Giải pháp phát huy vai trò Hội phụ nữ

Dự hội thảo tập huấn còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo HĐND, UBND huyện Đông Anh, lãnh đạo phòng Lao động thương binh và xã hội, phòng Văn hóa thể thao, phòng Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Hội Luật gia; lãnh đạo và cán bộ phong trào Hội LHPN cấp huyện và cơ sở, đại diện các mô hình của 5 quận, huyện: Long Biên, Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm.

Giải pháp phát huy vai trò Hội phụ nữ

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội phát biểu tại hội thảo tập huấn

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, Hội LHPN Hà Nội tổ chức 5 cuộc hội thảo tập huấn tại 5 cụm thi đua của Hội. Cuộc hội thảo tập huấn hôm nay là cuộc thứ 4, được tổ chức tại 5 quận, huyện gồm Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn ý kiến các ngành của 5 quận, huyện về các giải pháp nâng cao chất lượng của các mô hình hỗ trợ tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ…

Với chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, trong những năm qua, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo các cấp Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ, tham gia giải quyết kịp thời các vụ việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật và hỗ trợ phụ nữ đã được thành lập tại các cấp Hội. Hội cũng đã tổ chức nhiều hội thảo nhằm đánh giá công tác thực hiện các mô hình tại cơ sở.

Cùng với đó, Hội LHPN TP Hà Nội cũng đã đề xuất và được UBND thành phố giao triển khai Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018-2027” và Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 27/1/2022 về Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026. Hiện Đề án 938 đang đi vào giai đoạn 2 với mục tiêu “Tập trung hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi hành vi thông qua các mô hình, điển hình đã được xây dựng; phát huy tính chủ động của phụ nữ trong giải quyết các vấn đề xã hội liên quan; nghiên cứu đề xuất chính sách”. Theo lộ trình này, các hoạt động trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục tập trung giúp phụ nữ chuyển đổi hành vi, phát huy nội lực và vai trò chủ động của phụ nữ…

Hội thảo tuyên truyền nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật và tham gia giải quyết vụ việc, xâm hại, bạo lực phụ nữ trẻ em trong tình hình mới, thực hiện các mục tiêu của Đề án 938 của Chính phủ và Kế hoạch 36 của UBND Thành phố, đặc biệt là thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. “Ý kiến của đại biểu là những thông tin quý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em trong các cấp Hội phụ nữ Hà Nội trong thời gian tới” – đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết.

Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh cũng đánh giá  việc tổ chức hội thảo tập huấn của Hội LHPN thành phố Hà Nội rất ý nghĩa cho Đông Anh và các quận huyện phía Bắc sông Hồng trong quá trình xây dựng huyện thành quận. Các đề án xây dựng huyện Đông Anh thành quận có đưa ra mục tiêu xây dựng huyện “5 có 3 không” gồm: 5 có là: có hoàn thành các điểm quy hoạch, thôn nào cũng có nhà văn hóa, có sân vận động cho thanh thiếu niên, trẻ em, có điểm đỗ xe, có công viên mini; 3 không gồm: không vi phạm pháp luật, không ô nhiễm môi trường, không vi phạm quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Trong đó, vai trò của Hội Phụ nữ vô cùng quan trọng. Phụ nữ Đông Anh đã vào cuộc tích cực để tham gia nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thông qua các phong trào, cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, phụ nữ tham gia vào Ban Chấp hành ngày càng đông, giữ nhiều vị trí chủ chốt như Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư các cấp…

“Có những nơi phụ nữ bị bạo hành còn giấu kín. Tôi hỏi tại sao bị chồng đánh còn im lặng vậy thì chị ấy bảo “xấu chàng hổ ai”. Nếu được tuyên truyền, ai cũng hiểu biết pháp luật và quyền của mình, thì họ sẽ không ứng xử như vậy, đặc biệt là phụ nữ. Tôi cho rằng, rất cần nhiều hội thảo và mô hình tuyên truyền pháp luật cho chị em phụ nữ, để họ hiểu hơn về quyền và lợi ích chính đáng của mình, từ đó xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc cho bản thân và xã hội” – đồng chí Nguyễn Văn Cường cho biết.

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Nga, Phó ban Chính sách luật pháp, Hội LHPN TP Hà Nội đã chia sẻ về mục đích, mục tiêu và các hoạt động của đề án 938 giai đoạn 2; kỹ năng điều hành hoạt động các mô hình và quy trình Hội LHPN các cấp tham gia giải quyết các vụ việc; lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gồm 5 bước: Tiếp cận thông tin, phân tích vụ việc, làm việc với cơ quan chức năng, phát ngôn, tư vấn, trợ giúp trong từng vụ việc, theo dõi, giám sát giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng…

Hội thảo, tập huấn cũng đã ghi nhận 8 ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu có vai trò chỉ đạo trong các lĩnh vực bình đẳng giới, tuyên truyền pháp luật và chủ nhiệm các mô hình tại cơ sở về thực trạng tính hiệu quả, thiết thực các mô hình tuyên truyền, tư vấn pháp luật, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tại cộng đồng và đề xuất giải pháp trong thời gian tới; thực trạng tình hình bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn và vai trò của Hội Phụ nữ tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em; đề xuất giải pháp tới các cơ quan chức năng và các cấp Hội tham gia hiệu quả giải quyết các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em kịp thời, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em, đồng thời chia sẻ công tác phối hợp với Hội PN trong tuyên truyền pháp luật, bảo vệ quyền, lợi hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em và đề xuất giải pháp phối hợp hiệu quả giữa Hội PN và các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, bởi đây là những thông tin quý báu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em trong các cấp Hội phụ nữ Hà Nội trong thời gian tới.

Theo đó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Hội, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị các cấp Hội cần nghiêm túc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội theo quy định pháp luật; thực hiện đúng các nguyên tắc và quy trình tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; thường xuyên và có các hình thức phù hợp để nắm bắt thông tin, tình hình tư tưởng hội viên đề phòng ngừa, phát hiện sớm các vụ việc kịp thời hỗ trợ; nắm bắt và báo cáo kịp thời các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em xẩy ra trên địa bàn cho Hội LHPN cấp trên để phối hợp các cơ quan tham gia hỗ trợ, giải quyết các vụ việc.

Đối với các mô hình, theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, các mô hình tuyên truyền pháp luật được triển khai từ nhiều năm qua đã có hiệu quả và tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới. Để tránh tính hình thức, những mô hình cần được tập trung vào nhu cầu và nguyện vọng của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn. Đối với mô hình hỗ trợ phụ nữ chủ động tham gia các vấn đề xã hội, trên cơ sở hướng dẫn của Hội LHPN thành phố và thực hiện kế hoạch của UBND thành phố, cần đánh giá hiệu quả hoạt động. Một số mô hình thực hiện hiệu quả cần được triển khai sâu rộng như mô hình nhà trọ an toàn ở huyện Đông Anh, làng quê an toàn ở huyện Phú Xuyên, thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em được xã hội hóa bằng nguồn lực của các tổ chức quốc tế, hội đồng tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội của phụ nữ và trẻ em…, phát huy vai trò của từng thành viên trong mô hình này để thực hiện nhiệm vụ chính trị chung.

Theo báo Phụ nữ Thủ đô điện tử 

Chiếm 50,2% tổng dân số của toàn tỉnh, phụ nữ Ninh Bình là một trong những lực lượng lao động nòng cốt của tỉnh (chiếm 47,3% tổng số lực lượng lao động). Vì vậy, làm thế nào để khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, phát huy vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống tốt đẹp, chủ động, sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình; nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, vị thế to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để  khẳng định vai trò, khả năng,  sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thích ứng và hội nhập trong xu thế phát triển, đòi hỏi phụ nữ phải nỗ lực nhiều mặt: có tri thức, có văn hóa, có kỹ năng sống tự lập, biết đối mặt với áp lực và vươn lên trước mọi khó khăn thử thách… 

Trước yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người phụ nữ đã và đang thực hiện hài hòa hai vai: việc nhà, việc nước để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa chăm lo hạnh phúc gia đình. Người phụ nữ hiện đại đã biết tổ chức cuộc sống và gắn kết sợi dây tình cảm của các thành viên gia đình; biết lấy các giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới làm cho gia đình và bản thân phát triển hơn và hạnh phúc hơn. 

Cũng chính nhờ phát huy tính năng động, sáng tạo mà phụ nữ có thể làm tốt hơn những thiên chức của mình như nuôi dưỡng, giáo dục con cái, bảo tồn và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau.

Với  những chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao. Phụ nữ Ninh Bình ngày càng tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội, chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động và có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.  

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân nữ phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy và bộ máy lãnh đạo, quản lý tăng. Tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025: cấp xã đạt 25,7% (tăng  5,68%);  cấp huyện đạt 26,8% (tăng 6,98%); cấp tỉnh đạt  16,6% (tăng  0,91%). Nhiệm kỳ 2021-2026: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 50% (tăng 33,3%); nữ  đại  biểu HĐND: cấp xã đạt 28,45% (tăng 3,45%); cấp huyện đạt 30,77% (tăng 0,27%); cấp tỉnh đạt 24% (tăng 4%).

Tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn những hạn chế cần phải được khắc phục trong vấn đề bình đẳng giới, nhất là về mặt tư tưởng, quan điểm trong xã hội, kể cả nam giới và nữ giới. Không chỉ có một bộ phận nam giới chưa nhận thức đúng đắn hoặc có thái độ không chấp nhận vai trò, vị trí của phụ nữ mà ngay chính bản thân nhiều phụ nữ cũng hiểu biết mơ hồ, từ đó có những thái độ lệch lạc và không thể có cách giải quyết đúng đắn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống có liên quan đến vai trò, vị trí về giới của mình. 

Nhiều phụ nữ ở nông thôn chỉ tập trung lao động và vun vén cho cuộc sống của mình, ở đây còn tồn tại những quan điểm cổ hủ về bất bình đẳng giới "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Điều này hạn chế sự phát triển của phụ nữ, họ không tự tin để gánh vác công việc của xã hội hay phát triển kinh tế. Vấn đề bạo lực gia đình vẫn đang diễn ra, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi cũng là một trong những yếu tố cản trở sự phát huy vai trò của phụ nữ trong đời sống.

Để phát huy vai trò của phụ nữ trên tất cả các mặt của đời sống xã hội cần hệ thống các giải pháp để tạo bước chuyển cơ bản, bền vững. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nữ, vấn đề bình đẳng giới cũng như triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ. 

Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về  bình đẳng giới, đặc biệt chú trọng đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; làm tốt việc tuyên truyền chống các hiện tượng kỳ thị, coi thường, bạo lực, thiếu tôn trọng phụ nữ. Để phụ nữ tự tin phát huy vai trò của mình trong đời sống xã hội thì trước tiên người phụ nữ cũng cần có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của mình, nhất là những người phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa luôn cho rằng mình là phái yếu không thể gánh vác các công việc của gia đình, xã hội.

Thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, tọa đàm, các chương trình tuyên truyền về vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ trong xã hội, giúp mọi người dân hiểu rõ được tầm quan trọng và nâng cao tính tự tin để phụ nữ cống hiến cho xã hội; tổ chức các giải thưởng, khen thưởng cho những phụ nữ ưu tú trong thực hiện công tác xã hội, phát triển kinh tế. Việc tuyên dương sẽ góp phần to lớn cổ vũ tinh thần, sự tự tin của người phụ nữ trong xã hội, từ đó dám nghĩ, dám làm và thấy được vai trò của mình đủ sức gánh vác và thực hiện tốt những công việc như nam giới trong xã hội.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ được tiếp cận các thành tựu khoa học kỹ thuật; giúp đỡ phụ nữ học tập, công tác và tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa. Huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị để phát huy ngày càng rõ nét vai trò của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội…

Bùi Quang