Bé gái tiếng nhật là gì bé trai shota

Mary Pope Osborne từng nói: “Đọc sách chính là hộ chiếu cho vô số cuộc phiêu lưu”. Quả thực mỗi một cuốn sách là một cánh cửa đưa con người ta đến xứ sở của những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Đó có thể là cánh cửa của tri thức, cho ta những thông tin, kiến thức về những điều mà bản thân chưa từng biết tới. Đó cũng có thể là cách cửa của cảm xúc, dấy lên trong lòng ta những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời hay số phận của một nhân vật nào đó,... Đọc sách chính là cách để ta mở ra những cánh cửa nhiệm màu ấy, để ta phiêu lưu vào thế giới sắc màu ngoài kia và để ta biết được rằng cuộc sống thực tại của chúng ta nó thú vị và đáng giá như thế nào.

Chắc hẳn trong cuộc đời mỗi người ai cũng đã từng đọc ít nhất một cuốn sách và mỗi người đều sẽ có cho mình những cuốn “sách gối đầu giường” mà bản thân vô cùng tâm đắc và yêu quý. Tôi cũng vậy, cuốn sách mà hôm nay tôi muốn giới thiệu, có thể không phải là cuốn sách hay nhất, không phải là cuốn sách được bán chạy nhất hay được giải thưởng đặc biệt nào đó; nhưng với tôi nó lại là cuốn sách để lại cho tôi nhiều cảm xúc và chiêm nghiệm nhất. Và cuốn sách ấy mang tên: “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” của nhà văn người Nhật Bản Higashino Keigo.

Chương đầu tiên của cuốn sách bắt đầu với sự xuất hiện của ba nhân vật: Atsuya, Shota và Kouhei. Cả ba đều là những đứa trẻ không gia đình, phải sống ở trại trẻ và hay đi ăn cắp vặt. Bối cảnh hiện ra khi ba người đang chạy trốn sau khi thực hiện một vụ trộm và họ quyết định núp ở một cửa tiệm bỏ hoang có tên là Namiya – một cửa tiệm cực kì nổi tiếng, chuyên nhận tư vấn và trả lời câu hỏi ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Điều kì lạ bắt đầu khi mặc dù là một cửa tiệm bỏ hoang nhưng bức thư nhờ tư vấn đầu tiên lại xuất hiện từ một vận động viên nữ sắp sửa tham dự Thế Vận Hội. Cô ấy muốn nhờ tư vấn về việc không biết có nên tiếp tục luyện tập cho kỳ tuyển chọn Thế Vận Hội hay ở bên cạnh anh người yêu mắc căn bệnh ung thư sắp qua đời. Sau một hồi tranh luận, ba người quyết định tư vấn cho cô gái và dần dần họ nhận ra rằng họ đang tư vấn cho một người ở trong quá khứ. Cả ba người ở tương lai biết được rằng cô gái sẽ không thể tham dự Thế Vận Hội nên đã ra sức thuyết phục cô ở bên cạnh anh người yêu. Nhưng cô gái vẫn quyết định theo đuổi đam mê, theo đuổi ước mơ, tiếp tục luyện tập cho kỳ Thế Vận Hội. Bởi cô biết rằng đó cũng là ước mơ của anh người yêu. Sang đến chương 2 với sự xuất hiện của nhân vật Katsuro. Bố mẹ anh mong muốn anh học kinh tế tại Tokyo để sau này về kế nghiệp cửa hàng cá gia truyền. Nhưng ngay từ khi còn nhỏ anh đã say mê âm nhạc và để theo đuổi ước mơ trở thành một ca – nhạc sĩ chuyên nghiệp, anh đã bỏ học đại học trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Anh nghĩ rằng gia đình sẽ vô cùng thất vọng và phản đối nên đã tìm mọi cách để lảng tránh, không gặp mặt cha mẹ trong suốt mấy năm liền. Đến tận khi bà nội mất anh mới quay trở về và nhận ra rằng thực ra bố mẹ luôn quan tâm tới ảnh, ủng hộ mọi điều mà anh theo đuổi. Anh đem theo sự kỳ vọng của cha mẹ và quay trở lại Tokyo với quyết tâm biến ước mơ trở thành sự thực. Tuy nhiên, thật đáng buồn, trong một lần biểu diễn thiện nguyện tại một nhà trẻ mồ côi, nhà trẻ bị cháy và để cứu một bé trai ở đó, anh đã qua đời mà chưa kịp thực hiện ước mơ. Đến chương 3, ta lại được bắt gặp câu chuyện của ông Namiya Yuji – chủ tiệm tạp hoá, và người con trai Takayuki. Trước kia cậu con trai không hiểu tại sao người cha của mình không chuyên tâm bán tạp hoá thôi mà còn phải làm thêm cả việc “gỡ rối tơ lòng” cho người khác nữa. Nhưng dần dần cậu mới biết đó là niềm vui của cha cậu, giúp đỡ người khác đối với ông Namiya Yuji đó là điều tuyệt diệu hơn bao giờ hết. Ngay cả trước khi mất, ông Yuji đã bảo người con trai của mình chở về tiệm tạp hoá để nhận những bức thư cảm ơn từ tương lai của những người đã từng nhận lời khuyên của ông bằng một cách kỳ diệu nào đó. Trong đó có một bức thư từ cô con gái của một người phụ nữ từng được tiệm tư vấn. Cô bé đó cảm ơn tiệm vì nhờ có tiệm mà mẹ cô mới sinh cô ra, và nhờ có tiệm mà cô mới biết trước lúc gặp tai nạn và qua đời mẹ cô đã yêu thương cô nhiều như thế nào. Không những vậy, một câu chuyện khác ở chương 4 lại tiếp tục bắt đầu với sự xuất hiện của nhân vật Kousuke. Cậu sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tiếng, giàu có trong vùng. Đặc biệt, nhờ có người anh họ quá cố truyền cảm hứng nên cậu vô cùng hâm mộ nhóm nhạc Beatles. Cậu sưu tập mọi đĩa nhạc của nhóm và coi họ là một biểu tượng bất diệt trong trái tim. Tuy nhiên bi kịch ập đến khi công ty gia đình phá sản, nợ nần chồng chất và ba cậu quyết định đưa gia đình bỏ trốn. Áp lực cuộc sống, áp lực của đồng tiền khiến cho cậu liên tục bị đả kích bởi những lần mắng nhiếc từ người cha của cậu, và đỉnh điểm và khi bị bố quở trách vì cậu đã bán tất cả các đĩa nhạc quý giá chỉ với giá mười nghìn yên. Trong đêm bỏ trốn cùng gia đình, nhân lúc ba mẹ không để ý cậu đã bỏ đi. Vì không có gia đình, cậu phải sống ở trại trẻ mồ côi và khi lớn lên cậu đã trở thành một thợ mộc tài hoa. Cậu luôn che giấu thân phận thật và cho rằng việc bỏ đi là hoàn toàn đúng đắn bởi trong suốt năm tháng ấy ba mẹ cậu không hề đăng thông báo mất tích, hay tìm người thân. Tuy nhiên khi cậu quay trở lại nơi cậu từng sống sau gần mấy chục năm, cậu mới biết được ba mẹ cậu đã qua đời, họ đã dựng lên một câu chuyện để bảo vệ cậu rồi cùng nhau tự sát. Sự đan xen giữa trạng thái cảm xúc vừa đau đớn, vừa ân hận nhưng lại hạnh phúc vì biết được ba mẹ yêu mình thật lòng đã khép lại chương 4 trong một viễn cảnh ảm đạm, xót xa. Và kết thúc cuốn sách là chương 5 với sự trở lại của ba nhân vật: Atsuya, Shota và Kouhei. Cả ba người đang tư vấn cho một người phụ nữ ở trong quá khứ khác có tên là Harumi. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cô muốn bỏ ngành học kinh tế hiện tại và muốn làm nghề tiếp viên – nghề đi phục vụ khách hàng không cần kinh nghiệm nhưng lương khá cao. Biết rằng đó là một nghề không mấy tốt đẹp nên cả ba người đều thuyết phục Harumi từ bỏ và tiếp tục ngành học hiện tại. Cả ba đã tiết lộ bối cảnh kinh tế của Nhật Bản trong một khoảng thời gian gần và nói cho Harumi biết cần phải làm gì. Lúc đầu cô gái không tin nhưng cuối cùng cô vẫn nghe theo và kết quả là 32 năm sau cô đã trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Và thật trớ trêu thay, khi đọc được bức thư cảm ơn trong túi xách của chủ nhà mà Atsuya, Shota và Kouhei vừa mới cướp; họ nhận ra rằng đó chính là nhà của Harumi – người phụ nữ họ đã tư vấn. Kết thúc câu chuyện, ba người quyết định quay trở lại căn nhà cởi trói cho Harumi, quyết định ra đầu thú và làm lại cuộc đời.

Có thể nói “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” là cây cầu nối từ quá khứ đến hiện tại và mang theo cả những lời nhắn gửi tới tương lai dành cho các nhân vật trong câu chuyện. Mỗi nhân vật đều mang một nét tính cách riêng, đều có một hoàn cảnh đặc biệt khác nhau, thông qua đó nhà văn Higashino Keigo gửi gắm những thông điệp về cuộc sống vô cùng ý nghĩa tới người đọc.

Trước hết “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” là một lời động viên, cổ vũ con người ta cần phải tìm cho bản thân mục tiêu sống, sai lầm nào cũng có thể sửa đổi miễn là bản thân nhận ra được sai lầm đó. Trong chương đầu tiên, nếu là những người xấu thực sự, vô cảm, vô tình, hoàn toàn cả ba người: Atsuya, Shota hay Kouhei có thể ngồi trong cửa tiệm chờ đến sáng rồi bỏ trốn. Nhưng khi nhận được bức thư nhờ tư vấn, cả ba đều đã xao động, tranh cãi xem có nên trả lời lại hay không và cuối cùng cả ba đều quyết định sẽ tư vấn. Điều đó cho thấy cả ba người Atsuya, Shota hay Kouhei bản chất đều là những người tốt, đều là người lương thiện muốn giúp đỡ người khác. Nhưng vì hoàn cảnh: cả ba đều bị gia đình bỏ rơi, phải sống ở trại trẻ, Atsuya còn bị chèn ép phải bỏ việc; vì cuộc sống: trại trẻ có nguy cơ bị phá, họ buộc phải kiếm sống nên bắt buộc phải làm cái nghề ăn trộm vặt. Và đến cuối chương 5, mặc dù trời gần sáng, nhưng cả ba vẫn muốn tiếp tục ở lại để tư vấn cho người khác và lần đầu tiên xuất hiện suy nghĩ: “Không phải chuyện tiền bạc. Tao không cần kiếm tiền. Trước giờ tao chưa bao giờ suy nghĩ điều gì đó nghiêm túc cho người khác mà không tính toán thiệt hơn…” rồi “Sống đến bây giờ, tối nay là lần đầu tiên tao cảm thấy có ích cho người khác. Ý là một người như tao, một thằng ngốc như tao ấy”. Dường như cả ba người đã nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, họ nhận ra rằng giúp người khác và được họ biết ơn, điều đó vui và hạnh phúc đến nhường nào. Và đến khi biết được người mình vừa làm hại lại là người mình đã tư vấn và cảm ơn thì ba người đã quyết định: “Quay về căn nhà đó và trả lại đồ bọn mình đã ăn cắp”, “Từ giờ sẽ không bao giờ động đến đồ của người khác nữa”,… Có thể nói trong cuộc sống, ai cũng sẽ mắc sai lầm dù lớn, dù nhỏ, điều quan trọng nhất là chúng ta có nhận ra sai lầm ấy và biết sửa sai đúng lúc hay không. Không điều gì là quá muộn và không điều gì là không thể cho một câu xin lỗi hay một thái độ ăn năn. Đặc biệt tác giả Higashino Keigo còn muốn nhắn nhủ rằng: mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh, một số phận riêng biệt, có người sinh ra đã “ở vạch đích”, nhưng có người lại không được may mắn như thế. Điều quan trọng hơn cả là mỗi chúng ta cần có lí tưởng sống cho chính mình, tìm được điều làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống thì dù hoàn cảnh có khó khăn như thế nào đi chăng nữa, ta cũng sẽ trưởng thành và có thể vượt lên trên tất cả giống như Atsuya, Shota và Kouhei.

Ngoài ra “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” còn là lời động viên cổ vũ con người ta luôn theo đuổi ước mơ, cháy hết mình cho đam mê và nhiệt huyết. Vận động viên nữ trong chương đầu tiên chính là minh chứng cho điều đó. Mặc dù được tiệm khuyên rằng nên ở bên cạnh anh người yêu, được tiệm thông báo trước rằng Thế Vận Hội sẽ không được tổ chức nhưng cô vẫn kiên trì tập luyện đến hơi thở cuối cùng. Bởi cô biết rằng việc tham dự Thế Vận Hội đó không chỉ là ước mơ, là hoài bão của mình cô, mà còn là ước mơ của người bạn trai đang nằm bệnh của cô nữa. Chính vì vậy nên mặc dù không được chọn để tham dự kỳ Thế Vận Hội cô vẫn vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện, ngay cả người bạn trai của cô trước khi mất đã nói rằng: “Cảm ơn em vì ước mơ”. Hay đến chương 2, nhân vật Katsuro đã dành cả thanh xuân của mình để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc mặc cho sự khuyên ngăn của bố mẹ, sự bàn tán của người đời. Mặc dù anh không đạt được ước mơ sẽ trở thành một ca – nhạc sĩ nổi tiếng nhưng anh đã đạt được ước mơ có người lắng nghe mình hát, hát bằng tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết. Sau sự hi sinh của anh, tác phẩm của anh đã được kế thừa và trở nên nổi tiếng bởi đứa trẻ mà anh đã cứu trong vụ hoả hoạn năm đó. Đứa bé đã giúp anh thực hiện nốt ước nguyện mà anh còn dang dở. Đó cũng chính là thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm đặc biệt là với thế hệ trẻ ngày nay: hãy luôn theo đuổi ước mơ và chiến đấu vì nó đến hơi thở cuối cùng. Hãy nhớ rằng thành công đôi khi không phải là thành quả mà chúng ta đạt được, thành công đôi khi lại là hành trình mà chúng ta theo đuổi ước mơ. Đó là là khi ta cảm nhận được niềm vui hay ý nghĩa cuộc sống khi được làm điều mình muốn, đó cũng có thể là khi ta thất vọng bởi bản thân đã thất bại trên hành trình chinh phục ước mơ,… Chỉ cần trên chặng đường bản thân đi, ta luôn cảm nhận được đầy đủ những thăng trầm, những giây phút thăng hoa ấy, đó đã là một thành công rất lớn rồi.

Đặc biệt, “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” còn là bài ca về tình cảm gia đình vô cùng ấm áp. Thể hiện đầu tiên ở chương 2, mặc dù rất muốn con trai của mình là anh Katsuro kế nghiệp cửa hàng cá gia truyền của dòng họ và từ bỏ ước mơ làm nhạc sĩ viển vông nhưng khi có người nói con trai mình là làm dăm ba việc vớ vẩn, ông Takeo – bố của Katsuro đã lên tiếng bảo vệ con trai: “Lắm chuyện, đừng có nhúng mũi vào chuyện người khác”. Hay khi đổ bệnh, và thấy Katsuro định từ bỏ ước mơ để quay về tiếp quản tiệm cá ông liền nói: “Thế nên mày không cần nghĩ ngợi gì cả, cứ cố thêm một lần nữa đi. Hãy lên Tokyo chiến đấu. Dù thua cũng vẫn phải chiến đấu. Phải để lại dấu ấn. Chưa làm được thì đừng vác mặt về hiểu chưa?” Hay khi đến chương 3, có một bức thư cảm ơn từ cô con gái của một người phụ nữ từng được tiệm tư vấn. Trong thư có kể rằng người mẹ vì không có tiền nên đã dùng toàn bộ phần tiền còn lại để chăm sóc cho đứa con duy nhất của mình. Trong lúc lái xe do bị hạ đường huyết nên đã lao xuống biển, may thay người phụ nữ đã kịp tỉnh lại, đưa con mình ra khỏi cửa kính ô tô, còn cô đã qua đời. Có thể nói tình cảm gia đình luôn là một thứ tình cảm quý giá hơn bao giờ hết. Ba mẹ luôn là những người yêu thương con cái hết mực, họ luôn muốn dành mọi điều tốt đẹp nhất cho con cái, nên trên quãng đường mà chúng ta đi, bố mẹ có phản đối hay không đồng tình một điều gì đó, tất cả đều chỉ muốn tốt cho con mà thôi. Hơn hết họ luôn luôn đứng đằng sau để ủng hộ cho mọi quyết định của chúng ta, luôn đứng đằng sau để tiếp thêm động lực để ta bước tiếp trên hành trình phía trước. Và cho dù rằng chúng ta có thành công hay thất bại đi chăng nữa, gia đình luôn là nơi dang rộng vòng tay chờ đón chúng ta vô điều kiện.

Và cuối cùng “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” còn là lời nhắn nhủ khuyên con người ta cần phải sống có trách nhiệm với cuộc sống, với xã hội. Và nhân vật Namiya Yuji – chủ tiệm tạp hoá chính là nhân vật tiêu biểu cho điều đó. Ông nhận tư vấn miễn phí không phải vì danh tiếng hay tiền bạc mà bởi lẽ thực sự trong thâm tâm ông mong muốn được giúp đỡ người khác chia sẻ những vấn đề của họ. Ông trả lời hết toàn bộ tất cả các thư dù là trêu đùa hay nghiêm túc đến người con rai còn nói rằng: “Đó chính là động lực sống của bố tôi”. Và chính nhờ vào lời tư vấn chân thành, từ tận đáy lòng đó mà ba người: Atsuya, Shota và Kouhei đã hoàn lương và nhận ra được ý nghĩa cuộc sống. Nhờ lời tư vấn đó mà Katsuro hay cô gái Vận Động Viên đã tiếp tục theo đuổi ước mơ, sống hết mình đến giây phút cuối cùng,… Có thể nói mỗi chúng ta sinh ra đều mang trên mình một trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng cộng đồng; vì vậy hãy luôn đóng góp công sức của bản thân dù chỉ là nhỏ nhất cho xã hội. Giống như ông Yuji trong câu chuyện, thứ ông cho đi chỉ là những lời khuyên và sự chân thành nhưng điều đó đã giúp được biết bao người gặp khó khăn ngoài kia. Cuộc sống hiện thực cũng thế thôi, hãy biết cống hiến, hãy biết cho đi, điều mà sau này chúng ta nhận được sẽ còn nhiều hơn như thế, giống như ông Yuji nói: “Đó là sự cảm kích”.

Đây đã là lần thứ năm tôi đọc lại cuốn sách dày gần 400 trang này, nhưng cảm xúc khi đọc vẫn như lần đầu tiên vậy: thú vị và hấp dẫn. Mỗi lần đọc lại tôi lại hiểu thêm được ít nhiều về những tầng ý nghĩa mà nhà văn Higashino Keigo muốn gửi gắm thông qua “Điều kì diệu của tiệm tạp hoá Namiya”. Nhờ có cuốn sách mà tôi đã có thêm động lực hơn rất nhiều trên chặng đường đi đến thành công của bản thân cũng như càng thêm trân trọng những tình cảm mà ba mẹ dành cho mình. Tôi hi vọng các bạn sau khi đọc cuốn sách này cũng sẽ cảm nhận được những “gam màu sặc sỡ” về cuộc sống giống như nhà văn từng nói trong cuốn sách: “Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời”.