Canh dưỡng sinh đài loan có tốt không

Đến nay, quyển sách không còn thấy bày bán, thay vào đó là những bản photocopy hoặc nội dung sách được truyền khẩu. Người ta đang đua nhau sử dụng một loại “canh dưỡng sinh” giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng và chữa trị nhiều loại bệnh tật...

Cuốn sách Canh dưỡng sinh - phát minh mới nhất của người Nhật về bí quyết phòng ngừa và tự chữa bệnh nan y hiệu nghiệm thần kỳ của NXB Đà Nẵng năm 2003 do tác giả Lập Thạch Hòa, người được giới thiệu là Viện trưởng Nghiên cứu Y - Hóa Nhật Bản viết.

Theo cuốn sách, nguyên liệu để nấu canh dưỡng sinh gồm có củ cải trắng 80-100 g, cà rốt 80-100 g, lá và cọng củ cải trắng 20 g, ngưu báng 15-20 g, nấm đông cô Nhật Bản 1-2 cái. Cách nấu là đổ 3 phần nước 1 phần xác, nấu sôi, riu riu lửa thật nhỏ khoảng 60 phút, chắt lấy nước ra bình sứ hoặc ly, chai... Nồi nấu tốt nhất là bằng thủy tinh, nếu không có thì dùng xoong nhôm có nắp đậy.

Toàn bộ cuốn sách dài 180 trang đều tập trung giới thiệu về tác dụng thần kỳ của loại canh dưỡng sinh này. Điều làm người đọc đặc biệt chú ý khi đọc cuốn sách này là những dòng quảng cáo cực kỳ hấp dẫn, chẳng hạn: “Nhiều người mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối, bệnh viện đã tuyên bố không còn hy vọng sống, nhờ uống nước canh này mà đã bình phục. Một số người khác bị bệnh tiểu đường và viêm gan C, những chứng bị liệt và loại nan y, cũng nhờ uống nước canh mà đã khỏi bệnh...”. Cuốn sách còn dẫn giải lời của 22 người trong tổng số 25.000 bệnh nhân đã được “cải tử hoàn sinh” nhờ uống loại nước canh thần diệu này. Đó là những trường hợp mắc các chứng nan y như: ung thư, tiểu đường, gan, suy thận, sưng tuyến tiền liệt, bệnh gout, loét bao tử, ung thư phổi, xơ gan, ung thư gan, thậm chí cả HIV/AIDS. Chưa hết, cuốn sách cũng không quên dẫn lời một trường hợp nhận xét rằng: “Mỗi ngày uống một ly canh dưỡng sinh, cả ngày uống rượu... không say!?”...

Những lời khoe khoang trong cuốn sách này khiến nhiều người phải đặt câu hỏi nghi ngờ về một loại thần dược chữa bách bệnh, trong đó có bệnh ung thư và cả bệnh AIDS.

Vài tháng trở lại đây, tại nhiều hiệu thuốc đông y ở Hà Nội, đã xuất hiện những tấm biển quảng cáo “Bán canh dưỡng sinh”. Tuy nhiên, do cách chế biến mất nhiều thời gian nên trên thị trường nhanh chóng xuất hiện sản phẩm “Canh dưỡng sinh” chế biến sẵn, thậm chí có cả sản phẩm của một công ty y dược. Canh được chế biến dưới dạng cốm, đóng trong gói nhỏ. Theo giới thiệu của nhà sản xuất, sản phẩm được bào chế đặc biệt theo đúng công thức canh dưỡng sinh Nhật Bản. Do cách sử dụng tiện lợi, hương vị dễ uống, giá cả hợp lý (45.000 đồng/hộp 20 gói) nên sản phẩm này đang bán khá chạy trên thị trường...

Tại TP HCM, khi đến các chợ An Đông, Bến Thành... hỏi thăm về canh dưỡng sinh, hầu như không tiểu thương nào không biết. Ai cũng sẵn lòng chỉ nơi bán nguyên liệu nấu canh dưỡng sinh và cách nấu, công dụng của canh. Chị bán hàng sạp Vĩnh Mai, chợ An Đông (có bán nguyên liệu nấu canh), tư vấn thành phần gồm củ cải trắng, cà rốt, nấm đông cô Nhật, ngưu báng (không có cọng và lá củ cải trắng như hướng dẫn trong sách - PV). Khi nấu thì cho tất cả vô nồi, muốn uống cả ngày thì đổ nhiều nước.

Với những lời quảng cáo có thể điều trị và hỗ trợ điều trị các bệnh tiểu đường, ung thư, viêm nhiễm mạn tính, tăng mỡ máu, cao huyết áp, lão suy... tại một số hiệu thuốc đông y ở Hà Nội, những loại thảo dược như nấm đông cô, củ ngưu báng đã bắt đầu có dấu hiệu “sốt” hàng. Dù được bán với giá 150.000 đồng/kg nấm đông cô và 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg ngưu báng nhưng những vị thuốc này vẫn bán khá chạy.

Hiện chưa có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc để xác định rõ công dụng của canh dưỡng sinh.

Theo Lương y Đào Trọng Văn, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Y học Cổ truyền TP HCM: Nhiều bệnh nhân “khoe” rằng có sử dụng canh dưỡng sinh và cũng có người hỏi thăm về công dụng của loại canh này. Căn cứ vào thành phần canh, nếu người bình thường ăn vào sẽ không có hại. Cây ngưu báng trong đông y có tác dụng trừ phong, giải ngứa, giải độc; hột ngưu báng có thể giải phong, lợi tiểu, kháng khuẩn; rễ cây có tác dụng thông tiểu, chữa mụn nhọt. Trường hợp sử dụng canh dưỡng sinh như 1 liều thuốc trị bệnh thì không ổn vì nếu bệnh nhân quá tin tưởng rằng canh dưỡng sinh trị hết bệnh, chỉ uống nước canh mà thờ ơ, không chịu đi khám bệnh, điều trị đúng mức đến khi bệnh nặng mới vào bệnh viện điều trị thì đã trễ.

TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) thì khẳng định không có thực phẩm chữa bách bệnh. Trên thực tế, có nhiều loại chất trong thực vật có tác dụng chống oxy hóa, dự phòng lão hóa tế bào, ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tật nhưng chưa có loại thực phẩm nào có thể chữa bách bệnh mà không kèm một chế độ luyện tập, ăn uống. Một số công trình nghiên cứu, chủ yếu là của nước ngoài đã chỉ ra các chất như: betacaroten trong cà chua, gấc; omega 3 trong tảo biển, cá hoặc ăn nhiều tỏi có thể giúp chống lão hóa, dự phòng mỡ máu cao... Tuy nhiên, để dự phòng các bệnh mạn tính, việc kiểm soát cân nặng, có chế độ ăn uống hợp lý vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Về loại canh dưỡng sinh này, Viện Dinh dưỡng chưa có nghiên cứu nên không thể kết luận được giá trị đích thực, tốt xấu ra sao.

Còn theo bác sĩ Trần Văn Năm, Trưởng Khoa Khám bệnh Viện Y Dược học Dân tộc, chưa từng được nghiên cứu tại VN. Cho đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về canh dưỡng sinh. Những trường hợp bệnh nhân sử dụng đều do truyền tai nhau mà thôi. "Vì chưa có tài liệu khoa học nào nghiên cứu, công nhận hay bác bỏ tác dụng của canh dưỡng sinh nên chúng tôi chủ trương không khuyến khích bệnh nhân sử dụng loại canh này".