Đánh giá rủi ro ngành hải quan

(HQ Online) - Công tác quản lý rủi ro (QLRR) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kiểm soát hải quan, năng lực quản lý Nhà nước của cơ quan Hải quan, góp phần tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro Nguyễn Nhất Kha đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Hải quan.

Đánh giá rủi ro ngành hải quan
Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro Nguyễn Nhất Kha

Ông có thể cho biết những thành tựu quan trọng công tác quản lý rủi ro đã đạt được đối với sự phát triển của ngành Hải quan, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao theo từng năm?

Có thể khẳng định QLRR là xu thế tất yếu của quản lý hải quan hiện đại. Cơ chế này đã được cơ quan Hải quan của nhiều nước trên thế giới áp dụng như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đặc biệt trong bối cảnh thương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua. Năm 2020, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam đã đạt hơn 540 tỷ USD. Công tác QLRR ngày càng chứng tỏ được vai trò là phương tiện hữu hiệu của cơ quan Hải quan trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa tạo thuận lợi cho hàng hóa XNK, hành khách XNC hợp pháp vừa đảm bảo kiểm soát, phát hiện các trường hợp gian lận và vi phạm trong lĩnh vực hải quan, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Một trong những thành quả quan trọng của công tác QLRR trong sự phát triển của ngành Hải quan đó là công tác phân luồng quyết định kiểm tra trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK ngày càng hoàn thiện, tỉ lệ phân luồng vượt chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020. Bằng việc áp dụng quản lý rủi ro kết hợp với chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", ngành Hải quan đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, từ thủ công sang tự động hóa dựa trên đánh giá rủi ro; qua đó làm giảm đáng kể tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, góp phần đơn giản hoá thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan, tiết kiệm nguồn lực cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, giảm chi phí của doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa XNK. Cùng với đó, quá trình phân luồng được thực hiện hoàn toàn tự động, giảm sự can thiệp của công chức Hải quan trong hoạt động quản lý hải quan và giảm thiểu sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với cơ quan Hải quan.

Năm 2011, tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa 12,62%, đến năm 2014 là 9,68%, năm 2020 giảm còn 4,91%.

Hiện hệ thống nghiệp vụ QLRR được xây dựng khá hoàn chỉnh cả về hành lang pháp lý và hệ thống quy trình, biện pháp nghiệp vụ QLRR, quản lý tuân thủ, tạo cơ sở cho việc áp dụng QLRR, quản lý tuân thủ trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Ngành Hải quan đã tổ chức đánh giá tuân thủ và xếp hạng rủi ro đối gần 150.000 doanh nghiệp XNK; hàng năm tiến hành thu thập, cập nhật thông tin hàng chục nghìn hồ sơ doanh nghiệp, phân loại và chuyển giao danh sách khoảng 500 doanh nghiệp để lựa chọn kiểm tra sau thông quan để đánh giá tuân thủ.

Đặc biệt, ngành Hải quan đã chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện các vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan bằng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ QLRR như: thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra, xây dựng hồ sơ rủi ro, hồ sơ doanh nghiệp trọng điểm, triển khai kế hoạch, chuyên đề kiểm soát rủi ro, xác định trọng điểm, tăng cường lựa chọn kiểm tra không xâm nhập bằng máy soi container, cung cấp thông tin giám sát trực tuyến..., góp phần chống thất thoát ngân sách nhà nước. Theo số liệu thống kê, từ năm 2014 đến năm 2020 số vụ việc phát hiện vi phạm tăng từ 12.337 vụ lên 16.725 vụ. Điều này cho thấy công tác QLRR có hiệu quả cả trên khía cạnh tạo thuận lợi thương mại và khía cạnh kiểm soát.

Hiện nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang nỗ lực triển khai Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo tinh thần Quyết định 38/QĐ-TTg. Việc áp dụng QLRR trong hoạt động XNK sẽ mang lại lợi ích nào cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp, thưa ông?

Để triển khai áp dụng QLRR trong kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm theo tinh thần cải cách của Đề án tại Quyết định 38/QĐ-TTg, thời gian tới, ngành Hải quan cũng như các bộ, ngành sẽ thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Thông qua hoạt động này, cơ quan kiểm tra nhận diện được nhà nhập khẩu nào tuân thủ tốt pháp luật, nhà nhập khẩu nào thường xuyên vi phạm pháp luật, có rủi ro cao trong nhập khẩu hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, từ đó tạo thuận lợi hoặc tăng cường kiểm tra đối với các nhà nhập khẩu theo các mức độ rủi ro khác nhau.

Mặt khác, đánh giá, phân loại mức độ rủi ro đối với hàng hóa theo tiêu chí đối với nhà xuất khẩu, nhà sản xuất ở nước ngoài để phân loại mức độ rủi ro đối với hàng hóa...

Nguyên tắc QLRR được thực hiện sâu rộng và thực chất góp phần phân loại mức độ rủi ro, làm cơ sở bố trí, sắp xếp nguồn lực hợp lý để kiểm tra. Cơ quan kiểm tra sẽ tập trung nguồn lực để kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa có rủi ro cao của doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, những lô hàng rủi ro cao có khả năng vi phạm.

Để tạo thuận lợi thông quan nhanh hàng hóa, chủ động ngăn ngừa, phát hiện buôn lậu, gian lận thương mại, ngành Hải quan đã đẩy mạnh việc nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng hệ thống máy soi container. Ông có thể cho biết một số kết quả và thách thức của hoạt động này đặt trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030?

Thời gian qua, Cục QLRR và cục hải quan các tỉnh, thành phố đã tập trung nguồn lực và quyết liệt áp dụng đồng bộ hàng loạt các biện pháp để triển khai công tác soi chiếu theo hướng toàn diện, thống nhất, đi vào chiều sâu tại ba cấp gồm: cấp Tổng cục Hải quan, cấp cục hải quan tỉnh, thành phố và cấp chi cục. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng máy soi container trong công tác quản lý hải quan, đặc biệt chú trọng phân tích đánh giá rủi ro, tăng cường lựa chọn soi chiếu các lô hàng trong quá trình xếp dỡ tại cảng, kho, bãi, khu vực cửa khẩu nhập...

Quá trình triển khai cho thấy hiệu suất, hiệu quả công tác soi chiếu đã từng bước được nâng cao. So với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng container đã soi chiếu trong 5 tháng đầu năm 2021 cao hơn gấp 1,9 lần (trung bình đạt khoảng 570 cont/ngày); lượng cont nghi vấn tăng cao gấp 4,1 lần, số lượng cont vi phạm tăng gấp 1,7 lần (với khoảng 200 cont vi phạm). Trong đó, lực lượng Hải quan phát hiện nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa không khai báo, khai sai chủng loại...; container quá cảnh soi chiếu nghi vấn, kiểm tra thực tế phát hiện nhiều thùng hàng tiêu dùng được gom lại có ghi địa chỉ, tên người nhận tại Việt Nam và nhiều trường hợp sửa đổi, bổ sung tờ khai... dẫn đến tăng trị giá tính thuế, tăng tiền thuế phải nộp.

Trong tiến trình phát triển, hiện đại hoá hải quan đến năm 2030 sẽ có những cải cách mạnh mẽ thông qua phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường các trang thiết bị như hệ thống máy soi container phục vụ công tác quản lý hải quan. Điều này càng khẳng định việc chú trọng nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác lựa chọn, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi là hướng đi đúng đắn.

Để công tác này ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả, cơ quan Hải quan cần giải quyết một số các khó khăn, thách thức không nhỏ như khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định liên quan nhằm thiết lập hành lang pháp lý minh bạch, nhất quán; kiện toàn đội ngũ công chức chuyên nghiệp đủ năng lực thực thi; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ…