Kỳ Hồng Bàng chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư là về thời kỳ nào

Kỳ 1 của loạt bài “Từ truyền thuyết đi vào chính sử” đã phân tích các lý do, thông điệp mà vua Lê Thánh Tông và các sử quan kéo dài lịch sử dân tộc thêm hơn hai ngàn năm so với sử sách dưới triều Trần, và chỉnh lý, san cải một số truyền thuyết để đưa vào Toàn thư. Trong kỳ 2, tác giả Tô Như sẽ đối chiếu giữa Toàn thư và Lĩnh Nam chích quái để thấy được vua tôi Lê Thánh Tông đã “biên tập” lại truyền thuyết về họ Hồng Bàng ra sao.

Họ Hồng Bàng được coi là những vị vua đầu tiên của nước ta mà sử sách chép lại là 18 đời Hùng Vương. Đây cũng là thời điểm Toàn thư [tập 1 trang 131] coi nước ta bắt đầu mang tên có chữ Việt: “Từ đời Thành Vương nhà Chu mới gọi là Việt Thường thị, tên Việt bắt đầu có từ đấy”. 


Âu Cơ và Lạc Long Quân chia tay nhau. Tranh: Tạ Huy Long © Lĩnh Nam chích quái, NXB Kim Đồng, 2017.

I. TRUYỆN BẠCH TRĨ

Chi tiết sứ giả Việt Thường sang nhà Chu này được lấy từ sự tích dâng chim trĩ trắng cho vua nhà Chu được sử Trung Quốc ghi lại. Sách Thượng thư đại truyện viết:

Phía Nam Giao Chỉ có nước Việt Thường. Chu Công nhiếp chính sáu năm, đặt lễ làm nhạc, thiên hạ hòa bình, Việt Thường đi ba con voi, qua mấy lần thông dịch đến dâng chim trĩ trắng, nói: “Đường xá xa xôi, núi non cách trở, tiếng nói không giống nhau, nên phải qua mấy lần thông dịch mà đến chầu”.

Một bộ chính sử của Trung Quốc là Hậu Hán thư cũng ghi lại sự tích như trên và chép thêm rằng:

Thành Vương đem đưa chim trĩ đến cho Chu Công, Chu Công nói:“Đức không ban cho người, thì kẻ quân tử không nhận lễ vật; Chính sự không thi hành tới nơi, thì kẻ quân tử không coi là thần dân. Ta sao dám nhận ban thưởng này!”1

Sứ giả xin rằng: “Tôi nhận mệnh của những người già lão nước tôi rằng: ‘Đã từ lâu, trời không giáng sấm sét mưa bão, ý hẳn Trung Quốc có bậc thánh nhân chăng? Có thì nên đến mà chầu’”.

Chu Công bèn quy công cho tiên vương, xưng rằng tiên vương thiêng liêng, mà đem lễ vật dâng tiến vào tông miếu. Đến khi đức nhà Chu suy vi rồi, mới dần dứt tuyệt với Việt Thường.

Từ vị thế xứ man di sang triều cống thiên triều, sử thần nhà Lê đã biến tổ tiên nước Việt thành lân bang của nước Trung Quốc, sai sứ sang thăm hỏi và tặng quà nhau mà thôi. Ấy là bởi tổ tiên người Bắc và tổ tiên người Nam cùng chung một mối, hoàn toàn ngang vai nhau.

Câu chuyện dâng chim trĩ được kéo dài bằng chuyến trở về của sứ giả Việt Thường cùng sự tích xe chỉ nam của Trung Quốc. Sách Cổ kim chú kể rằng:

Chu Công dựng nền thái bình, họ Việt Thường qua nhiều lần phiên dịch tới dâng cống, sứ giả không biết đường về, Chu Công liền ban cho năm cỗ xe có mui, tất cả đều là Tư nam xa.

Các ghi chép trong sử, sách bên Trung Quốc đều mang đậm chủ nghĩa Hoa tâm [coi Trung Quốc là trung tâm của thế giới], với nhà Chu là thiên triều và Việt Thường là xứ man, không thông hiểu ngôn ngữ [và lễ nghĩa] vào triều cống. Chu Công viện lẽ đức, chính không thi hành tới được phương Nam nên từ chối cống vật, người Việt Thường lại vì quá hâm mộ Trung Quốc nên kiên quyết xin triều cống.

Tư tưởng yếm thế này từ đầu chí cuối câu chuyện được Lĩnh Nam chích quái [trang 93] đem nguyên về Truyện bạch trĩ, lại thêm rằng:

[Chu Công] Bèn ban thưởng cho phẩm vật địa phương, dạy răn mà cho về. Họ Việt Thường quên đường về, Chu Công bèn ban cho cỗ biền xa đều chế cho hướng về phương Nam. Họ Việt Thường nhận lấy rồi theo bờ biển Phù Nam, Lâm Ấp đi một năm thì về tới nước. Cho nên, xe chỉ nam thường dùng để đi trước đưa đường. Về sau, Khổng Tử viết kinh Xuân Thu cho nước Văn Lang là một nơi hoang vu, văn vật chưa có bèn bỏ trống mà không chép”.

Rõ ràng Chích quái cũng giống như Toàn thư, chép Việt Thường ở trên ghép với Văn Lang ở dưới tức là công nhận câu chuyện nói về đất Việt cổ. Mà y chừng Chích quái cũng chê Việt Thường là xứ man di, chưa thấm được giáo hóa của phương Bắc, sứ giả sang thượng quốc mà quên cả lối về cố hương.

Sang đến Toàn thư của nhà Lê [tập 1, trang 134], câu chuyện đã được cải biến không ít:

Thời Thành Vương nhà Chu, nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu [không rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy]2, xưng là Việt Thường thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công nói: “Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình3”, rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước”.

Thế là từ một câu chuyện dài, Toàn thư đã rút gọn thành đôi dòng, thay việc “dâng đồ cống” bằng “thăm hỏi” [sính] mang nghĩa ngang hàng, mà Chu Công cũng không dám nhận Việt Thường là bề tôi. Đoạn sứ giả nài nỉ được dâng cống ghi trong sử sách Bắc quốc và Chích quái thì đã được lược bỏ. Ngoài ra, các chi tiết như không biết tiếng Trung Quốc, phải “qua mấy lần phiên dịch”; không biết lối quay về nên phải nhờ xe Bắc quốc chỉ lối… nhất loạt đều cắt bỏ.


Theo tác giả Tô Như, với gốc gác Trại từ Lam Sơn, Thanh Hóa, nhà Lê muốn san lấp khoảng cách Bắc Nam, tiếp tục làm mờ đi ranh giới phân chia giữa người Việt và người Mường. Ảnh: Khu di tích thờ vua Lê ở Lam Sơn, Thanh Hóa ngày nay. Nguồn: Vietnamsumary. 

Từ vị thế xứ man di sang triều cống thiên triều, sử thần nhà Lê đã biến tổ tiên nước Việt thành lân bang của nước Trung Quốc, sai sứ sang thăm hỏi và tặng quà nhau mà thôi. Ấy là bởi tổ tiên người Bắc và tổ tiên người Nam cùng chung một mối, hoàn toàn ngang vai nhau.

II. TỔ TIÊN HỌ HỒNG BÀNG

Lĩnh Nam chích quái [trang 24] viết về tổ tiên họ Hồng Bàng: “Đế Minh cháu ba đời họ Viêm đế Thần Nông sinh ra đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục”.

Ngay từ đầu câu chuyện, nhân vật Lộc Tục đã được kết nối với nguồn gốc cao quý của người phương Bắc. Ông là con của Hoàng đế phương Bắc với một người phụ nữ phương Nam.

Chích quái kể tiếp: “Tục dung mạo đoan chính, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ”.

Đoạn này Toàn thư chép hầu như y nguyên, để tỏ rằng phương Nam với phương Bắc cùng một mối mà ngang hàng nhau. Theo đó thì Đế Minh sinh Lộc Tục, Lộc Tục sinh Lạc Long Quân, Lạc Long Quân sinh Hùng Vương đời thứ nhất. Lộc Tục là nhân vật không xuất hiện trong sử sách Trung Quốc, có lẽ là một nhân vật huyền thoại hoàn toàn thuộc về nước ta. Dòng dõi truyền thế của họ Thần Nông chắc hẳn được tham khảo từ thiên Bổ Tam hoàng bản kỷ do Tư Mã Trinh đời Đường viết, trong đó đời thứ nhất là Viêm Đế, một vị vua trong truyền thuyết thời Thượng cổ cực kỳ nổi tiếng, có thể coi là một trong các ông tổ của người Trung Quốc. Viêm Đế sinh Đế Khôi; Đế Khôi sinh Đế Thừa; Đế Thừa sinh Đế Minh; Đế Minh sinh Đế Trực [tức Đế Nghi], ngang hàng với Kinh Dương Vương Lộc Tục nước ta; Trực sinh Đế Lai, là cha của bà Âu Cơ. Không những thế, việc Lộc Tục từ chối ngôi vua phương Bắc để nhường cho anh là Đế Nghi, là muốn nêu bật nước Việt từ ngàn xưa đã là một quốc gia văn hiến, có phong thái Nghiêu Thuấn thiện nhượng.



Hoa văn trang trí tang trống đồng Ngọc Lũ và trang trí mặt trống đồng Hoàng Hạ. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chích quái lại viết: “Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Vì nhớ đến chuyện ông tổ Đế Minh du hành phương Nam gặp tiên nữ, nên Đế Lai nhân khi phương Bắc thiên hạ thái bình bèn sai quần thần là bọn Xi Vưu thay mình trông coi việc nước, rồi đi tuần xuống nước phía Nam đến nước Xích Quỷ”.

Câu này tỏ ý vua phương Bắc cai quản cả phương Nam, nên mới có chuyện đi tuần đến nước Xích Quỷ. Toàn thư lược bỏ không chép mà chuyển thẳng sang “Vua [tức Lạc Long Quân] lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai [tục truyền sinh trăm trứng], là tổ của Bách Việt”.

Vậy là trong bộ chính sử này của nước ta, phương Nam giữ vị thế ngang hàng với phương Bắc, và không chỉ lược bỏ yếu tố tuần du của Đế Lai, mà còn ngầm biểu thị sự môn đương hộ đối thông hôn qua lại giữa hai miền Bắc và Nam. Đế Minh người Bắc cưới vợ người Nam, ngược lại Lạc Long Quân người Nam lại lấy vợ người Bắc. Hai sự kiện đối xứng hoàn hảo để chỉ ra rằng Bắc Nam ngang hàng.

Vấn đề người trên kẻ dưới đã được nhẹ nhàng gạt bỏ qua ngòi bút biên tập của sử quan Ngô Sĩ Liên. Và không chỉ san lấp khoảng cách Nam Bắc, Toàn thư còn tiếp tục làm mờ đi ranh giới phân chia giữa người Việt và người Mường khi kiến tạo nên một lịch sử thời Thượng cổ, trong đó các dân tộc đều chung một nguồn.

III. TRUYỀN THUYẾT TRĂM TRỨNG

Khi Lạc Long Quân chia tay Âu Cơ, Chích quái [trang 29-30] viết: “Long Quân nói: ‘Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng giòng giống khác nhau, thủy hỏa tương khắc, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia tay. Ta đem năm mươi trai về thủy phủ [nguyên văn: quy thủy phủ] chia trị các xứ, nàng đưa năm mươi trai về ở trên đất [nguyên văn: cư địa thượng], chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên.’ Trăm con vâng lời, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con về ở đất Phong Hiệp [Nay là huyện Bạch Hạc], cùng nhau tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương”.

Vậy là trong bộ chính sử này của nước ta, vấn đề người trên kẻ dưới đã được nhẹ nhàng gạt bỏ qua ngòi bút biên tập của sử quan Ngô Sĩ Liên.

Câu chuyện kể trong Chích quái có nghĩa là năm mươi người con trai theo mẹ ở trên mặt đất, trở thành thủy tổ của tộc người [Việt], còn năm mươi người con theo cha xuống biển, trở thành thủy tộc; đồng thời Hùng Vương là do những người con theo mẹ bầu lên. Nó tương đương với việc tổ tiên của người tộc Việt theo mẹ lên mặt đất, và người Việt hiện giờ là con cháu của vua Hùng. Và hệ quả là những người không phải người tộc Việt sẽ được hiểu là không chung nguồn gốc với tộc Việt, đó là những người ngoại lai.

Dĩ nhiên cách hiểu như vậy sẽ gây bất lợi cho những hậu duệ của tập đoàn Lam Sơn trong việc đoàn kết các dân tộc trong nước. Thậm chí gốc gác Mường của họ còn xa cách người Việt hơn những người có tổ tiên từ Trung Quốc di cư sang nước ta – những người giống như ông tổ Lộc Tục – mà lịch sử đã ghi nhận sự chấp nhận, thậm chí sùng bái như Sĩ Nhiếp có ông tổ sáu đời sang nước ta, được dân kính ngưỡng tôn là Sĩ Vương; Cao Biền là viên quan triều đình nhà Đường cử sang được tôn là Cao Vương; hay Lý Bí có tổ tiên bảy đời là người Bắc, sau khi đánh dẹp giặc Lương, lên ngôi Hoàng đế; và cũng có thể kể tới Trần Cảnh có tổ tiên là người đất Mân cùng Hồ Quý Ly có tổ tiên là người Chiết Giang, đều trở thành các Hoàng đế khai quốc của nước Việt ta.

Toàn thư bắt buộc phải để câu chuyện về tổ tiên người nước Việt đi theo một hướng khác. Đó là biến sự việc trở thành: “[Lạc Long quân và Âu Cơ] Bèn từ biệt nhau, chia năm mươi con theo mẹ về núi [nguyên văn: tòng mẫu quy sơn], năm mươi con theo cha về ở miền Nam [có bản chép là về Nam Hải] [nguyên văn: tòng phụ cư nam], phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua”.

Như vậy, theo Toàn thư thì một trăm người con trai không phải chia thành cặp trên đất/dưới biển [biểu thị việc chia thành giống người và thủy tộc phi nhân], mà thực chất là cặp người miền núi/người miền Nam. Lưu ý rằng Toàn thư không phân chia miền núi/miền biển, mà nhấn mạnh là miền Nam, nghĩa là miền đất phía Nam của xứ sở mà Hùng Vương trị vì – đất Kinh, nó tương ứng với vùng Hoan Ái, tức đất Trại.

Vấn đề phân chia Kinh Trại được bắt nguồn từ năm 1010 thời vua Thái Tổ nhà Lý. Toàn thư [tập 1 trang 242] chép “Đổi 10 đạo làm 24 lộ, Châu Hoan, Châu Ái làm trại”. Năm 1010 chính là năm vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Tại sao ngay khi từ bỏ kinh đô cũ của nhà Tiền Lê về đồng bằng Bắc Bộ, vua Lý Thái Tổ đã ngay lập tức đặt ra vấn đề Kinh/Trại? Chúng ta đều biết nhà Tiền Lê theo Toàn thư [quyển 1 trang 220] chép gốc gác là Ái Châu, còn Lý Công Uẩn theo Toàn thư [quyển 1 trang 240] chép là người Cổ Pháp – Bắc Giang. Nhà Lý được lập không phải bằng cách quang minh chính đại mà là chiếm đoạt nhân khi vua Long Đĩnh nhà Tiền Lê băng. Việc phân biệt Kinh/Trại có thể giải thích như một cách phủ định vai trò của họ Lê với nước Việt. Trải qua hai triều Lý, Trần với 400 năm lịch sử, Kinh/Trại luôn có sự khác biệt nhất định, mà bởi xuất thân của hai triều đều là đất Kinh, nên đất Trại vẫn luôn bị coi thường4. Nhiệm vụ chính trị của Toàn thư là xóa bỏ định kiến này, để Kinh và Trại không còn phân ngôi như người trên kẻ dưới mà hai triều Lý, Trần đã cố thiết lập.

Quan trọng hơn, khác với Chích quái cho Hùng Vương đầu tiên được lập là do những người anh em bầu lên, thì Toàn thư sửa rằng Lạc Long quân [tức thủ lĩnh của “người miền Nam”] chỉ định.

Nhà Lê xuất thân Lam Sơn Thanh Hóa, vốn bị coi là dân Trại, dân Mường. Qua việc san cải Chích quái – một tác phẩm văn học của người Kinh, sáng tác ở thời Trần – đưa vào Toàn thư, triều đình nhà Lê đã kiến tạo nên một tư tưởng, rằng người Kinh hay người Trại đều là con dân một nước, có chung một nguồn gốc, là con cháu Lạc Long Quân và Âu Cơ, năm mươi người con theo mẹ là tổ của người Kinh mà năm mươi người con theo cha là tổ của người Trại. Chức vua nước Việt vốn là xưa kia tổ tiên người Trại trao cho người Kinh, nay người Trại lên làm vua cũng là thuận theo ý trời. Thanh gươm Thuận Thiên, ấn báu Thuận Thiên mà Nguyễn Trãi vâng mệnh vua Lê Thái tổ chép vào Lam Sơn thực lục là ý như vậy. □

—-

1 An Nam truyện – Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa – trg 186.

2 Nguyên văn “我越始聘于周 – ngã Việt thủy sính vu Chu”.

3 Nguyên văn “不臣其人 – bất thần kỳ nhân”.

4 Sự phân biệt Kinh Trại hay dân miền Bắc Bắc Bộ với dân Thanh Nghệ ở thời Trần là rất rõ rệt, tới mức ở hai khoa thi Thái học sinh đầu tiên của nhà Trần [năm 1256 và năm 1266], còn chia ra hai ngôi vị Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên, nghĩa là học sinh xứ Trại được mặc định là kém cỏi hơn học sinh xứ Kinh. Đến khoa thi năm Ất Hợi [1275] mới gộp làm một.

—-

Tài liệu tham khảo

– An Nam truyện – Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa – Châu Hải Đường dịch và biên soạn, NXB Hội nhà văn & Tao Đàn, 2017.

– Đại Việt sử ký toàn thư – tập 1 – Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1998.

– Lam Sơn thực lục – Nhà xuất bản Tân Việt, 1956.

– Lĩnh Nam Chích quái – Nhà xuất bản Kim Đồng, 2017.

Và một số trích đoạn trong các bộ sử Trung Quốc mà tác giả tự dịch, lấy từ website www.ctext.org

Video liên quan

Chủ Đề