Các chỉ số đánh giá trẻ 3 tuổi năm 2024

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), cân nặng là một trong những yếu tố đánh giá sự phát triển về thể chất ở trẻ em. Theo đó, trẻ ở mỗi giai đoạn phát triển sẽ có mức cân nặng tiêu chuẩn khác nhau. Bài viết hôm nay sẽ tìm hiểu về cân nặng ở trẻ em 3 tuổi.

1. Quá trình phát triển cân nặng ở trẻ

Cân nặng là yếu tố cho thấy tình trạng dinh dưỡng và phát triển về thể chất của trẻ. Mức cân nặng của trẻ ở mỗi độ tuổi nên nằm trong một khoảng giới hạn nhất định được gọi là cân nặng tiêu chuẩn. Cân nặng của trẻ cao vượt quá mức cân nặng tiêu chuẩn phản ánh tình trạng thừa dinh dưỡng, béo phì và ngược lại, cân nặng thấp hơn mức tiêu chuẩn cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu cân.

Sự phát triển cân nặng của trẻ theo từng giai đoạn tuổi là khác nhau. Theo đó ở trẻ sơ sinh sau khi chào đời cân nặng sẽ tăng lên nhanh chóng. Đến giai đoạn trẻ được 1 tuổi, cân nặng có thể tăng gấp rưỡi so với khi chào đời. Mức cân nặng của trẻ thay đổi tăng dần theo sự lớn lên về độ tuổi, vì vậy cha mẹ nên theo dõi cân nặng của trẻ theo định kỳ rồi so sánh với mức cân nặng chuẩn, từ đó có thể đánh giá quá trình phát triển của trẻ. Chẳng hạn như trẻ em 3 tuổi, cha mẹ nên theo dõi cân nặng của trẻ dựa theo nguyên tắc “trẻ 3 tuổi có cân nặng bao nhiêu là đủ”, điều đó giúp các mẹ có chế độ dinh dưỡng và định hướng phát triển phù hợp cho bé.

Sự phát triển của mỗi bé là khác nhau tùy thuộc vào các khía cạnh trong cuộc sống bao gồm cả yếu tố di truyền và môi trường. Cha mẹ có thể xác định xem trẻ có đang phát triển với tốc độ khỏe mạnh về cân nặng hay không bằng cách dựa vào bảng cân nặng tiêu chuẩn theo độ tuổi do Tổ chức y tế thế giới công bố (WHO). Vậy trẻ 3 tuổi nặng bao nhiêu kg là đủ? Theo đó, trẻ 3 tuổi có cân nặng dao động từ 10.8 đến 18.1 kg với bé gái và khoảng 11.3 đến 18.3 kg đối với bé trai.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, sự tăng trưởng của trẻ là khác nhau theo từng giai đoạn, vì vậy nếu cha mẹ chỉ dựa vào cân nặng của trẻ ở một thời điểm duy nhất sẽ rất khó để nhận định rằng liệu trẻ có đang phát triển theo tiêu chuẩn bình thường hay không. Thay vào đó, cha mẹ nên theo dõi cân nặng của trẻ định kỳ ví dụ như đo cân nặng cho trẻ mỗi tháng một lần... Trong trường hợp cân nặng của bé quá cao hay quá thấp so với mức tiêu chuẩn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để có những lời khuyên hợp lý về chế độ chăm sóc để giúp trẻ phát triển tốt hơn.

Để trẻ 3 tuổi có cân nặng đủ và chuẩn thì năng lượng cần cung cấp mỗi ngày trẻ khoảng từ 1200 – 1500 calories. Khẩu phần ăn mỗi ngày cho trẻ cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, chẳng hạn như mẹ có thể cho bé ăn 6 bữa mỗi ngày với 3 bữa chính sáng, trưa, tối và 3 bữa phụ sẽ giúp bé hấp thu tốt hơn.

Các chỉ số đánh giá trẻ 3 tuổi năm 2024

Trẻ 3 tuổi cân nặng bao nhiêu cân là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển cân nặng của trẻ

Phát hiện và điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển cân nặng của trẻ sẽ giúp cha mẹ chăm sóc trẻ toàn diện hơn, đặc biệt là cân nặng ở trẻ 3 tuổi là giai đoạn tuổi mà trẻ đang phát triển nhiều về thể chất và trí tuệ. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển cân nặng của trẻ bao gồm:

3.1. Yếu tố di truyền

Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, trẻ em luôn thừa hưởng các đặc điểm di truyền từ bố mẹ và yếu tố này cũng được xem là tác động lớn đến sự phát triển về cân nặng của trẻ. Mặc dù vậy, nó cũng không phải là yếu tố quyết định đến sự phát triển của trẻ và trẻ chỉ bị ảnh hưởng khoảng 23% từ yếu tố di truyền.

3.2. Chế độ dinh dưỡng và môi trường

Chế độ dinh dưỡng và môi trường bên ngoài là hai yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cân nặng của trẻ. Chế độ ăn thiếu dưỡng chất sẽ làm trẻ suy dinh dưỡng, làm chậm quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Theo đó, trẻ 3 tuổi nặng bao nhiêu kg là đang có chế độ dinh dưỡng phù hợp? Các bậc cha mẹ nên xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống phù hợp với cân nặng hiện tại và theo từng giai đoạn để từ đó giúp trẻ đạt được mức cân nặng theo tiêu chuẩn chung.

3.3. Bệnh lý

Yếu tố bệnh lý gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Chẳng hạn như trẻ thiếu máu hình lưỡi liềm thì thường thấp bé và nhẹ cân hơn trẻ khỏe mạnh bình thường.

3.4. Sự chăm sóc của người lớn

Sự chăm sóc của người thân như cha, mẹ, ông, bà... luôn có ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

3.5. Sức khỏe của mẹ khi mang thai

Để trẻ sinh ra có cân nặng đạt chuẩn và khỏe mạnh, sức khỏe và chế độ ăn của mẹ trong thời gian mang thai là rất quan trọng. Chế độ ăn của mẹ cần đầy đủ dinh dưỡng, cung cấp đủ canxi, vitamin D, acid folic và DHA... Bên cạnh đó, tâm trạng của người mẹ phải luôn thoải mái, sự căng thẳng của mẹ có thể dẫn đến chậm phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ khi sinh ra.

3.6. Chế độ vận động và tập thể dục thể thao

Chế độ vận động và tập thể dục thể thao giúp trẻ có cân nặng, vóc dáng cân đối và tránh nguy cơ về các bệnh tim mạch như tiểu đường hay tim mạch ở trẻ thừa cân. Vì vậy, cha mẹ nên xây dựng cho con một chế độ luyện tập và ăn uống phù hợp cho sự phát triển của trẻ.

XEM THÊM:

  • Đau bụng quanh rốn ở trẻ: Những điều cần biết
  • 4 phương pháp xử trí hẹp bao quy đầu ở trẻ
  • Những biểu hiện bình thường, bất thường sau nong bao quy đầu ở trẻ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.