Hậu quả của việc mang thai ở vị tuổi thành niên

Tầm quan trọng của việc phòng tránh mang thai tuổi vị thành niên

Vấn nạn về giáo dục

Những bạn gái mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên đem theo gánh nặng rất lớn về chi phí kinh tế và xã hội thông qua các tác động trước mắt và lâu dài đến cha mẹ và con cái của họ.

Tỉ lệ nữ sinh bỏ học tại các trường trung học phần lớn do mang thai trong quá trình học. Chỉ 50% bà mẹ vị thành niên nhận bằng tốt nghiệp trung học khi 22 tuổi, trong khi xấp xỉ 90% phụ nữ không sinh con trong độ tuổi vị thành niên tốt nghiệp trung học.

Những đứa con của các bà mẹ này thường có thành tích học tập kém và bỏ học cấp 3, có nhiều vấn đề về sức khỏe, bị bắt giam hoặc sinh con trong tuổi vị thành niên và đối mặt với nguy cơ thất nghiệp khi trưởng thành.[1]

Rủi ro về y tế

Bà mẹ vị thành niên và thai nhi gặp rủi ro về y tế đặc biệt[2]

  • Thiếu sự chăm sóc trước khi sinh

Thiếu nữ khi mang thai đặc biệt nếu họ không nhận được sự giúp đỡ từ cha mẹ có nguy cơ không được chăm sóc trước khi sinh đầy đủ. Chăm sóc trước khi sinh rất quan trọng, đặc biệt trong những tháng đầu của thai kỳ. Sàng lọc trước khi sinh đối với các vấn đề y tế ở cả mẹ và bé, theo dõi sự phát triển của em bé và xử lý nhanh chóng mọi biến chứng phát sinh. Bổ sung vitamin và acid folic trước khi sinh là cần thiết để phòng tránh các dị tật bẩm sinh như dị tật ống thần kinh.

Mang thai ở tuổi vị thành niên có nguy cơ tăng huyết áp trong thai kỳ cao hơn phụ nữ ở độ tuổi 20-30. Đồng thời họ cũng có nguy cơ cao bị tiền sản giật- một tình trạng bệnh lý nguy hiểm kết hợp với huyết áp cao và dư thừa protein trong nước tiểu, sưng tay, mặt và tổn thương nội tạng.

Những rủi ro này ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ, cần sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng. Tuy nhiên điều này cũng có thể làm gián đoạn sự phát triển của thai nhi, dẫn đến biến chứng thai kỳ như sinh non.

Một chu kỳ đầy đủ khi mang thai kéo dài 40 tuần. Em bé được sinh trước 37 tuần tuổi được gọi là sinh non. Trong một số trường hợp, chuyển dạ sớm trong sinh non có thể xử lí bằng thuốc. Những trường hợp khác, trẻ phải được sinh sớm để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Trẻ sinh càng sớm càng dễ mắc những vấn đề về đường hô hấp, tiêu hóa, thị lực, nhận thức,…

Sinh non thường dẫn đến trẻ sinh thiếu cân bởi vì trẻ có ít thời gian hơn ở trong bụng mẹ để phát triển. Trẻ sinh thiếu tháng chỉ nặng khoảng từ 1,5 kg đến 2,5 kg. Trẻ sinh rất non nhẹ hơn 1,5 kg và có thể cần được thở máy trong phòng chăm sóc trẻ sơ sinh của bệnh viện.

  • Lây truyền các bệnh về đường tình dục

Trẻ vị thành niên quan hệ tình dục trong thời gian mang thai có nguy cơ mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia và HIV. Sử dụng bao cao su trong khi quan hệ giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây viêm tử cung và ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.

Mang thai vị thành niên có nguy cơ cao hơn mắc phải trầm cảm sau khi sinh. Bà mẹ vị thành niên cảm thấy suy sụp và buồn bã kể cả trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh nên nói chuyện với bác sĩ hoặc với người họ tin tưởng. Trầm cảm cản trở việc chăm sóc tốt cho trẻ sơ sinh và ảnh hưởng tới sự phát triển của mẹ nhưng có thể chữa trị được.

  • Cảm thấy cô đơn và bị cô lập

Những cô gái khi mang thai ở tuổi vị thành niên không dám nói với bố mẹ, cảm thấy sợ hãi, bị cô lập. Không có sự giúp đỡ của gia đình hoặc người lớn, họ thường không ăn uống, tập luyện hay nghỉ ngơi đầy đủ, không đi khám thai thường xuyên. Có ít nhất một người lớn đáng tin cậy, hỗ trợ - một người nào đó trong cộng đồng, nếu không phải là thành viên gia đình - là vô giá trong việc giúp họ nhận được sự chăm sóc trước khi sinh và tình cảm mà họ cần để giữ gìn sức khỏe trong thời gian này.

Biện pháp làm giảm nguy cơ về sức khỏe khi mang thai ở tuổi vị thành niên

Nếu bạn đang ở độ tuổi vị thành niên và mang thai, sau đây là một số biện pháp giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh [2],[3]

Chăm sóc tiền sản sớm. Gặp bác sĩ để khám tiền sản ngay khi bạn nghĩ rằng mình có thể mang thai.

Tránh xa rượu, ma túy và thuốc lá. Những điều này gây hại cho sự phát triển của thai nhi hơn là bà mẹ. Nếu bạn không thể tự mình cai, hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ người mà bạn tin tưởng.

Uống vitamin trong giai đoạn trước khi sinh với ít nhất 0,4 mg axit folic mỗi ngày để giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh. Việc uống vitamin nên bắt đầu từ trước khi bạn có thai.

Yêu cầu hỗ trợ tình cảm. Làm mẹ mang lại những cung bậc cảm xúc chưa từng có cùng với nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các cô bé vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Liên hệ với bạn bè, gia đình của bạn, cha của em bé - để được hỗ trợ về mặt tình cảm và kinh nghiệm thực tế.

Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể làm tổn thương thai nhi.

Biên soạn:

DS. Phạm Trần Đan Thi

Đỗ Khánh Linh-SV Dược-ĐHYD Hà Nội

Infographic: Phạm Hoài Hoàng Lan-SV- ĐH Công Nghệ TPHCM

Tài liệu tham khảo:

1.About Teen Pregnancy,CDC, March 1, 2019,

//www.cdc.gov/teenpregnancy/about/index.htm [truy cập 20/05/2019]

2.Teen Pregnancy: Medical Risks and Realities,WebMD,October 12, 2017

//www.webmd.com/baby/teen-pregnancy-medical-risks-and-realities#1[truy cập 20/05/2019]

3.Teenage Pregnancy,Medlineplus,

//medlineplus.gov/teenagepregnancy.html[truy cập 20/05/2019]

Video liên quan

Chủ Đề