Ho gà như thế nào

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới, hằng năm có 30 – 50 triệu người mắc bệnh ho gà, trong số đó có khoảng hơn 300 nghìn người tử vong, bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất ở nhóm trẻ nhỏ, thường ba mẹ đưa con tới cơ sở y tế khi bệnh đã trở nặng, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, biết nhận diện và phòng ngừa căn bệnh này là một điều cần thiết. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về căn bệnh ho gà qua bài viết này nhé.

Tóm tắt nội dung

  • 1 Ho gà là bệnh gì?
  • 2 Nguyên nhân
  • 3 Bệnh ho gà có lây không?
  • 4 Các đối tượng dễ bị mắc bệnh ho gà là ai?
  • 5 Các biểu hiện của bệnh ho gà
  • 6 Biến chứng của bệnh ho gà
    • 6.1 Ho gà thể ác tính ở trẻ nhỏ
    • 6.2 Biến chứng nhiễm trùng
    • 6.3 Biến chứng cơ họ do cơn ho
    • 6.4 Biến chứng thần kinh
    • 6.5 Biến chứng rối loạn dinh dưỡng 
  • 7 Ho gà được chẩn đoán như thế nào?
  • 8 Điều trị ho gà như thế nào?
  • 9 Làm sao để phòng ngừa được bệnh ho gà?
  • 10 Phòng khám chuyên điều trị vấn đề tai mũi họng
  • 11 Lời kết
          • 11.0.0.0.1 Tư liệu tham khảo

Ho gà là bệnh gì?

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch. Biểu hiện của bệnh là những cơn ho đặc trưng, dữ dội và không thể kiềm chế, kéo dài và kèm ói sau ho.

Ho gà như thế nào

Nguyên nhân

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis (B. pertussis), một số trường hợp do B. parapertussis gây ra (chiếm 5% các trường hợp) nhưng thường bệnh cảnh nhẹ hơn.

B. pertussis là vi khuẩn đề kháng yếu với ngoại cảnh (nhiệt độ, hóa chất, tia cực tím,..). Chúng chết nhanh khi ra ngoài cơ thể. Dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn chết sau 1 giờ và ở nhiệt độ 55 độ C chết sau 30 phút.

Vi khuẩn tiết ra các hóa chất có tính sinh học, trong đó nguy hiểm nhất là  độc tố ho gà, đóng vai trò quan trọng trong cơ chế gây bệnh. Những vi khuẩn này bám chặt vào các lông mao ở đường hô hấp trên, sau đó giải phóng độc tố tấn công hệ hộ hấp và làm đường thở sưng lên.

Bệnh ho gà có lây không?

Đây là bệnh rất hay lây và lan nhanh, khả năng lây lan của bệnh thay đổi từ 50-100% tùy theo điều kiện tiếp xúc. 

Bệnh lấy trực tiếp qua đường hô hấp do vi khuẩn có trong các hạt nước bọt, chất tiết bắn ra từ đường mũi, miệng khi người bệnh ho, hắt hơi. Trong trường hợp cơn ho gà điển hình, phạm vi lấy bệnh là trong vòng 3 mét.

Vi khuẩn ho gà chịu đựng kém với ngoại cảnh, chết nhanh khi ra ngoài cơ thể nên không lây gián tiếp qua các đồ dùng sinh hoạt cá nhân của người bệnh.

Người là nguồn bệnh duy nhất của vi khuẩn ho gà, vì thế những người bị bệnh ho gà là nguồn lây duy nhất. Đặc biệt ở những người bệnh ho gà thể không điển hình (thường xảy ra ở trẻ lớn và người lớn) rất hay bị bỏ sót, chính các đối tượng này không bị cách ly nên sẽ lây lan rất rộng cho xung quanh.

Các đối tượng dễ bị mắc bệnh ho gà là ai?

Có hơn 90% số ca mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh diễn biến càng nặng và có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm.

Ho gà như thế nào

Tuy bệnh thường gặp ở trẻ em nhưng ho gà có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, dân tộc, vùng địa lý. Hiện nay, nhìn chung tỉ lệ bệnh ho gà đang có xu hướng gia tăng ở trẻ lớn và người lớn.

Các biểu hiện của bệnh ho gà

Triệu chứng lâm sàng của bệnh ho gà đa dạng, thay đổi tùy theo tình trạng miễn dịch trước đó của người bệnh với ho gà, và cũng tùy theo lứa tuổi và cơ địa của người bệnh.

Ở trẻ nhỏ thì thường nặng hơn ở trẻ vị thành niên và người lớn. Đặc biệt khi đã có chủng ngừa vắc xin ho gà thì bệnh thường nhẹ, có khi không có triệu chứng.

Thể lâm sàng điển hình của ho gà:

Thời kỳ ủ bệnh: Trung bình từ 7-10 ngày. Người bệnh không có biểu hiện gì bất thường.

Thời kỳ khởi phát  (còn gọi là thời kỳ xuất tiết hay viêm đường hô hấp):

  • Thời kỳ này vi khuẩn ho gà tập trung nhiều nhất trong đường hô hấp nên đây là giai đoạn lây lan nhất của bệnh.
  • Người bệnh có biểu hiện ho khan nhẹ thường vào ban đêm, khàn giọng, nuốt đau, đôi khi có sốt, kéo dài từ 1-2 tuần.
  • Cuối giai đoạn này, người bệnh bắt đầu ho khan tăng dần và nặng dần, xuất hiện cả ban ngày, và bệnh sẽ bước sang giai đoạn toàn phát.

Thời kỳ toàn phát (còn gọi là thời kỳ ho cơn hay giai đoạn co thắt):

  • Triệu chứng điển hình của thời kỳ này là các cơn ho đặc biết. Chính các cơn ho này gây ra nhiều biến chứng. Thời kỳ kéo dài 2-4 tuần.
  • Cơn ho xuất hiện bất chợt lúc trẻ đang chơi, đang bú hay khi có các yếu tố bên ngoài tác động như tiếng ồn, sợ hãi, khóc quấy,..
  • Cơn ho diễn tiến qua 3 giai đoạn: ho, thở rít vào và khạc đàm.
    • Ho bắt đầu bằng 1 tràng dài 15- 20 cái liên tục, ho không thể kiềm lại được, vì vậy trẻ không thể dừng lại để hít thở. Trong cơn ho, trẻ tím tái, mắt đỏ, mặt đỏ.
    • Tiếng ho về sau càng yếu ớt dần rồi ngưng ho, sau đó thở rít một cái thật sâu nghe tiếng ‘ót’ như là tiếng gà.
    • Ngay tiếp theo sau đó là những cơn ho khác nối tiếp nhau cho đến khi trẻ khạc ra được một chất nhớt màu trắng như lòng trắng trứng. Lúc này, cơn ho mới ngừng hẳn.
  • Thường mỗi đợt ho như vậy kéo dài khoảng 30 phút, tần số cơn ho rất thay đổi, có thể từ 10 đến 30 cơn ho mỗi ngày trong giai đoạn đỉnh điểm của bệnh.
  • Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ và đổ mồ hôi và thường ói sau ho. Ói sau ho gặp ở tất cả các lứa tuổi kể cả người lớn.

Thời kỳ lui bệnh (phục hồi):

  • Khi các cơn ho giảm về tần số và mức độ nặng là dấu hiệu báo hiệu bệnh đang bước sang thời kỳ lui bệnh.
  • Tổng trạng toàn thân tốt lên, hết ho hẳn và vui chơi lại bình thường. Thời kỳ này kéo dài 1-3 tháng.

Lưu ý: từ 6 tháng đến 1 năm kể từ giai đoạn phục hồi, một số trẻ thỉnh thoảng xuất hiện các cơn ho kịch phát kiểu ho gà khi tiếp xúc với các yếu tố như môi trường bụi, gắng sức, xúc động,…Trên các đối tượng này không hề phát hiện được sự hiện diện của vi khuẩn ho gà hay bằng chứng của tái nhiễm ho gà. Điều này được giải thích là do sự tăng  phản xạ nhạy cảm của phế quản sau ho gà.

Biến chứng của bệnh ho gà

Ho gà thể ác tính ở trẻ nhỏ

Trẻ càng nhỏ tỉ lệ biến chứng và mức độ trầm trọng của bệnh càng cao.

Ho gà ở trẻ sơ sinh thường không có cơn ho điển hình mà nổi bật là những cơn ngưng thở, tím tái, chậm nhịp tim và ngất nhiều lần, ho gà có thể tiến triển rất nặng nề với biểu hiện nguy kịch hô hấp, rối loạn huyết động, tổn thương thần kinh, suy đa cơ quan và tỉ lệ tử vong rất cao khoảng 75% dù đã được điều trị tích cực.

Biến chứng nhiễm trùng

Người bệnh ho hít sâu và mạnh kéo theo đàm nhớt vào phổi có thể gây tắc các phế quản nhỏ, hoặc do hít phải chất nôn ói và thường biểu hiện bằng bệnh cảnh viêm phổi. Viêm phổi có thể do chính vi khuẩn ho gà, hoặc do các con vi khuẩn khác tận dụng cơ hội cơ thể đang suy yếu để xâm nhập vào.

Biến chứng cơ họ do cơn ho

Biến chứng gây ra do những cơn ho gắng sức:

  • Tràn khí màng phổi do áp lực cơn ho mạnh làm vỡ các phế nang chứa không khí trong phổi.
  • Gãy xương sườn.
  • Loét hoặc đứt hãm lưỡi.
  • Ói máu do ói nhiều làm trầy xước niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Sa ruột ra ngoài hậu môn, qua rốn do áp lực trong ổ bụng tăng cao.
  • Xuất huyết kết mạc mắt. 

Biến chứng thần kinh

Thường gặp nhất là những cơn co giật có thể xuất hiện trong các bệnh cảnh sau:

  • Sốt cao co giật.
  • Thiếu oxy não do những cơn ho liên tục và kéo dài.
  • Xuất huyết não- màng não.
  • Viêm não cấp.

Biến chứng rối loạn dinh dưỡng 

Biến chứng này do tình trạng ói mửa nhiều trong cơn ho gà, sặc khi ăn uống gây khó khăn cho việc nuôi dưỡng. Thức ăn một mặt góp phần cung cấp dinh dưỡng nhưng bản thân cũng là một yếu tố kích thích cơn ho.

Ho gà được chẩn đoán như thế nào?

Khi có các biểu hiện của ho gà, nên đến các cơ sở Y tế để được thăm khám và nhận dược điều trị thích hợp, đồng thời cũng tăng khả năng phát hiện được các biến chứng sớm nguy hiểm của bệnh.

Các bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bệnh, đồng thời làm thêm các xét nghiệm để tìm ra bằng chứng có hiện diện vi khuẩn ho gà trong dịch tiết của người nghi bệnh.

  • Tìm thấy vi khuẩn trong bệnh phẩm như dịch tiết:
    • Nuôi cấy phân lập tác nhân gây bệnh: lấy dịch tiết bằng tăm bông mềm qua đường mũi, nuôi cấy trong môi trường đặc biệt để vi khuẩn mọc trên đó, và đọc kết quả xem là con vi khuẩn gì.
    • Kỹ thuật PCR: phát hiện nhanh DNA của vi khuẩn ho gà thông qua lấy dịch tiết của người nghi bệnh.
  • Tìm kháng thể với vi khuẩn ho gà trong cơ thể người nghi bệnh.
    • Chẩn đoán huyết thanh học: lấy máu người nghi bệnh và định lượng các kháng thể với vi khuẩn ho gà.
    • Phương pháp kháng thể huỳnh quang trực tiếp

Điều trị ho gà như thế nào?

Khi phát hiện ra các dấu hiệu ho gà cần nhập viện để có điều trị sớm cho trẻ. Các điều trị cần thiết bao gồm điều trị suy hô hấp, điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, điều trị biến chứng, các chăm sóc và điều trị hỗ trợ khác.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp tránh lây lan cho cộng đồng vì đây là một bệnh lây mạnh:

  • Cách ly trẻ khỏi khu vực đông đúc trường học, nhà trẻ ngay khi phát hiện trẻ bị nhiễm bệnh. Cách ly cho tới khi nhận đủ 5 ngày thuốc kháng sinh phù hợp.
  • Che miệng và mũi của trẻ bằng khăn giấy khi ho và hắt hơi.
  • Vứt bỏ các mẫu khăn đã sử dụng ngay lập tức.
  • Rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng.

Làm sao để phòng ngừa được bệnh ho gà?

Kể từ khi có vắc xin ho gà, tỉ lệ bệnh đã giảm đi một cách ngoạn mục trong vài thập kỉ qua. Trong thời kì trước khi có vắc xin, ho gà là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, sau khi vắc xin ho gà được đưa vào sử dụng đại trà thì tỉ lệ mắc bệnh giảm hơn 90%. Vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh ho gà là tiêm vắc xin.

Lịch tiêm vacxin ho gà:

  • Tiêm mũi 1 vắc xin phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib (DPT-VGB-Hib): khi trẻ 2 tháng tuổi. 
  • Tiêm mũi 2 vắc xin DPT-VGB-Hib: khi trẻ 3 tháng tuổi. 
  • Tiêm mũi 3 vắc xin DPT-VGB-Hib: khi trẻ 4 tháng tuổi. 
  • Tiêm nhắc vắc xin DPT mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi. 

Các vắc xin này được cung cấp miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại các trạm y tế xã phường trên toàn quốc. 

Ho gà như thế nào

Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh uốn ván-bạch hầu-ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai. 

(DPT: Diphtheria-Pertussis-Tetanus vaccine: vắc xin Bạch hầu- ho gà – uốn ván; chế phẩm dùng cho trẻ < 7 tuổi).

Phòng khám chuyên điều trị vấn đề tai mũi họng

  • Phòng khám đa khoa Saigon Healthcare – Q.10
  • Phòng khám DHA Healthcare – Q.3
  • Phòng khám Tai Mũi Họng Thành Đông – Q. Tân Bình

Lời kết

Ho gà là một bệnh hay thường gặp ở những trẻ em chưa tiêm ngừa vắc xin ho gà và xu hướng đang tăng lên ở người lớn. Bệnh nổi bật với những cơn ho đặc trưng, bên cạnh đó có thể gây ra những biết chứng nguy hiểm. Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị. Để được tư vấn trực tiếp, bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 1900 638 082 hoặc CHAT để được hướng dẫn đặt hẹn.

Tiếng ho gà như thế nào?

Ho gà được biết đến với những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được, thường khiến người bệnh khó thở. Sau khi ho, bệnh nhân thường cần hít thở sâu, điều này dẫn đến âm thanh phát ra như tiếng rít dài.

Ho gà chữa như thế nào?

Điều trị bệnh ho gà Điều trị triệu chứng: Một số trường hợp nặng trẻ có thể xuất hiện co giật có thể dùng các thuốc chống co giật như: phenobarbital, seduxen... Kết hợp chế độ dinh dưỡng cho trẻ: do ho nhiều trẻ có thể bị nôn nên sau khi trẻ nôn có thể cho trẻ ăn. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.

Ho khan là như thế nào?

Ho khan là hiện tượng cơn ho không bật được đờm hay dịch đường hấp ra khỏi đường thở. Ho khan có nhiều mức độ, có thể ho ít hoặc ho nhiều, đôi khi ho rũ rượi khiến người bệnh rất khó chịu.

Tai sao lại gọi là bệnh ho gà?

Gọi là ho gà vì trẻ ho có tiếng rít như tiếng rít của con trống khi gần hết tiếng gáy. Vi khuẩn ho gà khi vào đường hấp sẽ bám vào các nhung mao của cơ quan này, sinh sản và giải phóng ra độc tố, làm tổn thương nhung mao, gây viêm và hoại tử.