Chỉ tiêu đánh giá tiêu chuẩn lotus năm 2024

Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) đã tiến hành học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, tiến hành biên soạn Hệ thống các chỉ tiêu đánh giá tòa nhà xanh ở Việt Nam, được gọi là Hệ thống đánh giá LOTUS.

Trong báo cáo này chúng tôi kiến nghị chỉnh sửa LOTUS như sau:

- Thay thế tất cả các tiêu chuẩn nước ngoài và các tiêu chuẩn cũ của Việt Nam không còn hiệu lực, đã được nêu trong LOTUS, bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam mới được ban hành trong các năm gần đây;

- Bỏ bớt một số chỉ tiêu đánh giá tòa nhà xanh, được quy định trong LOTUS. Cụ thể là: (1) A-4. Hiệu ứng đảo nhiệt ở đô thị; (2) A-5. Giao thông công cộng: cung cấp thông tin và khuyến khích dân cư sống trong công trình sử dụng xe đạp và giao thông công cộng; (3) CY-PR-1. Tiến hành tham vấn cộng đồng xung quanh theo quy định của Nghị định 80/2006/NĐ-CP; (4) Quản lý (Man.PR-1. Sổ tay hướng dẫn người sử dụng công trình; Man.1. Quản lý giai đoạn thiết kế, Man.2 – Quản lý giai đoạn thi công, Man.3 – Quản lý giai đoạn vận hành).

Trong mấy chục năm gần đây, loài người phải đối mặt với sự khủng khoảng năng lượng, suy thoái tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu, trên thế giới đã xuất hiện một trào lưu thiết kế và xây dựng các tòa nhà xanh (Green building). Theo số liệu của nhiều nhà khoa học trên thế giới thì áp dụng triệt để công nghệ xanh trong ngành xây dựng – kiến trúc (thiết kế và xây dựng công trình xanh, quy hoạch và xây dựng đô thị xanh) sẽ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, sẽ tiết kiệm được khoảng 15-25% tiêu thụ nguồn tài nguyên về năng lượng, nước, vật liệu và đất xây dựng, đồng thời giảm thiểu phát thải khí “nhà kính”, đảm bảo phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến nay đã có trên 85 nước trên thế giới đã thành lập Hiệp hội hay Hội đồng công trình xanh (Green Building Council), đã ban hành riêng hoặc dựa vào hệ thống các chỉ tiêu đánh giá Green Building của Mỹ, Anh, Canada hay Úc để xét công nhận và cấp chứng chỉ cho các tòa nhà đạt chỉ tiêu Green Building, nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ việc thiết kế và xây dựng công trình xanh của nước mình.

Hầu hết các Hiệp Hội (Hội đồng) Công trình xanh ở các nước Âu – Mỹ đều là các tổ chức phi Chính phủ, họ tự ban hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá công trình xanh, thu tiền lệ phí đánh giá và cấp chứng chỉ công trình xanh, cũng như xuất bản, phát hành các ấn phẩm và tập san chuyên môn để tự tạo nguồn kinh phí hoạt động.

Các Hội đồng Công trình Xanh ở các nước châu Á, như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia..., mặc dù về danh nghĩa cũng là các tổ chức phi Chính phủ, nhưng thực tế đều được cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ/Ngành) bảo trợ, chỉ đạo và cung cấp kinh phí hoạt động. Chỉ có 1 nước (Singapore) là cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng (BCA) đứng ra thành lập Hội đồng Green Building, xây dựng và ban hành hệ thống các chỉ tiêu Green Building và tiến hành xét công nhận các Green Building của Singapore.

Chỉ tiêu đánh giá tiêu chuẩn lotus năm 2024

Phát triển Green Building đối với nước ta là hết sức quan trọng và cấp thiết, vì hiện nay đã có và sẽ có hàng trăm, hàng nghìn tòa nhà cao to, đồ sộ, được thiết kế và xây dựng theo công nghệ của nước ngoài, không phù hợp với điều kiện khí hậu, tài nguyên và vật liệu của nước ta, không phù hợp với xu hướng xây dựng xanh trên thế giới, lãng phí năng lượng và tài nguyên, không thích ứng với biến đổi khí hậu. Green Building đối với nước ta là một vấn đề mới, nhưng không phải là vấn đề xa lạ, từ những năm 70 của thế kỷ trước ở nước ta đã phát triển mạnh các nghiên cứu và thiết kế các công trình kiến trúc nhiệt đới. Hầu hết nội dung nghiên cứu và thiết kế công trình nhiệt đới của nước ta đều thuộc về các chỉ tiêu của Green Building ngày nay, như là tận dụng các điều kiện thuận lợi của tự nhiên, hạn chế mặt tiêu cực để bảo đảm tiện nghi môi trường trong nhà tốt nhất, kinh tế nhất (thông gió tự nhiên, chiếu sáng tự nhiên, cách nhiệt, che nắng, tận dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, lục hóa công trình...).

Các chuyên gia của Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đã đi tiên phong trong nghiên cứu và thiết kế công trình phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới và vật liệu xây dựng ở nước ta trước đây, phù hợp với phát triển green building ngày nay, nhưng chỉ khác là trước đây thường nghiên cứu với nhà thấp tầng, còn nay phần lớn lại cần thiết nghiên cứu áp dụng đối với nhà cao tầng. Trong thời gian qua Bộ Xây dựng đã giao cho Hội MTXD biên soạn nhiều Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia có liên quan đến tiết kiệm, sử dụng hợp lý năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong ngành xây dựng. Phần lớn các tiêu chuẩn, quy chuẩn này là cơ sở pháp lý làm căn cứ để đánh giá công trình xanh ở Việt Nam.

Chỉ tiêu đánh giá tiêu chuẩn lotus năm 2024

Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) đã tích cực hoạt động, chủ động và có nhiều sáng tạo trong việc truyền bá và phát triển công trình xanh ở VN; từ năm 2007 đến nay đã tổ chức nhiều hội thảo và nhiều lớp tập huấn về kỹ năng thiết kế công trình xanh cho các chuyên gia thiết kế trẻ của Việt Nam. Đặc biệt là học tập, rút kinh nghiệm hệ thống chỉ tiêu đánh giá công trình xanh của một số nước trên thế giới, như là Green Star của Úc, LEED của Hoa Kỳ, BREEAN của Anh... để xây dựng hệ thống chỉ tiêu công trình xanh LOTUS ở Việt Nam.

Chúng tôi đánh giá cao về chất lượng của LOTUS. Tuy nhiên cần phấn đấu dần dần rút kinh nghiệm và chỉnh sửa để cho LOTUS ngày càng hoàn thiện hơn.

Dưới đây xin được giới thiệu tóm tắt nội dung chính của Hệ thống các chỉ tiêu LOTUS/ 2011, CASBEE của Nhật Bản/ 2008 và Green Mark của Singapore/ 2010.

* Hệ thống 10 nhóm chỉ tiêu công trình xanh của LOTUS [1]

(1) Giảm thiểu tiêu thụ năng lượng nhân tạo, tận dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo;

(2) Tiết kiệm sử dụng nước, tận dụng nước mưa và tái sử dụng nước thải...;

(3) Tiết kiệm sử dụng vật liệu xây dựng, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu dễ chế tạo, vật liệu được tạo thành tiêu tốn ít năng lượng...;

(4) Bảo vệ sinh thái, giảm thiểu tác động tiêu cực của việc xây dựng công trình đến hệ sinh thái xung quanh, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển thảm thực vật, trồng cây xanh trên mái và các tầng nhà;

(5) Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm môi trường, giảm thiểu xả thải nước thải, chất thải rắn, khí thải, khuyến khích tái chế, tái sử dụng chất thải trong suốt quá trình xây dựng, và giai đoạn vận hành;

(6) Bảo đảm tiện nghi và sức khỏe, chất lượng không khí trong nhà, tiện nghi nhiệt, vi khí hậu, tiện nghi ánh sáng, tiện nghi ồn, rung;

(7) Thích ứng và giảm nhẹ thiên tai, phòng chống úng ngập, bảo đảm công trình bền vững dưới tác động của bão tố, động đất, thảm họa thiên nhiên. Công trình không gây ra hiệu ứng đảo nhiệt, khuyến khích người sử dụng công trình đi lại bằng xe đạp và sử dụng phương tiện giao thông công cộng, sử dụng vật liệu địa phương để giảm nhu cầu giao thông vận tải;

(8) Kết nối cộng đồng, tham vấn cộng đồng khi đầu tự xây dựng dự án, kết nối với các tiện ích, cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có, có không gian phục vụ cộng đồng, tiện nghi cho người;

(9) Quản lý trong giai đoạn thiết kế công trình, trong giai đoạn thi công công trình và trong giai đoạn vận hành công trình đều là đảm bảo tối ưu hóa các hoạt động quản lý, khuyến khích áp dụng hệ thống quản lý môi trường;

(10) Khuyến khích các sáng kiến mang lại lợi ích cho môi trường nằm ngoài các yêu cầu

* Hệ thống chỉ tiêu công trình xanh CASBEE của Nhật Bản, 2008 [2] bao gồm 6 nhóm chỉ tiêu

(1) Chất lượng môi trường trong công trình: Môi trường âm thanh (tiếng ồn trong phòng, giảm ồn ở không gian mở, cách âm, hút âm ở vỏ công trình); tiện nghi nhiệt (kiểm soát nhiệt độ , độ ẩm, tốc độ gió trong phòng, cách nhiệt ở vỏ công trình, phân khu sử dụngtrong công trình, điều hòa không khí); chiếu sáng (chiếu sáng tự nhiên, chống chói lóa, chiếu sáng điện); chất lượng không khí (chống ô nhiễm hóa chất, amiăng, bụi), thông gió (hệ số thông gió tự nhiên, xuyên khí qua vỏ công trình, sơ đồ cấp không khí, kiểm soát hút thuốc lá);

Chỉ tiêu đánh giá tiêu chuẩn lotus năm 2024

(2) Chất lượng phục vụ của công trình: a) Khả năng phục vụ (tổ chức không gian chức năng hợp lý trong công trình, áp dụng hệ thống thông tin tiên tiến…); tiện ích, tiện nghi (tầm nhìn và cảm nhận cảnh quan xung quanh, không gian thư giãn, quy hoạch trang trí); quản lý duy tu, bảo dưỡng, an toàn; b) Tính bền vững và độ tin cậy (chống động đất); tuổi thọ phục vụ của các bộ phận nhà (vật liệu, khung kết cấu, thay đổi nội thất, bố trí thay đổi hệ thống thông gió và điều hòa không khí, sửa chữa hệ thống cấp nhiệt, cấp gas, cấp nước và thoát nước, nước mưa); c) Tính mềm dẻo và tính đáp ứng của công trình.

(3) Môi trường ngoài nhà tại địa điểm xây dựng: Bảo tồn và phát triển sinh vật trên bề mặt tại địa điểm xây dựng, tạo phong cảnh và cảnh quan đô thị, phát triển không gian cây xanh và tiện ích ngoài nhà, cải thiện môi trường nhiệt tại địa điểm xây dựng.

(4) Tiết kiệm năng lượng: Giảm tải trọng nhiệt của công trình, tận dụng năng lượng tự nhiên (sử dụng năng lượng tự nhiên, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt...), sử dụng năng lượng tái tạo; nâng cao hiệu suất sử dụng của các hệ thống thiết bị phục vụ trong công trình, như là hệ thống cấp nhiệt, cấp gas, hệ thống thông gió, điều hòa không khí, hệ thống chiếu sáng điện, hệ thống cấp nước nóng, thang máy...

(5) Tiết kiệm tài nguyên và vật liệu: Tài nguyên nước (tiết kiệm nguồn nước, hệ thống sử dụng nước mưa, hệ thống tái sử dụng nước xám); Giảm thiểu sử dụng tài nguyên không tái tạo (giảm thiểu sử dụng vật liệu xây dựng, tiếp tục sử dụng các kết cấu hiện có, tái sử dụng các vật liệu xây dựng, sử dụng gỗ khai thác từ rừng phát triển bền vững); tránh sử dụng các vật liệu chứa chất độc hại, vật liệu dễ cháy.

(6) Môi trường xung quanh: có xem xét đến sự nóng lên của trái đất (giảm thiểu phát thải khí CO 2), có xem xét đến môi trường địa phương (ô nhiễm không khí, đảo nhiệt, ồn, rung, mùi), tải trọng lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (giảm thiểu lưu lượng nước mưa chảy tràn, nước thải, tải trọng xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm giao thông), phá hoại của gió bão, thiêu nóng của bức xạ mặt trời, chói lóa từ bề mặt tường ngoài của công trình.

* Hệ thống các chỉ tiêu công trình xanh Green Mark của Singapore, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2010, bao gồm 5 nhóm chỉ tiêu

(1) Hiệu quả năng lượng: thiết kế nhiệt kỹ thuật đối với vỏ công trình, hệ thống điều hòa không khí, thông gió tự nhiên, thông gió cơ khí, chiếu sáng tự nhiên, chiếu sáng điện, thông gió phòng chung, thang máy, các thiết bị đặc thù khác, sử dụng năng lượng tái tạo.

(2) Hiệu quả sử dụng nước: sử dụng nước vừa đúng, chống rò rỉ, thất thoát nước, hệ thống tưới tiêu vườn cảnh tiết kiệm và tiêu hao nước của tháp làm lạnh.

(3) Bảo vệ môi trường: xây dựng bền vững, sản phẩm bền vững, điều kiện sống xanh, thực tế quản lý môi trường, giao thông xanh, làm lạnh, quản lý nước mưa.

(4) Chất lượng môi trường trong nhà: tiện nghi nhiệt, mức ồn, chất ô nhiễm không khí trong nhà, quản lý chất lượng không khí trong nhà, các ballast tần số cao.

(5) Các đặc thù xanh khác và những điều sáng tạo mới mẻ của công trình.

Để đạt được mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhanh sự nghiệp thiết kế xây dựng các công trình xanh ở Việt Nam, phát triển ngành xây dựng – kiến trúc ở Việt Nam bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm chứng chỉ công trình xanh đạt được sự chính xác, có uy tín, có vinh dự tương xứng, được sự đồng thuận, hoan nghênh của cộng đồng giới chuyên môn, người thiết kế, người xây dựng, người đầu tư, người sử dụng và người quản lý ngành xây dựng, chúng tôi tham gia một số ý kiến đóng góp sau đây.

1. Về hệ thống chỉ tiêu đánh giá LOTUS. Tuy rằng công cụ LOTUS đã được VGBC xây dựng một cách công phu, tham khảo tài liệu của nhiều nước trên thế giới, đã rất cố gắng Việt Nam hóa, về cơ bản là phù hợp, nhưng vẫn còn một số nhược điểm sau:

  1. Khi đánh giá cho điểm các chỉ tiêu của LOTUS về tiêu thụ năng lượng, thiết kế vỏ công trình, thông gió tự nhiên, điều hòa không khí, chất lượng môi trường, chiếu sáng, nước thải, tiếng ồn… đã căn cứ vào một số tiêu chuẩn của nước ngoài như ASHRAE 55 – 2004, ASHRAE 90.1 – 2007, trong khi ở Việt Nam đã ban hành các tiêu chuẩn tương tự là không hợp lý, đồng thời còn sử dụng một số tiêu chuẩn cũ của Việt Nam, đã bị hủy bỏ, như là TCVN 5502 – 2003 – tiêu chuẩn nước thải sinh hoạt, TCVN 6980: 2001, TCVN 5945: 2005 – tiêu chuẩn thải nước thải công nghiệp, TCVN 7382: 2004 - tiêu chuẩn thải nước thải bệnh viện, TC XDVN 333: 2005 – thiết kế hệ thống chiếu sáng, Quyết định số 2920/QĐ – MTg, ngày 21/12/2006 của Bộ KHCN &MT về việc áp dụng các TCVN về môi trường… Đặc biệt là QCXD VN 09: 2005 - các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả, là quy chuẩn rất quan trọng áp dụng đối với LOTUS, nhưng quy chuẩn này sẽ bị hủy bỏ trong một ngày gần đây và được thay thế bằng quy chuẩn mới do Bộ Xây dựng giao cho Hội Môi trường Xây dựng chúng tôi biên soạn chỉnh sửa trong 2 năm 2009 – 2010. QCXD VN 09: 2005 có nhiều thiếu sót, chưa phù hợp với điều kiện nước ta, vì vậy khi áp dụng LOTUS vào thực tế hiện nay nên sử dụng phiên bản cuối cùng của quy chuẩn mới thay cho QC XDVN 09: 2005.
  1. So sánh giữa hệ thống chỉ tiêu đánh giá công trình xanh của LOTUS với CASBEE (Nhật Bản) và Green Mark (Singapore), mặt khác, chúng tôi cho rằng đây là hệ thống chỉ tiêu đánh giá công trình xanh, chứ không phải là đánh giá khu đô thị xanh, nên chủ yếu là phải đánh giá các giải pháp thiết kế và xây dựng công trình, gắn bó hữu cơ, tồn tại lâu dài với công trình. Do đó chúng tôi kiến nghị bỏ một số tiêu chí đánh giá của công cụ LOTUS như sau:

(1) Bỏ một số chỉ tiêu đánh giá của nhóm chỉ tiêu thứ 7 - Thích ứng và giảm nhẹ thiên tai. Đó là các chỉ tiêu: công trình không gây ra hiệu ứng đảo nhiệt, khuyến khích người sử dụng công trình đi lại bằng xe đạp và sử dụng phương tiện giao thông công cộng… Bởi vì vấn đề đảo nhiệt là vấn đề của quy hoạch đô thị, không phải là vấn đề của thiết kế và xây dựng công trình, mặt khác không dễ dàng đánh giá công trình có đóng góp gây ra hiệu ứng đảo nhiệt ở đô thị hay không. Vấn đề khuyến khích những người sử dụng công trình sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đi xe đạp cũng không phải là trách nhiệm của người thiết kế và xây dựng công trình, cũng không phải là bản chất của công trình.

(2) Bỏ một số chỉ tiêu của nhóm chỉ tiêu thứ 8 - Cộng đồng: tham vấn ý kiến cộng đồng trong giai đoạn thiết kế dự án, sử dụng lao động địa phương trong giai đoạn thi công xây dựng dự án. Vì các tiêu chí này đã được quy định trong luật pháp về Đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án đầu tư.

(3) Bỏ nhóm chỉ tiêu thứ 9 - Quản lý: quản lý trong giai đoạn thiết kế, trong giai đoạn thi công và giai đoạn vận hành công trình. Bởi vì quản lý trong giai đoạn thiết kế hay trong giai đoạn thi công xây dựng công trình tốt hay xấu đã được thể hiện bằng chất lượng công trình hiện có, mặt khác rất khó có minh chứng và đánh giá một cách minh bạch về công tác quản lý đã qua. Còn quản lý vận hành thì phụ thuộc vào người chủ sử dụng công trình, có thể thay đổi, không phải là bản chất của công trình.

2. Về tên gọi chứng chỉ LOTUS ở Việt Nam. Theo tài liệu công bố của của VGBC thì trong thời gian tới VGBC sẽ tiến hành xét chọn và sẽ cấp 2 loại chứng chỉ công trình xanh. Tên gọi 2 chứng chỉ này là “Chứng chỉ LOTUS tạm thời” và “Chứng chỉ LOTUS chính thức”. Chứng chỉ LOTUS tạm thời có thể cấp sau bước thiết kế. Chứng chỉ LOTUS chính thức có thể cấp cho công trình đã đưa vào vận hành tối thiểu là 18 tháng.

Theo chúng tôi nên gọi chứng chỉ này là Chứng chỉ “Công trình xanh Việt Nam”, không phân thành chứng chỉ tạm thời và chứng chỉ chính thức, mà chỉ có một chứng chỉ duy nhất cho công trình đã tồn tại, hiện diện trong thực tế, đã đưa vào vận hành tối thiểu là 1 năm, chia ra các cấp theo số sao: 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao và 5 sao, như là ở rất nhiều nước trên thế giới đã làm.

Lý do đơn giản là nếu gọi là chứng chỉ LOTUS thì lại phải giải thích tại sao LOTUS lại là công trình xanh? Mặt khác chứng chỉ công trình xanh là đối với công trình tồn tại, hiện diện trên thực tế, chứ không thể cấp chứng chỉ tạm thời cho bản vẽ thiết kế công trình trên giấy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. VGBC. Công cụ LOTUS phi nhà ở. Phiên bản V.1, ngày 3/8/2011.

2. Institute for Building Environment and Energy Convervation, Japan Green Building Council (JaGBC/ Japan Sustainable Building Consortium (JaSBC).Japan CASBEE for new construction. Technical Manual 2008 Edition. Tool-1.

3. Singapore. BCA Green Mark for New Non – Residential Buildings Version NRB/4.0, Effective date: 1 Dec 2010.

4. Phạm Ngọc Đăng, Phạm Hải Hà. Bàn về xây dựng đô thị sinh thái ở nước ta. Tạp chí “Kiến trúc Việt Nam”, số 4/2002.

5. Phạm Ngọc Đăng. Phát triển đô thị bền vững về môi trường ở Việt Nam. Tạp chí “Quy hoạch Xây dựng”, số 6/2004.

6. Phạm Đức Nguyên. Chương trình phát triển công trình xanh và sự ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành xây dựng.Tạp chí “Người xây dựng”, tháng 4/2011.

ABSTRACT

ON THE CRITERIA SYSTEM FOR EVALUATING GREEN BUILDING

IN VIETNAM

Prof.Dr.of Sc. Pham Ngoc Dang

Chairmain of VN Association of Civil Engineering

In recent years, Energy crisis – Natural resource deterioration – Climate change has begun to be recognized as an urgent issue of extraordinary importance. In this condition development of green building is the World’s common tendency on modern construction and architecture.

The Vietnam Green Building Council (VGBC) conducted as survey of some the World’s experiences and proposed the Green Building Rating System for Vietnam, which named the LOTUS assessment system.

In this paper we propose review the LOTUS:

- Replace the all foreign and Vietnamese old standards and regulations by Vietnamese new standards and regulations in the text of LOTUS; - Reduce (cut down) some criterias for green building rating in LOTUS: (1) A-4. Urban heat island effect; (2) A-5. Public transport: provide information on the local public transport system to building occupants and encourage using bicycle for building accupants; (3) CY- PR-1. Conduct a public consultation in accordance with Decree No 80/2006/ND-CP; (4) Management (Man PR-1. Building user manual, Man.1 – Design stage, Man.2. Construction stage, Man.3. Operation stage).