Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tương đối rõ về trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Liên ngành Trung ương quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đã tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, góp phần tích cực trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm và hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm

Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sau đây gọi tắt là: BLTTHS) và Thông tư liên tịch số 01/2017 (sau đây gọi tắt là: TT 01), còn nhiều những khó khăn vướng mắc nhất định, dẫn đến việc áp dụng các quy định pháp luật chưa đồng bộ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một số nội dung vướng mắc như sau:

Một là, việc tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

Theo khoản 1 Điều 7 TT 01, quy định: “...Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (kể cả tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng) ...” .Thực tế hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều và đa dạng, như: Báo và các trang tin điện tử trên Internet, Đài phát thanh, Đài truyền hình.…, nhưng chưa có hướng dẫn thống nhất về biện pháp thực hiện, quy trình tiếp nhận, cần tập trung theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng nào (Ví dụ: một số báo chính thống, các trang tin điện tử của địa phương, truyền hình địa phương...). Do chưa có hướng dẫn, nên nhận thức chưa thống nhất, dẫn đến việc tổ chức tiếp nhận đầy đủ các tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng  gặp không ít khó khăn.

Hai là, về trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

Khoản 1 điều 145 BLTTHS quy định: “Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Có thể hiểu, mọi thông tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cá nhân, cơ quan, tổ chức đều phải được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết. Không cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào được quyền từ chối việc tiếp nhận này”. Quy định này nhằm tạo điều kiện cũng như khuyến khích cá nhân, cơ quan, tổ chức ngay khi phát hiện các sự việc có dấu hiệu tội phạm cần tố giác, báo tin ngay cho các cơ quan có thẩm quyền để nhanh chóng xử lý, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, trị an của xã hội.

Tại khoản 3 Điều 146 BLTTHS năm 2015 còn quy định về trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an (gọi chung là Công an cấp xã). Quy định này xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, các tố giác, tin báo cần được tiếp nhận kịp thời; khi sự việc phạm tội xảy ra, hiện trường thường bị thay đổi, xáo trộn, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có thể xóa dấu vết, nạn nhân trong tình trạng nguy hiểm... nên việc quy định Công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh sơ bộ ban đầu là hết sức cần thiết. Căn cứ vào các Điều 34, Điều 163 và Điều 164 BLTTHS năm 2015 thì Công an cấp xã không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, không phải là Cơ quan điều tra và Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Do vậy, các hoạt động của Công an cấp xã như lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai, thu giữ vật chứng… không phải là hoạt động điều tra, đây là các hoạt động xác minh sơ bộ ban đầu. Viện kiểm sát chỉ kiểm sát việc tiếp nhận của Cơ quan điều tra khi Công an cấp xã chuyển tố giác, tin báo về tội phạm đến. Như vậy, giai đoạn Công an cấp xã tiếp nhận, xác minh sơ bộ ban đầu đến trước khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không thực hiện được quyền kiểm sát tư pháp. Cũng tại Khoản 3, Điều 146 BLTTHS năm 2015 quy định, Công an cấp xã sau khi tiếp nhận, tiến hành xác minh sơ bộ ban đầu phải chuyển ngay tố giác, tin báo đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền, nhưng không quy định cụ thể là bao nhiêu ngày phải chuyển. Thực tế, có những vụ việc sau khi tiếp nhận, phân loại nhiều ngày Công an cấp xã mới chuyển lên Cơ quan điều tra sau đó Cơ quan điều tra mới tiếp nhận, đến xác minh thì hiện trường đã bị xáo trộn dẫn tới quá trình điều tra thu thập chứng cứ ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, hoặc Công an cấp xã không chuyển tin dẫn đến gây khó khăn cho việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, hoặc bỏ lọt tội phạm.

Để thực hiện quyền này, thực tiễn đã có một số đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện ký quy chế phối hợp với Cơ quan điều tra, để lãnh đạo Cơ quan điều tra chỉ đạo Công an cấp xã phối hợp với Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo tội phạm ngay từ ban đầu, nhằm đảm bảo công tác tiếp nhận phân loại tố giác, tin báo tội phạm được thực hiện một cách nghiêm túc theo quy định pháp luật.

Ba là, về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm:

Theo khái niệm giải thích từ ngữ tại Điều 4 BLTTHS: Nguồn tin về tội phạm gồm tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện.

Như vậy, theo quy định trên có 5 nguồn tin. Các khái niệm về: Tự thú, tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định rất rõ tại Điều 4, Điều 144 BLTTHS, nhưng khái niệm thế nào là “thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”, thì BLTTHS và TT 01 không có quy định cụ thể. Do đó, khái niệm này hiện nay còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Theo khoản 2 điều 160 BLTTHS quy định nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin tội phạm: “Kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc kiểm tra và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, kiểm sát việc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát việc phục hồi giải quyết nguồn tin”.

Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cũng như nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đã được quy định rất cụ thể trong BLTTHS và TT 01.  

Riêng nguồn tin tội phạm là “thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”, thì việc kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin này như thế nào, từ thời điểm nào, gồm những hồ sơ nào?. Khi tiến hành các hoạt động xác minh sơ bộ ban đầu thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có phải thông báo cho Viện kiểm sát không, thời hạn là bao nhiêu, hình thức nào, có ra quyết định phân công việc giải quyết nguồn tin như tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố không.

Thực tế có thể xảy ra 3 tình huống:

Thứ nhất: Những thông tin về tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện đã có đủ căn cứ khởi tố vu án thì cơ quan đó khởi tố vụ án theo thẩm quyền. Trường hợp này không cần thụ lý, phân công giải quyết nguồn tin.

Thứ hai: Những thông tin về tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện, qua phân loại đã rõ, hành chính, dân sự... thì chuiyễnử lý theo thẩm quyền cũng không phải phân công thụ lý, giải quyết nguồn tin.

Thứ ba: Những “thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”, nhưng dấu hiệu ban đầu có thể chưa xác định được ngay có phải là tội phạm hay không, ví dụ: Trộm cắp dưới 2 triệu đồng; Tàng trữ trái phép chất ma túy (theo khoản 1 Điều 249BLHS); Đánh bạc dưới 5 triệu v.v. những hành vi này Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng phải tiến hành các hoạt động như: xác minh lý lịch, nhân thân đối tượng, tra cứu tiền án, tiền sự có cùng loại không, đã xóa án tích hay chưa, trưng cầu giám định vật chứng nghi là ma túy, ghi lời khai người liên quan.... thì mới có căn cứ khởi tố hay không khởi tố. Các hoạt động này cũng như các hoạt hoạt động quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS quy định trình tự, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Như vậy việc giải quyết nguồn tin tội phạm là “thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”, thì Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có phải ra quyết định phân công giải quyết nguồn tin như  tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và thông báo cho Viện kiểm sát  để Viện kiểm sát thực hiện quyền kiểm sát như quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch 01/2017 không?

Một vấn đề đặt ra nữa là: Một số thông tin tội phạm do cơ quan tiến hành trực tiếp phát hiện, nhất là trong lĩnh vực an ninh, kinh tế, các cơ quan này vẫn tiến hành xác minh nhưng không thụ lý, phân công giải quyết nguồn tin, không phối hợp với Viện kiểm sát phân loại, dẫn đến có những vụ khi khởi tố mới chuyển hồ sơ, tài liệu cho Viện kiểm sát, như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Theo Khoản 3 Điều 160 BLTTHS quy định: “... Khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động:

Tiếp nhận, kiểm tra, xác mỉnh quyết định giải quyết nguồn tin về tội phạm đầy đủ, đúng pháp luật;

 Kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát,,,”

Theo quy định tại điều 160 BLTTHS đã nêu trên thì không loại trừ việc giải quyết nguồn tin là thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện. Nhưng chỉ khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì hoạt động kiểm sát mới phát sinh (theo quy định tại các điểm từ a đến đ của khoản 3 Điều 160 BLTTHS).

Do vậy việc áp dụng pháp luật giải quyết nguồn tin là thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện trong thực tiễn hiện nay còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, chưa có hướng dẫn cụ thể của các ngành Trung ương về trình tự giải quyết nguồn tin là thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện.

Bốn là, các hoạt động xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS quy định về các hoạt động xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:

a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;

b) Khám nghiệm hiện trường;

c) Khám nghiệm tử thi;

d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.

Thực tế quá trình giải quyết một số tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cần thiết phải tiến hành hoạt động thực nghiệm điều tra để có căn cứ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự (Ví dụ: một số tin báo về tai nạn giao thông, cần phải thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường mới có thể xác định được hành vi vi phạm (lỗi hay không) của các bên liên quan đến tai nạn, trên cơ sở đó xem xét xử lý khởi tố hay không khởi tố) hoặc các tố giác về lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng cần nhận dạng người (qua ảnh).... để xác định người bị tố giác, người liên quan có đúng là người đã thực hiện hành vi vi phạm hay không để có căn cứ xem xét xử lý .v.v.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS, thì ngoài các hoạt động nêu trên, Cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố có được thực hiện các hoạt động: Thực nghiệm điều tra, nhận dạng,... hay không, về nội dung trên chưa được quy định cụ thể. Tại thông tư liên tịch 01/2017 đã có hiệu lực từ ngày 01/3/2018 thay thế Thông tư liên tịch 01/2013, cũng không có hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Do đó quá trình xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố còn gặp nhiều khó khăn.

Năm là, căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

Khoản 1 Điều 148 BLTTHS quy định 02 trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đó là:

a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;

b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.

Trong thực tiễn, nhiều vụ việc lời khai của người bị tố giác hoặc lời khai của người bị hại có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án (Ví dụ: một người tố giác người khác lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (không có tài liệu khác, không có người làm chứng) hoặc trường hợp người bị hại tố giác người khác dùng hung khí gây thương tích (không có người làm chứng), nhưng sau đó người bị hại vắng mặt hoặc người bị tố giác vắng mặt không triệu tập ghi lời khai, thời hạn giải quyết tố giác, tin báovề tộiphạm đã hết, chưa làm sáng tỏ được có dấu hiệu tội phạm hay không (không thuộc một trong các quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 148 BLTTHS). Do đó, khi thời hạn giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra có thẩm quyền không có căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết tố giác tin báo về tội phạm. Vì vậy đối với những tố giác, tin báo về tội phạm nói trên này Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải giải quyết như thế nào? thì có được xác định là “Đã yêu cầu cá nhân cung cấp tài liệu quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả” để tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hay không.

Sáu là, việc dẫn giải đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố

Tại điểm c khoản 2 Điều 127 BLTTHS quy định:

“ Dẫn giải có thể áp dụng đối với:

c) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.

Theo quy định trên thì việc dẫn giải chỉ áp dụng đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trong vụ án đã được khởi tố.  Vậy, đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trong các vụ việc đang giải quyết theo tố giác, tin báo kiến nghị khởi tố chưa được khởi tố vụ án mà cố tình không có mặt mặc dù đã được triệu tập thì có được dẫn giải không. Trong thực tế người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trong quá trình giải quyết các vụ việc tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cố tình không có mặt để giải quyết cũng sẽ gây khó khăn rất nhiều cho việc giải quyết vụ việc.

Trước những khó khăn vướng mắc trên, trên cơ sở thực tiễn, chúng tôi đề xuất kiến nghị một số giải pháp sau:

Một là: Cần quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận, xác minh, lập hồ sơ ban đầu của Công an cấp xã.

Hai là: Đối với thông tin về tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện, phải quy định rõ việc tiếp nhận, giải quyết theo Thông tư 01/2017

Ba là: Quy định thêm các biện pháp nhận dạng, đối chất, thực nghiệm điều tra trong xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Bốn là: Cần hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với trường hợp người tố giác hoặc người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố vắng mặt không thể ghi lời khai được.

Năm là: Cần bổ sung quy định dẫn giải đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà vẫn cố tình vắng mặt không lý do, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Để công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt hiệu quả cao, đồng thời tăng cường công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội, thiết nghĩ liên ngành Trung ương cần hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện.

Trên đây là một số nội dung còn vướng mắc, bất cập trong quá trình tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin tội phạm theo BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch 01/2017, rất mong nhận được sự chia sẻ của các đồng nghiệp.


                                                                                                                              Mai Thị Tân –P2

                                                                                                VKSND tỉnh Quảng Ninh