Bản kiểm điểm tự diễn biến tự chuyển hóa năm 2024

Khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được sử dụng rộng rãi trên sách báo chính trị-xã hôi ở nước ta trong những năm gần đây. Chẳng hạn, hai khái niệm này được được đề cập trong Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI: “chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, chương trình, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.

Theo nghĩa thông thường thì “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là một quá trình sự vật tự thay đổi về chất. Nhưng các khái niệm “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” được sử dụng trong văn kiện của Đảng và trên sách báo chính trị-xã hôi ở nước ta không theo nghĩa như vậy, mà theo nghĩa là sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức và lối sống của cán bộ và đảng viên . Như vậy, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là quá trình tự thay đổi của chủ thể theo hướng tiêu cực. “Tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” của cán bộ và đảng viên nếu không được ngăn chặn sẽ dẫn đến sự chuyển hóa của cả chế độ.

"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều mức độ khác nhau trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây thực sự là một hiểm họa tiềm tàng, một loại kẻ thù giấu mặt, một thứ "giặc nội xâm" nguy hiểm rất khó nhận diện và đáng sợ nhất. Nếu hiện nay chúng ta xác định nền tảng tư tưởng chính trị với những nguyên lý, quy luật trong học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho hành động thực tiễn của cách mạng Việt Nam mang mầu "đỏ thắm" thì sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" theo hướng tiêu cực sẽ làm màu đỏ thắm phai nhạt dần, cuối cùng chuyển sang màu khác hoặc màu đối lập. Hoặc mục tiêu lựa chọn của chúng ta là chủ nghĩa xã hội, song "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" làm nhận thức phai nhạt dần và mục tiêu bị chệch hướng sang chủ nghĩa tư bản...

"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chính là quá trình đấu tranh giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, giữa cái lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể trong tư tưởng, quan điểm, lập trường của người cán bộ, đảng viên. Trong đó, tư tưởng, lập trường, quan điểm thiên về tư bản chủ nghĩa và lợi ích cá nhân tăng dần lên, còn tư tưởng, lập trường, quan điểm về chủ nghĩa xã hội, về lợi ích tập thể phai nhạt và bị xem nhẹ dần. Sự "tự diễn biến" đến một ngưỡng nào đó, khi đạt đến “độ” thì nó "tự chuyển hóa" thay đổi về chất. Trong thực tế cách mạng Việt Nam hiện nay, đó chính là sự thay đổi trong quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Sự thay đổi này đưa tới những hành động đi ngược lại, thậm chí chống lại quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là sự suy thoái từ bên trong, là quá trình tự biến đổi về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực. Chủ thể của "tự diễn biến" là cán bộ, đảng viên, bất kể ở vị trí nào. Vị trí của người cán bộ, đảng viên càng cao thì hậu quả tiêu cực của "tự diễn biến" càng lớn. Còn chủ thể của "tự chuyển hóa" vừa là cán bộ, đảng viên, vừa là tổ chức của chính những cán bộ, đảng viên đó. Tuy nhiên, sự xác định như vậy cũng chỉ mang tính tương đối. "Tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" có quan hệ chặt chẽ với nhau giống như mối quan hệ không thể phân biệt giữa cá nhân trong tổ chức mà cá nhân đó là thành viên. "Tự diễn biến" là quá trình thẩm thấu từng ngày, từng hoạt động của các chủ thể, còn "tự chuyển hóa" là đích đến, là hệ quả của "tự diễn biến" của các cá nhân, tổ chức.

• Biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nhận diện ở những người qua những dấu hiệu như sau:

- Có quan điểm phản bác, phủ định “sạch trơn” học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện;

- Thể hiện thái độ bất mãn, dao động, cực đoan khi nói về thực trạng của đất nước, về vai trò lãnh đạo của Đảng, tương lai của dân tộc. Ủng hộ một cách máy móc, thiếu cơ sở khoa học về một chế độ “đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị”;

- Ca ngợi, tán dương hình mẫu chủ nghĩa tư bản, tự do tư sản, đồng thời xuyên tạc, bịa đặt, áp đặt ý chí chủ quan khi đánh giá về Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chúng ta đang xây dựng;

- Thể hiện thái độ “ba phải”, gió chiều nào theo chiều đó, không có chính kiến, thờ ơ, im lặng trước những vấn đề ở cơ quan, đơn vị và của đất nước;

- Chạy chức, chạy quyền, tham ô tham nhũng, đề cao tư lợi, đề cao lợi ích nhóm, làm giàu một cách bất chính, có lối sống thực dụng;

- Kéo bè, kéo phái, cục bộ địa phương, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ;

- Có lối sống buông thả, sa đọa, phong cách làm việc cửa quyền, hách dịch, tự mãn, nói nhiều làm ít, thiếu sự gắn bó với tập thể, cộng đồng;

- Trong đấu tranh phê và tự phê thể hiện sự cực đoan, thái quá hoặc lợi dụng các diễn đàn để bày tỏ thái độ “đấu tranh” một cách bất mãn, chống đối và trục lợi cho bản thân….

Có thể nói, nhận biết “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một con người hay trong một tổ chức không đơn giản chỉ dựa trên một vài biểu hiện bề ngoài. Vì thực tế hiện tượng bề ngoài không phải lúc nào cũng phản ánh bản chất bên trọng. Vì thế việc kết luận một trường hợp nào đó có vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phải thận trọng, khách quan trên cơ sở phân tích, tổng hợp các dấu hiệu diễn ra có tính hệ thống trong một quá trình nhất định.

• Nguyên nhân của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Quá trình "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" được xem xét diễn ra với ba giai đoạn, ứng với ba mức độ. Ở giai đoạn thứ nhất, đối tượng thể hiện sự hoang mang, dao động, hoài nghi về tư tưởng, chính trị. Ở giai đoạn thứ hai, đối tượng bắt đầu chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều, thu thập tổng hợp thông tin và phát tán những thông tin này với thái độ bất mãn, chán ghét, thù địch. Ở giai đoạn thứ ba, đối tượng có tư tưởng, hành động cực đoan, phản động, chống đối Nhà nước. Khi đã đến giai đoạn thứ ba, đối tượng đã thể hiện rõ tư tưởng chính trị phản động, bất chấp mọi nguyên tắc hoạt động của tổ chức và pháp luật của Nhà nước. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị và sự suy thoái về đạo đức và lối sống có quan hệ tương tác với nhau. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị có thể dẫn tới sự suy thoái về đạo đức và lối sống và ngược lại, sự suy thoái về đạo đức và lối sống có thể dẫn đến sự thoái hóa về tư tưởng chính trị.

Quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân ở sự tác động của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực tư tưởng, kinh tế, chính trị, văn hóa... Sự tác động của các thế lực thù địch có nhiều phương thức, thủ đoạn thâm độc nhằm làm suy thoái, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có nguyên nhân ở những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới (sụp đổ CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các cuộc “Cách mạng màu”, “Mùa xuân Ảrập”...). Có nguyên nhân ở sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Có nguyên nhân ở sự khó khăn trong đời sống của nhân dân nói chung và của phần lớn đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân ở chỗ, phương pháp lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước còn nhiều chỗ chưa khoa học, việc giáo dục đạo đức cách mạng bị buông lỏng, tình trạng tham ô, tham nhũng trong bộ máy chính quyền các cấp chưa ngăn chặn được mà có xu hướng gia tăng. Những nguyên nhân này dẫn đến sự dao động, hoài nghi, giảm niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường cách mạng Việt nam đang đi.

Đặc biệt theo nhiều nghiên cứu cho thấy, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên có nguyên nhân quan trọng, trực tiếp từ chủ nghĩa cá nhân về kinh tế. Đó là: a) Từ lợi ích bất chính về kinh tế của các cá nhân. Vì lợi ích cá nhân bất chính mà con người có thể làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống. Vị kỷ và thực dụng làm cho nhiều cán bộ, đảng viên tha hóa, mất kiểm soát, dần dần "chuyển hóa" lúc nào không hay, ngày càng xa dời lý tưởng cộng sản; b) Từ lợi ích nhóm. Đó chính là một hình thức tham nhũng tập thể, được biểu hiện dưới các hình thức như báo cáo không trung thực, chạy dự án, chạy chức, chạy quyền, chạy chính sách... Lợi ích nhóm không những làm rối loạn, gây thất thoát nền kinh tế quốc gia, mà còn là nguy cơ thúc đẩy nhanh tiến trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; c) Từ tư duy mang tính nhiệm kỳ. Đây là lối suy nghĩ và cách thức hành xử công việc theo nhiệm kỳ bầu cử với mong muốn thu lợi cao nhất cho mình và nhóm lợi ích của mình trong thời gian tại vị; d) Là sự lạc hậu, nghèo đói và những mặt trái của cơ chế thị trường; e) Từ sự yếu kém trong quản lý Nhà nước về kinh tế. Sự yếu kém này là lỗ hổng tạo điều kiện cho những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất lợi dụng, câu kết tham ô, bòn rút ngân sách của công làm của tư v.v…