Chu che là gì

.

Hiện nay, tình trạng người trẻ, nhất là trong lứa tuổi học sinh, sinh viên thường sử dụng ngôn ngữ theo kiểu tự chế để nhắn tin trên điện thoại, mạng xã hội, kể cả trong tập vở cũng xuất hiện kiểu chữ viết tắt nửa tây, nửa ta, nửa chữ, nửa số...

Một đoạn tin nhắn điện thoại với nhiều chữ được mã hóa [Ảnh minh họa]

Theo một số chuyên gia giáo dục, nếu giới trẻ sử dụng thường xuyên ngôn ngữ “tự chế” này, không chỉ đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển tư duy, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt trong việc trình bày ý tưởng cũng như khi thể hiện văn bản, gây bất lợi trong quá trình học tập và làm việc.

* Ngôn ngữ “thập cẩm”

Đọc được tin nhắn của con gái đang học lớp 12 gửi một người bạn cùng trường, chị T.T.N.L. [phường Tân Mai, TP.Biên Hòa] “choáng” với cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.  Tin nhắn con gái chị viết có nội dung như sau: “t * a lại nói vs e nt. A có bik la em pùn lắm k? We nên nghĩ l nhg j đã làm. We đã có 1 tg iu nhao r đẹp, jờ * lại nói vs nhao nhg lời k vui?” [Tại sao anh lại nói với em như thế. Anh có biết là em buồn lắm không? Chúng ta nên nghĩ lại những gì đã làm. Chúng ta đã có một thời gian yêu nhau rất đẹp, giờ sao lại nói với nhau những lời không vui?].

Kiểu ngôn ngữ tự chế này đang rất phổ biến và thịnh hành trong giới trẻ. Dù không theo bất cứ quy ước nào, song với kiểu ngôn ngữ “tự chế” này đa số các bạn trẻ đều dễ dàng nhận biết. Không ít bạn trẻ xem loại ngôn ngữ “thập cẩm” là sành điệu, hợp thời vì nhanh, đỡ tốn thời gian, nhấn trực tiếp vào nội dung chính, không cần suy nghĩ cấu trúc.

Võ Thanh Ngân, sinh viên năm 3 Trường đại học Đồng Nai lý giải: “Tiếng Việt của mình nếu viết đủ chữ thì dài lắm nên tụi em thường viết theo âm, đọc sao, nói sao thì viết vậy; đặc biệt là dùng ký hiệu, chèn thêm tiếng Anh để giản lược số chữ, miễn đọc hiểu được là được”.

Quả thực, khi xem một số trang mạng xã hội: Facebook, Zalo của một số bạn tuổi teen mới thấy ngôn ngữ “chat” của giới trẻ bây giờ rất đa dạng, phong phú nhưng rất khó hiểu bởi chữ nghĩa bị mã hóa, bớt xén, cắt nối, thậm chí dùng cả ký hiệu toán, lý, hóa, Anh văn để gửi thông điệp của mình trên tin nhắn, bình luận.

Ví dụ như dùng từ “pà con” [bà con], “gato” [ghen ăn tức ở], “g9” [goodnight - chúc ngủ ngon], “4u” [foryou - cho bạn] hay “b4” [before - trước] hoặc “s2y” [same to you - bạn cũng vậy nha]. Có những kiểu viết được mã hóa hoàn toàn với các dấu *, #, @... khiến người đọc không thể đoán ra, hoặc đổi chữ “y” thành “i”, chữ “c” thành “k”, chữ “q” thành “w” như “iu wá” [yêu quá], “lun lun” [luôn luôn], thậm chí là “no star where” [không sao đâu], “lemon question” [chanh hỏi - chảnh]...

Tuy nhiên, một số bạn trẻ cũng thừa nhận, dù dùng nhiều và khá rành những ký hiệu của ngôn ngữ mạng, nhưng vẫn có trường hợp người gửi bị hiểu lầm, bị suy diễn dẫn đến bất lợi trong các mối quan hệ. 

* Và những nỗi lo...

Bà Lan Hương, một giáo viên dạy Văn đã nghỉ hưu [ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa] cho biết: “Tôi từng nói với học trò của mình, các em dùng ngôn ngữ “tự  chế” vui chơi trên diễn đàn mạng ở mức độ vừa phải thì chấp nhận được, nhưng lạm dụng đưa cả vào bài văn thì cô sẽ trừ điểm”. 

Trong bài viết Ngôn ngữ của giới trẻ trên internet đăng trên trang Facebook cá nhân của ThS.Thân Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn phát triển tri thức [ITCD - TP.Hồ Chí Minh] có viết: “Ngôn ngữ không chỉ là công cụ để chúng ta học tập, giao tiếp, biểu lộ tình cảm, suy nghĩ của mình, mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển khả năng tư duy, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách con người cũng như khả năng thành công trong cuộc sống. Sử dụng ngôn ngữ chuẩn, giàu biểu cảm và hàm xúc sẽ tạo tiền đề cho những sáng tạo. Bạn trẻ không nên lạm dụng ngôn ngữ... “lẩu”.

Theo bà Lan Hương, một bài văn hoặc một tin nhắn đúng chính tả, có thông điệp rõ ràng, nội dung mạch lạc... sẽ làm người đọc, người nhận hiểu đúng, tiếp nhận nhanh, tránh được tình trạng hiểu lầm và người gửi cũng đỡ mất thời gian... đính chính. Chưa kể, sự cẩu thả trong thói quen viết tắt dẫn đến những bất lợi trong kỹ năng giao tiếp, làm cho người nhận, người đọc khó chịu vì không phải ai cũng hiểu được ngôn ngữ “thập cẩm”.

Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở  GD-ĐT Đào Đức Trình chia sẻ: “Hiện nay có hiện tượng các em học sinh sử dụng ngôn ngữ “tự chế” để giao tiếp với nhau trên mạng xã hội, thậm chí đưa cả vào vở như một trào lưu thể hiện sự sành điệu. Nhiều em coi việc sử dụng từ chuẩn tiếng Việt là... không sành điệu, là không theo kịp thời đại, là quê mùa... Tôi cho rằng, suy nghĩ đó là lệch lạc. Tôi muốn nói với các em rằng, không có sự sành điệu gì ở việc sử dụng loại ngôn ngữ phá cách này”.

“Việt Nam là một dân tộc có chữ viết riêng và tiếng Việt được đánh giá là ngôn ngữ đẹp, giàu âm sắc, không thiếu từ để diễn tả mọi ý tưởng, cảm xúc của người viết, người nói, thế thì tại sao lại phải dùng đến ngôn ngữ tự chế kia. Hơn nữa, là người Việt chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” - Phó giám đốc Sở  GD-ĐT Đào Đức Trình nhấn mạnh.

An Nhiên

Chủ Đề