Phân tích các nguyên tắc chúng trong quảng cáo

Chúng ta có thể sáng tạo trong việc đưa ra thông điệp, viết lời quảng cáo, chọn kênh truyền thông, chọn nhóm khách hàng mục tiêu,… Sáng tạo trong quảng cáo còn là cách lựa chọn các tình huống, các cốt truyện, các cách thể hiện mẫu quảng cáo về màu sắc, hình ảnh, nội dung… nhằm chuyển biến một mẫu quảng cáo theo kỹ thuật thông thường thành một mẫu “Quảng cáo sáng tạo”. Một “Quảng cáo sáng tạo” phải khêu gợi sự tò mò, thu hút sự chú ý và qua đó khéo léo gắn với thương hiệu (hay sản phẩm), tạo ấn tượng mạnh và thuyết phục người xem. Từ đó, họ phải nhớ tới thương hiệu mỗi khi có nhu cầu sử dụng sản phẩm.

“Chiến lược sáng tạo” là không thể thiếu để xây dựng nên một “Quảng cáo sáng tạo”.

Trước tiên hãy tìm hiểu quy trình của một chiến lược sáng tạo.

“Bản chất của sáng tạo là sắp xếp những cái đã biết theo cách chưa hề có trước đó.”

Khi sáng tạo là bạn đang dùng những dữ liệu có được, rồi phân tích, suy luận, sắp xếp những thông tin, những khái niệm đã biết theo một cách mới và so sánh kết quả của sự sắp xếp xem có thỏa mãn được những yêu cầu sáng tạo hay không.

2. Quy trình sáng tạo

Có nhiều quy trình sáng tạo được đưa ra tùy từng doanh nghiệp, còn theo James Webb Young nêu ra trong cuốn “A Technique for Producing Ideas”, quy trình sáng tạo gồm năm bước:

Bước 1: Xác định mục tiêu sáng tạo

Luôn là bước quan trọng định hướng cho những chiến lược được vạch ra về sau. Ở bước này cần liệt kê các lý do cụ thể và đầy đủ bằng cách trả lời các câu hỏi như: Tại sao lại phải sáng tạo? Cần đạt được điều gì từ quy trình sáng tạo này? Ai là người chúng ta cần tác động tới? Họ đang nghĩ gì? Chúng ta muốn họ thay đổi suy nghĩ ra sao?

Bước 2: Thu thập thông tin

Phân tích các nguyên tắc chúng trong quảng cáo
Dữ liệu là thứ không thể thiếu để tiến hành phân tích, xử lý. Các dữ liệu cần tìm liên quan tới khách hàng mục tiêu, thị trường mục tiêu, ngành hàng mục tiêu, các đối thủ cạnh tranh, giá cả, kênh phân phối, cách quảng cáo cho ngành hàng,… Có thể thu thập thông tin qua các đợt nghiên cứu thị trường, nghiên cứu thảo luận nhóm, phỏng vấn người tiêu dùng. Một số thông tin cũng có thể có được bằng việc tổng hợp dữ liệu thứ cấp từ internet, báo chí…

Bước 3: Phân tích thông tin thu được và tiến hành công việc sáng tạo bằng quy tắc S.M.I.L.E.

Đưa ra định hướng sáng tạo từ các mong muốn tiềm ẩn của người tiêu dùng (Consumer’s Insight), chọn kỹ thuật quảng cáo. Bước này thực chất là một quy trình lặp đi lặp lại các bước:

Suy nghĩ sáng tạo của cá nhân người viết quảng cáo (phân tích thông tin và xem xét các yêu cầu, tham khảo các mẫu quảng cáo sáng tạo của thế giới, vận dụng các kỹ thuật linh hoạt ý tưởng (Kick – start technique)). Giai đoạn này cần tìm mọi cách tạo cảm hứng ở mức cao nhất, kích thích trí tuệ để bật ra được các ý tưởng độc đáo nhất.

Tiến hành Brainstorming. Các ý tưởng của các cá nhân sẽ được đưa ra bàn bạc và phát triển tiếp tục trong các buổi brainstorm với nhiều thành viên. Đây là cách hiệu quả để có được những ý tưởng thuyết phục.

“Bản chất của sáng tạo là sắp xếp những cái đã biết theo cách chưa hề có trước đó.”

Khoảng 3 hoặc 4 ý tưởng giá trị nhất sẽ được lựa chọn ra dựa theo các yêu cầu của Bản Yêu Cầu Sáng Tạo và quy tắc S.M.I.L.E.

Quy tắc S.M.I.L.E  là viết tắt của các từ Simple – Memorable – Interesting – Link to brand – Emotional involving & liked.

Một mẫu quảng cáo tốt phải đáp ứng được các yếu tố S.M.I.L.E, tức là đáp ứng 5 yêu cầu sau đây:

– Sự đơn giản – SIMPLE

Nội dung quảng cáo phải đơn giản. Chỉ có một thông điệp, một ý duy nhất. Một quảng cáo đơn giản là cách tốt nhất để khách hàng nhớ được chúng ta. Trong ngành quảng cáo, nếu không biết ý nghĩa của từ : “Single-Minded Idea – Chỉ một ý duy nhất” thì sẽ rất khó để làm được một mẫu quảng cáo cho ra hồn. Thông điệp duy nhất của quảng cáo phải nói lên được sự khác biệt vượt trội của sản phẩm – tức định vị thương hiệu.

Ngoài tiêu chí “Một ý duy nhất”, trong ngành quảng cáo còn một yêu cầu quan trọng là “Minimalism” – Càng đơn giản càng tốt – tức là giản dị hết cỡ. Bạn có thể thấy có những cái cực kỳ đơn giản nhưng hàm chứa sức mạnh khủng khiếp – ví dụ như cây thánh giá của đạo công giáo, quốc kỳ của một dân tộc, logo của một thương hiệu, câu khẩu hiệu của một công ty,… Sức mạnh của thông điệp nằm ở chỗ mẫu quảng cáo càng đơn giản thì hiệu quả truyền tải thông điệp càng mạnh.

Ví dụ mẫu quảng cáo của tạp chí The Economist. Đây là tạp chí dành cho dân kinh doanh thứ thiệt. Nội dung của câu tiêu đề thể hiện rất sốc: “Tôi không bao giờ đọc tạp chí The Economist” – phát biểu của một nhân viên tập sự làm quản lý – 42 tuổi.

Vừa mới nhìn qua, mẫu quảng cáo không khỏi khiến người ta ngạc nhiên: “Tại sao bản thân tờ tạp chí lại nêu lên câu phát ngôn chống lại chính mình như vậy?” – Câu trả lời: “Nếu anh đã 42 tuổi rồi mới được làm tập sự quản lý. Vậy là rõ rồi – vì anh không bao giờ đọc The Economist – thảo nào giờ đây lớn tuổi mới chỉ được làm tập sự viên. Nếu ngày xưa mà đọc The Economist thì giờ này chắc đã khác rồi”. Quả là một quảng cáo cực kì đơn giản và thông minh!

– Ấn tượng và khác biệt – MEMORABLE

Mẫu quảng cáo phải ấn tượng, khác biệt với các quảng cáo khác. Quảng cáo Ấn Tượng là giải pháp duy nhất cho tình trạng quá thừa thông tin hiện nay, người tiêu dùng luôn có khuynh hướng bỏ qua những hình ảnh, các câu chữ bình thường. Quảng cáo Ấn Tượng sẽ có sức mạnh “Stopping Power” bắt người xem phải chăm chú vào nội dung quảng cáo để nhận các thông tin mà mẫu quảng cáo muốn truyền tải.

Phân tích các nguyên tắc chúng trong quảng cáo
Trên đây là mẫu quảng cáo rùng rợn cho tạp chí chuyên ngành của dân làm quảng cáo & tiếp thị: “Campaign Brief Asia”. Trong ngành quảng cáo, mọi người thường ví von ý tưởng giống như những chiếc bóng đèn luôn tỏa sáng. Mặt khác, những ý tưởng vĩ đại thường được gọi là The Killer Idea – tức ý tưởng chết người. Mẫu quảng cáo trên thể hiện một thông điệp rằng: “Trong tạp chí của chúng tôi luôn có hàng đống Killer Ideas. Nếu bạn mà xem tạp chí của chúng tôi thì hãy cẩn thận, bởi những ý tưởng chết người đó có thể “kill” bạn”. Mẫu quảng cáo này đoạt được rất nhiều giải thưởng của các cuộc thi quảng cáo quốc tế.

Do khác biệt về văn hoá, cần chú ý đến mức độ chấp nhận quảng cáo của khách hàng. Các ý tưởng quá sốc có thể sẽ gây ra tai nạn cho nhãn hiệu được quảng cáo.

– Thể hiện một cách lôi cuốn và hấp dẫn các thông tin quảng cáo – INTERESTING

Khi xem một quảng cáo hay, người tiêu dùng sẽ thích thú ghi nhận và nhớ rất lâu. Thậm chí họ còn kể lại cho nhiều người khác. Điểm quan trọng là quảng cáo phải làm họ nhớ được các thông tin phù hợp với hình ảnh, tính cách cùng với định vị nhãn hiệu. Nếu thông tin quảng cáo không phù hợp có nghĩa là chúng ta đang phí tiền.

– Kết nối được với nhãn hiệu – LINK TO BRAND

Quảng cáo chỉ đạt hiệu quả khi mà người xem còn nhớ được nhãn hiệu sau khi xem. Cách thể hiện nhãn hiệu phải rõ ràng và theo đúng các qui định về màu sắc đặc trưng, kích cỡ, vị trí của logo, của sản phẩm, của người sử dụng sản phẩm. Các biểu tượng và các nhân vật đại diện cho nhãn hiệu thường dễ tạo được ấn tượng và làm cho người tiêu dùng liên tưởng tới nhãn hiệu nhanh nhất. Cách dùng sản phẩm làm điểm nhấn, làm tiêu điểm của quảng cáo sẽ giúp tạo cho mọi người không thể quên được nhãn hiểu, như quảng cáo dưới đây.

Phân tích các nguyên tắc chúng trong quảng cáo
Đây là một chương trình quảng cáo với 3 mẫu quảng cáo khác nhau nhưng cùng một cách thể hiện của FedEx. Trọng tâm của mẫu quảng cáo chính là các gói sản phẩm – người xem quảng cáo sẽ bắt buộc phải nhớ, không thể quên được.

– Tác động vào cảm xúc – EMOTIONAL INVOLVING & LIKED

Phải tạo được cảm xúc nơi người xem. Mỗi người bình thường đều cảm nhận sự vật qua cảm tính và lý tính (theo bản năng và lý trí). Vì cảm xúc là lý do chính quyết định sự lựa chọn nhãn hiệu. Do vậy, quảng cáo không chỉ cần tác động vào mặt lý tính mà còn phải tạo được cảm xúc nơi người xem.

Cảm xúc thường được cảm nhận qua hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc giác và các thông điệp, các câu chuyện. Một quảng cáo tạo cảm xúc phải gây được tác động vào các giác quan, kích hoạt được trí tưởng tượng của người xem.

Hãy xem thêm một mẫu quảng cáo thể hiện các cảm xúc nóng bỏng của một loại mì ăn liền.

Bước 4: Thực hiện lựa chọn các ý tưởng

Việc chọn lựa này sẽ được tiến hành thông qua buổi họp CRC (Creative Review Committee). Dựa trên quy tắc đánh giá quảng cáo SMILE để chọn ra ý tưởng đáp ứng và đúng các điều kiện nêu trong bản yêu cầu sáng tạo.

Bước 5: Thể hiện các ý tưởng ra giấy để trình bày với khách hàng

Các ý tưởng phù hợp sẽ được phác thảo ra thành một mẫu quảng cáo báo hoặc thành một phác thảo kịch bản phim quảng cáo. Các mẫu phác thảo này sẽ được giới thiệu cho khách hàng trong một buổi trình bày ý tưởng.

  • >> Theo dõi Blog tin tức  – Kênh thông tin về Quảng cáo ngoài trời, Thương hiệu, Marketing, Truyền thông để đón đọc những bài viết mới nhất.

    Nếu bạn có nhu cầu thực thi các chiến dịch quảng cáo ngoài trời, liên hệ với Unique ngay hôm nay để được tư vấn và nhận báo giá!!!

  • *Nguồn: Chiến lược Marketing