Hiện tượng đa thê ở việt nam như thế nào

Trong gia đình Việt Nam truyền thống thường có nhiều thế hệ cùng chung sống, vì vậy những phong tục, tập quán dựa trên mối liên hệ huyết thống, từ trực hệ với ông bà đến quan hệ dòng họ (cùng một ông tổ sinh ra) và rộng hơn nữa là quan hệ làng xã, cộng đồng dân tộc (đại gia đình theo nghĩa rộng nhất) vẫn được duy trì. Sự tồn tại của tổ chức gia đình mở rộng với những qui định ràng buộc chặt chẽ theo dòng họ và bị chi phối bởi chế độ “gia trưởng”, các thành viên trong gia đình có vị thế khác nhau, rất khó để có sự bình đẳng thực sự. Thực trạng tảo hôn, bị ép kết hôn, bị gây áp lực để sinh con trai, tình trạng đa thê… diễn ra phổ biến.

Cùng với lịch sử phát triển của đất nước, nền văn hóa dân tộc Việt Nam đã chịu tác động và ảnh hưởng bởi nhiều hệ tư tưởng, văn hóa khác nhau, bên cạnh Đạo thờ Mẫu và Đạo thờ cúng tổ tiên, văn hóa và triết lý Phật giáo cũng có ảnh hưởng sâu sắc đối với người Việt. Đặc biệt, với quá trình xâm nhập và ngự trị của văn hóa Hán – Nho, xã hội Việt Nam đã hình thành nên một hệ giá trị theo tư tưởng Nho giáo, trong đó mọi người đều bị trói buộc bởi năm mối quan hệ: vua – tôi, cha – con, vợ – chồng, anh – em, bạn – bè; năm mối quan hệ này phản ánh hiện thực hai mặt của cuộc sống là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội. Trong xã hội phong kiến, mối quan hệ gia đình được củng cố bằng chế độ tông pháp (họ tộc) và chế độ gia trưởng, còn các quan hệ xã hội thì được duy trì bởi chế độ chính trị đẳng cấp. Đi cùng với các mối quan hệ đó là những qui định giao tiếp bắt buộc mà mỗi thành viên trong xã hội phải thực hiện. Quan niệm về một gia đình có trật tự, kỷ cương lại càng trở nên chặt chẽ và khắc nghiệt hơn, trong đó quyền hành của người cha, người chồng là tuyệt đối, vị thế của người phụ nữ, người vợ rất hạn chế.

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bị chèn ép theo những chế ước hết sức ngặt nghèo, một trong các đạo qui định người phụ nữ phải tuân thủ là “Đạo Tam tòng – Tứ Đức”, cách ứng xử như vậy đã nói lên sự bất bình đẳng đối với phụ nữ trong xã hội phong kiến; ngày nay hiện tượng này tồn tại không nhiều nhưng vẫn tiềm ẩn trong ý thức của các thệ hệ còn ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Bên cạnh đó thực hành tứ đức có mặt tích cực là giúp người phụ nữ chăm chỉ và khéo léo trong lao động (công); biết giữ gìn thân thể, vẻ đẹp vốn có (dung); biết cách ứng xử giao tiếp qua ngôn ngữ, cử chỉ “lời ăn tiếng nói” (ngôn); và giữ được tư cách, đạo đức cần có ở người phụ nữ (hạnh). Mục đích của giáo dục Công – Dung – Ngôn – Hạnh trong xã hội cũ chủ yếu nhằm trang bị cho phụ nữ những kiến thức, kỹ năng hướng tới việc thực hiện bổn phận làm vợ, làm dâu khi lấy chồng. Nếu lược bỏ đi những mặt hạn chế ở tính mục đích và phương pháp giáo dục ngặt nghèo ở chế độ cũ thì Tứ Đức vẫn còn tác dụng tốt, hướng đến việc trang bị các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống đối với người phụ nữ.

Mặt hạn chế trong nội dung giáo dục của Nho giáo nêu trên tạo ra một xã hội với những con người hoặc là bảo thủ, trì trệ, lạc hậu hoặc là nhẫn nhục, cam chịu và như vậy khó mà thi hành được sự bình đẳng trong quan hệ giữa phụ nữ và nam giới. Những quan hệ “ấm cúng” kiểu gia đình gia trưởng là tác nhân kìm hãm năng lực phát triển của con người cá nhân cả về trí tuệ và sự tham gia công việc xã hội; góp phần vào việc duy trì sự tồn tại lâu dài của kiểu gia đình truyền thống.

Bước sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với sự tăng cường mở rộng, giao lưu và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam đã có những bước quá độ chuyển từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại với xu hướng kết hợp duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại. Quy mô gia đình trở nên gọn hơn, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được dân chủ hơn, quan hệ giữa vợ và chồng ngày càng bình đẳng; nhận thức về tình yêu, hôn nhân có nhiều biến đổi trong những năm gần đây, tuổi kết hôn lần đầu của thanh niên, nhất là ở phụ nữ đã được nâng cao, làm cho thiếu niên có nhiều cơ hội và thời gian học tập, tích lũy để chuẩn bị cho cuộc sống gia đình tương lai. Tỉ lệ số phụ nữ được thực hiện quyền bình đẳng về kinh tế, việc làm và được thụ hưởng thành quả lao động ngày càng cao; tự do trong tình yêu và hôn nhân được tôn trọng trên cơ sở bình đẳng giới và được pháp luật bảo vệ, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Có thể thấy, giá trị gia đình Việt gắn liền với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội qua hàng ngàn năm lịch sử, và hiện nay, gắn liền với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gia đình không chỉ là cái nôi sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục các thế hệ trẻ, mà còn là một chủ thể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị nhân văn được giữ gìn và phát huy, thì gia đình Việt cũng đang đối mặt với những vấn đề biến đổi giá trị. Thay vì vun đắp, giữ gìn gia đình thì ly hôn trở thành hiện tượng phổ biến, không chỉ một lần mà có người còn qua vài ba lần, không chỉ ở gia đình trẻ mà cả những cặp đôi từng gắn bó nhiều chục năm, không chỉ ở một vài nhóm cư dân mà có ở tất cả các nhóm, thành phần xã hội. Thay vì vun đắp tổ ấm bằng việc giữ gìn tình yêu thương, sự tôn trọng, sẻ chia thì không ít cặp đôi biến gia đình thành địa ngục bởi bạo lực tinh thần và thể xác, bởi sự thiếu tôn trọng, vô trách nhiệm với nhau và với con cái, cha mẹ. Thay vì chung tay lao động, đảm bảo thu nhập chân chính để phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc con cái thì có gia đình chồng lười biếng, vợ ỉ lại, con phá phách, kinh doanh trái pháp luật, sa vào tệ nạn, dẫn đến con cái bất hiếu với cha mẹ, anh em mâu thuẫn, tranh chấp của cải…
Những biểu hiện phản giá trị nói trên được hình thành bởi chính các thành viên gia đình và bởi những tác động tiêu cực trong xã hội. Trong gia đình, khi hôn nhân không xuất phát từ tình yêu thương mà từ những tính toán vật chất tầm thường, thì chính sự không thỏa mãn về vật chất trong quá trình sống chung sẽ khiến gia đình nhanh chóng tan vỡ. Khi cha mẹ không gương mẫu, vợ chồng thiếu sẻ chia, con cái vô trách nhiệm thì việc sống chung sớm muộn cũng nảy sinh mâu thuẫn. Thật đau lòng trước một thực tế, có một tỷ lệ khá cao các vụ bạo lực gây thương tích, các vụ tự tử hay sát hại nhau, nạn nhân và bị can lại là người một nhà. Về phía xã hội, nền kinh tế thị trường với những mặt trái của nó tác động lên nhiều mối quan hệ, trong đó có gia đình. Không còn “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” để có một gia đình hạnh phúc khi đồng tiền quá được coi trọng. Quan niệm gia trưởng, phụ quyền, phụ nữ phải “tam tòng”, con cái thì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” bao đời ghi dấu ấn sâu đậm trong ý thức, tư tưởng nhiều thế hệ, nay bị đả phá; thay vào đó là giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới, bảo vệ quyền trẻ em. Sự thay đổi hệ giá trị gia đình tạo nên những cú “sốc” tâm lý dẫn đến những phản ứng, hành vi trái ngược. Với người lớn tuổi và thủ cựu, một số giá trị mới bị coi là trái “thuần phong mỹ tục”, nếu ai đó đưa vào đời sống gia đình sẽ bị “trừng phạt”, và đòi hỏi phải “đóng cửa bảo nhau”. Với người trẻ tuổi và cấp tiến, một bộ phận vận dụng giá trị mới bằng quan niệm lệch lạc, như: “con lớn rồi, bố mẹ không có quyền…”; “vợ chồng bình đẳng, anh không làm việc nhà thì tôi sẽ bỏ mặc”…
Không thống nhất về nhận thức dẫn đến không cùng nhau nhìn về một hướng để giải quyết các mâu thuẫn gia đình, đó là nguyên nhân căn bản nhất khiến gia đình Việt hiện nay luôn đối mặt với nguy cơ thiếu bền vững, không hạnh phúc, có thể đổ vỡ.
Mặt khác, trong gia đình Việt Nam ngày nay, sự hình thành các gia đình trẻ, với hôn nhân tự do, tự nguyện, tính độc lập cao, vị thế phụ nữ tăng lên đã tạo nên những chuyển đổi từ các giá trị và phong tục cũ sang những giá trị và phong cách khác theo xu hướng mới. Phụ nữ đơn thân có con xem như không phải chịu sức ép của dư luận như trước. Ly thân, ly hôn không phải là vấn đề bị nhòm ngó như xưa. Tuổi kết hôn tăng lên… Những chủ nhân gia đình trẻ với tính độc lập cao (cả trong tư duy và điều kiện tài chính) sẽ chủ động lựa chọn các giá trị cho gia đình mình. Những gia đình trẻ, quy mô nhỏ song song tồn tại với các gia đình truyền thống đa thế hệ. Tất cả những thay đổi đó dẫn đến một thực tế phổ biến đan xen cái mới chưa hoàn thiện và cái cũ vẫn còn ý nghĩa và chưa thể mất; cùng lúc tồn tại các mức độ khác nhau của các giá trị gia đình truyền thống và gia đình hiện đại. Ở đây rất cần một định hướng có sức thuyết phục, phù hợp với thực tế, theo hướng kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại. Những định hướng này phải tính tới thực tế là gia đình Việt Nam trong quá trình vừa bảo lưu các giá trị truyền thống, vừa tiếp thu yếu tố hiện đại. Những định hướng này phải nhằm xây dựng gia đình vẫn là một đơn vị cơ bản của xã hội Việt Nam, gia đình Việt Nam vẫn là trung tâm của các mối quan hệ giữa các cá nhân với cộng đồng.
Mặt khác, bản thân Nhà nước với công cụ pháp lý và bộ máy thực thi pháp luật cũng chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong điều chỉnh, xử lý các vấn đề tiêu cực của gia đình. Nên Nhà nước với các cơ quan chức năng, chuyên trách về vấn đề gia đình cần tiếp tục nghiên cứu thực tiễn đời sống gia đình đang trong sự vận động, biến đổi để xây dựng luật pháp, các nghị định, các chính sách xã hội thích hợp nhằm phát huy vai trò to lớn của gia đình trong điều kiện mới của đất nước, trong điều kiện chịu các tác động nhiều chiều từ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Gạt đi những cái vốn được coi là giá trị trong gia đình truyền thống nay không còn phù hợp nữa; ngăn chặn những phản giá trị xuất hiện do tác động tiêu cực của các mặt trái trong đời sống hiện đại; nghiên cứu, định hình các tiêu chí gia đình mới, đảm bảo kết hợp được các giá trị truyền thống và hiện đại, là những việc cần làm để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam hiện nay.

1.5/5 - (2 bình chọn)

Bài viết cùng chủ đề

  • Hiện tượng đa thê ở việt nam như thế nào
    Vĩnh Phúc tổng kết triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình
  • Đồng Nai: Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
  • Cần thơ Triển khai Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình
  • Ủy ban Dân tộc: Kết quả triển khai, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình
  • Hiện tượng đa thê ở việt nam như thế nào
    Tôn trọng và yêu thương lẫn nhau – nền tảng của gia đình hạnh phúc
  • Thúc đẩy tương tác gia đình trung lưu với phát triển văn hóa