương ngữ.

Ví dụ : phương ngữ Nam Bộ, thổ ngữ Hồng Ngự (Đồng Tháp), …

          Do ảnh hưởng của phương ngữ, thổ ngữ, học sinh vùng nào cũng có thể mắc lỗi chính tả. Ví dụ :

          - Học sinh thuộc phương ngữ Bắc Bộ có ưu điểm không viết sai thanh điệuvần nhưng thường hay phát âm và viết sai lẫn lộn một số chữ ghi phụ âm đầu tr/ch, s/x, r/d/gi, l/n. (miền Bắc sai đầu)

          Ví dụ : + con trai = con chai, …

                     + râu ria = dâu dia = giâu gia, …

                      + sung sướng = xung sướng, …

                      + cái nồi = cái lồi, hoa lan = hoa nan, …

          - Học sinh thuộc phương ngữ Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hoá đến Huế) thường không viết sai âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối song thường viết sai dấu thanh, do không phân biệt một số thanh điệu (như : hỏi/ngã, ngã/nặng, sắc thành nặng). (miền Trung sai giữa)

          Ví dụ :

          + xã hội = xạ hội, …

          + mệt mỏi = mệt mõi, …

          + xứ Huế = xự Huệ, …

          - Học sinh thuộc phương ngữ Nam Trung Bộ và Nam Bộ ít viết sai phụ âm đầu (trừ trường hợp d/v) nhưng hay viết sai thanh điệu (hỏi/ngã) và một số vần có nguyên âm đôi, có phụ âm cuối như : n/ng, t/c, ... (miền Nam sai cuối)

          Ví dụ : ….

          * Riêng tỉnh Đồng Tháp :

           - Sai phụ âm đầu : (ảnh hưởng thổ ngữ)

          + r – d, g (cá rô = cá dô, cá gô, …); gi – d (cái giỏ = cái dỏ, …); v – d (đi về = đi dề, …)

          + tr – ch (trồng cây = chồng cây, …)

          + s – x (chim sáo = chim xáo, …)

          + v – qu (vàng = quàng, …)

          + th – h (con thỏ = con hỏ)

          - Sai khi có âm đệm :

          + h + oa = qua (hoang = quang, …)

          + l + oa = l + o (bạn Loan = bạn Lon, …)

          - Sai vần có âm chính : â, ê :

          + ân - ăn (đầu lân = đầu lăn, …)

          + êm - im (ban đêm = ban đim) 

          - Nhầm lẫn vần có âm chính i, ê âm cuối u; vần có âm chính ơ, âm cuối i; vần có âm chính ư, âm cuối u.

          + iu – êu (líu lo = lếu lo, cây nêu = cây niu, …)

          + ơi – ơ (mời cô = mờ cô, ...)

          + ưu – u (tựu trường = tụ trường, ...)

          - Sai nguyên âm đôi : lưới = lứ, …; tuổi = tủi, …; tiêm thuốc, tim thuốc, hươu = hu, ...

          - Sai âm cuối :

          + t – c, ch (đôi mắt = đôi mắc, xa tít = xa tích, có ích = có ít), …

          + n – ng (hoa lan = hoa lang, …)

          + n – nh (nhường nhịn = nhường nhịnh, …)

          + u – o (cây cau = cây cao, …); (lao xao = lau xau)

          + y – i (thợ may = thợ mai, …)

          - Nhầm lẫn thanh điệu (hỏi/ngã). Vd : nghĩ = nghỉ, ...

          2/ Do hạn chế về vốn từ : (chính tả từ vựng ngữ nghĩa)

          Muốn viết đúng chính tả, người viết phải hiểu nghĩa của từ và cách viết cụ thể của nó.

          Ví dụ :

          Muốn biết khi nào viết truyện, khi nào viết chuyện, người viết phải phân biệt được sự khác nhau về nghĩa của hai từ này để từ đó rút ra cách viết đúng chính tả :

          - Viết là “truyện” khi muốn chỉ tác phẩm văn học được in (truyện ngắn, truyện cười, …)

          - Viết là “chuyện” khi muốn chỉ một sự việc được kể lại (câu chuyện, kể chuyện, chuyện cũ, chuyện tâm tình, nói chuyện, …) hay chỉ công việc (chưa làm nên chuyện).

          Học sinh cũng thường viết sai các từ Hán Việt do chưa hiểu thấu đáo nghĩa của từ.

          Ví dụ : bàng quan viết thành bàng quang, …

          3/ Do chưa thuộc các quy tắc chính tả :

          Muốn viết đúng chính tả, học sinh phải thuộc quy tắc chính tả tiếng Việt.

          - Quy tắc viết hoa (viết hoa tên riêng, viết hoa đầu câu, viết hoa tu từ).

          - Quy tắc viết các chữ c/k/q, g/gh, ng/ngh hay i/y …     

          Những quy tắc chính tả này HS sẽ được trang bị dần trong quá trình học theo Chương trình Tiếng Việt ở tiểu học.

          4/ Do giáo viên :

          - Giáo viên chưa dạy tốt ở mỗi tiết dạy chính tả :

          + Thiếu quan tâm học sinh.

          + Dạy chưa tốt ở phần hướng dẫn luyện chữ khó viết, chưa thực hiện tốt ở khâu chấm bài, chữa lỗi bài viết của học sinh và củng cố tiết học. Ví dụ :

          + Đọc chính tả nhanh so với “Chuẩn”, so với trình độ học sinh dẫn đến học sinh viết sai, thiếu chữ, viết xấu (viết nhanh, cẩu thả cho kịp với thầy cô giáo đọc), giáo viên chưa quan tâm đến việc rèn chữ trong dạy chính tả (luôn giục các em viết nhanh).

          + Giáo viên cũng viết sai chính tả.

          - Giáo viên chưa dạy học sinh đọc tốt, giải nghĩa từ tốt ở phân môn Học vần, Tập đọc để học sinh phát âm đúng, hiểu nghĩa từ; chưa dạy tốt phân môn Luyện từ và câu (mở rộng vốn từ, quy tắc viết hoa, …) để học sinh có vốn từ và nắm vững quy tắc viết chính tả.  

V.PHƯƠNG PHÁP VÀ CÁC BIỆN PHÁP DẠY HỌC CHÍNH TẢ LỚP 5

          Để hướng dẫn học sinh viết chính tả đoạn, bài có kết quả, GV áp dụng một số phương pháp, biện pháp như sau:

 +Phương pháp trực quan: Thực hiện phương pháp này giáo viên cần đọc mẫu thong thả, rõ ràng , phát âm chính xác các tiếng có âm, vần, thanh mà học sinh thường mắc lỗi. Yêu cầu học sinh phân tích tiếng mắc lỗi thành âm đầu, vần, thanh, từ đó học sinh nhớ cách ghi các bộ phận của tiếng để viết đúng, sau đó giáo viên phải cho học sinh viết, phát âm lại cho đúng các tiếng (từ) đó.

 +Phương pháp thực hành giao tiếp: Thực hiện phương pháp này giáo viên cần cho học sinh đọc toàn bộ đoạn văn sẽ viết, nắm được hoặc nhớ được nội dung đoạn, bài cần viết, viết trước một số từ học sinh viết dễ sai. GV thực hiện đọc bài cho học sinh viết hoặc học sinh tự nhớ viết (chính tả nhớ viết). Cho học sinh   tự soát lỗi; giáo viên chấm bài, chỉ ra các lỗi trong bài, cách sửa lỗi.

  +Phương pháp trò chơi học tập: Thực hiện phương pháp này giáo viên cần xác định mục đích trò chơi sau đó lựa chọn trò chơi phù hợp với mục đích. GIáo viên nên lựa chọn các trò chơi có luật đơn giản, có thể dạy học nhiều hiện tượng chính tả, dễ thực hiện trong khoảng thời gian ngắn mà vẫn kích thích sự phấn khởi của học sinh.

  Một số biện pháp cần thực hiện để dạy chính tả là tổ chức cho học sinh thành lập nhóm học tập, các nhóm này sẽ giúp đỡ nhau trong việc ôn các quy tắt chính tả, sửa phát âm sai dẫn đến viết sai chính tả, các nhóm lập sổ tay chinh tả của nhóm. Giáo viên hướng dẫn cách ghi các lỗi chính tả mà nhóm hay mắc phải trong bài viết và cách viết đúng các từ đó. Sau khi ghi các từ mắc lỗi các em cần ghi thêm các từ tương tự có âm đầu, vần, thanh, tên riêng … tương tự để giúp các em viết đúng nhiều từ (ví dụ nhóm học sinh viết sai tiếng có vần au màu xanh/mèo xanh, cho học sinh viết thêm sáu/séo, tàu/tèo …).

 Với học sinh viết sai quá nhiều lỗi chính tả ngoài việc cho các em luyện viết chính tả trong nhóm giáo viên cần yêu cầu các em có sổ riêng, ghi lại nhiều lần tiếng, từ  hay viết sai để các em nhớ mặt chữ và sẽ không viết sai những chữ đó ở lần sau.

*Khi sử dụng phương pháp, biện pháp dạy chính tả trên giáo viên cần chú ý:

  -Động viên, góp ý nhẹ nhàng khi học sinh phát âm, phân tích, viết sai …, không chê trách hay tỏ ra bất mãn với những sai sót của học sinh.

  -Giúp học sinh sửa chữa kịp thời những lỗi sai chính tả mà em thường mắc phải.

  -Xây dựng một số mẹo chính tả để giúp học sinh sửa được những lỗi sai phổ biến.

  -Kết hợp được nhiều phương pháp (kết hợp cả phương pháp tích cực và phương pháp tiêu cực: xây dựng cái đúng, loại bỏ cái sai), hình thức tổ chức dạy học để giờ chính tả không trở thành giờ học khô khan, cứng nhắc.

  Hiện tượng học sinh viết sai nhiều lỗi chính tả phần lớn là do phát âm sai dẫn đến viết sai. Vì vậy giáo viên cần chú ý luyện phát âm cho học sinh để phân biệt âm đầu, vần, thanh dễ lẫn. Việc rèn phát âm không chỉ được thực hiện ở tiết tập đọc mà được thực hiện thường xuyên, liên tục trong tất cả các môn học, kể cả trong sinh hoạt. Với những học sinh có vấn đề về phát âm như nói ngọng, nói lắp, … giáo viên cần đặc biệt quan tâm, hướng dẫn học sinh sửa sai phát âm từng âm, vần, tiếng, kể cả luyện uốn lưỡi, độ mở của miệng… để học sinh phát âm đúng và tiến đến viết đúng.

  Đối với những tiếng có vần khó, tiếng dễ lẫn lộn giáo viên cần giúp học sinh phân tích cấu tạo tiếng, nhấn mạnh những điểm khác nhau giữa cách viết đúng và viết sai  để học sinh thấy được những điểm khác nhau để ghi nhớ.

 Ví dụ:  khuỷu = kh + uyu + thanh hỏi

               khuỷ = kh + uy + thanh hỏi

              buồng = b +uông + thanh huyền

            buồn = b + uôn + thanh huyền

   Cần cho học sinh so sánh để thấy được sự khác nhau trong từng cặp từ vừa phân tích để học sinh ghi nhớ. Với cặp từ dễ lẫn lộn giáo viên có thể yêu cầu học sinh tìm thêm từ có âm, vần, thanh dễ lẫn vừa phân tích để các em phân biệt cụ thể hơn, các em sẽ ghi nhớ và viết sẽ không bị sai. Hoặc giáo viên thu thập những từ ngữ có âm cuối mà học sinh hay viết lẫn lộn, nói cách khác là tiến hành khảo sát, thống kê lỗi chính tả này của học sinh.

  Ví dụ: gậc gù, gậc đầu, hạc lúa, hạc mưa, tác nước, to tác, tấc cả, tấc bậc, vơ véc, vức bỏ…., biếng mất, biếng đổi, châng trời, châng tay, vang lạy, vang nài, làn xóm, dân nước, buồn chuối, cửa buồn …

   Trên cơ sở đó giáo viên soạn một hệ thống so sánh phân biệt cặp phụ âm cuối t/c; n/ng, tiến tới hình thành cho học sinh ý thức và thói quen viết đúng, viết phân biệt các cặp từ ngữ có hai phụ âm cuối này.

   Mẹo luật chính tả là các hiện tượng chính tả mang tính quy luật chi phối hàng loạt từ, giúp giáo viên khác phục lỗi một cách hữu hiệu. Cần cho học sinh thuộc các quy tắc chính tả như: Các âm đầu k, gh, ngh chỉ đứng trước các nguyên âm: i, e, ê, iê, ie; viết yê khi đứng trước là âm đệm u và có âm cuối; khi đúng trước âm chính là nguyên âm mở (a, ă, e …) âm đệm viết là o (ví dụ: băn khoăn, tóc xoăn,…), đứng trước ơ, â, ê âm đệm viết là u (ví dụ: huơ, huệ, tuần …). Ngoài ra giáo viên cũng cần cho các em biết một số mẹo chính tả; sau đây là một số mẹo:

   -Để phân biệt âm đầu s/x: Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt đầu bằng s: si, sồi, sứ,  sung, sim, sao, sầu đâu, sầu riêng, sắn, su su, sa nhân, so đũa,… sâu, sư tử, sói, sò, sên, sẻ, sáo, sứa, sóc, …

   -Để phân biệt vần dễ lẫn lộn (vần có âm cuối n/ng, t/c):

      Mẹo 1: Hầu hết các từ tượng thanh vần có âm cuối là ng: lẻng kẻng, ăng ẳng, sang sảng, thùng thùng, đùng đoàng, leng keng, reng reng, sằng sặc, eng éc, quang quác, chập cheng, …

     Mẹo 2: Trong từ láy thường theo khuôn vần: an - at (man mát, san sát, chan chát, ran

rát, …), ang - ac (khang khác, bàng bạc, nhang nhác, càng cạc,…), ôn - ôt (sồn sột,

dôn dốt, tôn tốt, mồn một, …), vần ông - ôc (xồng xộc, công cốc, cồng cộc, …), vần un - ut (vùn vụt, ngùn ngụt, vun vút, …), vần ung - uc (sùng sục, khùng khục, trùng trục…)

   -Để phân biệt thanh hỏi/ ngã

      Mẹo 1: Từ gộp âm chỉ mang thanh hỏi không mang thanh ngã

   Ví dụ: vơ + ấy = vở

              Cô + ấy = cổ

              Mơ + ấy = mở

              Nghi + ấy = nghỉ

     Mẹo 2: Đa số các láy âm đầu, nếu yếu tố đứng trước mang thanh huyền, ngã, nặng thì yếu tố sau sẽ mang thanh ngã (luật trầm), nếu yếu tố trước mang thanh ngang, sắc hỏi thì yếu tố đứng sau mang thanh hỏi hoặc ngược lại (luật bổng).

   Ví dụ: Luật bổng

     Ngang + hỏi: vui vẻ, trẻ trung, nho nhỏ, trong trẻo, …

                Luật trầm:

     Huyền + ngã: vồn vã, sững sờ, lững lờ, vùng vẫy, mỡ màng …

  Việc phát hiện lỗi chính tả, thống kê, tìm nguyên nhân gây lỗi, từ đó tìm ra phương pháp giảng dạy cũng như biện pháp nâng cao chất lượng phân môn chính tả cho học sinh  là hết sức quan trọng và cần thiết. Việc sửa chữa, khắc phục lỗi chính tả cho học sinh không chỉ tiến hành trong một thời gian ngắn mà có kết quả ngay được, đây là là một quá trình lâu dài cố gắng của thầy và trò, vì vậy giáo viên phải kiên trì, biết chờ đợi sự tiến bộ của học sinh thì mới có kết quả tốt.