Bảng xếp hạng weibo 2023

Một số chuyên gia ngành giải trí dự đoán không có show tìm kiếm, đào tạo thần tượng nào được phát ở Trung Quốc trong ba năm tới.

Theo Sina, đầu tháng 8, Tổng cục Phát thanh Truyền hình triển khai nhiều biện pháp nhằm chỉnh đốn mặt tiêu cực từ các chương trình truyền hình, Internet. Cơ quan này yêu cầu hạn chế show thực tế về tìm kiếm, đào tạo sao thần tượng, kiểm tra phương thức bỏ phiếu ở các chương trình. Việc hạn chế show nhằm tạo thời gian để các đơn vị sản xuất xây dựng format, phương thức bình chọn mới, tránh tình trạng show thực tế không chú trọng năng lực của thí sinh mà tập trung vào nhan sắc cùng những ồn ào đời tư của họ.

Tiêu Chiến (phải) và Vương Nhất Bác, hai sao lưu lượng đình đám những năm gần đây, thường dẫn đầu danh sách sao hot ở các bảng xếp hạng. Ảnh: Sina.

Tiêu Chiến (phải) và Vương Nhất Bác, hai sao lưu lượng đình đám, thường dẫn đầu danh sách "sao hot" ở các bảng xếp hạng. Ảnh: Sina.

Từ năm 2015, các chương trình thực tế tìm kiếm, đào tạo thần tượng như X Fire, The Coming One, Sáng tạo 101, Idol Producer, Thanh xuân có bạn... phát liên tục trên truyền hình, Internet, là những "cỗ máy" tạo nên các sao thần tượng như Dương Siêu Việt, Ngu Thư Hân... Sức mạnh của fan cũng phát triển chưa từng có, khi họ có quyền quyết định ai được ra mắt thành thần tượng, thông qua bình chọn. Đơn vị sản xuất và các nhãn hàng đặt ra hình thức bầu chọn là mua sản phẩm của thương hiệu tài trợ, dẫn đến việc hàng nghìn hộp sữa bị đổ bỏ sau khi fan mở nắp quét mã QR để tăng điểm cho thí sinh show Thanh xuân có bạn.

Vấn nạn cuồng thần tượng ở Trung Quốc

Fan thuê người đổ sữa xuống cống sau khi đã mở nắp quét mã. Video: Douyin.

Cơ quan quản lý cũng áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm sức ảnh hưởng của "sao lưu lượng" (những người có các chỉ số truyền thông cao), dẹp bỏ tư tưởng "lưu lượng là trên hết".

Hôm 6/8, đơn vị quản lý Weibo công bố đóng bình chọn "Bảng xếp hạng quyền lực ngôi sao". Bảng này được thành lập năm 2014 để đo mức độ nổi tiếng của nghệ sĩ qua lượt đọc, lượt like, bình luận của fan trên Weibo. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều fan gian lận, mua bình chọn... dẫn đến bảng xếp hạng không còn khách quan. Đơn vị này cho biết đang nghiên cứu thực hiện hệ thống mới để "đo sức ảnh hưởng" của nghệ sĩ, chấm dứt tình trạng fan quyên tiền đưa thần tượng của họ vào danh sách "sao hot".

Ngô Diệc Phàm - một trong các sao lưu lượng đình đám. Anh bị bắt cuối tháng 7 vì tình nghi hiếp dâm. Sau đó, mọi tài khoản mạng xã hội của Diệc Phàm bị xóa sổ - điều chưa có tiền lệ ở làng giải trí. Ảnh: Weibo/Mr Fanxiansheng.

Ngô Diệc Phàm - một trong các sao lưu lượng đình đám. Anh bị bắt cuối tháng 7 vì tình nghi hiếp dâm. Sau đó, mọi tài khoản mạng xã hội của Diệc Phàm bị xóa sổ - điều chưa có tiền lệ ở làng giải trí. Ảnh: Weibo/Mr Fanxiansheng.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng xử lý nhiều hành vi của fan được cho gây ảnh hưởng "không lành mạnh" trên Internet, như xóa 150.000 tin độc hại, xử lý hơn 4.000 tài khoản phạm luật, xóa sổ hơn 1.300 nhóm chat, gỡ 39 app liên quan quyên góp tiền phi pháp.

Cơ quan chức năng có những động thái chấn chỉnh "văn hóa fanquan" (nhóm fan cùng thần tượng). Tờ Dazhong Daily cho rằng thành công của các sao lưu lượng hiện nay, phần quan trọng nhờ vào số liệu fan tạo ra, thời gian cùng tiền bạc của họ. Các thanh thiếu niên dành hàng giờ thậm chí cả ngày để đọc và bình luận về ảnh, tin tức liên quan thần tượng. Trong các fanquan, khán giả bảo nhau mỗi khi nghệ sĩ của họ lên bìa tạp chí, fan cần mua nhiều và nhanh các ấn phẩm, nhằm tăng sức hút cho nghệ sĩ đó.

Trong văn hóa fanquan, nhiệm vụ của fan được phân công, người chuyên theo dõi hành trình của thần tượng, người chuyên đánh nhau để bảo vệ thần tượng, người chuyên săn ảnh... Các fanquan còn phân cấp địa vị từng người, phụ thuộc vào thời gian, tiền bạc họ bỏ ra. Quyền lực nhất là "Fan trùm" - người quản lý fanquan, tổ chức hội tạo tin tức hot cho nghệ sĩ, quyên tiền tặng quà, phô trương thanh thế cho thần tượng, chỉ đạo "cấp dưới" ứng xử khi thần tượng bị nói xấu, trong đó có những người xui khiến fan lăng mạ, đánh nhau vì thần tượng. Theo trang Sohu, "Fan trùm" có thể do chính ngôi sao hoặc công ty quản lý nghệ sĩ thuê làm việc. Có những "Fan trùm" kêu gọi, dụ dỗ được các thành viên quyên góp số tiền lên tới 10 triệu nhân dân tệ (1,55 triệu USD).

Số tiền 90.000 nhân dân tệ được dùng mua bánh rán, đồ uống đóng chai, dưa hấu cho nhân viên đoàn phim. Ảnh: Sina.

Số tiền 90.000 nhân dân tệ (317 triệu đồng) mà fanquan của Đặng Luân quyên góp được dùng mua bánh rán, đồ uống đóng chai, dưa hấu cho nhân viên đoàn phim của anh. Quản lý fanquan này bị nghi ngờ bớt xén tiền bỏ túi riêng. Ảnh: Sina.

Theo báo cáo của hãng iResearch Consulting Group, quy mô thị trường kinh doanh hướng tới fan đạt 4.100 tỷ nhân dân tệ (632 tỷ USD) năm 2020, dự tính đạt hơn 6.000 tỷ nhân dân tệ (925 tỷ USD) vào năm 2023. Tính tới năm 2020, lượng fan của các ngôi sao giải trí trên Weibo đạt 19,2 tỷ (một người có thể đăng ký là fan của nhiều nghệ sĩ).

Lý Đan Lâm, chủ nhiệm khoa Luật Đại học Truyền thông cho rằng cần có những chế tài dành cho cả nghệ sĩ, đơn vị sản xuất chương trình giải trí lẫn fan, nhằm xây dựng thị trường giải trí văn minh, phát triển. Bà cho rằng bài toán giám sát, quản lý fanquan không đơn giản. Bà nói trên Legal Daily:"Cần đặt quy định với hoạt động của fanquan nhưng quy định này do ai đặt ra, fanquan có cần đăng ký hoạt động?... Đó là vấn đề cần các cơ quan chức năng giải quyết".

Như Anh