Biểu hiện lòng dũng cảm là gì

Câu hỏi: Ý nghĩa của lòng dũng cảm

Trả lời:

– Lòng dũng cảm trở thành một chuẩn mực đạo đức của xã hội, là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá nhân cách con người.

– Hồ Chí Minh đã căn dặn các thế hệ học sinh phải có lòng dũng cảm để sống tốt, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

– Ở bất kì thời đại nào, lòng dũng cảm luôn có sự phát triển tích cực tới sự phát triển của đời sống xã hội.
Ngoài ra, các em cùng THPT Trịnh Hoài Đức tìm hiểu thêm về lòng dũng cảm nhé!

Biểu hiện lòng dũng cảm là gì

1. Lòng dũng cảm là gì?

– Là dám làm một việc gì đó mà không sợ nguy hiểm, khó khăn.

– Là một phẩm chất quan trọng mà mỗi người cần có để chung sống với cộng đồng.

– Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa

2. Những biểu hiện đẹp của lòng dũng cảm

– Trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, biết bao anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tuổi xuân và tính mạng của mình cho độc lập tự do của dân tộc. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chứng kiến rất nhiều những hành động dũng cảm: cứu người hoạn nạn, truy bắt tội phạm, tố cáo tiêu cực…

– Những con người dũng cảm luôn vượt lên trên hiểm nguy để hành động theo lẽ phải, họ được cả xã hội ca ngợi, tôn vinh.

– Trong xã hội ngày nay, lòng dũng cảm không ngừng đứng trước những thử thách hiểm nguy, những sự mặc cảm cả của các thế lực đen tối, con người phải cân nhắc nhiều hơn khi hành động, tuy vậy vẫn có vô số tấm gương về lòng dũng cảm đáng ngợi ca.

3. Đoạn văn nghị luận về lòng dũng cảm

    Dũng cảm là phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người. Lòng dũng cảm được hiểu là tấm lòng gan dạ, dám dấn thân, đương đầu với khó khăn, gian khổ vì mục đích cao đẹp. Trong cuộc sống, lòng dũng cảm được biểu hiện bằng những hành động cụ thể trong từng hoàn cảnh khác nhau. Đó có thể là lòng dũng cảm của những vị anh hùng cứu nước, của những người chiến sĩ cách mạng dám dấn thân vào vòng vây của giặc, đứng hiên ngang trước mũi súng, làn bom vì mục đích cứu nước cứu dân cao cả. Đó cũng có thể là lòng dũng cảm của người con người bình thường dám đương đầu với khó khăn, dám thử sức mình với cái mới để tìm ra con người thành công cho bản thân và xã hội. Xã hôi hiện nay có rất nhiều tấm gương hiệp sĩ nông dân tự nguyện đứng lên chống cướp, bắt cướp, đảm bảo an toàn cho người dân, tiêu biểu như nhóm hiệp sĩ ở các quận thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua. Có thể thấy, lòng dũng cảm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của con người và cả xã hội. Hiểu rõ điều đó, chúng ta cần rèn luyện cho bản thân lòng dũng cảm, kiên cường, gan dạ ngay trong những hoàn cảnh nhỏ nhất, tránh xa lối sống hèn nhát, ích kỉ, ngại khó. Có như vậy, ta mới trở thành công dân có ích, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

    Theo Nho giáo, đạo lí làm người đề cao năm đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhân để thành người tốt. Nghĩa để thu phục nhân tâm. Lễ để luyện tâm chính. Trí để được thành danh. Tín để đạt thành công. Tuy không nhắc đến dũng nhưng tinh thần của dũng lại thấm nhuần trong tất cả các đức tính nêu trên.

    Vậy thế nào là dũng cảm? Dũng cảm là có dũng khí dám đương đầu với sức chống đối, với nguy hiểm. Ví dụ như: người chiến sĩ dũng cảm; dũng cảm bênh vực lẽ phải, bênh vực kẻ yếu thế. Tuy là một khái niệm trừu tượng nhưng lòng dũng cảm lại được thể hiện qua những lời nói, hành động cụ thể trong cuộc sống. Người xưa khẳng định: Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã. (Thấy việc nghĩa mà không làm là không có dũng khí). Mà như vậy thì chẳng xứng mặt anh hùng, cúi xuống thẹn đất, ngửa lên thẹn trời, bị người đời chê trách, phỉ nhổ.

    Trong văn chương, có rất nhiều nhân vật tiêu biểu cho lòng dũng cảm, dám xả thân để cứu khốn, phò nguy. Lục Vân Tiên, chàng học trò trên đường lên kinh ứng thí, gặp bọn cướp Phong Lai đang ức hiếp dân lành đã một mình tả đột hữu xông, đánh tan bọn chúng, cứu Kiều Nguyệt Nga và nữ tì Kim Liên. Lúc Kiều Nguyệt Nga cảm tạ và muốn đền ơn, Lục Vân Tiên khẳng khái đáp:

Làm ơn há dễ trông người trả ơn…

    Hành động quên thân vì nghĩa của Lục Vân Tiên là biểu hiện của dũng khí – một trong những đức tính cao quý của các bậc chính nhân quân tử trong xã hội phong kiến ngày xưa.
Từ Hải – nhân vật lí tưởng trong Truyện Kiều cũng là điển hình của lòng dũng cảm:

Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

    Chàng không chấp nhận triều đình thối nát đương thời, nên đã lập ra:

Triều đình riêng một góc trời.
Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà.
Đòi phen gió quét mưa sa,
Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam.
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì!
Nghênh ngang một cõi biên thùy,
Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương!

    Từ Hải khẳng định phẩm chất cao quý của người anh hùng là trọng nghĩa: Anh hùng tiếng đã gọi rằng:

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!

    Chàng đã đưa Thúy Kiều từ thân phận tủi nhục của một kĩ nữ chốn lầu xanh lên địa vị cao sang của một bậc phu nhân quyền quý. Chàng giúp nàng báo ân, báo oán – cũng là thực hiện ước mơ công lí, chính nghĩa của nhân dân.

    Đó là trong văn chương. Còn trong thực tế cuộc sống cũng có rất nhiều gương sáng về lòng dũng cảm. Điển hình là tấm gương của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, chỉ với lí tưởng cứu dân cứu nước và hai bàn tay trắng mà đã dám dấn thân vào con đường đầy gian lao, thử thách. Năm 1911, anh rời bến cảng Nhà Rồng, xuất dương để tìm chân lí cách mạng giải phóng dân tộc, giành chủ quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc Việt Nam. Người bạn thân hỏi lấy tiền đâu mà đi, Nguyễn Tất Thành chìa hai bàn tay thay cho câu trả lời. Lòng yêu nước, khát vọng tự do đã tạo nên dũng khí và sức mạnh, giúp người thanh niên ấy đương đầu và vượt qua trăm ngàn khó khăn, nguy hiểm, để rồi ba mươi năm sau, người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) đã trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự do, độc lập. Viết về Bác Hồ thời kì bị chính quyền Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam trên đất Trung Quốc, Quách Mạt Nhược – một học giả nổi tiếng đã kính phục tôn vinh Bác là một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Còn nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác những vần thơ đẹp nhất để ca ngợi con người Việt Nam đẹp nhất là Bác Hồ:

Người trông gió bỏ buồm chọn lúc,
Nước cờ hay, xoay vạn kiêu binh.
Lòng dũng cảm quyết không khuất phục,
Yêu hòa bình, đâu sợ chiến chinh!
(Theo chân Bác)

    Lòng dũng cảm chính là chất thép trong khí tiết của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Chất thép ấy có khi chứa đựng trong một ẩn dụ đầy tính nghệ thuật, một lời tự khuyên mình:

Ví không có cảnh đông tàn,
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân ?
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng.

    Hoặc trong những bài thơ đề cao tinh thần chiến đấu và ý chí chiến thắng không gì lay chuyển nổi của người tù cách mạng:

Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao.
Muốn nên sự nghiệp lớn,
Tinh thần càng phải cao.

    Tinh thần dũng cảm còn được thể hiện qua lòng yêu nước, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đất nước của hàng triệu thanh niên thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Họ rời đồng ruộng, nhà máy, trường học, tình nguyện vào mặt trận với quyết tâm tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

    Ngày nay, trong cuộc sống hòa bình, lòng dũng cảm được thể hiện qua ý chí và quyết tâm làm cho dân giàu, nước mạnh. Nhiều trí thức ngày đêm nghiên cứu khoa học với nhiệt tình say mê, ý chí bền bỉ, phương pháp đúng đắn để có được những cống hiến hữu ích cho xã hội.
Công việc khoa học nghiêm túc đòi hỏi họ phải có lòng dũng cảm, chấp nhận đương đầu với mọi cản trở trên bước đường tìm tòi, sáng tạo. Dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến sức lực, trí tuệ và tuổi thanh xuân cho khoa học, đó là dũng khí.

    Có một danh nhân đã nói: Chiến thắng chính mình là chiến thắng khó khăn và vinh quang hơn cả. Đúng như vậy! Đầu thế kỉ XX, nhà giáo, nhà văn Nguyễn Bá Học đã có lời khuyên thanh niên: Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.

Đăng bởi: THPT Trịnh Hoài Đức