Đánh giá phim vô gian đạo 2

Trước khi trình bày cảm nhận của mình về bộ phim, mình lại sa vào một vấn đề khá quen thuộc với khán giả của phim này: Gian hay Gián mới là đúng? Theo nhiều cách giải thích liên quan đến tên và ý nghĩa của phim, vô gián đạo ám chỉ tới A tì địa ngục (avici) hay còn gọi là vô gián địa ngục, nơi chúng sinh mang tội phải chết và tái sinh không ngừng nghỉ, không thực sự chết mà chỉ bỏ thân này thụ thân khác để chịu hành hình đời đời (vô gián). Chữ “gián” này vừa hay cũng là “gián” trong “gián điệp” gợi liên tưởng đến hai nhân vật trung tâm của phim đều là gián điệp của phe đối diện. Tuy nhiên “gian” hay “gián” thì lại vẫn là cùng một chữ tiếng Trung thôi, sao lại có hai cách phát âm thì mình không hiểu nổi.

Ấn tượng tổng thể của mình đối với phim là sự tỉ mỉ trong dàn dựng. Một biểu hiện rõ nét của sự trau chuốt này là phần âm thanh của phim, mà ví dụ điển hình nhất là bản nhạc Forgotten Time. Khi Giang giới thiệu với Lưu về chất lượng loa, bản nhạc phát ra thực sự đi thẳng vào lòng người nghe như lời anh nói. Để có thể so sánh, trong phần 2 Lưu cũng được giới thiệu một bộ loa không tốt lắm, tiếng nhạc nghe kém sâu sắc hơn hẳn bản nhạc anh và Giang cùng ngồi nghe ở đầu phần 1.

Mình nghĩ phim được quay và dựng thực sự tốt. Mình nhớ bản thân đã phải “ồ” lên trong một cảnh quay Lưu trong văn phòng, màn hình xoay trong một chớp mắt như chính tâm trạng anh ta, những cảnh cận của Giang và cô bác sĩ Lý rất tình dù họ đôi khi còn chẳng nhìn nhau, không gian chết lặng sau khi Giang nhìn thấy xác thanh tra Huỳnh như chính tâm trí chết lặng chơi vơi của anh vì người duy nhất chứng thực cái thân phận anh luôn vươn tới không còn nữa. Cảnh gần cuối phim khi Giang chĩa súng vào Lưu cũng là một cảnh ấn tượng. Lưu dù bị còng tay, bị áp giải vẫn quần áo chỉnh tề lịch thiệp như một ngày làm việc nhàn nhã trong sở cảnh sát, còn Giang tuyên bố mình là cảnh sát trong dáng vẻ của một tên du côn. Dù đứng dưới nắng trời rực rỡ, người ta làm sao mà phân biệt được đây? HongKong trong phim không phải chỉ có sân thượng ngập tràn ánh nắng và những quán hàng xập xề tối mù, không phải chỉ có những đường phố đông đúc nhộn nhịp và bến cảng vắng vẻ lạnh lẽo, HongKong còn có những buồng thang máy sáng choang trượt trong khoảng tối nơi người ta bước vào mà không biết mình chẳng thể bước ra.

Bình thường mình không xem nhiều phim điều tra phá án hay phim gián điệp vì cảm thấy kết cấu phim có phần “đoán trước được”. Xét cho cùng đều là quá trình tìm ra tay trong của đối phương trong nội bộ thôi mà. Tuy nhiên bộ phim này không hoàn toàn là như vậy. Mình nghĩ phim không quá tập trung vào việc mô tả quá trình hay các mánh lới phản gián và điều tra nội bộ cũng như không nhiều plot twist đến mức “xoắn não” hay đòi hỏi người xem phải chú ý tới từng chi tiết mà tập trung sâu hơn vào việc khắc họa sự bế tắc về bản ngã của hai con người đã ngụp lặn quá sâu trong môi trường của đối thủ.

Giang là một tên giang hồ thực sự, hay gây gổ đánh lộn, mình đầy vết thương, thân xác gầy gò tóc dài rũ rượi, nhìn là thấy vật vờ lông bông, đến cái sự thật anh là cảnh sát ngoài tự anh nhắc mình cũng chỉ có một người khác trên đời biết. Còn cảnh sát Lưu thì gọn ghẽ sạch đẹp, mặt mày sáng sủa quần áo phẳng phiu, cuộc đời dương quang xán lạn hanh thông dù anh là tay trong của tội phạm. Xuyên suốt cả bộ phim hai nhân vật xuyên qua nhau, xuyên qua ranh giới hai miền chính – tà vốn xoắn quyện vào nhau trong xã hội HongKong tranh tối tranh sáng. Càng về cuối phim sự bế tắc trong nhận định mình là ai, mình nên làm gì, mình có thể làm gì lại càng rõ nét. Và đặc biệt là, dần dần người xem đã phát hiện ra Giang và Lưu không phải những người nằm vùng duy nhất. Thế giới hỗn mang không chỉ đối với họ, mà cả xung quanh họ nữa. Đó mới là vô gián đạo thực sự.

Bộ phim này không tạo cho mình nhiều cảm giác hồi hộp mà nhiều hơn là cảm giác buồn, buồn tú túng như chính bài hát chủ đề Forgotten Time, buồn như quá khứ luôn ngập tràn tâm trí, ám ảnh người ta trong hiện tại, cái tôi không nói nên lời trong mỗi người. Cảnh sát Lưu yêu thích bài hát này đến thế, có lẽ cũng bởi vì nó diễn tả đúng cảm xúc của anh ta.

Bộ phim này cũng thực sự buồn khi đến cuối phim, cả thanh tra Huỳnh và Giang đều chết, nhất là Giang, sau bao tháng ngày khổ sở đằng đẵng mong đợi được làm một người đàng hoàng, được ngồi làm việc bên cửa sổ nhìn ra biển, sau gần 10 năm trời biến mình thành một tên côn đồ thực sự chỉ để được sống quang minh chính đại, lại chết ngay khi tưởng như anh đã giải quyết được vấn đề dai dẳng suốt 10 năm này, sau khi thanh tra Huỳnh và Cường chết để bảo vệ anh. Ít nhất đối với Lưu, anh ta còn sống, anh ta đã đưa ra vài lựa chọn đúng, dù đó là cái đúng ích kỉ để bảo vệ chính mình, dù sau đó anh ta dằn vặt đau khổ, thì anh ta vẫn sống dưới ánh mặt trời. Anh ta vẫn còn cơ hội lựa chọn. Giang thì khác, đi từ chỗ hăm hở tiến vào hàng ngũ tội phạm, rồi vất vưởng ba năm lại ba năm rồi lại ba năm, số người biết anh thực sự là cảnh sát từ hai chỉ còn một, rồi chẳng còn ai, rồi kết thúc mệt mỏi, rồi chết ngay khi chiến thắng đã gần kề. Giang đã luôn kiên định với lựa chọn ban đầu, nhưng hồi báo của anh không như anh mong đợi. Trong bộ phim này mình nghĩ nhân vật của Lưu là một nhân vật có nhiều không gian để khai thác hơn, bởi cuộc đời anh ta có nhiều khúc quanh hơn, có nhiều trăn trở và lựa chọn hơn.

Nếu có điểm gì đó khiến mình không hài lòng ở phim này, thì có lẽ đó là việc giản lược cuộc đời Giang. Có lẽ vì nhân vật này của Lương Triều Vĩ thực sự đánh động mình, nên mình cảm thấy muốn biết nhiều hơn về anh ta, về những dằn vặt trong bản ngã của anh, những lúc dao động, những lúc chán nản, những lúc muốn buông xuôi, những mối tình dang dở, những vết thương, … Screentime của Giang cũng như chính cuộc đời nhân vật, đã định trước là phải chìm vào bóng tối.

Sau khi xem phim mình đã xem cả phần 2 và phần 3, những phần mình nghĩ có thể tính là phiên ngoại của phim. Phần 2 là những chuyện xảy ra trước câu chuyện chính. Phần này cũng lại là một cuộc chiến mà phía cảnh sát thiệt hại nặng và nó cũng không đi sâu vào phá án mà tập trung hơn vào sự pha trộn trong bản chất mỗi người. Ta có thể thấy rõ hơn quá trình phát triển của cả Lưu và Giang để tới vị trí của họ trong phần 1. Câu chuyện về Giang rõ nét hơn, Lưu trở nên đời hơn với tình cảm ngây ngô mà bền bỉ với Mary, thanh tra Huỳnh cũng lộ rõ những điểm yếu trong thủ pháp không mấy quang minh chính đại của mình.

Phần 3 làm mình cảm giác như bị ép phải sản xuất thêm . Nó dường như là một phần câu chuyện khác, được cố ghép vào câu chuyện của phần 1. Những nhân vật mới xuất hiện xen vào giữa nhóm nhân vật cũ, những tình tiết mới xuất hiện xen vào các tình tiết cũ, vẫn chỉ để khắc sâu ý tưởng chung của phần 1. Mình có cảm tưởng phần 3 chỉ làm được duy nhất một việc mà phần 1 chưa hoàn thành, là bóc trần thân phận của Lưu, mang lại cảm giác công lý phải được thực thi. Đó vẫn là một cuộc chiến mà phía cảnh sát tổn thất nghiêm trọng, và Lưu vẫn sống trong khi đối thủ của anh ta đã chết. Điều đó càng củng cố cho mình niềm tin rằng Lưu mới là nhân vật trung tâm thực sự của loạt phim này, kẻ thực sự bị vây hãm trong vô gián đạo mãi không thoát nổi.

Mình khá thích tình tiết cô bác sĩ Lý dùng cách nào đó (hoặc chẳng dùng cách nào cả) khiến Lưu tưởng rằng mình là Giang, và tìm mọi cách bắt chính bản thân mình, đó có lẽ là plot twist tốt nhất của loạt phim này. Cốt truyện sẽ rõ ràng hơn nếu cô Lý có nhiều screentime hơn, hay kịch bản đi sâu hơn vào phần thủ pháp. Nhưng cũng như phần 1, trọng tâm của phim chưa bao giờ là việc phá án, mà là những mâu thuẫn sâu sắc trong nội tâm nhân vật, nên thay vì thấy cô bác sĩ dẫn dắt Lưu, ta chỉ thấy Lưu tự mắc kẹt, tự quằn quại vùng vẫy trong nhà tù tâm trí.