Tại sao viêm họng lại dẫn đến viêm tai giữa

Viêm tai giữa có mủ là tình trạng viêm niêm mạc ở khoang tai giữa kèm theo ứ mủ ở khoang tai giữa hoặc chảy mủ tai qua lỗ thủng màng nhĩ. Viêm tai giữa mủ có thể diễn tiến cấp tính hoặc mạn tính kéo dài. Hãy cùng Bác sĩ Tai Mũi Họng Nguyễn Trần Bảo Nghi tìm hiểu về tình trạng này qua bài viết sau.

Nội dung bài viết

  • Tổng quan về viêm tai giữa có mủ
  • Nguyên nhân viêm tai giữa có mủ
  • Triệu chứng viêm tai giữa có mủ
  • Điều trị/Xử lý tại nhà có được không?
  • Khi nào cần gặp bác sĩ?
  • Chẩn đoán viêm tai giữa có mủ
  • Điều trị viêm tai giữa mủ
  • Cách phòng ngừa viêm tai giữa có mủ

Tổng quan về viêm tai giữa có mủ

Tai người gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó tai giữa còn được gọi là hòm nhĩ là phần nằm phía trong màng nhĩ, có chức năng dẫn truyền và khuếch đại âm thanh. Tai giữa được lót bởi niêm mạc hô hấp và chứa không khí, được thông với vòm họng qua vòi nhĩ (hay còn gọi là vòi Eustache).

Tại sao viêm họng lại dẫn đến viêm tai giữa
Hình ảnh cấu tạo của tai người

Viêm tai giữa cấp có mủ

Viêm tai giữa cấp là tính trạng viêm của niêm mạc tai giữa với khởi phát nhanh chóng các triệu chứng tại chỗ như đau tai, chảy dịch tai,… và các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, chán ăn do nguyên nhân viêm nhiễm. Trong đó viêm tai giữa cấp có mủ là một thể của viêm tai giữa cấp được gây ra do vi khuẩn.1

Viêm tai giữa cấp nói chung là một trong các bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em và trẻ nhũ nhi. Tỷ lệ mắc bệnh của nó xuất hiện cao nhất trong năm đầu tiên của cuộc đời, cụ thể hơn là giai đoạn từ 6 tháng đến 12 tháng, và giảm dần theo độ tuổi tăng dần. Đến 3 tuổi, khoảng 50% tổng số trẻ em sẽ có ít nhất một đợt viêm tai giữa cấp và đến 9 tuổi là 75%. Tuy vậy bệnh lý viêm tai giữa cấp cũng không phải hiếm gặp ở người lớn.2

Viêm tai giữa mạn có mủ

Viêm tai giữa mạn có mủ là tình trạng viêm kéo dài của niêm mạc tai giữa kèm theo chảy mủ tai dai dẳng, tái diễn qua lỗ thủng màng nhĩ. Viêm tai giữa mạn có mủ thường khởi nguồn từ nhỏ khi màng nhĩ thủng tự phát trong viêm tai giữa cấp hoặc viêm tai giữa thanh dịch.

Viêm tai giữa cấp có thủng nhĩ chảy mủ tai kéo dài quá 3 tháng được xem là viêm tai giữa mạn có mủ. Viêm tai giữa mạn có mủ còn được gọi là viêm tai xương chũm mạn, vì thường kèm theo tình trạng viêm của niêm mạc các tế bào của xương chũm. Viêm tai giữa mạn có mủ nếu không được điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức nghe, chức năng thăng bằng và có thể nguy hiểm đến tính mạng.3

Nguyên nhân viêm tai giữa có mủ

Rối loạn chức năng vòi nhĩ

Tai giữa được giới hạn bởi phía ngoài là màng nhĩ (ngăn cách tai giữa với tai ngoài) và nối thông với vùng mũi họng qua vòi nhĩ (vòi Eustache).

Trong điều kiện sinh lý bình thường, vòi nhĩ có nhiệm vụ:

  • Điều hòa áp suất trong tai giữa.
  • Chống dịch từ vòm mũi họng trào ngược vào tai giữa.
  • Đào thải chất tiết từ tai giữa.

Vòi nhĩ luôn ở trạng thái đóng, chỉ mở ra khi chúng ta ngáp, nuốt hoặc hắt hơi giúp cân bằng áp suất tai giữa. Do vậy bất kì tình trạng nào gây rối loạn chức năng vòi nhĩ (tắc vòi) hoặc gây mất nguyên vẹn vòi nhĩ đều có thể dẫn đến viêm tai giữa.3

Rối loạn chức năng vòi Eustache thường là nguyên nhân gây ra bệnh viêm tai giữa. Viêm tai giữa cấp thường xảy ra sau một đợt viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA). Phù nề và xung huyết của vòi nhĩ và niêm mạc tai giữa dẫn đến lòng tai giữa bị thu hẹp làm tăng áp suất âm của tai giữa, tạo điều kiện cho trào ngược mầm bệnh từ mũi họng khi vòi nhĩ mở ra. Ở trẻ em, vòi nhĩ nằm ngang hơn, ngắn hơn và mềm hơn do vậy tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ cao hơn.

Rối loạn chức năng vòi Eustache còn làm cho tai giữa và xương chũm không được thông khí đầy đủ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng dai dẳng kéo dài dẫn đến viêm tai giữa mạn có mủ.

Tại sao viêm họng lại dẫn đến viêm tai giữa
Hình ảnh cấu tạo vòi nhĩ người lớn và trẻ em

Nhiễm trùng

Viêm tai giữa cấp có mủ thường xảy ra 3 – 4 ngày sau khởi phát một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ em. Virus làm giảm khả năng bảo vệ và thanh thải của vòi Eustache làm các tác nhân gây bệnh dễ dàng đi vào tai giữa.1

Viêm tai giữa có thể được gây ra bởi cả tác nhân virus (siêu vi) hoặc vi khuẩn. Khoảng 5 – 20% các trường hợp viêm tai giữa cấp là do virus và trong khoang tai giữa không có mủ. Trong trường hợp viêm tai giữa có mủ, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Các tác nhân gây bệnh thường được xác định trong bệnh viêm tai giữa có mủ bao gồm:

  • Streptococcus pneumoniae (phế cầu).
  • Haemophilus influenza.
  • Moraxella catarrhalis và Streptococcus nhóm A (liên cầu).

Tuy nhiên, vi khuẩn đường ruột gram âm và Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) cũng có thể gây bệnh trong 20% trường hợp.1

Trong viêm tai giữa mạn có mủ, các vi khuẩn gây bệnh thường gặp có thể là vi khuẩn hiếu khí như:

  • Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh).
  • Escherichia coli.
  • S. aureus (tụ cầu vàng).
  • Streptococcus pyogenes.
  • Proteus mirabilis.

Các chủng Klebsiella hoặc kỵ khí (yếm khí) như Bacteroides, Peptostreptococcus, Propionibacterium. Các vi khuẩn này thường đi vào tai giữa qua lỗ thủng màng nhĩ.

Yếu tố nguy cơ diễn tiến thành viêm tai giữa mạn có mủ4

Viêm tai giữa cấp có mủ có thể diễn tiến thành viêm tai giữa mạn có mủ. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Rối loạn chức năng vòi nhĩ.
  • Viêm tai giữa cấp có mủ tái phát nhiều lần.
  • Điều trị kháng sinh phù hợp, không đầy đủ.
  • Nhiễm trùng hô hấp trên thường xuyên.
  • Bệnh lý vùng mũi xoang.
  • Điều kiện sống thiếu vệ sinh.

Triệu chứng viêm tai giữa có mủ

Chảy mủ tai là triệu chứng đặc hiệu nhất cho viêm tai giữa có mủ cấp hoặc mạn tính tuy nhiên triệu chứng chỉ xuất hiện ở giai đoạn trễ của bệnh. Các triệu chứng khác tuỳ thuộc bệnh lý cấp hay mạn tính.

Triệu chứng viêm tai giữa cấp tính có mủ

Trường hợp viêm tai giữa có mủ ở trẻ nhũ nhi

Triệu chứng rất đa dạng, không rõ ràng, có khi chỉ là kích thích, quấy khóc, bú kém hoặc bỏ bú, sốt lạnh run, có thể đi kèm trong bệnh cảnh viêm mũi họng (sổ mũi, nghẹt mũi)

 Trường hợp viêm tai giữa có mủ ở người lớn và trẻ em

  • Sốt.
  • Đau tai tăng dần, đặc biết đau về đêm khiến trẻ không ngủ được.
  • Chảy mủ tai.
  • Có thể có khối sưng sau tai (biến chứng viêm xương chũm).
  • Ù tai.
  • Nghe kém.
  • Với trẻ nhỏ chưa biết biểu đạt bằng lời nói, trẻ có thể biểu hiện bứt rứt, quấy khóc, kéo tai hoặc nhét đồ chơi vào bên tai bị bệnh.

Triệu chứng viêm tai giữa mạn tính có mủ

  • Chảy mủ tai kéo dài > 3 tháng, mủ đặc xanh hôi.
  • Có thể có cholesteatoma.
  • Nghe kém tăng dần.
  • Đau âm ỉ trong đầu hay nặng đầu phía bên tai bị bệnh.

Điều trị/Xử lý tại nhà có được không?

Viêm tai giữa mủ dù cấp tính hay mạn tính đều không thể tự điều trị tại nhà, cần có sự thăm khám và tư vấn điều trị từ bác sĩ Tai Mũi Họng.

Không nên dùng kháng sinh không đúng vì sẽ làm lu mờ triệu chứng, khó chẩn đoán, hoặc chuyển thể cấp tính thành mạn tính, làm bệnh kéo dài khó phát hiện và dễ gây biến chứng.

Cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đối với viêm tai giữa có mủ ở trẻ em, khi trẻ có các triệu chứng: sốt cao, đau tai, giật kéo tai, chảy mủ tai nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đối với người lớn bị viêm tai giữa có mủ, khi có triệu chứng chảy mủ tai nên khám Tai Mũi họng càng sớm càng tốt, tránh để tình trạng chảy mủ tai dai dẳng kéo dài có thể dẫn đến viêm lan rộng và biến chứng

Ngoài ra nên đến gặp bác sĩ khi đã được điều trị thuốc đúng và đủ liều nhưng triệu chứng vẫn không giảm, chảy mủ tai kéo dài hoặc xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ biến chứng như sưng sau tai, đau đầu, nôn ói, cổ cứng, liệt mặt,…

Chẩn đoán viêm tai giữa có mủ

Chẩn đoán

1. Thăm khám tai

Để chẩn đoán viêm tai giữa, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành nội soi tai hoặc sử dụng đèn soi tai để phát hiện những tổn thương trong tai. Qua đó, bác sĩ có thể quan sát rõ màng nhĩ, màng nhĩ khỏe mạnh thường có màu xám hồng hoặc trắng sáng, trong mờ. Khi bị nhiễm trùng, màng nhĩ sẽ bị viêm, sung huyết, căng phồng, bên trong hòm nhĩ chứa dịch/mủ.

2. Thăm khám vùng mũi họng

Để phát hiện các nhiễm trùng hô hấp trên khác như viêm mũi họng, viêm amidan, viêm VA,…

Một số xét nghiệm

Soi tai bằng đèn soi tai/Nội soi tai: một số dấu hiệu lâm sàng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán viêm tai giữa cấp mủ hay viêm tai giữa mạn mủ như:

  • Màng nhĩ xung huyết, màng nhĩ đục, màng nhĩ phồng.
  • Đọng dịch mủ ở hòm nhĩ.
  • Màng nhĩ thủng với mưng mủ ở ống tai ngoài.
  • Chảy mủ đục hôi thối.
  • Xquang Schuller để đánh giá xương chũm khi nghi ngờ viêm tai giữa cấp có biến chứng hoặc viêm tai giữa mạn có mủ.
  • Chụp CT Scan đầu hoặc xương chũm để xác định sự nhiễm trùng lan tỏa ra bên ngoài tai giữa.
  • Đo thính lực để đánh giá sức nghe.

Hình ảnh có chứa nội dung nhạy cảm, bạn đọc cân nhắc trước khi xem

Xem

Tại sao viêm họng lại dẫn đến viêm tai giữa
Một số hình ảnh nội soi viêm tai giữa mủ

Điều trị viêm tai giữa mủ

Điều trị viêm tai giữa có mủ cấp tính1

Ở giai đoạn chưa thủng nhĩ, bác sĩ sẽ chỉ định chủ động chích rạch màng nhĩ để thoát lưu mủ ra ngoài. Điều này sẽ tốt hơn chờ màng nhĩ tự thủng.

Khi màng nhĩ đã thủng tự nhiên hoặc khi đã chích rạch tháo mủ cần phải chăm sóc hút rửa tai hàng ngày kèm với kháng sinh, kháng viêm nhỏ tai phối hợp với điều trị kháng sinh (uống hoặc chích) và thuốc giảm đau, hạ sốt để điều trị triệu chứng.

Khi bệnh diễn tiến tái đi tái lại hoặc nhiễm trùng lan rộng, có biến chứng, điều trị thuốc không hiệu quả bác sĩ có thể chỉ định đặt ống thông màng nhĩ hoặc phẫu thuật sào bào thượng nhĩ hoặc tiệt căn xương chũm tuỳ tình trạng bệnh cụ thể.

Điều trị bệnh lý mũi xoang, họng kèm theo

Cần điều trị thích hợp các bệnh lý mũi xoang, bệnh lý viêm họng, viêm amidan, viêm VA.

Trong trường hợp bệnh diễn tiến tái đi tái lại, người bệnh có thể cần nạo VA; cắt amidan để phòng ngừa bệnh lý nhiễm trùng hô hấp trên.

Điều trị viêm tai giữa có mủ mạn tính5

Tùy thuộc bệnh tích và tùy thuộc các giai đoạn mà có hướng điều trị bảo tồn hay điều trị phẫu thuật.

  1. Điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn thường không hiệu quả với viêm tai giữa có mủ mạn tính vì tình trạng viêm xương chũm, chỉ thực hiện trong giai đoạn hồi viêm cấp trên nền mạn hoặc bệnh nhân hiện chưa thể phẫu thuật. Bệnh nhân phải được chăm sóc tai, rửa bằng nước muối hoặc oxy già hàng ngày bởi bác sĩ kèm với thuốc nhỏ tai.

  1. Điều trị phẫu thuật

Sau khi điều trị nội khoa để làm khô tai, bệnh nhân thường được chỉ định phẫu thuật để giải quyết triệt để viêm xương chũm, bảo tồn thính lực. Các trường hợp có biến chứng nên được chỉ định phẫu thuật sớm để giải quyết biến chứng, phòng ngừa biến chứng gây nguy hiểm tính mạng cho bệnh nhân.

Cách phòng ngừa viêm tai giữa có mủ

Chúng ta có thể phòng tránh viêm tai giữa có mủ bằng những cách sau:1

  • Cần điều trị dứt điểm các bệnh lý về tai mũi họng như: bệnh viêm mũi xoang, viêm VA, …
  • Tránh để trẻ nhỏ tiếp xúc trực tiếp với những người bị mắc các bệnh truyền nhiễm.
  • Đeo khẩu trang cho trẻ khi đến những nơi công cộng, hay nơi có tiếp xúc nhiều người như bệnh viện, bến xe,…
  • Rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, cũng như trước và sau khi ăn nhằm hạn chế tình trạng vô tình đưa vi khuẩn vào cơ thể.
  • Bổ sung đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất nhằm tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao thể trạng cho trẻ.
  • Không nên cho trẻ cai sữa mẹ quá sớm trước 12 tháng.
  • Thực hiện tiêm chủng vắc-xin theo lịch để phòng các bệnh thường gặp như cúm, phế cầu…
  • Khi đã bị viêm tai giữa cấp tính, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ Tai Mũi Họng, điều trị đầy đủ, tránh để diễn tiến viêm tai giữa tái phát hoặc diễn tiến mạn tính.

Viêm tai giữa có mủ dù cấp tính hay mạn tính đều cần có sự thăm khám và tư vấn điều trị từ bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Triệu chứng chảy mủ tai là triệu chứng đặc hiệu nhất tuy nhiên chỉ xuất hiện ở giai đoạn trễ với viêm tai giữa cấp tính và có thể dai dẳng kéo dài ở viêm tai giữa mạn tính. Với trẻ em cần phòng ngừa và kịp thời điều trị viêm tai giữa cấp tính, tránh để diễn tiến tái phát và diễn tiến mạn tính. Ở người lớn khi có tình trạng chảy mủ tai cũng nên khám Tai Mũi Họng sớm để được điều trị thích hợp.