Sông cả ở đâu

[ANTĐ] - Bản Pủng nằm tách biệt với thế giới bên ngoài bằng 40 phút ngược sóng trên thượng nguồn sông Cả. 2 chiếc thuyền máy chở hơn chục người chúng tôi nối đuôi nhau lách qua những vộc nước xoáy, chồm lên những con sóng đục ngầu để đi giữa hai bên là những vách núi dựng đứng. Đâu đó trên một khúc sông lại hiện ra cảnh tượng vài chú bé đen nhủi hò hét vang lừng trong dòng nước đậm đặc phù sa, với phao bơi là một chiếc săm ôtô cũ kỹ. Một chiếc cầu treo cao vọi nối hai bản bên sông khiến chúng tôi tưởng như lạc vào những bản làng nguyên sơ nhất của rừng già…

Nơi thượng nguồn sông Cả

[ANTĐ] - Bản Pủng nằm tách biệt với thế giới bên ngoài bằng 40 phút ngược sóng trên thượng nguồn sông Cả. 2 chiếc thuyền máy chở hơn chục người chúng tôi nối đuôi nhau lách qua những vộc nước xoáy, chồm lên những con sóng đục ngầu để đi giữa hai bên là những vách núi dựng đứng. Đâu đó trên một khúc sông lại hiện ra cảnh tượng vài chú bé đen nhủi hò hét vang lừng trong dòng nước đậm đặc phù sa, với phao bơi là một chiếc săm ôtô cũ kỹ. Một chiếc cầu treo cao vọi nối hai bản bên sông khiến chúng tôi tưởng như lạc vào những bản làng nguyên sơ nhất của rừng già…

Ấm no giữa rừng già 

Người dân bản Pủng tập kết đồ đạc tại bến đò chuẩn bị di dời

Lô Thị Thắm năm nay vừa tròn 15 tuổi, là con gái út của một trong những gia đình giàu có nhất bản. Cô ngắm nghía chiếc nhẫn một lúc rồi nói: “Vẫn chưa vừa đâu!” và trả lại cho người thợ kim hoàn. Chiếc nhẫn 1,5 chỉ vàng được đánh theo hình bông hoa huệ đúng theo catalog mới nhất từ dưới xuôi mang lên. Mất hơn 30 phút khò đèn và kì cạch hoàn tất những chỉnh sửa cuối cùng, anh Nguyễn Quang Linh mới quệt mồ hồi bắt chuyện: “Tôi quê ở Nam Định, thường xuyên lên đây làm đồ trang sức cho bà con dân bản đã gần 10 năm nay.

Nếu đi ít thì cũng phải 15 ngày, nhiều thì có khi ở lại đến 1 tháng. Tính tất tần tật tiền công xá thì mỗi chuyến đi như vậy cũng được khoảng 10 triệu đồng. Người dân ở đây khá sung túc. Hầu hết vàng họ không bán, chỉ làm thành đồ trang sức để dùng. Con gái làm được vàng thì con gái giữ, mẹ làm được vàng thì mẹ giữ, bố làm được vàng thì bố giữ, không ai xâm phạm của ai cả.

 Phong tục của họ là như vậy”. Thắm cũng cho biết, con gái trong bản biết tự mình làm lụng, và để dành làm của riêng ngay từ khi mới chớm 7-8 tuổi, nhà nào cũng như vậy cả. Từ làm nương, trồng rẫy đến dệt vải, thêu thùa… tất cả những cô bé, cậu bé người Thái đều được dạy dỗ phải biết tự mình kiếm sống và chi tiêu tiết kiệm dành dụm cho cuộc sống tự lập sau này.

Vì thế bạn đừng ngạc nghiên khi đồ đạc mang về nhà chồng của một cô dâu Thái gồm có hàng chục chiếc khăn đội đầu đủ loại, những chiếc váy thêu hoa văn sặc sỡ, những chiếc gối tựa dệt thổ cẩm tặng cho các anh em trong nhà… đấy là còn chưa kể đến những chiếc vòng, nhẫn, khuyên tai hay lắc cổ chân, cổ tay bằng vàng hoặc bạc mà các cô gái dành dụm được trong suốt quãng đời thiếu nữ của mình… Tùy từng gia cảnh và sự chăm chỉ của cô dâu mà tài sản để dành được nhiều hay ít.

Cũng như ở bản Pủng này, chỉ có một số ít nhà là có nhân lực, có điều kiện để khai thác vàng ở “Khe nóng” chứ không phải nhà nào cũng làm được.

Những ngôi nhà sàn cheo leo bên bờ sông Cả

Theo chỉ dẫn của người dân bản, tôi cứ một mình lần theo con đường mòn mà đi trong lúc trời chập choạng tối. Sợi chỉ đỏ là đường ống dẫn nước thẳng từ “Khe nóng” về tới bản. Cũng không xa lắm, đi bộ chỉ mất chừng 15 phút dù đường đi có trơn trượt. “Khe nóng” mở ra trước mắt tôi với hai bộ váy người Mông sặc sỡ đang thong thả múc nước…

Danh từ “Khe nóng” [hay còn gọi là “Khe pón” theo tiếng Thái] thực sự đúng nghĩa với tên gọi của nó. Đây là con suối ở thượng nguồn sông Cả, có trữ lượng khoáng sản quý hiếm rất cao. Ngay cạnh nơi đầu nguồn con suối là nơi người dân bản Pủng khai thác vàng bạc, còn chỉ phía dưới độ 50m là một điểm phun suối nước nóng cực kỳ quý hiếm. Nước ở đây lên đến 80oC, thả quả trứng gà vào chỉ 5 phút là ăn được. Ngay cả người Mông ở tận các vùng núi nước Lào cũng ngày ngày đi bộ hàng 2-3 giờ đồng hồ sang đây chỉ để lấy nước.

Chưa biết thành phần khoáng chất ra sao, chỉ biết rằng thứ nước nóng này đã được người dân bản Pủng và các bản lân cận dùng từ hàng bao đời nay, được những già làng trưởng bản đúc kết là có thể chữa lành mọi bệnh tật. Vì vậy từ sáng tới chiều, quanh khu vực suối nước nóng la liệt các phích nước đặt xếp hàng… Người Mông, người Thái kiên nhẫn chờ tới phiên mình lấy nước.  

Tại bản Pủng, nhiều gia đình người Thái đã có cuộc sống sung túc, thậm chí có những nhà giàu có như trưởng bản, phó bản không còn phải đi rẫy, làm nương như những người trong bản khác. Tại nhà anh Vi Văn Cương, nơi chúng tôi ở trọ, chủ nhà tâm sự: “Riêng cái bàn bi a mỗi ngày cũng kiếm được 2 cân gạo rồi, và thêm cái dàn karaoke vừa để nhà dùng giải trí, vừa để phục vụ bà con trong bản, ai đến hát thì hát, tôi thu 10.000 đồng/giờ. Từ lâu tôi đã không đi rẫy, chỉ tập trung vào bán hàng tạp hóa cho dân bản thôi.

Bản Pủng sẽ di dời

Thiếu nữ Thái thêu khăn trong lúc rảnh rỗi

Cuộc sống sung túc và bình yên đó của dân bản Pủng đang chuẩn bị có một sự thay đổi lớn, vô cùng đặc biệt trong lịch sử dân bản từ trước đến nay. Chỉ đến cuối năm nay, toàn bộ người dân trong bản sẽ chuyển hết về một nơi ở mới, hoàn toàn khác lạ về môi trường sống và sẽ phải bắt đầu lại từ những bước đầu tiên để tìm cho mình một phương thức sản xuất mới.

Đó là chương trình di dân tái định cư đối với người dân thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đang được thi công. Theo kế hoạch, 2.342 hộ dân với trên 12.000 khẩu đồng bào dân tộc của 26 bản thuộc 5 xã [Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương, Luân Mai] nằm trong khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương sẽ được di dời về các khu tái định cư tại 4 xã [Hạnh Lâm, Thanh Mỹ, Thanh Hương, Thanh Thịnh] của huyện Thanh Chương, Nghệ An từ nay cho đến hết năm 2007.

 Đây thật sự là một cuộc thay đổi đời sống khá khốc liệt đối với những đồng bào dân tộc ít người thuộc khu vực này của tỉnh Nghệ An. Vốn là những người quen với lối sinh hoạt du canh, đồng bào các dân tộc Thái, Ơ Đu, Mông… thường có lối sinh hoạt lạc hậu và phụ thuộc lớn vào thiên nhiên.

Họ là những người dễ bị tổn thương nhất trước những thay đổi của môi trường sống. Việc chuyển nơi ở từ những vùng núi cao, gần suối, và gắn bó lâu đời xuống những vùng đất mới gần với người dân đồng bằng, thậm chí xen kẽ với nhân dân thuộc các huyện đồng bằng càng khiến cho họ gặp nhiều trở ngại.

 Từ chuyện lo cái ăn, cái mặc, đến chuyện nhà cửa, đất đai để canh tác… đều phải bắt đầu lại từ đầu. Ngày chúng tôi đến với bản, cũng là ngày dân làng họp nhau lại trong ngôi nhà chính giữa bản, một cuộc họp thật quan trọng đối với vận mệnh dân bản này. Dù không hiểu tiếng Thái, nhưng tôi có thể cảm thấy được không khí quan trọng ngay từ 6h chiều; nhiều người đã bỏ cả bữa cơm tối để ngồi lắng nghe trưởng bản giải thích về các chính sách được hưởng và những gì phải làm khi đến ở bản mới.

Khách từ xa đến luôn được đón tiếp nồng hậu

Cuộc tranh cãi và bàn luận đã nổ ra gay gắt giữa những người già cả nhất trong bản. Đi thì lấy gì để ăn? Làm cách nào để sống? Rồi cái gì cũng phải mất tiền. Riêng chuyện tiền điện đã là cả một vấn đề lớn, bởi người dân trong bản từ nhiều năm nay đã có 2 máy thủy điện nhỏ, một đặt ở bờ sông đầu bản và một đặt ở nơi nước chảy xiết nhất của con suối chạy qua bản.

Điện thừa thãi bật suốt ngày không sợ mất tiền, nay về bản mới sẽ phải tập tiêu dùng tiết kiệm. Cũng sẽ không có vàng để khai thác nữa, bởi con suối này cùng với vộc nước nóng kia và tất cả những ngôi nhà sàn đã gắn bó với dân bản từ bao đời nay sẽ chìm trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Công trình thủy điện đang khẩn trương hoàn thành, bà con trong bản cũng đã có  người dậm dịch di dời trước đến nơi ở mới. Vi Thị Thúy, cô gái Thái đã tốt nghiệp lớp 12, hiện đang làm Phó Bí thư chi đoàn của bản Pủng nói: “Sống ở đây lâu rồi, đi thì cũng tiếc lắm. Nhưng phải tuân thủ chính sách của Nhà nước mà di dời để phục vụ công trình thủy điện.

Mới lại về khu tái định cư cũng được Nhà nước tạo điều kiện nhiều, bước đầu người dân trong bản xác định là sẽ khó khăn lắm, nhưng lâu dần rồi cũng phải quen thôi…”. Sinh sống ở đây từ đời ông cha, làm ăn quen rồi, việc phải dời bản thì ai cũng tiếc lắm, nhưng tôi nhận thấy rõ sự bình thản trên gương mặt của những người dân ở đây. Họ đều hiểu rằng dù có muốn thế nào đi chăng nữa, họ cũng sẽ chuyển về nơi ở mới, học phương thức canh tác mới, học cách sống mới… để phục vụ cho lợi ích của đất nước là công trình thủy điện Bản Vẽ đang xây ở phía dưới kia.

Cuộc họp bản chỉ còn xoay quanh những câu hỏi sẽ được hưởng những trợ giúp nào từ chính quyền, rồi di chuyển đồ đạc ra sao cho thuận tiện, làm cái gì để ăn trong những ngày đầu về bản mới… 23h đêm, đứng trên ngôi nhà sàn cao, đẹp nhất làng, tôi được chứng kiến một cảnh tượng khó quên, hàng trăm người dân đi họp về cầm đèn pin nối đuôi nhau vượt qua các con suối, đổ ra từ ngôi nhà trưởng bản để xếp thành một chuỗi dài ánh sáng và những tiếng cười nói râm ran.

Những ngôi nhà sàn tuyệt đẹp này sẽ được dỡ ra mang đến nơi ở mới, cả khu suối nước nóng cũng sẽ không còn ai tới kín nước. Và mỏ vàng thiên nhiên kia, niềm tự hào của bản Pủng, cũng sẽ lặng im dưới hàng trăm mét nước. Vẫn biết là điều tất yếu phải xảy ra, nhưng chúng tôi không khỏi thấy nao lòng khi một trong những ngôi làng đẹp đẽ và bình yên nhất vùng  thượng nguồn sông Cả này… không còn nữa.

Doãn Hoàng Nam

Page 2

Video liên quan

Chủ Đề