Nguyên nhân tăng bạch cầu máu

Bạch cầu có nhiệm vụ tăng cường sức đề kháng còn tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể.

Hỏi: Mới đây, em gái tôi kiểm tra sức khỏe định kỳ thì phát hiện bạch cầu tăng, tiểu cầu giảm. Bình thường em gái tôi có một số biểu hiện như có vết thâm tím trên người, hay kêu nhức đầu… Xin hỏi bệnh của em tôi là gì? Có nguy hiểm không? (Nguyễn Hoài Nhạ – Thái Nguyên)

Trả lời: Bạch cầu tăng có nguy hiểm không?

Máu là chất lỏng màu đỏ lưu thông trong động mạch, tĩnh mạch, mao mạch. Máu có chức năng chuyên chở các chất đến các cơ quan và chức năng chống nhiễm khuẩn. Cấu tạo của máu gồm có các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương.

Bạch cầu là một loại tế bào có màu trắng để phân biệt với hồng cầu có màu đỏ. Bạch cầu có nhiệm vụ tăng cường sức đề kháng của cơ thể với các tác nhân gây bệnh, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm độc. Bình thường, bạch cầu dao động trong khoảng 4.000-10.000/mm3 máu. Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể, số lượng tiểu cầu bình thường có khoảng 150.000 – 400.000/mm3 máu.

Nguyên nhân tăng bạch cầu máu

Nguyên nhân gây tăng bạch cầu do các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc gặp trong các trường hợp nhiễm khuẩn các cơ quan trong cơ thể như viêm phổi, áp-xe gan… hoặc trong các bệnh ung thư của hệ tạo máu như bệnh bạch cầu cấp tính, mạn tính.

Còn giảm tiểu cầu thường gây hiện tượng chảy máu, nhất là ở các mạch máu nhỏ gây xuất huyết dưới da và các cơ quan khác trong cơ thể (như tiêu hóa, hô hấp, niêm mạc, não…). Có nhiều nguyên nhân gây giảm tiểu cầu như: cường lách, thiếu máu hồng cầu to, do tia phóng xạ… hoặc tiểu cầu vô căn.

Trong thư bạn không nói rõ số lượng bạch cầu và tiểu cầu em gái bạn được xét nghiệm là bao nhiêu nên chúng tôi khó đưa ra được lời khuyên chính xác đó là bệnh gì. Tốt nhất bạn nên đưa em gái đến chuyên khoa huyết học bệnh viện Hồng Ngọc hoặc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để có những thăm khám cụ thể và có biện pháp điều trị thích hợp. 

Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/

Là số lượng bạch cầu có trong một đơn vị máu. Giá trị bình thường của thông số này là 4000-10000 bạch cầu/mm³ (trung bình khoảng 7000 bạch cầu/mm³ máu;

Tăng: nhiễm trùng, nhiễm độc, viêm, mất máu nhiều, sau ăn no, sau hoạt động (vì vậy không nên lấy máu thử lúc này). Số lượng bạch cầu tăng cao trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, và đặc biệt cao trong các bệnh bạch huyết cấp hoặc mãn tính (ung thư máu - leucemie). WBC> 10.000 => tăng thật sự

Giảm: do thuốc, sốt rét, thương hàn, bệnh do virus: viêm phổi không điển hình, thủy đậu, cúm..

WBC < 5.000 => giảm có thể hồi phục; WBC< 4.000 => giảm, khả năng hồi phục thấp: có bệnh lý về máu...

Công thức bạch cầu là tỷ lệ phần trăm các loại bạch cầu trong máu. Sự thay đổi tỷ lệ này cho nhiều ý nghĩa quan trọng. Cần tính ra số lượng tuyệt đối của mỗi loại (vì có khi tỉ lệ phần trăm giảm nhưng số lượng tuyệt đối lại bình thường nếu tổng số bạch cầu tăng - hay ngược lại).

NEUTROPHIL

Bạch cầu trung tính, là những tế bào trưởng thành ở trong máu tuần hoàn và có một chức năng quan trọng là thực bào, chúng sẽ tấn công và phá hủy các loại vi khuẩn, virus ngay trong máu tuần hoàn khi các sinh vật này vừa xâm nhập cơ thể. Vì vậy bạch cầu đa nhân trung tính tăng trong các trường hợp nhiễm trùng cấp. Đôi khi trong trường hợp nhiễm trùng quá nặng như nhiễm trùng huyết hoặc bệnh nhân suy kiệt, trẻ sơ sinh, lượng bạch cầu này giảm xuống. Nếu giảm quá thấp thì tình trạng bệnh nhân rất nguy hiểm vì sức chống cự vi khuẩn gây bệnh giảm sút nghiêm trọng. Bạch cầu cũng giảm trong những trường hợp nhiễm độc kim loại nặng như chì, arsenic, khi suy tủy, nhiễm một số virus...

Tăng > 75% ( > 7.000 / mm3 ):

+ Các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính: viêm phổi, viêm túi mật..

+ Các quá trình sinh mủ: apxe, nhọt..

+ Nhồi máu cơ tim, Nhồi máu phổi

+ Các bệnh gây nghẽn mạch

+ Bệnh Hogdkin, bệnh bạch cầu

+ Sau bữa ăn, vận động mạnh ( tăng ít - tạm thời ).

Giảm < 50% ( < 1.500/ mm3 ):

+ Nhiễm trùng tối cấp

+ Các bệnh do virus trong thời kỳ toàn phát: cúm, sởi, thủy đậu..

+ Sốt rét

+ Các bệnh có lách to gây cường lách, Hogdkin

+ Thiếu B12 ác tính ( bệnh Biermer )

+ Nhiễm độc thuốc, hóa chất

+ Sốc phản vệ

+ Giảm sản hay suy tủy xương

+ Bạch cầu cấp, Bạch cầu kinh thể lympho.

EOSINOPHIL

Bạch cầu đa nhân ái toan, khả năng thực bào của loại này yếu, nên không đóng vai trò quan trọng trong các bệnh nhiễm khuẩn thông thường. Bạch cầu này tăng cao trong các trường hợp nhiễm ký sinh trùng, vì bạch cầu này tấn công được ký sinh trùng và giải phóng ra nhiều chất để giết ký sinh trùng. Ngoài ra bạch cầu này còn tăng cao trong các bệnh lý ngoài da như chàm, mẩn đỏ trên da...

Tăng: > 500/ mm3.

Tăng nhẹ & thoáng qua:

+ Thời kỳ lui bệnh của một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là sau khi điều trị kháng sinh

+ Khi điều trị hồng cầu thiếu máu bằng các tinh chất gan.

Tăng cao & liên tục:

+ Các bệnh giun sán

+ Các trạng thái dị ứng: hen, chàm, mẫn ngứa, bệnh lý huyết thanh, hội chứng Loeffler

+ Leucemie tủy thể bạch cầu đa nhân ái toan, bệnh Hogdkin

+ Bệnh chất tạo keo

+ Sau thủ thuật cắt bỏ lách

+ Sau chiếu tia X.

Giảm: < 25/ mm3.

+ Suy tủy bị tổn thương hoàn toàn

+ Nhiễm khuẩn cấp tính, quá trình sinh mủ cấp tính

+ Hội chứng Cushing, trạng thái sốc điều trị bằng Corticoide.

BASOPHIL

Bạch cầu đa nhân ái kiềm, đóng vai trò quan trọng trong một số phản ứng dị ứng.

Tăng:

+ Bệnh Leucmie mạn tính: càng tăng - tiên lượng càng tốt

+ Bệnh tăng hồng cầu Vaquez

+ Sau tiêm huyết thanh hay các chất albumin

+ Trong vài trạng thái do thiếu máu tan máu, BC đa nhân ái kiềm tăng 2 - 3%.

Giảm:

+ Tủy xương bị tổn thương hoàn toàn

+ Dị ứng.

MONOCYTE

Mono bào, là dạng chưa trưởng thành của đại thực bào trong máu vì vậy chưa có khả năng thực bào. Đại thực bào là những tế bào có vai trò bảo vệ bằng cách thực bào, khả năng này của nó mạnh hơn của bạch cầu đa nhân trung tính. Chúng sẽ phân bố đến các mô của cơ thể, tồn tại tại đó hàng tháng, hàng năm cho đến khi được huy động đi làm các chức năng bảo vệ. Vì vậy mono bào sẽ tăng trong các bệnh nhiễm khuẩn mãn tính như lao, viêm vòi trứng mãn...

Tăng:

+ Bệnh do virus: cúm, quai bị, viêm gan

+ Thời kỳ lui bệnh của một số bệnh nhiễm khuẩn: viêm nội tâm mạc bán cấp (Osler), lao..

+ Sốt rét

+ Bệnh chất tạo keo

+ Chứng mất BC hạt do nhiễm độc dị ứng

+ Một số bệnh ác tính: K đường tiêu hoá, bệnh Hogdkin, u tuỷ, bạch cầu cấp dòng mono.

LYMPHOCYTE

Lympho bào: đây là những tế bào có khả năng miễn dịch của cơ thể, chúng có thể trở thành những tế bào "nhớ" sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và tồn tại lâu dài cho đến khi tiếp xúc lần nữa với cùng tác nhân ấy, khi ấy chúng sẽ gây ra những phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, nhanh và kéo dài hơn so với lần đầu. Lympho bào tăng trong ung thư máu, nhiễm khuẩn máu, nhiễm lao, nhiễm virus như ho gà, sởi... Giảm trong thương hàn nặng, sốt phát ban...